Thu hoạch tiêu bằng… vòi xịt nước
, Trồng và Chăm sóc Tiêu,
Lần đầu tiên một nhà vườn ở huyện Thống Nhất (Đồng Nai) đã nghiên cứu sáng tạo ra phương pháp thu hoạch tiêu bằng vòi xịt nước, thay cho kiểu thu hoạch tiêu thủ công truyền thống. Với ý tưởng độc đáo này đã giúp cho nhà vườn thu hoạch tiêu rất hiệu quả, giảm được công lao động và hạn chế được rủi ro tai nạn lao động…
Rải lưới vườn tiêu
Người có ý tưởng nghiên cứu ra phương pháp thu hoạch tiêu độc đáo này chính là nông dân Võ Văn Thành, chủ vườn tiêu ở ấp Hưng Hiệp, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất. Có mặt tại vườn tiêu của gia đình anh Thành vào thời điểm này chúng tôi chứng kiến vợ chồng anh đang tất bật cả ngày ngoài vườn để chuẩn bị ít bữa nữa sẽ vào mùa thu hoạch tiêu.
Gặp chúng tôi, anh Thành hào hứng khoe: “Các anh thấy vườn tiêu nhà tôi có lạ mắt không, lưới vây quanh gốc tiêu, rải khắp mặt vườn thế này thì chẳng sợ rơi vãi đâu mất hạt tiêu nào nhá. Ít bữa nữa các anh xuống đây xem tôi thu hoạch tiêu bằng phương pháp mới nhanh gọn lẹ lắm!”. Quan sát toàn bộ vườn tiêu nhà anh Thành lúc này thấy anh đã rải kín lưới dưới những gốc cây tiêu đang chíu chít trái từ gốc lên tận ngọn sắp đến ngày thu hoạch.
Về sáng kiến thu hoạch tiêu bằng phương pháp mới, anh Thành cho biết, đây là kinh nghiệm thực tế qua nhiều năm làm vườn và quá trình anh đi tham quan tìm hiểu các mô hình vườn ở nhiều địa phương nên đã nảy ra ý tưởng và bắt đầu về mày mò nghiên cứu, điều chỉnh dần cho hiệu quả nhất. Chờ đến thời điểm vườn tiêu ra trái, anh Thành tính toán khoảng cách các hàng nọc tiêu trong vườn rồi lên TP.HCM tìm mua gần 5.000 mét lưới dài, hết 32 triệu đồng đem về rải kín dưới gốc tiêu và chỉ chờ đến ngày thu hoạch.
Nhặt những chùm tiêu chín rụng xuống mặt lưới quanh gốc tiêu anh Thành nói như khoe: “Những mùa trước khi thu hoạch mình còn phải tìm nhặt từng trái tiêu rụng lẫn vào đất dưới mặt vườn, mất công tìm nhặt cũng không xuể nên bị thất thoát nhiều lắm. Còn bây giờ anh thấy đã không, những chùm tiêu chín trước rụng xuống chúng vẫn nằm gọn trên lưới sạch sẽ chẳng văng đi đâu mất trái nào, vậy là mình hốt được hết ráo”.
Theo sáng kiến của anh Thành, khi đến ngày thu hoạch tiêu đã chín rộ, anh chỉ cần nổ máy bơm áp lực rồi gắn vòi nước xịt rửa xe với 1 cây gậy dài kéo ra vườn xịt xung quanh cây tiêu khiến những chùm tiêu, trái tiêu chín đều rụng hết xuống mặt lưới. tuy nhiên, nhà vườn cũng chẳng lo bị tốn nhiều nước như tưới cây. Sau đó chỉ cần cuộn lưới thu lấy trái tiêu đem về sân phơi rất nhanh gọn. hơn nữa với cách xịt nước mạnh như vậy khiến cho những lá tiêu vàng, già bên trong cũng rụng theo giúp cho nọc tiêu càng thông thoáng tạo điều kiện đến mùa sau cây tiêu ra bông nhiều hơn.
Một vòi xịt bằng 40 công hái/ngày
Anh Võ Văn Thành cho biết, vườn tiêu nhà anh có diện tích khoảng 2 ha, trồng được 800 nọc tiêu (đã 10 năm tuổi) chủ yếu là giống Trâu Lai (chiếm 70%), còn lại là giống Vĩnh Linh. Tuy nhiên, những mùa trước mới chỉ có 600 nọc tiêu đang cho thu hoạch được khoảng 4 tấn tiêu hạt. Còn năm nay thực tế vườn tiêu đang độ “sung” thế này anh ước sẽ thu được khoảng 6 tấn hạt vì thời tiết thuận, những nọc tiêu nhỏ nay cũng bắt đầu đến ngày hái quả.
Để chứng minh hiệu quả thực tế, anh Thành cho biết : Ngoài những tấm lưới đã rải sẵn xuống vườn từ trước, anh sử dụng thêm tấm lưới di động để khi thu hoạch đến đâu kéo lưới theo hứng tiêu rụng đến đó. Với 600 nọc tiêu trong vườn, như mọi năm gia đình anh phải mướn nhân công thu hoạch trong 2 tháng mới xong dứt điểm. Trung bình cứ mỗi tấn tiêu sẽ tốn khoảng 80 công hái, như vậy năm nay với 800 nọc tiêu thì sẽ mất khoảng 480 công hái (với giá mướn nhân công 90.000đ/công), gia đình anh sẽ phải trả 45 triệu đồng.
Tuy nhiên, vụ tiêu này khi bắt đầu áp dụng hình thức thu hoạch mới, anh Thành chỉ cần chờ đến ngày tiêu chín rộ, mướn hai lao động kéo vòi xịt nước ra vườn để thu hoạch tiêu sẽ đạt hiệu quả bằng 40 công hái/ngày. Như vậy, sẽ giảm được trên 80% chi phí nhân công lao động và chỉ cần sau vụ đầu tiên với khoản tiền lời, gia đình anh Thành sẽ kéo lại vốn đầu tư mua lưới. Nhưng nếu hái tiêu theo phương pháp thủ công truyền thống thì phải bắc thang khiến cho dây tiêu rất dễ bị dập nát, chưa kể khi leo cao nguy cơ bị té.
Trao đổi với PV NNVN, ông Nguyễn Thanh Phước, Chủ nhiệm CLB làm vườn huyện Thống Nhất cho biết: Thực tế chỉ quanh địa bàn huyện đã có không ít những vụ tai nạn gãy tay, chân, thậm chí còn bị thiệt mạng do leo cao hái tiêu bị té ngã. Cụ thể như trường hợp thương tâm của hộ ông Nguyễn Thanh Phụng, ấp Hưng Hiệp, vợ ông do cố leo cao để hái tiêu trên ngọn nên đã bị trượt chân té thiệt mạng. Do phải trả giá quá đắt, ngay sau đó ông Phụng đã đốn toàn bộ vườn tiêu. Hay trường hợp của ông Hoàng Văn Hồng (ấp Hưng Hiệp), ông Lê Văn Thành (ấp Hưng Thạnh)… cũng vì hái tiêu mà bị té mang thương tật suốt đời.
Do vậy, với sáng tạo độc đáo của anh Thành thực sự là một giải pháp mới giúp cho các nhà vườn trồng tiêu sẽ có được phương pháp thu hoạch tiêu hiệu quả nhất, tiết kiệm được nhiều mặt.
“Nếu vẫn giữ phương pháp hái tiêu truyền thống sẽ mất nhiều công lao động và phải thu hoạch theo kiểu cuốn chiếu khiến tỉ lệ thất thoát rất lớn (khoảng 20%), chưa tính lượng trái tiêu rơi vãi bên ngoài. Do vậy, với 6 tấn tiêu sẽ bị hao hụt khoảng 1,5 tấn hạt tiêu, chỉ tính theo giá thị trường (90.000 đ/kg hạt tiêu) thì đã mất đứt 135 triệu đồng”, anh Thành tính toán.
Minh Vương
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam