Thông tin về Cây Ca Cao – Cách trồng và chăm sóc | Canh Điền

Cùng với cây cà phê, điều và hồ tiêu, ca cao cũng là cây trồng chủ lực chính ở vùng đất Đông – Tây Nam Bộ và Tây Nguyên. Hạt ca cao là nguyên liệu chính sản xuất ra socola và pha chế thành các loại đồ uống, bánh kẹo nên được thu mua với giá thành rất cao. Trước đây diện tích canh tác thường chiếm đa số, hiện nay do hạn hán, xâm nhập mặn đến sớm và kéo dài làm cho nhiều diện tích cây trồng, hoa màu chuẩn bị cho thu hoạch bị giảm năng suất hoặc mất trắng. Do đó cần có những biện pháp ngăn mặn để ứng phó tạm thời và mở rộng thêm diện tích trồng cây để nâng cao năng suất sản phẩm. 

I. Giới thiệu về cây Cacao

Tên thường gọi:

Cây cacao

Tên gọi khác:

Cocoa

Tên khoa học:

Theobroma cacao L

Tên tiếng anh:

Madagascar almond

Họ thực vật:

Cây cacao thuộc họ Trôm (Sterculiaceae)

Nguồn gốc xuất sứ:

Cây có nguồn gốc ở lưu vực sông Amazon, Nam Mỹ

Phân bố:

Cây ca cao được nhân rộng ra nhiều khu vực khác trên thế giới. Cây được du nhập vào nước ta theo các nhà truyền giáo phương Tây.  Ca cao được trồng nhiều ở các tỉnh như:

Đắc Lắc, Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bình Thuận, Hậu Giang, Trà Vinh và  Sóc Trăng

Nơi sống:

Cây thường mọc hoang ở trong rừng nhiệt đới ẩm

Tuổi thọ:

Ca cao là cây công nghiệp sống lâu năm

Gồm các loại cây:

Cacao có 2 giống cây chính là: Crillo và Forastero, hiện nay được lai tạo thêm giống Trinitario từ 2 cây gốc ở trên

Cây Ca Cao

I. Đặc điểm của cây Cacao

  • Hình dáng bên ngoài:

    Cây ca cao là cây thân gỗ nhỏ, thân cành khẳng khiu, vỏ cây màu nâu sần sùi, nhiều u bướu, là cây ưa bóng râm.

  • Kích thước:

    Cây ca cao trưởng thành có chiều cao khoảng 8m, đường kính 20cm.

  • Cành:

    Cây ca cao thường phân cành khá thấp, cành thẳng hoặc hơi chếch hướng lên trên. 

  • Lá:

    Lá ca cao hình bầu dục, to dài, khi non lá non màu xanh lục, lá già màu xanh đậm. Lá không rụng theo mùa mà chỉ rụng những lá già úa vàng, lá và vỏ quả rụng xuống cũng là nguồn dinh dưỡng cho các loại cây trồng khác. Do vậy cây ca cao thường được trồng dưới tán cây ăn quả khác để tận dụng lá và vỏ quả làm phân bón.

  • Hoa:

    Hoa ca cao nhỏ có màu trắng hồng, ra theo chùm từ thân cây hoặc các cành lớn. Mỗi năm cây cho ra hai vụ hoa hoặc dùng thuốc kích thích cho ra hoa quanh năm.

  • Quả:

    Quả ca cao hình bầu dục, dài, đáy quả hơi nhọn. Vỏ quả khi non màu hồng, khi chín màu đỏ, có các đường rãnh dọc theo chiều dài quả, núm dài khoảng 5cm.  Bên trong quả chứa nhiều hạt màu nâu bóng, hạt chính là thành phần quan trọng nhất được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Mùa thu hoạch quả vào tháng 9 – 12 âm lịch.

III. Tác dụng của cây Cacao

Cây ca cao được trồng chủ yếu để lấy hạt, trong hạt có chứa nhiều chất dinh dưỡng như: Protein, lipid (chất béo không no), Triglycerid, Carbohydrate, chất xơ hòa tan và nhiều khoáng chất thiết yếu như: Sắt, magie, mangan..rất cần thiết cho sự trao đổi chất trong cơ thể.

Hạt có chứa nhiều chất dinh dưỡng nên được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như: Sản xuất tinh dầu và chế biến thành nhiều sản phẩm bánh kẹo socola, bơ ca cao, pha chế thành  nước uống (có chứa chất kích thích Cafein nhưng ít hơn nhiều so với hạt ca phê)…  

Tinh dầu ca cao có công dụng như sau:

  • Ngăn ngừa và chống các gốc tế bào tự do giúp ngăn ngừa các bệnh ung thư, bệnh tiểu đường, chống lão hóa. 

  • Làm tăng lưu lượng máu từ tim đến các cơ quan trong cơ thể, ổn định huyết áp, tăng sức bền thành mạch.

  • Giúp thư giãn, tăng cường trí nhớ, minh mẫn, giảm tình trạng suy giảm trí nhớ, chống trầm cảm.

  • Làm đẹp da: Giúp giữ ẩm da, tăng sự đàn hồi, đắp mặt nạ ca cao còn chống được tia UV trong ánh nắng mặt trời, giảm tình trạng thâm nám da.

Ngoài ra, vỏ quả ca cao phơi khô sau đó được xay, nghiền ủ lên men để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm và làm phân bón cho cây trồng.

Cây ca cao còn được trồng xen kẽ dưới tán các cây ăn quả khác giúp giữ ẩm cho đất, chống xói mòn đất đối với những vùng đất dốc, cải tạo đất.

