Thông tin tuyên truyền – Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh
Các nội dung cơ bản qui định trong Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (phần 3)
Các nội dung cơ bản qui định trong Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (phần 3)
(tiếp theo và hết)
12/ Về thi hành quyết định xử phạt
Điều 72 Luật quy định: “Trường hợp vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt”. Đây là quy định mới so với Pháp lệnh XLVPHC. Ngoài ra, các quy định về hoãn thi hành quyết định phạt tiền, giảm miễn tiền phạt (Điều 76, Điều 77), nộp tiền phạt nhiều lần (Điều 79) là những quy định mới so với Pháp lệnh.
13/ Về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính
Luật XLVPHC quy định đối với hình thức giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì do Chủ tịch UBND cấp xã (tức cơ quan hành chính) quyết định. Còn lại những biện pháp khác thì đều phải chuyển hồ sơ cho Tòa án xem xét để ra hình thức áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Khoản 4 Điều 97, Khoản 3 Điều 99, Khoản 3 Điều 101 và Khoản 3 Điều 103 quy định Cơ quan lập hồ sơ phải thông báo cho người bị áp dụng, cha mẹ hoặc người đại diện của họ về việc lập hồ sơ để những người này đọc hồ sơ và ghi chép các nội dung cần thiết. Trên cơ sở xem xét các tài liệu trong hồ sơ, người bị đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính có thể chuẩn bị ý kiến để tự bảo vệ quyền, lợi ích của mình trong cuộc họp tư vấn trong trường hợp bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và trước Tòa án trong trường hợp bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
14/ Về các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính
Khoản 10 Điều 125 quy định: Đối với phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có địa chỉ rõ ràng, có điều kiện bến bãi, bảo quản phương tiện hoặc khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được giữ phương tiện vi phạm dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
15/ Những quy định đối với người chưa thanh niên vi phạm hành chính
Điều 134 Luật XLVPHC đưa ra các nguyên tắc xử lý áp dụng đối với vi phạm hành chính do người chưa thành niên, cụ thể là: Việc xử lý chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội; Bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên được áp dụng trong quá trình xử lý người chưa thành niên; Nguyên tắc áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng chỉ được thực hiện khi xét thấy không có biện pháp xử lý khác phù hợp hơn; Việc áp dụng hình thức, quyết định mức xử phạt vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên phải nhẹ hơn so với người thành niên có cùng hành vi vi phạm hành chính; Nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ bí mật riêng tư của người chưa thành niên; Việc áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính không được coi là đã bị xử lý vi phạm hành chính.
Trên cơ sở các nguyên tắc về xử lý vi phạm hành chính áp dụng đối với người chưa thành niên, Khoản 1 Điều 135 Luật XLVPHC quy định 3 hình thức xử phạt vi phạm hành chính áp dụng đối với người chưa thành niên là: cảnh cáo; phạt tiền; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trong khi đó có 5 hình thức xử phạt quy định chung áp dụng đối với mọi hành vi vi phạm do cá nhân, tổ chức thực hiện quy định tại Điều 21 của Luật XLVPHC.
Trên cơ sở cân nhắc về độ tuổi, mức độ trưởng thành và năng lực trách nhiệm hành chính của người chưa thành niên khi tham gia các quan hệ pháp luật, Khoản 2 Điều 135 Luật đã quy định chỉ áp dụng 4 trong số 9 biện pháp khắc phục hậu quả đã được quy định tại Điều 28 của Luật. Bên cạnh đó, để bảo đảm thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, nâng cao trách nhiệm của cha mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên, Khoản 3 Điều 134 của Luật quy định: trường hợp người chưa thành niên không có khả năng thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay”.
Luật XLVPHC quy định 2 biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với người chưa thành niên là biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (áp dụng chung cho cả người chưa thành niên và người thành niên) và biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng (chỉ áp dụng riêng đối với đối tượng là người chưa thành niên vi phạm pháp luật hành chính).
Khoản 5 Điều 140 quy định: trong thời gian quản lý tại gia đình (đây là 01 trong 02 biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thanh niên) nếu người chưa thành niên tiếp tục vi phạm pháp luật thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi ra quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình quyết định chấm dứt việc áp dụng biện pháp và xử lý theo quy định của pháp luật.
Trên đây là một số điểm mới được quy định trong Luật XLVPHC.
CÁC TIN BÀI KHÁC: