Thủ Tục Lễ Ăn Hỏi và Đón Dâu: 5 Lễ, 7 Lễ, 9 Lễ Là Thế Nào?
Những thủ tục lễ ăn hỏi bạn cần nắm rõ từ quy trình, thủ tục lại quả, mâm lễ bao gồm những gì. Nếu bạn chưa biết những điều này hãy xem ngay những chia sẻ từ Mimosa Wedding.
Theo phong tục truyền thống của người Việt Nam, mỗi vùng miền sẽ có những thủ tục cưới hỏi khác nhau. Vậy thủ tục lễ ăn hỏi miền Bắc có điểm gì đặc biệt? Hãy cùng Mimosa đi tìm hiểu bạn nhé!
Bài liên quan :
Lễ ăn hỏi là gì?
Lễ ăn hỏi hay còn gọi là lễ đính hôn là một trong ba nghi thức quan trọng trong hôn nhân bao gồm lễ dạm ngõ – lễ ăn hỏi – lễ cưới. Lễ ăn hỏi hiểu một cách đơn giản nhất có nghĩa là việc nhà trai mang lễ vật truyền thống tới gia đình nhà gái xin hỏi cô gái về làm dâu con trong nhà mình.
Lễ ăn hỏi được thực hiện sau lễ dạm ngõ và trước lễ cưới vì thế lễ ăn hỏi được coi là một nghi lễ mang tính chất thông báo chính thức về việc hôn đại sự của hai bạn. Do đó, nghi lễ này là một dấu mốc quan trọng, là bước ngoặt trong quan hệ hôn nhân của hai bạn. Bởi vì, sau buổi lễ ăn hỏi, cặp đôi sẽ chính thức trở thành vợ chồng của nhau.
Nếu như trước đây lễ ăn hỏi thường được tổ chức cách ngày cưới khoảng thời gian một vài tháng, thậm chí cả năm thì hiện nay, nghi lễ này thường được tổ chức tại nhà cô dâu và tiến hành ngay trước đám cưới một ngày, thậm chí có gia đình còn thực hiện ngay trước lễ cưới một vài tiếng nhằm mục đích thuận tiện và tiết kiệm thời gian, chi phí nữa đấy bạn nhé!
Chuẩn bị gì cho lễ ăn hỏi của người miền Bắc
2.1. Chuẩn bị về thời gian, địa điểm
Nếu thời gian tiến hành lễ dạm ngõ thường được các gia đình lựa chọn vào những ngày thuận tiện nhất cho cả đôi bên thì việc chọn ngày lành tháng tốt, ngày đại hỷ lại được xem xét, bàn bạc kỹ càng trong lễ ăn hỏi. Thông thường việc chọn ngày giờ tốt do nhà trai tiến hành và được nhà gái thống nhất thông qua.
Người miền Bắc quan niệm nếu như lễ cưới là dành cho nhà trai, thì thủ tục lễ trong lễ ăn hỏi lại dành riêng cho phía nhà gái. Vì thế, để chuẩn bị địa điểm tổ chức lễ ăn hỏi sẽ được chu đáo nhà gái cần dọn dẹp sắp xếp nhà cửa thật gọn gàng, tươm tất. Người miền Bắc khá coi trọng đời sống tâm linh, vì thế bạn nên đặc biệt lưu ý khu vực bàn thờ gia tiên. Với bàn thờ, bạn cần lau dọn cho sạch sẽ, chuẩn bị hoa tươi và mâm ngũ quả chu đáo. Việc làm này không chỉ hiện tấm lòng thành kính của bạn đối với tổ tiên, đây còn là nơi diễn ra các nghi thức trong ngày ăn hỏi giữa hai bên gia đình.
Bên cạnh đó, do các thủ tục trong lễ ăn hỏi khá nhiều, số người dự lễ cũng đông vì thế bạn cũng cần chuẩn bị phông bạt trang trí cho ngày ăn hỏi, bạn có thể thuê dịch vụ để có được những bàn tiệc theo như ý muốn. Mẹo nhỏ dành cho bạn là nên thuê bàn rạp cùng nơi bạn thuê để tổ chức đám cưới để tiết kiệm chi phí, hơn nữa vì đó là ngày tốt sẽ có nhiều đám cưới hỏi diễn ra, vì thế để tránh gặp khó khăn trong công tác này bạn nên có lịch đặt trước nhé.
