Thông tư 45/2021/TT-BGDĐT xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong trường mầm non
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
__________________
Số: 45/2021/TT-BGDĐT
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập- Tự do – Hạnh phúc
____________________
Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2021
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Luật Trẻ em ngày 05 tháng 4 năm 2016;
Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;
Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non;
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư quy định về việc xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định về việc xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non, bao gồm: nội dung xây dựng, kiểm tra, đánh giá trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
2. Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở giáo dục mầm non, bao gồm: nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non là nơi trẻ em được bảo đảm an toàn về thể chất và tinh thần.
2. Môi trường giáo dục bao gồm các điều kiện về vật chất và tinh thần có ảnh hưởng đến các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non.
3. Môi trường giáo dục an toàn là môi trường nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong đó trẻ em được bảo vệ, được đối xử công bằng, nhân ái; không bị bạo hành, xâm hại; môi trường giảm thiểu tối đa hoặc loại bỏ hoàn toàn các yếu tố nguy cơ gây tai nạn thương tích và ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, sức khỏe tâm thần; trẻ em được dễ dàng tiếp cận với môi trường xung quanh, được tạo điều kiện tốt nhất để phát triển toàn diện phù hợp với độ tuổi, giới tính và khả năng của bản thân.
4. Tai nạn thương tích là sự việc xảy ra ngoài ý muốn của chủ thể, do tác nhân bên ngoài, gây nên những tổn thương về thể chất và tinh thần.
Chương II
NỘI DUNG XÂY DỰNG TRƯỜNG HỌC AN TOÀN, PHÒNG, CHỐNG TAI NẠN THƯƠNG TÍCH TRONG CƠ SỞ GIÁO DỤC MẦM NON
Điều 3. Bảo đảm môi trường giáo dục an toàn
1. Xây dựng môi trường giáo dục bảo đảm an toàn, dễ tiếp cận và công bằng đối với mọi trẻ em. Chú trọng tổ chức rà soát các tiêu chí cơ sở giáo dục mầm non an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích quy định tại phụ lục Thông tư này.
2. Thường xuyên rà soát, kiểm tra chất lượng công trình, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, phương tiện, dụng cụ máy móc phục vụ công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non, phát hiện và xử lí kịp thời các hạng mục bị xuống cấp, hư hỏng có nguy cơ gây mất an toàn đối với trẻ em.
3. Xây dựng phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông; phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước; phòng chống bạo hành, xâm hại; phòng tránh trẻ bị thất lạc; phòng, chống cháy, nổ; ứng phó với dịch bệnh, thảm họa, thiên tai trong cơ sở giáo dục mầm non.
4. Ứng phó và xử lí kịp thời khi xảy ra mất an toàn theo đúng quy trình, quy định của pháp luật.
5. Xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong cơ sở giáo dục mầm non theo quy định.
6. Tổ chức thực hiện công tác y tế trường học theo quy định; đối với các cơ sở giáo dục mầm non có tổ chức bữa ăn bán trú bảo đảm thực hiện các yêu cầu, điều kiện và quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Điều 4. Nâng cao nhận thức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên
1. Tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước; phòng chống cháy nổ; an toàn giao thông; phòng chống bạo hành, xâm hại trẻ em; phòng chống đuối nước; công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
2. Tập huấn kiến thức, kỹ năng ứng phó, xử lý các tình huống khẩn cấp xảy ra đối với trẻ em như: xử trí tai nạn thương tích; kỹ năng sơ cấp cứu; thảm họa thiên tai; dịch bệnh cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.
3. Bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức nhà giáo, phổ biến pháp luật có liên quan về bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.
4. Phổ biến các quy định liên quan đến công tác bảo đảm an toàn cho trẻ em, phòng chống dịch bệnh và phòng chống bạo hành, xâm hại trẻ em tại các cuộc họp, sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt chuyên đề của cơ sở giáo dục mầm non.
5. Trang bị đầy đủ tài liệu hướng dẫn giáo viên kiến thức, kỹ năng để bảo đảm an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non.
Điều 5. Hoạt động truyền thông
1. Khai thác các nền tảng công nghệ thông tin kết nối internet để truyền thông, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục mầm non, gia đình và cộng đồng về xây dựng môi trường giáo dục an toàn; có giải pháp kiểm soát, loại bỏ những nội dung tuyên truyền không phù hợp.
2. Tuyên truyền, phổ biến về các nguy cơ, biện pháp và kỹ năng phòng chống tai nạn, thương tích đối với trẻ em; về quyền trẻ em và những vấn đề liên quan đến pháp luật nếu để xảy ra tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em.
3. Tuyên truyền về trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non, tại gia đình và ngoài cộng đồng; tuyên truyền về số điện thoại 111 của tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em.
4. Thiết lập các kênh thông tin như hộp thư góp ý, số điện thoại đường dây nóng và các hình thức phù hợp khác; tạo điều kiện để thu nhận thông tin về an toàn trường học hoặc tố giác tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em.
5. Thiết lập hệ thống ghi chép, theo dõi, giám sát và báo cáo công tác xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích; ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi bạo hành, xâm hại đối với trẻ em.
6. Triển khai đa dạng các hình thức trao đổi thông tin với cha mẹ, người chăm sóc trẻ em về kết quả nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ và kịp thời thông tin về những tiến bộ hoặc khó khăn của trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non.
Điều 6. Huy động sự tham gia của gia đình và cộng đồng
1. Huy động sự tham gia của gia đình và cộng đồng trong các hoạt động xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non.
2. Phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng rà soát, đánh giá các tiêu chí về trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích; chủ động phối hợp khắc phục các yếu tố nguy cơ gây mất an toàn; huy động sự tham gia của các đơn vị liên quan trong kiểm định chất lượng công trình, cơ sở vật chất theo quy định.
3. Phối hợp với các ban, ngành tại địa phương trong hướng dẫn, kiểm tra, giám sát cơ sở giáo dục mầm non thực hiện các quy định có liên quan đến công tác xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích.
Điều 7. Giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn cho trẻ em
1. Lồng ghép giáo dục trẻ em kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng tránh xâm hại trong các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non.
2. Tăng cường giáo dục trẻ em về kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông qua hình thức trải nghiệm, thực hành xử trí tình huống bảo vệ bản thân phù hợp với nhu cầu, độ tuổi của trẻ em.
3. Trang bị đồ chơi, tài liệu, học liệu giáo dục về bảo đảm an toàn dành cho trẻ em phù hợp với độ tuổi và phù hợp với văn hóa địa phương.
Chương III
KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ CƠ SỞ GIÁO DỤC MẦM NON AN TOÀN, PHÒNG, CHỐNG TAI NẠN THƯƠNG TÍCH
Điều 8. Tiêu chuẩn cơ sở giáo dục mầm non an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích
1. Trong năm học, tại cơ sở giáo dục mầm non không có tình trạng: trẻ em bị bạo hành, xâm hại, bị tai nạn thương tích nặng dẫn đến phải nằm viện hoặc tử vong; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ứng xử thiếu văn hóa, vi phạm quy định về đạo đức nhà giáo; xảy ra ngộ độc thực phẩm hoặc có dịch bệnh lây lan trên diện rộng tại cơ sở giáo dục mầm non.
2. Kết quả đánh giá tiêu chí cơ sở giáo dục mầm non an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích quy định tại Phụ lục Thông tư này:
a) Đối với nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non: Có tối thiểu 40 tiêu chí (bao gồm 20 tiêu chí bắt buộc) được đánh giá “đạt”.
b) Đối với nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập: Có tối thiểu 30 tiêu chí (bao gồm 15 tiêu chí bắt buộc) được đánh giá “đạt”.
Điều 9. Cơ sở giáo dục mầm non tự đánh giá
1. Trước khi bắt đầu năm học mới, cơ sở giáo dục mầm non tổ chức rà soát, đánh giá các tiêu chí về an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích quy định tại Phụ lục Thông tư này. Đối với những tiêu chí được đánh giá “chưa đạt”, có phương án xử trí, khắc phục kịp thời.
2. Cuối năm học, cơ sở giáo dục mầm non tổ chức tự đánh giá kết quả xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích theo tiêu chuẩn quy định tại Điều 8 của Thông tư này, báo cáo kết quả về Phòng Giáo dục và Đào tạo theo quy định.
Điều 10. Kiểm tra, đánh giá cơ sở giáo dục mầm non an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích
1. Đầu năm học, Phòng Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các quy định tại Thông tư này đối với các cơ sở giáo dục mầm non. Việc kiểm tra được thực hiện kết hợp với các nhiệm vụ kiểm tra chuyên môn khác trong năm học, có biên bản và thông báo kết quả kiểm tra.
2. Cuối năm học, căn cứ báo cáo của cơ sở giáo dục mầm non, tiêu chuẩn theo quy định và kết quả kiểm tra, giám sát trong năm học, Phòng Giáo dục và Đào tạo lập danh sách cơ sở giáo dục mầm non đạt tiêu chuẩn trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích, báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo.
3. Trong trường hợp cần thiết, Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức đoàn kiểm tra kết quả tự đánh giá của cơ sở giáo dục mầm non hoặc chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để đánh giá kết quả xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non.
Chương IV
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
Điều 11. Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo
1. Hướng dẫn, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra các Phòng Giáo dục và Đào tạo và các trường mầm non trực thuộc (nếu có) trong việc thực hiện các nội dung theo quy định tại Thông tư này.
2. Hằng năm, tổ chức tập huấn, hội thảo, tổng kết đánh giá về công tác xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non.
3. Báo cáo kết quả xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng thời điểm báo cáo tổng kết năm học theo quy định.
Điều 12. Trách nhiệm của Phòng Giáo dục và Đào tạo
1. Xây dựng kế hoạch hoạt động và dự toán ngân sách hàng năm cho công tác xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non.
2. Hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non trong việc triển khai thực hiện các nội dung theo quy định tại Thông tư này.
3. Phối hợp với các đơn vị, ban, ngành hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn thực hiện các quy định có liên quan đến công tác xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích.
4. Chủ trì hoặc phân công trách nhiệm đối với nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non trên địa bàn thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, đánh giá theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư này.
5. Báo cáo kết quả xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non gửi Sở Giáo dục và Đào tạo cùng thời điểm báo cáo tổng kết năm học theo quy định.
Điều 13. Trách nhiệm của cơ sở giáo dục mầm non
1. Ban hành kế hoạch xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non theo năm học.
2. Cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trong cơ sở giáo dục mầm non theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện các nội dung quy định tại các Điều 3, 4, 5, 6 và 7 của Thông tư này.
3. Huy động sự tham gia của các thành viên trong cơ sở giáo dục mầm non, gia đình và cộng đồng trong việc xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích.
4. Người đứng đầu cơ sở giáo dục mầm non chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên và trước pháp luật nếu thiếu trách nhiệm để xảy ra mất an toàn tại cơ sở giáo dục mầm non.
5. Báo cáo việc thực hiện Thông tư này trong nội dung báo cáo tổng kết hoạt động của đơn vị hàng năm gửi cơ quan quản lý cấp trên; báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về kết quả báo cáo.
Điều 14. Trách nhiệm của ủy ban nhân dân các cấp
1. Chỉ đạo, triển khai, đôn đốc công tác xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn.
2. Đầu tư nguồn lực, kinh phí cho công tác xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non.
3. Tổ chức phối hợp giữa các cơ quan thuộc quyền quản lý, các tổ chức kinh tế, xã hội để thực hiện nhiệm vụ xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2022.
2. Thông tư này thay thế Thông tư số 13/2010/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư nay./.
Nơi nhận:
– Văn phòng Chính phủ;
– Văn phòng Quốc hội;
– Ủy ban VHGDTNTNND của Quốc hội;
– Ban Tuyên giáo Trung ương;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ quan thuộc Chính phủ;
– Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
– Hội đồng QGGD&PTNNL;
– HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
– Sở GDĐT, Sở GDKHCN Bạc Liêu;
– Công báo;
– Cổng TTĐT Chính phủ;
– Cổng TTĐT Bộ GDĐT;
– Lưu: VT, Vụ PC, Vụ GDMN.
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Ngô Thị Minh
Phụ lục
BẢNG KIỂM CƠ SỞ GIÁO DỤC MẦM NON AN TOÀN, PHÒNG,
CHỐNG TAI NẠN THƯƠNG TÍCH
(Ban hành kèm theo Thông tư số 45/2021/TT-BGDĐT
ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Mẫu 1. Dành cho nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non
TT
Nội dung
Đánh giá (đạt/chưa đạt)
A
Tiêu chí về cơ sở vật chất
I
Địa điểm, quy mô, khối phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật
1
Địa điểm, quy mô, diện tích, các khối phòng, khối phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật bảo đảm đạt mức tiêu chuẩn tối thiểu về cơ sở vật chất theo quy định.
2
Khuôn viên ngăn cách với bên ngoài bằng hàng rào bảo vệ; cổng trường đảm bảo kiên cố, vững chắc, có biển tên và đóng mở theo giờ quy định.
3
Sân chơi bằng phẳng, không trơn trượt; có hệ thống biển chỉ dẫn các vị trí, khu vực vui chơi bằng ký hiệu phù hợp với nhận thức của trẻ.
4
Hệ thống cây xanh phù hợp cảnh quan, tạo bóng mát; cây cổ thụ được gia cố, chặt, tỉa bảo đảm an toàn, tránh gãy đổ.
5
Hệ thống bồn hoa, bồn cây không có góc cạnh sắc nhọn; chậu hoa, cây cảnh đặt ở vị trí an toàn, chắc chắn; không trồng cây có quả vỏ cứng, hoa, quả có nhựa độc, gai sắc hoặc thu hút ruồi, muỗi.
6
Hệ thống chứa nước (giếng, bể, bồn…) có nắp đậy, khóa chắc chắn; có cửa hoặc rào chắn ở lối ra các khu vực như kênh, mương, suối, ao, hồ, hố sâu, bể bơi (nếu có).
7
Hệ thống cống, rãnh bảo đảm kín, không rò rỉ, ứ đọng gây ô nhiễm môi trường; khu thu gom rác thải bố trí độc lập, có lối ra vào riêng cách xa các khối phòng chức năng; bảo đảm thu gom rác thải đúng quy định.
8
Hệ thống phòng cháy, chữa cháy được nghiệm thu; thiết bị phòng cháy chữa cháy được kiểm định theo quy định và bảo đảm hoạt động bình thường.
9
Phòng y tế có các loại thuốc thiết yếu, bảo đảm còn hạn sử dụng; có dụng cụ sơ cấp cứu và các điều kiện trang thiết bị phòng chống dịch bệnh theo đúng quy định; có bảng hướng dẫn quy trình sơ cấp cứu tai nạn thương tích thường gặp đối với trẻ em.
II
Phòng sinh hoạt chung
10
Phòng nhóm/lớp không thấm dột, thoáng mát, sạch sẽ, đủ ánh sáng
11
Hệ thống cửa (ra vào, cửa sổ) có móc cố định khi cửa mở; cửa sổ có chấn song chắc chắn, an toàn; cửa ra vào của nhóm trẻ có thanh chắn an toàn.
12
Không gian trong phòng, nhóm được bố trí thân thiện, phù hợp với độ tuổi, màu sắc trung tính; chiều cao các tranh ảnh, thiết bị phù hợp tầm nhìn của trẻ.
13
Góc chơi bố trí phù hợp với diện tích phòng, nhóm/lớp, an toàn và thuận tiện cho trẻ hoạt động; không bố trí góc chơi ở khu vực cửa ra vào và cửa nhà vệ sinh.
14
Các khu vực trong nhóm/lớp có hệ thống chỉ dẫn/quy định bằng ký hiệu khoa học, phù hợp nhận thức của trẻ.
15
Dây điện, ổ cắm điện, ăng-ten tivi, cầu chì, công tắc…được đặt ở nơi trẻ không với tới (độ cao lớn hơn 1,50 m tính từ mặt sàn) hoặc có hộp/nắp/lưới an toàn.
III
Hiên chơi, lan can, cầu thang
16
Lan can, hiên chơi thiết kế đúng quy định (chiều cao lớn hơn lm, sử dụng các thanh đứng với khoảng cách nhỏ hơn 10 cm, không làm các thanh phân chia ngang) hoặc được gia cố chắc chắn, đảm bảo an toàn; không kê bàn ghế và đồ dùng ở khu vực lan can.
17
Cầu thang có tay vịn, bậc thang thiết kế đúng quy định, dễ sử dụng đối với trẻ; thang máy, thang vận chuyển thực phẩm (nếu có) có cửa, khóa bảo đảm an toàn.
IV
Nhà vệ sinh
18
Có thiết bị vệ sinh phù hợp với trẻ, dễ sử dụng; có đủ nước để sử dụng; đối với lớp mẫu giáo, bố trí riêng nhà vệ sinh cho trẻ em gái và trẻ em trai.
19
Nhà vệ sinh bảo đảm giáo viên dễ quan sát; nền nhà vệ sinh luôn khô ráo, sạch sẽ; dụng cụ có chứa nước (xô, chậu…) có nắp đậy an toàn.
21
Có thiết bị vệ sinh dành cho trẻ khuyết tật
22
Dụng cụ đựng hoá chất (các chất tẩy rửa..) có nhãn rõ ràng để xa tầm với của trẻ em. Chỉ sử dụng các chất tẩy rửa trong danh mục quy định.
V
Thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, học liệu
23
Thiết bị, đồ dùng, đồ chơi trong nhóm/lớp bảo đảm an toàn, phù hợp với độ tuổi; đồ dùng, đồ chơi theo danh mục và bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định.
24
Đồ chơi ngoài trời bố trí ở vị trí an toàn, bảo đảm trẻ dễ sử dụng; không sử dụng những đồ chơi đã gãy, hỏng có nguy cơ mất an toàn với trẻ.
25
Thiết bị, đồ dùng, đồ chơi sắp xếp khoa học, phù hợp với độ tuổi, thân thiện, thuận tiện cho trẻ tiếp cận sử dụng; hệ thống tủ, giá, kệ.. .được kê xếp an toàn, có vít/chốt cố định.
26
Bình chứa nước uống, tủ/giá đựng ca cốc được bố trí tại khu vực trẻ dễ lấy, dễ cất và an toàn khi sử dụng.
27
Tài liệu, học liệu bảo đảm yêu cầu về tính an toàn, thẩm mỹ, giáo dục; phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lý và nhu cầu nhận thức của trẻ, phát huy khả năng tư duy sáng tạo, kích thích tính tò mò, khám phá, ham hiểu biết ở trẻ.
28
Các đồ dùng, giáo cụ trực quan dễ gây mất an toàn (dao, kéo, hột hạt,…) chỉ cho trẻ sử dụng khi có sự hướng dẫn, giám sát của giáo viên.
29
Có đồ dùng, trang thiết bị, đồ chơi, học liệu chuyên dụng hoặc điều chỉnh phù hợp với trẻ em khuyết tật, trẻ em có nhu cầu đặc biệt.
VI
Nhà bếp
30
Độc lập với các khối phòng chức năng; bảo đảm về thiết kế theo quy trình bếp 1 chiều, lưu thông không khí.
31
Có đầy đủ trang thiết bị đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành; đồ dùng phục vụ ăn uống làm bằng chất liệu an toàn, được vệ sinh sạch sẽ.
32
Có hợp đồng cung cấp thực phẩm hoặc biên bản cam kết về nguồn gốc, xuất xứ của thực phẩm.
