Thu hoạch mủ cao su
0334535069 – 0938894946
VI
- VI
- EN
-
Trang chủ
-
Sản phẩm
-
Giới thiệu
-
Science Of Business
-
Liên hệ
-
TỔNG HỢP SẢN PHẨM
Trang chủ
Kỹ thuật Nông Nghiệp
Thu hoạch mủ cao su
Thu hoạch mủ cao su
THU HOẠCH MŮ
Sau giai đoạn khá dài để kiến thiết cơ bản, tiếp theo là giai đoạn kinh doanh. Nếu trồng trọt đúng qui cách, chăm sóc tốt, phân tro đầy đủ thì sau năm thứ 5, trễ lắm là năm thứ 6, vườn Cao su đã hết thời kỳ kiến thiết cơ bản.
Ngược lại, nếu vườn Cao su thiếu sự đầu tư, hay đầu tư không đúng mức, chăm sóc kém thì giai đoạn kiến thiết cơ bản còn phải lùi lại một vài năm, hoặc hơn nữa.
Thường thì vườn Cao su hội đủ tiêu chuẩn đưa vào cạo mủ khi xét thấy trên 50% số cây đạt tiêu chuẩn vành ở mức 50cm, ở vị trí cách chân voi l m.
Với những cây đạt tiêu chuẩn thì đúng thời vụ là mở miệng cạo, đợt một vào tháng 3, tháng 4, tức cạo trước. Những cây mở miệng cạo đợt hai vào tháng 10 là những cây đạt tiêu chuẩn kế đó. Với những cây yếu sức thì phải lùi thêm một hai năm sau đó mới tới lúc mở miệng cạo tiếp.
Điều đó cho thấy cây trong lô dù được chăm sóc như nhau, đầu tư công của như nhau, nhưng sự sinh trưởng của chúng khó đạt được mức đồng đều, lắm khi có sự chênh lệch quá lớn.
Thu hoạch mủ là điều mong mỏi chờ đợi suốt nhiều năm của chủ vườn. Trước khi bắt tay vào việc khai thác mủ, ta cũng nên tìm hiểu sơ qua tính chất các loại mủ Cao su ra sao:
• Mủ latex: là mủ Cao su nước do những mạch mủ chứa trong lớp da lụa chảy ra, trong đó chứa khoảng 40% chất cao su, phần còn lại là nước và một số chất khác.
• Mủ chén: Còn gọi là mủ tạp, là lượng mủ tiếp tục chảy vào chén (không nhiều) sau khi đã trút mủ latex.
• Mủ dây: Là mủ đóng thành sợi đóng trên miệng cạo từ ngày hôm trước.
• Mủ đất: Là mủ chảy rơi rớt ra ngoài đồng đặc dưới đất.
Công nhân cạo mủ trước khi làm những thao tác cần thiết để cạo mủ latex, phải thu nhặt hết các loại mủ chén, mủ dây và mủ đất cho vào một cái thùng nhỏ đeo sẵn trên mình.
+ Cạo mủ: Cạo mủ Cao su, việc mới nghe qua tưởng là dễ làm, nhưng thực sự phải là người chuyên môn mới thực hiện được. Ở các nông trường quốc doanh công nhân đảm trách cạo mủ là những người được trải qua một khóa học, thông thạo cả lý thuyết lẫn phần thực hành tại lô.
Còn công nhân cạo mủ của các tiểu điền, nếu không được tham dự các khóa học về chuyên môn thì cũng phải cố công học hỏi những người có kinh nghiệm trong nghề, mới đảm trách được công việc tưởng dễ nhưng có tính chuyên môn này.
• Thời vụ: Với vườn cao su lần đầu đem vào khai thác mủ, thời vụ mở miệng cạo là vào tháng 3 tháng 4 (đợt đầu), và tháng 10 tháng 11 (đợt hai). Nếu trong tháng 3 đến tháng 4 mà vườn cây chưa có tán lá ổn định thì phải dời qua tháng 10 hay tháng 11 cùng năm, chờ cây thay lá xong mới cạo. Còn vườn Cao su đã từng được cạo mủ nhiều năm rồi thì thời vụ cạo mủ không nhất định được vào tháng nào, vì còn tùy lúc vườn cây đã thay lá mới hoàn tất.
