Thông tư liên tịch 15/2015 V/v quy định chế độ, chính sách đối với CBQL, GV GDQP – AN
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
(Số: 15_2015_TTLT_BGDDT_BLDTTBXH_BQP_BCA_BNV_BTC, ngày 16 tháng 7 năm 2015)
Quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên GDQP – AN
Căn cứ Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh ngày 19 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 13/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;
Căn cứ Nghị định số 106/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Công an;
Căn cứ Nghị định số 58/2014/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Thông tư liên tịch này quy định chế độ bồi dưỡng giờ giảng; chế độ trang phục; định mức giờ chuẩn giảng dạy đối với giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh; khung định mức giờ chuẩn giảng dạy đối với cán bộ quản lý giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN).
2. Thông tư liên tịch này áp dụng đối với giáo viên, giảng viên GDQP&AN chuyên trách, thỉnh giảng; cán bộ quản lý GDQP&AN; sĩ quan quân đội, sĩ quan công an biệt phái trong các trường công lập bao gồm: trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học (có cấp trung học phổ thông), trường trung cấp, trường cao đẳng, trường đại học, đại học, học viện; trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh thuộc cơ sở giáo dục đại học.
Điều 2. Chế độ bồi dưỡng giờ giảng
1. Đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 1 của Thông tư liên tịch này (không bao gồm giáo viên, giảng viên thỉnh giảng) được hưởng 1% mức lương cơ sở cho một tiết giảng, giờ giảng.
2. Tiết giảng, giờ giảng được tính là thời gian thực tế giảng dạy trên lớp, ngoài bãi tập, thao trường được quy định trong chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh khi tính chế độ bồi dưỡng giờ giảng.
Điều 3. Chế độ trang phục
1. Giáo viên, giảng viên chuyên trách môn học GDQP&AN năm đầu tiên được cấp một bộ trang phục xuân hè, một bộ trang phục thu đông và một bộ trang phục dã chiến kiểu dáng GDQP&AN, dây lưng, mũ kê-pi, mũ cứng, mũ mềm, giầy da, giầy vải, bít tất, biển tên phù hiệu cấp học và trình độ đào tạo. Từ năm thứ hai trở đi, mỗi năm được cấp một bộ trang phục xuân hè hoặc một bộ trang phục thu đông, giầy, mũ, dây lưng, bít tất; trang phục dã chiến 03 năm cấp 01 lần kể từ lần cấp đầu tiên.
2. Chế độ trang phục không áp dụng đối với cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên thỉnh giảng, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an biệt phái; giáo viên được phân công giảng dạy nội dung lồng ghép GDQP&AN tại các trường tiểu học, trung học cơ sở.
Điều 4. Định mức giờ chuẩn giảng dạy đối với giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh
Định mức giờ chuẩn giảng dạy, việc quy đổi ra giờ chuẩn giảng dạy, nhiệm vụ của giáo viên, giảng viên GDQP&AN thực hiện theo các quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Điều 5. Khung định mức giờ chuẩn giảng dạy đối với cán bộ quản lý giáo dục quốc phòng và an ninh
1. Khung định mức giờ chuẩn giảng dạy đối với cán bộ quản lý GDQP&AN thực hiện theo các quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
2. Giảng viên thuộc trung tâm GDQP&AN được bổ nhiệm chức vụ quản lý có nghĩa vụ trực tiếp giảng dạy theo khung định mức dưới đây (tính theo tỷ lệ % của định mức giờ chuẩn giảng dạy cả năm của chức danh giảng viên):
Chức danh
Trung tâm có hai mươi nghìn sinh viên/năm trở lên
Trung tâm có dưới hai mươi nghìn sinh viên/năm
Giám đốc
10% định mức giờ chuẩn
15% định mức giờ chuẩn
Phó Giám đốc
15%
20%
Trưởng phòng
30%
35%
Phó Trưởng phòng
35%
40%
Trưởng khoa
70%
75%
Phó Trưởng khoa
75%
80%
Tổ trưởng Bộ môn và tương đương
75%
80%
Tiểu đoàn trưởng (Hệ trưởng)
75%
80%
Phó Tiểu đoàn trưởng (Phó Hệ trưởng)
80%
85%
Chính trị viên Tiểu đoàn (Chính trị viên hệ)
75%
80%
Đại đội trưởng
75%
80%
Phó Đại đội trưởng
80%
85%
Chính trị viên Đại đội
80%
85%
Trung đội trưởng
75%
80%
3. Giảng viên thuộc các cơ sở giáo dục có khoa, tổ bộ môn học GDQP&AN được bổ nhiệm chức vụ quản lý, có nghĩa vụ trực tiếp giảng dạy theo khung định mức dưới đây (tính theo tỷ lệ % của định mức giờ chuẩn giảng dạy cả năm của chức danh giảng viên):
Chức danh
Trường có năm nghìn sinh viên/năm trở lên
Trường có dưới năm nghìn sinh viên/năm
Trưởng khoa
25%
35%
Phó Trưởng khoa
30%
35%
Tổ Trưởng Bộ môn
40%
45%
Tiểu đoàn trưởng (Hệ trưởng)
50%
55%
Phó Tiểu đoàn trưởng (Phó Hệ trưởng)
55%
60%
Chính trị viên Tiểu đoàn (Chính trị viên hệ)
50%
55%
Đại đội trưởng
55%
60%
Phó Đại đội trưởng
60%
65%
Chính trị viên Đại đội
55%
60%
Trung đội trưởng
60%
65%
4. Các chức danh ngoài quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều này và chức danh kiêm nhiệm khác của giảng viên thuộc Trung tâm GDQP&AN thực hiện theo quy định tại các văn bản hiện hành đối với giảng viên đại học.
Điều 6. Nguồn kinh phí
1. Kinh phí bảo đảm chế độ bồi dưỡng giờ giảng, trang phục và chính sách cho cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên GDQP&AN được bố trí trong dự toán ngân sách Nhà nước do cơ quan có thẩm quyền giao hàng năm và nguồn thu hợp pháp khác của cơ sở giáo dục.
2. Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Điều 7. Hiệu lực thi hành
Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2015. Thông tư liên tịch này thay thế Thông tư liên tịch số 53/2011/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BQP-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện một số chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên giáo dục quốc phòng – an ninh.
Điều 8. Tổ chức thực hiện
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư liên tịch này.
2. Các cơ sở giáo dục và cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập được vận dụng quy định tại Thông tư liên tịch này để thực hiện.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị kịp thời phản ánh về Bộ Giáo dục và Đào tạo để phối hợp với các Bộ có liên quan xem xét, giải quyết.