Tìm hiểu về cây Cao Cao

IV. Cách trồng và chăm sóc cây Cacao

1. Cách trồng cây

Cây ca cao chịu bóng rất tốt nên rất dễ trồng và chăm sóc, cây cũng không kén chọn đất có thể trồng được trên chân đất đỏ thịt, đất nâu đen, đất phù sa. Song thích hợp nhất vẫn là đất đỏ bazan ở vùng Tây Nguyên, cây trồng không tốn nhiều phân bón và cũng không làm mất màu đất nhanh. Không trồng cây ở nơi đất hay gặp hạn hán và dễ  bị xâm nhập mặn.

Cây ca cao được nhân giống bằng phương pháp ghép cành và chiết cành.Tuy nhiên ghép cành là phương pháp tối ưu nhất cho ra cây giống khỏe mạnh.

  • Cách chọn cây giống ca cao

Chọn cây giống ca cao ghép có thân thẳng đẹp, lá xanh tốt, không bị tổn thương ở thân, lá và rễ. Chiều cao khoảng 40 – 60cm, bộ rễ màu trắng hoặc vàng, loại bỏ cây có rễ bị thâm đen. 

  • Mật độ và đất trồng

Nếu trồng cây trên đất chưa canh tác:  Thì đào hố trồng với mật độ dày khoảng 4 x 5m, lót phân chuồng hoặc phân vi sinh trước khi trồng khoảng 1 tháng. Phải đào rãnh thoát nước nếu trồng trên chân đất bằng phẳng. 

Nếu trồng xen trên những vườn cây ăn quả khác thì trồng với mật độ thưa hơn. Và phải cuốc hố ủ vôi khử trùng đất khoảng 1 tháng sau đó mới lót phân chuồng ủ tiếp khoảng 1 tháng sau mới trồng cây ca cao. 

Nếu đất trồng có nhiều sâu bọ, kiến, gián.. cần phải dùng thuốc diệt trước khi trồng để phòng sâu bọ tấn công bộ rễ còn non nớt của cây ca cao. Dùng chế phẩm sinh học Maxcect để rắc xuống hố trồng và trộn đều với đất trước khi trồng.

  • Cách trồng cây ca cao

 Xé túi bầu nhẹ nhàng không làm đứt rễ cây, đặt cây ca cao xuống hố trồng đã được lót phân sẵn, vùi đất và nén chặt xung quanh bầu rồi lấp đất không dày quá 2 – 3cm. Cắm cọc cố định cây để tránh mưa gió làm đổ cây con. 

Sau khi trồng xong cần tưới nước luôn cho cây để giữ ẩm cây và đất.

Dùng rơm, rạ, cây cỏ khô để che chắn hoặc làm mái che cho cây ca cao khi trồng ở nơi không có bóng cây. 

2. Cách chăm sóc cây

Sau khi trồng khoảng 7 – 15 ngày, cần tưới thêm phân vi lượng cho cây giúp thúc đẩy nhanh quá trình ra rễ mới và ra chồi mầm đầu tiên. Tưới định kỳ  2 lần cách nhau 10 ngày cho cây đủ dinh dưỡng để sinh trưởng. 

Khí hậu nhiệt đới nóng ẩm mưa nhiều là điều kiện lý tưởng để cây ca cao phát triển. Cây thích hợp sống ở nhiệt độ từ 25 – 35 độ, trên hoặc dưới mức này cây sẽ héo rũ thậm chí ngừng sinh trưởng và chết. 

Nguồn nước để tưới cây ca cao phải là nước ngọt, sạch không bị nhiễm chất Dioxin, chì, thủy ngân.. Tưới ít nhất mỗi ngày hai lần đối với mùa khô hạn, tưới vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Đối với vùng hạn hán, cần có biện pháp tích trữ nước mưa để tưới cây khi cần thiết.  

Nếu trồng xen trên đất vườn cây công nghiệp khác thì tưới ít hơn do có bóng cây che khuất. 

Phân bón: Có thể dùng nhiều loại phân như: NPK Đầu trâu (15- 15- 15 + TE), Nitex (18 – 6 – 18), Quế Lâm (12 – 6 – 12)…Bón ít một vào các thời kỳ ra mầm, ra hoa, chuẩn bị đậu trái và trước khi thu hoạch khoảng 1 – 2 tháng. 

Cây ca cao cũng như nhiều cây ăn quả khác, cũng có một số loại sâu bệnh hại cây như sau: Sâu đục thân, rệp hại lá, nấm hồng, nhện đỏ, thối quả, thối rễ, xì mủ thân hoặc gốc cây, cháy bìa lá… Đây là những loại bệnh làm tổn thương cây, làm xấu màu quả, giảm năng suất cây trồng. 

Cần có những biện pháp phòng trừ sâu hại cũng như nấm bệnh triệt để không để lây lan ra xung quanh. Đối với các loại sâu thông thường thì dùng hoạt chất Albamectin, đại diện là Reagant..phun đúng liều lượng khuyến cáo. Đối với các bệnh thối rễ, xì mủ cây dùng Ridomil gold 100g có thể bôi trực tiếp vào gốc hoặc pha phun, bệnh thối rễ cây dùng Alimet hoặc Alinet để pha nước tưới gốc phòng và chống thối rễ.

Cây ca cao cùng với nhiều loại cây khác là cây công nghiệp lâu năm và là nguồn thu nhập chính của người dân các vùng Tây Nguyên, Nam Bộ. Nên cần chăm sóc đúng kỹ thuật để cây được khỏe mạnh, thu hoạch quả  lâu dài, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, giúp xóa đói giảm nghèo bền vững ở vùng đất thường xuyên bị Hạn – Mặn kéo dài.

5/5 – (2 bình chọn)