Thông thường trước tết âm lịch khoảng một tháng, vườn Cao su bắt đầu thay lá. Những lá vàng là tà rụng xuống hết khiến cây trơ cành, và sau đó bắt đầu ra lá non. Nhìn lên cây, khi thấy tán lá rụng khoảng 70%, nghĩa là chỉ còn 30% lá già chưa rụng thì ngưng cạo mủ. Lá non mới lú ra, gọi là lá “mọc chân chim” cũng chưa cạo được. Chỉ đến ngày lớp lá mới ra ổn định (sau tết âm lịch) thì bắt đầu cạo mủ lại, mở đầu thời vụ cạo cho mùa mới.
Như vậy, trong nông trường có nhiều lô Cao su đã khai thác, thời vụ cạo mủ không nhất thiết mở đầu từ một ngày nhất định nào đó cho tất cả các lô, mà chỉ lô nào cây thay lá xong mới cạo mủ, các lô lá còn chân chim thì cạo sau.
Dụng cụ thiết kế miệng cạo: Việc cạo mủ Cao su dù có kinh nghiệm đến đâu cũng phải nhờ vào những dụng cụ thiết kế miệng cạo thì mới giúp mình thao tác dễ dàng và không sai phạm được.
Dụng cụ thiết kế miệng cạo gồm có:
+ Thước cây dài 1,5m, có đánh dấu sẵn vị trí miệng tiền ở mức 1,20m; vị trí đặt máng, cách miệng tiền 10cm; vị trí treo kiểng (giá đỡ của chén mủ) cách máng 25cm.
+ Sợi dây dài một mét có 3 gút, dùng chia thân cây làm 2 phần bằng nhau.
+ Rập có cán để đánh dấu độ dốc, đánh dấu hao dăm từng quí.
+ Móc rạch để rọc ranh thẳng đứng theo bề dọc thân cây.
+ Rập chữ U.
+ Hộp sơn để đánh dấu các vị trí trên lên cây.
Trên đây là những “thước thợ” quan trọng, rất cần cho nghề cạo mủ. Việc đo đạc như vậy vừa nhanh vừa chuẩn xác. Vì thế, “tay thầy” dù giỏi cũng không qua được “thước thợ” này.
• Dụng cụ dành cho công nhân cạo mủ: Công nhân сао mủ được trang bị những dụng cụ dùng cho nghề nghiệp của họ như sau:
+ 01 dao đục. + 01 dao kép. + 01 nạo vỏ. + 01 viên đá mài nhám. + 01 viên đá bùn.
+ 01 cái vét mủ (thường làm bằng miếng vỏ xe hơi được mài cạnh cho bén).
+ 01 vỏ đựng mủ tạp. + 01 thùng trút mủ 15 lít. + Thùng chứa mủ 25 lít (từ 1 đến 3 cái). + 02 móc thùng. + 01 lọ amoniac. + 01 ống vaselien (ống mỡ). + 01 đòn gánh. + 01 giẻ lau. + 01 cái chổi để quét lá. Tất cả những dụng cụ trên giao cho công nhân cạo mủ giữ. Khi đi làm họ đem tất cả các đồ nghề đó theo, và lúc xong việc thì mang về nhà bảo quản.
Thường thì sau khi giao mủ xong, mỗi người trước khi ra về đều tự lo làm vệ sinh dụng cụ tại chỗ cho thật sạch sẽ. Chẳng hạn dùng thùng đựng mủ phải được súc rửa ngay để mủ Cao su không bám vào thùng. Hai dao cạo mủ đều được mài bén, sau đó cẩn thận lấy bằng vải quấn chặt phần lưỡi để tránh bị mẻ…
Ngoài những đồ nghề đó ra, thợ cạo mủ còn dùng đến hai dụng cụ sau đây:
• Chén hứng mủ: Trước đây người ta dùng chén đất (không có khu chén) bây giờ có nơi dùng chén nhựa, có nơi dùng chén nhôm. Dung tích của chén là 250 phân khối và 50 phân khối, để hứng mủ cây nhỏ hay cây lớn. Chén hứng mủ được gắn vào cây cạo bằng kiềng dây sắt.
• Máng che mưa: Dụng cụ này chỉ dùng trong mùa mưa. Máng này làm bằng vật liệu nhẹ như nilông dày, giầy dầu hoặc lá nhôm mỏng, có bề dài khoảng 60cm và bề ngang khoảng 4.5cm, gắn chặt vào thân cây cách phía trên miệng cạo 20cm, mục đích là che chắn nước mưa không dễ chảy xuống miệng cạo. Vì trong mùa mưa, khi cây Cao su bị ướt thì không thể cạo mủ được, mà phải chờ đến lúc cây thật khô. Máng che mưa giúp cho việc cạo mủ không bị gián đoạn.