Thu hoạch lúa Hè thu đầu vụ: Nông dân kém vui

Năng suất lúa đạt thấp, trong khi chi phí đầu tư cao nên nông dân đã và đang thu hoạch lúa Hè thu trên địa bàn tỉnh kém vui khi bán lúa xong.

Vào thời điểm này, nông dân tại nhiều cánh đồng lúa trên địa bàn tỉnh tất bật thu hoạch rộ vụ lúa Hè thu. Theo thống kê nhanh của ngành nông nghiệp tỉnh, hiện bà con đã cắt xong được hơn 15.000ha trong tổng số gần 76.400ha lúa Hè thu đã xuống giống. Hiện diện tích đã và đang thu hoạch rộ tập trung ở huyện Châu Thành A, huyện Vị Thủy, huyện Phụng Hiệp và thành phố Vị Thanh. Tuy đang cắt lúa nhưng hầu hết tâm trạng của bà con đều kém vui.

Nông dân Hậu Giang đang thu hoạch lúa Hè thu trong tâm trạng kém vui vì chi phí cao, năng suất giảm.

Năng suất và giá bán giảm

Vừa thu hoạch xong gần 2ha lúa Hè thu (giống OM 18) của gia đình, ông Lâm Thanh Truyền, ở ấp Trường Hiệp, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, cho hay: “Năng suất lúa vụ này chỉ đạt khoảng 600kg/công (công 1.300m2), giảm hơn 200kg/công so với cùng kỳ. Không riêng gì gia đình tôi mà hầu hết bà con ở cánh đồng này đều có lúa đạt năng suất khá thấp khi dao động phổ biến từ 500-600kg/công, thậm chí có hộ chỉ đạt 400kg/công. Không chỉ năng suất thấp mà giá bán cũng chịu cảnh tương tự khi thương lái đang cân lúa tươi của nông dân tại ruộng ở mức 5.800 đồng/kg (giống OM 18), giảm 200 đồng/kg so với cùng kỳ”.

Ngoài cánh đồng tại ấp Trường Hiệp, xã Trường Long A thì qua ghi nhận tại nhiều cánh đồng lúa khác đang vào vụ thu hoạch, hiện bà con cũng chịu chung nỗi buồn về năng suất lúa đạt thấp. Đứng trên bờ mẫu xem máy cắt thu hoạch 5 công lúa Hè thu (giống OM 18) của gia đình, ông Danh Tiến, ở ấp 4, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, thông tin: “Thấy trà lúa cũng được lắm nhưng do bị hạt lép nhiều nên khi thu hoạch xong không được bao nhiêu bao lúa. Với 5 công đất mà thu hoạch chỉ hơn 60 bao lúa thì tính bình quân mỗi công chỉ đạt khoảng 600kg, thấp hơn 150kg/công so với cùng kỳ. Tuy nhiên, năng suất lúa của tôi như vầy là còn đỡ, chứ có hộ chỉ đạt 400-500kg/công”.

Theo nhận định của nông dân thì một số nguyên nhân làm cho năng suất lúa giảm là do thời tiết nắng nóng, khô hạn xảy ra vào đầu vụ sản xuất nên cây lúa kém phát triển; đặc biệt, vào giai đoạn lúa chín hơn nửa bông thì xuất hiện dịch hại bọ xít hôi tấn công hạt lúa. Đối tượng này hút dưỡng chất của hạt lúa đang phát triển từ giai đoạn trước khi trổ bông đến khi hạt chín sáp, trong đó gây hại nặng nhất là ở giai đoạn hạt lúa ngậm sữa. Vì thế dẫn đến tình trạng hạt lúa không ngậm đầy nên bị lép, gié lúa bạc màu và thẳng đứng. Hơn nữa, ở giai đoạn lúa chín phân nửa bông, nông dân thường không phun thuốc bảo vệ thực vật để tiêu diệt bọ xít hôi vì sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng hạt gạo, đồng thời bà con cứ nghĩ số lượng bọ xít hôi ít nên có phần chủ quan, nhưng không ngờ số lượng lại nhiều, mức độ ảnh hưởng lớn đã làm cho năng suất lúa giảm đáng kể.

Lợi nhuận thấp

Ngoài năng suất và giá bán giảm thì một yếu tố đặc biệt quan trọng làm cho mức lợi nhuận của người nông dân đã và đang thu hoạch lúa Hè thu chỉ đạt mức thấp, thậm chí có hộ chỉ huề vốn và thua lỗ vì mọi chi phí đầu tư đều ở ngưỡng cao. Ông Danh Tiến, ở ấp 4, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, thông tin thêm: “Chi phí nặng nhất là tiền mua phân bón ở mức cao, khi giá phân DAP và urê dao động từ 800.000 đồng đến hơn 1,1 triệu đồng/bao, tăng từ 200.000-300.000 đồng/bao (tùy loại) so với cùng kỳ, còn thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng từ 10-20%. Nếu giá thành sản xuất một công lúa ở những năm trước thường dao động từ 1,8-2,1 triệu đồng/công thì nay tăng lên hơn 2,5 triệu đồng/công do giá vật tư nông nghiệp tăng. Như vậy, với năng suất lúa 600kg/công, giá bán 5.800 đồng/kg thì sau khi trừ đi các khoản chi phí, gia đình tôi có được nguồn lợi nhuận chưa đến 1 triệu đồng/công, giảm gần phân nửa so với cùng kỳ; riêng bà con nào có lúa đạt năng suất chỉ 400-500kg/công thì coi như phá huề và thua lỗ”.

Ngoài giá vật tư nông nghiệp tăng cao thì một gánh nặng khác mà nông dân đang thu hoạch lúa Hè thu phải chịu là tiền thuê máy cắt ở mức cao do giá xăng, dầu tăng. Cụ thể, tiền thuê máy cắt lúa đang ở mức 320.000-330.000 đồng/công (lúa đứng), tăng từ 40.000-60.000 đồng/công so với cùng kỳ.

“Nói chung là mọi thứ vật giá đều tăng mạnh theo điều kiện thực tế của thị trường. Riêng chỉ có giá lúa là chựng lại và thậm chí giảm thêm nên đẩy người nông dân vào nhiều tình thế khó, nhất là áp lực tiền vật tư nông nghiệp vào đầu vụ xuống giống và nhiều khoản chi khác. Do đó, nông dân rất mong các ngành chức năng có giải pháp tháo gỡ khó khăn để bà con có điều kiện tái sản xuất, không bỏ trống đất lúa ở những vụ canh tác tiếp theo”, ông Nguyễn Văn Xuân, hộ dân vừa thu hoạch xong 2,5ha lúa Hè thu của gia đình ở xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, bộc bạch.

Năng suất lúa Hè thu bình quân toàn tỉnh hiện đạt 6,46 tấn/ha, trong đó huyện Châu Thành A là địa phương đạt năng suất dẫn đầu, với 6,59 tấn/ha; còn thành phố Vị Thanh là địa phương đang đạt năng suất thấp nhất, với 5,77 tấn/ha.

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC