Thu hồi đất và bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất?

Khi thuộc trường hợp thu hồi đất nhận quyết định của các cơ quan có thẩm quyền thì tiến hành theo trình tự thủ tục như như thế nào? khi có thiệt hại thì bồi thường xử lý ra sao? sẽ được tư vấn và phân tích cụ thể

1. Khái niệm thu hồi đất.

Theo quy định tại khoản 11 điều 3 Luật đất đai 2013 quy định.

Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai.

Theo điều 16 Luật đất đai 2013 quy định về nhà nước thu hồi đất trong các trường hợp sau đây.

Điều 16. Nhà nước quyết định thu hồi đất, trưng dụng đất

1. Nhà nước quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:

a) Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;

b) Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai;

c) Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.

2. Nhà nước quyết định trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai.

Ngoài ra Luật đất đai còn quy định rõ  trường hợp thu hồi đất mà không bổi thường (Điều 82); việc thu hồi đất và quản lí quỹ đất đã thu hồi (Điều 68) và bồi thường tái định cư cho người có đất bị thu hồi (Điều 74) nhằm không những bảo đảm lợi ích của Nhà nước, của xã hội mà còn bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người sử dụng đất, giúp họ nhanh chóng ổn định cuộc sống. Việc thu hồi đất chuyển từ cơ chế hành chính (do Uỷ ban nhân dân các cấp hay còn gọi là cơ quan công quyền thực hiện) sang cơ chế kinh tế (do Tổ chức phát triển quỹ đất hay còn gọi là tổ chức kinh tế thực hiện) phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường. Bên cạnh việc thu hồi đất, Nhà nước còn tiến hành việc trưng dụng đất có thời hạn trong trường hợp có nhu cầu khẩn cấp của chiến tranh, thiên tai hoặc trong tình trạng khẩn cấp khác (Điều 72).

 

2. Thẩm quyền thu hồi đất.

thẩm quyền thu hồi đất được quy định rất cụ thể:

 Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:

– Thu hồi đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

– Thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.

 Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:

– Thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư;

– Thu hồi đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Trường hợp trong khu vực thu hồi đất có cả đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất. (Điều 66).

 

3. Trình tự  thu hồi đất.

Thứ nhất phải xác định chủ trương thu hồi đất và chuẩn bị hồ sơ địa chính.

Thứ hai trình chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng.

Thứ ba xây dựng, phê duyệt kế hoạch thu hồi đất; giao nhiệm vụ lập, thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư: Trung tâm Phát triển quỹ đất phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện dự thảo kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm để Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

Thứ tư thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư: căn cứ kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm; căn cứ quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án.

Thứ năm thông báo thu hồi đất

Thứ sáu hoàn chỉnh, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư; quyết định thu hồi đất: Trung tâm Phát triển quỹ đất hoặc Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có trách nhiệm lập phương án phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và phối hợp với Ủy ban nhân dân xã tổ chức lấy ý kiến về phương án (tổ chức họp trực tiếp với người dân và lập biên bản có xác nhận của đại diện Ủy ban nhân dân xã, đại diện Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam cấp xã, đại diện những người có đất thu hồi; niêm yết công khai phương án tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, địa điểm sinh hoạt chung).

Thứ bảy Đăng ký kế hoạch vốn hàng năm: Trung tâm Phát triển quỹ đất (Phòng Kế toán – Tài chính) đăng ký kế hoạch vốn hàng năm với Sở Kế hoạch và Đầu tư trình Ủy ban nhân dân thành phố giao kế hoạch vốn (trên cơ sở danh sách dự kiến chi bồi thường, giải phóng mặt bằng trong năm của Ủy ban nhân dân quận, huyện).

Cuối cùng tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư theo phương án được duyệt:

 Trình tự thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai như sau:

  1. Lập biên bản về hành vi vi phạm để làm căn cứ quyết định thu hồi đất
  2. Ban hành quyết định thu hồi đất: Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm thẩm tra, xác minh thực địa khi cần thiết, trình UBND cùng cấp quyết định thu hồi đất.
  3. Triển khai thu hồi đất và xử lý phần giá trị còn lại đã đầu tư vào đất hoặc tài sản gắn liền với đất (nếu có)
  4. Quản lý quỹ đất, đấu giá quyền sử dụng đất.