2.2. Chuẩn bị về mâm lễ vật
Lễ vật sẽ được nhà trai chuẩn bị từ trước khi mang sang nhà gái. Theo phong tục của người Bắc, lễ vật sẽ được đựng trong các tráp cưới màu đỏ. Tùy theo phong tục của mỗi vùng miền mà thủ tục lễ ăn hỏi ở Việt Nam cũng có nhiều điểm khác nhau. Nếu như theo phong tục của người miền Nam thì số mâm lễ luôn là chẵn phổ biến nhất là 6 lễ hoặc 8 lễ, thì người miền Bắc lại quan niệm số lễ phải là lẻ, có thể chọn 5 lễ, 7 lễ, 9 lễ hoặc 11 lễ,…và số lễ vật trên mâm phải là chẵn, thể hiện ý nghĩa có cặp, có đôi đấy bạn nhé!
Tùy theo điều kiện gia đình và theo bàn bạc thống nhất từ trước nhà trai có thể chuẩn bị số mâm lễ vật như sau:
2.2.1. 5 lễ ăn hỏi
5 lễ ăn hỏi truyền thống cơ bản gồm có: trầu cau, rượu thuốc, chè, bánh cốm, hoa quả. Tùy thuộc vào phong tục của từng địa phương người ta có thể thay bánh cốm bằng bánh nướng, bánh dẻo. Theo phong tục của người Bắc nhà gái sẽ nhận từ nhà trai 30 lá trầu, tượng trưng cho 3 nghi thức: Ăn hỏi, xin cưới, nạp tài. Bộ 5 lễ ăn hỏi được nhiều gia đình lựa chọn nhất bởi 5 mâm lễ này sẽ phù hợp với điều kiện kinh tế của nhiều gia đình mà lại tương đối đầy đủ các lễ vật theo truyền thống.
2.2.1. 7 lễ ăn hỏi
Tùy vào nhu cầu và mong muốn của hai bên, bạn cũng có thể lựa chọn 7 mâm lễ cho đám ăn hỏi của mình. 7 mâm lễ đủ để mang những loại lễ vật bắt buộc phải có trong lễ ăn hỏi, hơn nữa theo tín ngưỡng phương Đông 7 còn là con số tượng trưng cho sự sung túc, đủ đầy. Vậy 7 lễ ăn hỏi gồm những gì? Theo truyền thống 7 lễ ăn hỏi gồm: trầu cau, rượu thuốc, chè, bánh cốm, hoa quả, bánh phu thê và mứt sen.
2.2.3. 9 mâm lễ ăn hỏi
9 mâm lễ ăn hỏi truyền thống được đánh giá là bộ lễ khá cao cấp. Với mong muốn cô dâu, chú rể sẽ có được cuộc sống hôn nhân đủ đầy và vĩnh cửu vì thế trong phần thủ tục lễ ăn hỏi của nhà trai nhiều gia đình đã mạnh tay đầu tư cho con 9 mâm lễ.
Vậy 9 mâm lễ ăn hỏi gồm những gì? theo phong tục của người miền Bắc thì đó là: trầu cau, rượu thuốc, chè, bánh cốm, hoa quả, bánh phu thê, mứt sen, lợn quay và xôi gấc.
Theo ý kiến của chúng tôi, trong lễ ăn hỏi bạn không nhất thiết phải chọn lễ vật có giá trị quá lớn bởi đây chỉ là nghi lễ và thể hiện tấm lòng của gia đình nhà trai. Nhưng một điều chắc chắn rằng bạn cần chú ý sắp xếp các món đồ đúng cách, lịch sự, chỉn chu, cẩn thận để thể hiện tình cảm chân thành đối với gia đình nhà gái và cô dâu tương lai đấy nhé.
2.3. Chuẩn bị về thành phần tham dự
Thành phần không thể thiếu của phái đoàn nhà trai trong buổi lễ ăn hỏi chính là chú rể, bác trưởng đoàn, bố mẹ chú rể, ông bà, anh chị em, họ hàng, bạn bè thân thiết của chú rể.
Bên cạnh đó, nhà chú rể sẽ chuẩn bị một đội ngũ các bạn nam còn độc thân, có ngoại hình ưa nhìn bê tráp cưới. Đội ngũ bê tráp nhiều hay ít tùy thuộc vào số lễ cưới mà gia đình nhà trai chuẩn bị. Họ sẽ mặc áo dài truyền thống hoặc quần âu, áo sơ mi trắng có thắt cavat hoặc đeo nơ đồng bộ.
Đối với nhà gái tham gia buổi lễ ăn hỏi sẽ gồm cô dâu, bố mẹ, ông bà, gia đình, bạn bè,… và đội bê tráp nữ, yêu cầu đối với các bạn nữ nhận tráp là chưa lập gia đình, xinh xắn đội ngũ đều nhau. Các bạn nữ sẽ được chuẩn bị trang phục áo dài truyền thống giống nhau, trang điểm nhẹ nhàng, lưu ý là không nên nổi bật hơn cô dâu.
2.4. Lễ nạp tài trong ăn hỏi của miền Bắc
Một nghi lễ trong ăn hỏi cũng được nhiều người nhắc đến đó là lễ nạp tài. Vậy lễ nạp tài trong nghi thức ăn hỏi là gì? Lễ nạp tài hay một số nơi còn gọi là lễ đen, tiền thách cưới chính là một khoản tiền lễ nhỏ mà gia đình nhà trai mang sang nhà gái. Thông thường người ta hay tiến hành lễ ăn hỏi và lễ nạp tài cùng nhau bởi số tiền trong lễ nạp mang ý nghĩa là món quà, lời cảm ơn nhà trai dành tặng nhà gái. Đồng thời, cũng thể hiện nhà trai luôn luôn đồng hành cùng gia đình nhà gái, họ muốn được san sẻ một phần chi phí đám cưới với nhà cô dâu.
Hiện nay, một số nơi đã bỏ lễ nạp tài, tuy nhiên, một số địa phương miền Bắc thì lễ nạp tài vẫn được duy trì. Vì thế, tùy vào phong tục của địa phương mà bạn chuẩn bị số tiền nạp tài như thế nào cho phù hợp. Số tiền nạp tài có thể được chia thành 3, 5 phong bì đỏ có in chữ hỷ tùy thuộc vào số lượng bát hương trên bàn thờ tổ tiên của nhà gái.
Một lưu ý nhỏ là số tiền nạp tài là phong tục truyền thống của người Việt, vì thế, căn cứ vào điều kiện thực tế mà đưa ra số tiền phù hợp, số tiền nạp tài lớn hay nhỏ là tùy thuộc vào sự bàn bạc trước của hai gia đình. Bởi số tiền nạp tài nhiều hay ít không quyết định được hạnh phúc cô dâu chú rể đâu. Mà hạnh phúc có được chính là sự chân thành, sự sẻ chia đến từ hai phía đấy bạn nhé.
Dự kiến trình tự buổi lễ ăn hỏi
3.1. Trước buổi lễ
Với sự thống nhất từ hai bên gia đình, phái đoàn nhà trai sẽ di chuyển tới nhà gái để kịp giờ làm lễ. Một chút lưu ý là bạn nên bố trí tới sớm hơn kế hoạch để có thời gian chuẩn bị chu đáo và đồng thời tránh những những tình huống bất ngờ xảy ra.
Còn phía gia đình nhà gái sẽ chuẩn bị địa điểm, bàn ghế, trà nước, kẹo bánh, hạt bí,… sẵn sàng đón tiếp gia đình nhà trai thật tươm tất.
3.2. Trong buổi lễ
-
Thủ tục trao lễ vật
Trước tiên phái đoàn đại diện nhà trai bác trưởng đoàn, những người lớn tuổi trong gia đình như ông bà, bố mẹ, chú rể, theo sau là dàn bê tráp và cuối cùng là các thành viên còn lại trong nhà sẽ lần lượt tiến vào lễ đường nhà gái.
Lúc này, đại diện gia đình cô dâu tương lai cùng các thành viên sẽ ra ngoài sân đón chào nhà trai. Sau khi đại diện 2 gia đình chào hỏi, đội ngũ bê tráp lễ nhà trai sẽ trao lễ vật cho phía nhà gái. Đồng thời, cả hai bên sẽ cùng thực hiện tục lệ trao phong bao lì xì mang ý nghĩa bán duyên cho nhau.
-
Phát biểu ý kiến
Sau màn trao nhận lễ ăn hỏi, là nội dung giới thiệu các thành viên đại diện hai bên gia đình. Sau đó, một vị đại diện cho nhà trai sẽ phát biểu ý kiến và nêu lý do mà mình mang lễ vật đến. Tiếp theo, một vị đại diện nhà gái nói lời cảm ơn và nhận lễ. Cuối cùng mẹ cô dâu, mẹ chú rể cùng mở các tráp lễ trước sự chứng kiến của hai bên gia đình.
-
Thắp hương gia tiên nhà gái
Tiếp theo, bố mẹ cô dâu sẽ lấy một phần trong các tráp lễ đưa lên bàn thờ gia tiên. Cô dâu chú rể sẽ thắp hương với ý nghĩa thông báo với tổ tiên chàng rể mới đồng thời cũng cầu xin sự phù hộ của các cụ đối với hạnh phúc của hai bạn trẻ.
-
Cô dâu, chú rể ra mắt họ hàng
Gia đình nhà gái sẽ lấy một phần bánh cốm, hoa quả, bánh kẹo trong tráp lễ ăn hỏi ra mời họ hàng hai bên. Cô dâu, chú rể sẽ đến từng bàn mời nước, mời thuốc, mời trầu mọi người. Nghi lễ này trong lễ ăn hỏi nhằm mục đích giúp cô dâu, chú rể ra mắt họ hàng hai bên.
-
Hai bên bàn bạc thống nhất về lễ cưới
Tiếp theo, đại diện hai bên gia đình sẽ bàn bạc thống nhất về ngày giờ tổ chức cũng như lễ vật cần có trong đám cưới. Cuối cùng, cô dâu, chú rể ra ngoài chụp hình lưu niệm cùng mọi người.
3.3. Kết thúc buổi lễ
-
Thủ tục lại quả trong lễ ăn hỏi
Sau khi các thủ tục lễ ăn hỏi của nhà trai đã cơ bản hoàn tất, mẹ của cô dâu chuẩn bị một tráp lại quả ( một phần nhỏ trong lễ ăn hỏi mà nhà trai mang sang nhà gái, thường có số lượng 10) để nhà trai mang về. Tuy nhiên, khi thực hiện thủ tục lại quả trong lễ ăn hỏi bạn cần chú ý một số điểm sau: đồ lễ không được dùng dao, kéo để chia bởi người miền Bắc quan niệm dao, kéo chia cắt sẽ mang lại điềm xấu mà chỉ dùng tay để chia kể cả trầu cau; tráp lễ khi lại quả phải để nắp ngửa và tuyệt đối không được đóng lại.
-
Kết thúc buổi lễ
Kết thúc lễ ăn hỏi, tùy theo sự thống nhất từ trước nhà trai có thể ở lại ăn cơm cùng gia đình nhà gái.
Lễ ăn hỏi ở Việt Nam là một truyền thống cưới hỏi lâu đời và có giá trị văn hóa tốt đẹp. Vì thế, khi tiến hành các thủ tục lễ ăn hỏi cần trang trọng, lịch sự, thực hiện đầy đủ các nghi lễ trên để đám ăn hỏi diễn ra thuận lợi, suôn sẻ. Nếu bạn cần Mimosa giúp đỡ trong ngày lễ ăn hỏi của mình hãy liên hệ với chúng tôi ngay để được giải đáp và hỗ trợ bạn nhé! Chúc hai bạn trăm năm hạnh phúc!
Bài viết cùng chủ đề :
Thủ Tục Dạm Ngõ Miền Bắc Như Thế Nào? Cần Những Gì?