33
Quy trình chế biến, nấu nướng, chia ăn bảo đảm các quy định về an toàn thực phẩm
34
Thực hiện kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn đúng quy định.
B
Tiêu chí về cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và môi trường sư phạm
35
Không có cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên vi phạm đạo đức nhà giáo.
36
Không có tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em xảy ra trong cơ sở giáo dục mầm non.
37
Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được tập huấn nâng cao năng lực về bảo đảm an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích; kỹ năng sơ, cấp cứu; phòng, chống bạo hành trẻ; kỹ năng ứng xử sư phạm.
38
Có đủ giáo viên theo quy định.
39
Nhân viên nấu ăn bảo đảm các điều kiện về sức khỏe và kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định.
40
Thực hiện lồng ghép giáo dục trẻ kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân trong các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ hàng ngày; thực hiện giáo dục hoà nhập cho trẻ có nhu cầu đặc biệt.
41
Trang phục của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên gọn gàng, lịch sự, thuận tiện trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
C
Tiêu chí về tổ chức hoạt động; quan hệ nhà trường, gia đình và xã hội
42
Có kế hoạch xây dựng cơ sở giáo dục mầm non an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích.
43
Số điện thoại, hộp thư góp ý, các hình thức tiếp nhận thông tin về bạo hành, xâm hại, bảo đảm an toàn cho trẻ được công khai ở các vị trí dễ quan sát, tiếp cận.
44
Có bảng truyền thông về đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh, các thông tin về kiến thức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ đối với trẻ em; có bảng công khai tài chính và thực đơn hàng ngày của trẻ (đối với cơ sở giáo dục mầm non có tổ chức ăn bán trú).
45
Có quy định về đón, trả trẻ để phòng tránh trẻ bị thất lạc; các phương án sơ tán khi xảy ra tình huống bất thường (cháy, nổ, cấp cứu, thiên tai…)
46
Có hệ thống công nghệ thông tin kết nối internet để tra cứu thông tin và được kiểm soát về nội dung đảm bảo an toàn, lành mạnh, phù hợp.
47
Có hệ thống kết nối, chia sẻ thông tin giữa nhà trường với gia đình về kết quả nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ và kịp thời thông tin về những tiến bộ hoặc khó khăn của trẻ.
48
Có bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong cơ sở giáo dục mầm non theo quy định
49
Thực hiện công tác y tế trường học theo quy định; phối hợp với ngành y tế địa phương trong công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ em.
50
Có sự tham gia của gia đình và cộng đồng trong rà soát, đánh giá, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích.
Đánh giá:
– Mỗi tiêu chí được đánh giá “đạt” hoặc “chưa đạt”
– Tiêu chí bắt buộc (20 tiêu chí được đánh dấu gach chân): 1, 2, 5, 6, 8, 9, 10, 13,
15, 16, 17, 19, 24, 28, 32, 34, 35, 36, 42, 48.
Phụ lục
BẢNG KIỂM CƠ SỞ GIÁO DỤC MẦM NON AN TOÀN, PHÒNG,
CHỐNG TAI NẠN THƯƠNG TÍCH
(Ban hành kèm theo Thông tư số 45/2021/TT-BGDĐT
ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Mẫu 2. Dành cho nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập
TT
Nội dung
Đánh giá (đạt/chưa đạt)
A
Tiêu chí về cơ sở vật chất
I
Địa điểm và các công trình phụ trợ
1
Địa điểm cách xa các cơ sở dịch vụ, cơ sở sản xuất, chăn nuôi, kho chứa hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, độc hại, có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ và không nằm trong vùng cảnh báo nguy hiểm.
2
Khuôn viên được ngăn cách với bên ngoài, có biển tên theo quy định; có cổng/cửa đóng mở theo giờ quy định.
3
Khu vui chơi cho trẻ bằng phẳng, không trơn trượt; có hệ thống chỉ dẫn các vị trí, các khu vực chơi bằng ký hiệu khoa học, phù hợp với nhận thức của trẻ. Không sử dụng những đồ chơi đã gãy, hỏng có nguy cơ mất an toàn với trẻ.
4
Hệ thống bồn hoa, bồn cây không có góc cạnh sắc nhọn; chậu hoa, cây cảnh đặt ở vị trí an toàn, chắc chắn; không trồng cây có quả vỏ cứng, hoa, quả có nhựa độc, gai sắc hoặc thu hút ruồi, muỗi.
5
Hệ thống chứa nước (giếng, bể, bồn…) có nắp đậy chắc chắn. Có cửa hoặc rào chắn ở lối đi ra các khu vực như kênh, rạch, suối, ao, hồ, hố sâu (nếu có).
6
Có lối thoát hiểm; thiết bị chữa cháy được kiểm định, bảo đảm hoạt động bình thường.
7
Hệ thống cống, rãnh để dẫn thoát nước mưa, nước thải bảo đảm kín, không rò rỉ, ứ đọng gây ô nhiễm môi trường.
8
Khu vực thu gom rác thải bố trí độc lập, cách xa phòng nhóm/lớp; thuận lợi cho việc thu gom, vận chuyển rác.
9
Phòng/góc y tế bố trí ở vị trí thuận tiện cho công tác sơ/cấp cứu; có các loại thuốc thiết yếu, bảo đảm còn hạn sử dụng; có bảng hướng dẫn sơ cấp cứu; có các trang thiết bị phòng chống dịch bệnh theo đúng quy định.
10
Lan can, hiên chơi thiết kế đúng quy định hoặc được gia cố chắc chắn, đảm bảo an toàn (chiều cao lớn hơn lm, khoảng cách các thanh phân chia nhỏ hơn 10 cm); không kê bàn ghế và đồ dùng ở khu vực lan can.
11
Cầu thang có tay vịn, có lưới an toàn; có cửa chắn ở đầu và cuối cầu thang; thang máy, thang vận chuyển thực phẩm (nếu có) có cửa, khóa đảm bảo an toàn.
II
Phòng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ
12
Phòng, nhóm bảo đảm diện tích theo quy định, không thấm dột, thoáng mát, đủ ánh sáng; nền nhà bằng phẳng, không trơn trượt.
13
Hệ thống cửa (ra vào, cửa sổ) có móc cố định khi cửa mở; cửa sổ có chấn song chắc chắn, an toàn; cửa ra vào của nhóm trẻ có thanh chắn an toàn.
14
Không gian trong phòng, nhóm được bố trí thân thiện, phù hợp với độ tuổi, màu sắc trung tính; chiều cao các tranh ảnh, thiết bị phù hợp tầm nhìn của trẻ
15
Góc chơi bố trí phù hợp với diện tích phòng, nhóm/lớp, an toàn và thuận tiện cho trẻ hoạt động; không bố trí góc chơi ở khu vực cửa ra vào và cửa nhà vệ sinh.
16
Các ổ cắm điện, ăng-ten tivi, cầu chì, công tắc…được đặt ở nơi trẻ không với tới (độ cao lớn hơn 1,5 m tính từ mặt sàn) hoặc có hộp/nắp/lưới an toàn. Trong nhóm/lớp không sử dụng bếp đun, bàn là, ấm điện, máy bơm… và các chất dễ gây cháy nổ.
III
Thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, học liệu
17
Thiết bị, đồ dùng, đồ chơi trong nhóm/lớp đảm bảo an toàn, phù hợp với độ tuổi, bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định.
18
Thiết bị, đồ dùng, đồ chơi sắp xếp thuận tiện cho trẻ tiếp cận sử dụng, kể cả trẻ khuyết tật; tủ, giá, kệ…được kê xếp an toàn, có vít/chốt cố định; không sử dụng những đồ chơi đã gãy, hỏng có nguy cơ mất an toàn với trẻ.
19
Tài liệu, học liệu bảo đảm yêu cầu về tính an toàn, thẩm mỹ, giáo dục theo quy định và đủ số lượng theo số trẻ.
