Thu hồi đất – khái niệm và những quy định của pháp luật 2022
Thông thường chúng ta sẽ hiểu việc thu hồi đất là việc Nhà nước lấy lại đất. Vậy pháp luật quy định như thế nào về việc thu hồi đất, hãy theo dõi bài viết dưới này để nắm kĩ hơn thông tin nhé!
Mục Lục
Quy định về thu hồi đất
Như vậy khi thu hồi đất dẫn đến hậu quả pháp lí là chấm dứt quyền sử dụng đất của người sử dụng đất.
Mục đích của việc thu hồi đất:
- Thứ nhất, nhằm bảo vệ quyền sử dụng đất của nhà nước khi người sử dụng đất có hành vi vi phạm luật đất đai có khả năng gây tổn hại đến tài sản nhà nước.
- Thứ hai, thu hồi đất để điều phối đất đai khi nhà nước cần điều chỉnh lại việc sử dụng đất về mục đích, chủ thể sử dụng theo quy hoạch, mục đích sử dụng đất.
Khái niệm thu hồi đất
Trước đây, Luật Đất đai năm 1987 và Luật Đất đai năm 1993 đã đề cập vấn đề thu hồi đất nhưng chưa định nghĩa rõ thế nào là thu hồi đất mà chỉ nêu ra các trường hợp bị thu hồi đất cụ thể tại Điều 14 Luật Đất đai năm 1987 và Điều 26 Luật Đất đai năm 1993.
Đến khi Luật Đất đai năm 2003 ra đời, tại khoản 1 Điều 4 quy định: “Thu hồi đất là việc Nhà nước ra quyết định hành chính để thu lại quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất đã giao cho tổ chức, UBND xã, phường hoặc thị trấn quản lý theo quy định của Luật này”.
Dù có sự sửa đổi, điều chỉnh và bổ sung khái niệm thu hồi đất, tuy nhiên cách giải thích thuật ngữ này còn chưa thực sự xác đáng bởi nó dẫn đến cách hiểu rằng người sử dụng đất bị thu hồi chỉ là tổ chức hay UBND xã, phường hoặc thị trấn, trong khi theo quy định pháp luật, người sử dụng đất bị thu hồi còn có thể là hộ gia đình hoặc cá nhân sử dụng đất đây mới là chủ thể phổ biến bị thu hồi đất.
Việc thu hồi đất và bồi thường của Nhà nước đã được ghi nhận trong Hiến pháp là đạo luật gốc. Trên cơ sở đó, khoản 11 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 nêu rõ thu hồi đất là “Việc mà Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được Nhà nước cho trao quyền sử dụng đất hay thu lại đất của người vi phạm luật đất đai”.
Các trường hợp bị thu hồi đất
Căn cứ theo Điều 16 Luật Đất đai năm 2013 thì Nhà nước quyết định thu hồi đất trong những trường hợp:
- Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;
- Thu hồi đất do người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai;
- Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất hoặc có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.
Thứ nhất, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng
Luật Đất đai năm 2013 đã quy định rõ ràng, cụ thể và chặt chẽ hơn các trường hợp mà Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Bên cạnh đó, Bộ Luật cũng đã thu hẹp những trường hợp thu hồi đất tóm gọn bằng: “Thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, công cộng”.
Điều 61 và Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 quy định những trường hợp cụ thể mà Nhà nước cần thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh hay thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng như thu hồi đất làm căn cứ quân sự, xây dựng công trình phòng thủ quốc gia, thu hồi đất vì thực hiện các dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận,…Cần phải hiểu rõ rằng, việc thu hồi đất đang có người sử dụng nhưng không do lỗi của họ mà là để phục vụ cho mục đích của Nhà nước, cộng đồng và xã hội.
Nhà nước cần phải hết sức cẩn trọng khi thu hồi đất, cân đối giữa cái được và cái mất khi thu hồi đất để thực hiện dự án, chỉ thu hồi đất trong những trường hợp thật sự cần thiết và cần phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ về quy trình, thủ tục của việc thu hồi đất cũng như phương án bồi thường thoả đáng cho người bị thu hồi đất. Đây là việc mà Luật Đất đai năm 2013 mong muốn bằng việc ghi nhận những quy định đổi mới so với Luật Đất đai cũ, mục đích khắc phục những bất cập trong thực tiễn thu hồi đất thời gian qua.
Thứ hai, thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai
Thực tiễn cho thấy rằng vi phạm pháp luật đất đai là hiện tượng phổ biến xảy ra với sự đa dạng và phức tạp về tính chất. Những trường hợp cụ thể thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai, bao gồm:
- Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao hoặc cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm;
- Người sử dụng đất cố ý huỷ hoại đất được Nhà nước giao;
- Đất được giao hoặc cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền;
- Đất không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của Luật này mà nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho;
- Đất được Nhà nước giao để quản lí mà để bị lấn, chiếm, hư hỏng; …
Việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai phải căn cứ vào các văn bản, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi vi phạm pháp luật đất đai.
Thứ ba, thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.
Các trường hợp thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người được quy định tại Điều 65 Luật Đất đai năm 2013, bao gồm:
- Một là, tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất hay được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước bị giải thể, phá sản hoặc chuyển đi nơi khác hoặc giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất;
- Hai là, người sử dụng đất thuế của Nhà nước trả tiền thuê đất hàng năm bị giải thể, phá sản hoặc chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất;
- Ba là, cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế;
- Bốn là, người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất;
- Năm là, đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn nhưng không được gia hạn;
- Sáu là, đất ở trong khu vực bị ô nhiễm môi trường có nguy cơ đe dọa tính mạng con người;
- Bảy là, đất ở có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người.
Bạn lo lắng về việc sẽ bị thu hồi đất? Cùng tìm hiểu ngay quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất qua những thông tin của những đảm bảo cho người sử dụng đất
Bồi thường thiệt hại do thu hồi đất là gì?
Bồi thường thiệt hại do thu hồi đất là bù đắp thiệt hại về vật chất cho người sử dụng đất trong trường hợp đất bị thu hồi về mục đích khác do lợi ích quốc gia, công cộng. Tuy nhiên không phải tất cả các trường hợp nào bị thu hồi đất, chủ thể đang sử dụng đất thu hồi đất sẽ được bồi thường. Các trường hợp chủ thể sử dụng đất vi phạm pháp luật đất đai như sử dụng đất không đúng mục đích Nhà nước giao,… sẽ không được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Nhà nước phải có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo và chi trả các khoản bồi thường thiệt hại để người bị thu hồi đất mau chóng ổn định cuộc sống, được bù đắp các thiệt hại vật chất một cách công bằng, công tâm và đúng quy định pháp luật.