Thông tư 26/BGDĐT sửa đổi thông tư 58/BGDĐT về đánh giá xếp loại học sinh
Ngày 26 tháng 8 năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thông tư số 26/TT-BGDĐT về Sửa đổi bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và học sinh THPT ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
Việc sửa đổi Thông tư 58 được áp dụng trong năm học 2020 – 2021 bằng thông tư 26 được xem là “bước đệm” cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, khắc phục nhiều môn học chỉ có hình thức đánh giá bằng bài kiểm tra và cho điểm; nhiều đầu điểm; chưa tiếp cận đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh …
Dự thảo có một số nội dung chỉnh sửa chính như sau:
Thứ nhất: Tăng cường kết hợp đánh giá định tính và định lượng. Cụ thể, kết hợp đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số ở hầu hết các môn học (trừ Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục).
Đánh giá bằng điểm số kết quả thực hiện các yêu cầu về chuẩn kiến thức, kĩ năng đối với môn học quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Kết quả đánh giá được cho điểm theo thang điểm từ điểm 0 đến 10; nếu sử dụng thang điểm khác phải quy đổi về thang điểm 10.
Đánh giá bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi, kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh trong quá trình học tập môn học quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Thứ hai: Đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá. Trước đây, chú trọng kiểm tra đánh giá bằng điểm số, đánh giá định lượng nhiều hơn; chủ yếu kiểm tra đánh giá bằng các bài kiểm tra viết, kiểm tra hỏi đáp (miệng). Nay, hình thức kiểm tra đánh giá thường xuyên có: Hỏi – đáp, thuyết trình, viết ngắn (trên giấy hoặc trên máy tính), thực hành, sản phẩm học tập. Hình thức kiểm tra đánh giá định kỳ có bài kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính; thuyết trình; thực hành; sản phẩm học tập.
Mỗi hình thức kiểm tra đánh giá phải có hướng dẫn cụ thể và được thông báo công khai trước khi thực hiện.
Thứ ba: Thống nhất số đầu điểm đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ cho mỗi môn học. Với kiểm tra đánh giá thường xuyên, môn học có từ 35 tiết trở xuống/năm học quy định 2 điểm đánh giá thường xuyên; môn học có từ trên 35 tiết đến 70 tiết/năm học: 3 điểm đánh giá thường xuyên; môn học có từ trên 70 tiết/năm học: 4 điểm đánh giá thường xuyên. Với kiểm tra đánh giá định kỳ: Mỗi môn học có 1 điểm đánh giá giữa kỳ và 1 điểm đánh giá cuối kỳ; không còn điểm 1 tiết. Tổng số đầu điểm là giảm so với quy định hiện hành. Môn nhiều nhất có 6 đầu điểm.
Đặc biệt, kiểm tra đánh giá giữa kỳ và cuối kỳ, trong dự thảo đang xin ý kiến này, không chỉ có kiểm tra đánh giá kiểu truyền thông là viết trên giấy mà còn có thực hiện trên máy tính. Ngoài ra, vẫn có thể thay thế lấy điểm thông qua các hoạt động học tập, sản phẩm học tập. Tuy nhiên, thời lượng dành cho hoạt động kiểm tra đánh giá cuối kỳ, giữa kỳ phụ thuộc và thời lượng môn học, số tiết môn học đó trong năm.
Thứ tư: Tăng cường vai trò môn Ngoại ngữ trong xét danh hiệu học sinh giỏi; mở rộng hơn đối tượng khen thưởng.
Toàn văn thông tư xin xem ở tệp đính kèm tại đây./.