20
Các đồ dùng, giáo cụ trực quan dễ gây mất an toàn (dao, kéo, hột hạt,…) chi cho trẻ sử dụng khi có sự hướng dẫn, giám sát của giáo viên.
21
Bình chứa nước uống, tủ/giá đựng ca cốc được bố trí tại khu vực trẻ dễ lấy, dễ cất và an toàn khi sử dụng.
IV
Nhà vệ sinh
22
Khu vệ sinh bảo đảm giáo viên dễ quan sát; thiết bị vệ sinh phù hợp với trẻ, thân thiện, dễ sử dụng.
23
Nền nhà vệ sinh luôn khô ráo, sạch sẽ; dụng cụ có chứa nước (xô, chậu…) có nắp đậy an toàn.
24
Dụng cụ đựng hoá chất (các chất tẩy rửa..) phải có nhãn rõ ràng, để đúng nơi quy định, xa tầm với của trẻ em. Chỉ sử dụng các chất tẩy rửa trong danh mục quy định.
V
Nhà bếp
25
Độc lập hoặc có cửa ngăn cách với với khu vực chăm sóc, giáo dục trẻ; bảo đảm lưu thông không khí; bố trí các khu vực theo quy trình một chiều; có tiêu lệnh chữa cháy, bình chữa cháy được kiểm định và còn sử dụng được.
26
Trang thiết bị đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành; thiết bị, đồ dùng phục vụ ăn uống làm bằng chất liệu an toàn, được vệ sinh sạch sẽ.
27
Có hợp đồng cung cấp thực phẩm hoặc biên bản cam kết về nguồn gốc, xuất xứ của thực phẩm.
28
Quy trình chế biến, nấu nướng, chia thức ăn bảo đảm các quy định về an toàn thực phẩm; thực hiện lưu mẫu thức ăn theo quy định.
B
Tiêu chí về cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và môi trường sư phạm
29
Không có cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên vi phạm đạo đức nhà giáo.
30
Không có tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em xảy ra trong cơ sở giáo dục mầm non.
31
Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được tập huấn nâng cao năng lực về bảo đảm an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích; kỹ năng sơ, cấp cứu; phòng, chống bạo hành trẻ; kỹ năng ứng xử sư phạm.
32
Đảm bảo đủ giáo viên để thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.
33
Trang phục của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên gọn gàng, lịch sự, thuận tiện trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
C
Tiêu chí về tổ chức hoạt động; quan hệ nhà trường, gia đình và xã hội
34
Có kế hoạch xây dựng cơ sở giáo dục mầm non an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích.
35
Có bản cam kết giữa cơ sở giáo dục mầm non và gia đình về bảo đảm an toàn cho trẻ; có quy định về đón, trả trẻ để phòng tránh trẻ bị thất lạc.
36
Số điện thoại, hộp thư góp ý và các hình thức tiếp nhận thông tin về bạo hành, xâm hại, bảo đảm an toàn cho trẻ được công khai ở các vị trí dễ quan sát, tiếp cận.
37
Có hình thức thông tin phù hợp đến gia đình về kết quả hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, những tiến bộ hoặc khó khăn của trẻ em.
38
Tổ chức theo dõi, đánh giá, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em theo quy định.
39
Có bảng truyền thông về đảm bảo an toàn; phòng chống dịch bệnh; các thông tin về kiến thức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ đối với trẻ em; bảng công khai tài chính và thực đơn hàng ngày của trẻ (đối với cơ sở giáo dục mầm non có tổ chức ăn bán trú).
40
Có sự tham gia của gia đình và cộng đồng trong rà soát, đánh giá và khắc phục các yếu tố nguy cơ gây mất an toàn với trẻ.
Đánh giá:
– Mỗi tiêu chí được đánh giá “đạt” hoặc “chưa đạt”
– Tiêu chí bắt buộc (15 tiêu chí được đánh dấu gạch chân): 1, 2, 5, 6, 11, 16, 21, 23, 24, 25, 28, 29, 30, 34, 35.