Thứ ba, trình tự thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người :

Tổ chức sử dụng đất chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất; người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất thì gửi thông báo hoặc văn bản trả lại đất và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đến cơ quan Tài nguyên và Môi trường;

Cơ quan ban hành quyết định giải thể, phá sản gửi quyết định giải thể, phá sản đến Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có đất thu hồi;

UBND cấp xã nơi thường trú của người sử dụng đất chết mà không có người thừa kế có trách nhiệm gửi Giấy chứng tử hoặc quyết định tuyên bố một người là đã chết và văn bản xác nhận không có người thừa kế đến Phòng Tài nguyên và Môi trường nơi có đất thu hồi.

Ban hành quyết định thu hồi đất

Triển khai thu hồi đất, quản lý, đấu giá quyền sử dụng đất.

 

4. Cưỡng chế thu hồi đất.

Căn cứ Điều 71 Luật Đất đai 2013, cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất khi có đủ các điều kiện sau:

  • Người có đất thu hồi không chấp hành quyết định thu hồi đất sau khi đã được vận động, thuyết phục;
  • Quyết định cưỡng chế đã được niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi;
  • Quyết định cưỡng chế đã có hiệu lực thi hành;
  • Người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế.

Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành và tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất.

 

4. Quy định về bồi thường thiệt hại thu hồi đất.

không phải trường hợp nào thu hồi đất cũng được bồi thường. Chẳng hạn như người sử dụng vi phạm pháp luật đất đai. Theo quy định tại Điều 74 Luật đất đai 2013 thì việc bồi thường về đất được thực hiện theo nguyên tắc sau:

1.    Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 của Luật này thì được bồi thường.

2.    Việc bồi thường được thực hiện bàng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.

3.    Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.

người sử dụng đất đảm bảo các điều kiện về loại đất mà mình đang sử dụng, về chứng nhận quyền đối với đất đó. Nếu không đảm bảo các điều kiện theo pháp luật quy định thì người sử dụng đất không được bồi thường. Theo đó chỉ bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh ; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Còn thu hồi đất trong những trường hợp còn lại sẽ không được bồi thường. Điều kiện để người sử dụng đất được bồi thường quy định của thể trong Điều 75 Luật đất đai 2013:

Đất đang sử dụng bị thu hồi mà chủ thể sử dụng đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì được bồi thường. Việc bồi thường thiệt hại về đất và tài sản có trên đất là hậu quả pháp lí của việc thu hồi đất của Nhà nước. Vì vậy, nhà nước phải có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo và chí trả các khoản bồi thường thiệt hại để người bị thu hồi đất ổn định cuộc sống, được bù đắp các thiệt hại vật chất một cách công bằng và đúng pháp luật. Chủ thể bị thu hồi đất nào thì được bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng, nếu không có đất bồi thường thì được bồi thường bằng giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm có quyết định thu hồi.

Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh lập và thực hiện các dự án tái định cư trước khi thu hồi để bồi thường bằng nhà ở, đất ở cho những người bị thu hồi đất ở phải di chuyển chỗ ở. Khu tái định cư được quy hoạch chung cho nhiều dự án trên cùng một địa bàn và phải có điều kiện phát triển bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Trường hợp không có khu tái định cư thì người bị thu hồi đất được bồi thường bằng tiền và được ưu tiên mua hoặc thuê nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước đối với khu vực đô thị, bồi thường bằng đất ở đối với khu vực nông thôn. Trường hợp giá trị quyền sử dụng đất ở bị thu hồi lớn hơn đất ở được bồi thường thì người bị thu hồi đất được bồi thường bằng tiến đối với phần chênh lệch đó. Trường hợp thu hồi đất của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất mà không có đất bồi thường để tiếp tục sản xuất thì ngoài việc được bồi thường bằng tiền, người bị thu hồi đất còn được Nhà nước hỗ trợ để ổn định đời sống, đào tạo chuyển đổi ngành nghề, bố trí việc làm mới.

Việc bồi thường về đất phải được thực hiện dựa trên ba nguyên tắc nêu trên, nếu vi phạm các nguyên tắc đó, việc bồi thường trái với quy định của pháp luật. Nếu việc bồi thường trái pháp luật gây ảnh hưởng đến lợi ích của mình, người sử dụng đất có quyền khiếu nại với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để bảo vệ quyền lợi.