Thông tin chi tiết về cây Mắc Khén và cách chăm sóc

Cùng với lá Mắc mật, quả Mắc khén cũng là loại quả thường được dùng làm gia vị để tẩm ướp cho các món thịt, cá nổi tiếng của vùng núi Tây Bắc.  Khi nêm nếm cho mùi vị rất thơm ngon và hấp dẫn, bên cạnh việc tạo mùi cho món ăn, loại quả này cũng rất tốt đối với bệnh xương khớp ở người cao tuổi. Để hiểu thêm vê cây và công dụng của nó, hãy xem nội dung chi tiết dưới đây.

Cây mắc khén

I

.

Giới thiệu về cây Mắc khén

  • Tên thường gọi:

    Cây Mắc khén

  • Tên gọi khác:

    Cây Cóc hôi, Hoàng mộc hôi, Sẻn hôi, Vàng me..

  • Tên khoa học:

    Zanthoxylum rhetsa

  • Họ thực vật:

    Cây thuộc chi Hoàng mộc, họ Cam (Rutaceae)

  • Nơi sống:

    Cây thường mọc hoang trong rừng cận nhiệt đới, nhiệt đới thường xanh hoặc đồi núi thấp của khu vực phía Bắc.

  • Tuổi thọ:

    Là cây sống rất lâu năm

  • Phân bố:

    Trên thế giới, cây mọc nhiều ở Nêpan, Ấn Độ, Trung Quốc, …. Ở nước ta, cây mọc nhiều ở các tỉnh vùng núi phía Bắc như: Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng,  Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang….

II. Đặc điểm của cây Mắc khén

  • Hình dáng bên ngoài:

    Mắc khén là cây thân gỗ, thẳng đứng, vỏ cây màu xám trắng thân nhiều gai nhọn lởm chởm từ gốc tới ngọn.

  • Kích thước:

    Cây Mắc khén cao từ 10 – 15m, cây cổ thụ có thể cao đến 20m.

  • Lá:

    Lá cây thuộc dạng kép lông chim một lần lẻ hoặc chẵn, mọc cách. Lá màu xanh đậm, hình bầu dục thuôn dài, chóp nhọn, mép lá có răng cưa.

  • Hoa:

     Hoa mắc khén là hoa đơn tính, khác gốc, lá noãn rời thường mọc thành từng chùm có màu trắng xám ở đầu cành, thường ra hoa khoảng tháng 6 – 7 năm.

  • Quả:

    Quả mắc khén là có hình tròn, nhỏ như viên bi, khi non màu xanh và chuyển màu hồng khi già và đổi màu đen óng khi chín. Quả bắt đầu chín khoảng tháng 10 – 11 âm lịch hàng năm. 

  • Hạt:

    Khi quả mắc khén khô tự nứt vỏ lộ ra hạt nhỏ màu đen bóng, vỏ tươi giống như mùi he của vỏ cam, nhưng cảm giác nhẹ và dễ chịu hơn. Hạt là bộ phận chính của cây được  dùng trong ẩm thực Tây Bắc.

Tìm hiểu về cây mắc khén

III. Tác dụng của cây Mắc khén

1. Tác dụng trong ẩm thực

Trong bếp ăn của người dân tộc Thái và Mường thì không thể thiếu loại gia vị này, nó được xem như là loại hạt tiêu của rừng vừa thơm lại vừa cay nồng và là linh hồn của ẩm thực Tây Bắc. 

Hạt mắc khén phải được rang chín dậy mùi thơm rồi xay, giã nhuyễn để tẩm ướp cho các món ăn thêm hấp dẫn. Các món hay dùng thứ gia vị này như: nộm cá (hay gỏi cá), nộm thịt, thịt trâu hun khói (thịt treo gác bếp), Cá suối nướng (Pa Pỉnh tộp), làm nước chấm (Chẳm chéo) hoặc ăn Lẩu đều không thể thiếu hương vị của loại hạt này.

Đây là loại hạt làm nên tên tuổi của các món ăn đặc sản, khi ăn có vị cay nhẹ, hơi tê đầu lưỡi, ăn nóng rất hợp với mùa đông để xua tan đi cái lạnh cắt da cắt thịt ở vùng núi. 

2. Tác dụng chữa bệnh

 Hạt mắc khén có vị cay, tính ôn (ấm), chứa tinh dầu và chất kháng khuẩn mạnh thường dùng khi bị nhiễm lạnh (ho, nhức đầu, nôn mửa),  giảm đau nhức xương khớp rất hiệu quả.

Hạt mắc khén khô, ngâm rượu ít nhất khoảng 2 – 3 tháng có công như một loại thuốc cồn xoa bóp giúp làm giảm các vết máu tụ, bầm tím, đau nhức tê bại hệ cơ, xương, khớp.

3. Giá trị về kinh tế

Các loại hạt gia vị của rừng núi như: hạt dổi, hoa hồi, lá mắc mật nhất là hạt mắc khén đều có giá thành khá cao được giao bán rất nhiều thị trường. Tùy vào dạng thô hay đã qua chế biến mà có giá thành khác nhau, giá trung bình từ 200 – 300 nghìn VNĐ/1kg hạt khô.

Loại hàng hóa này còn được bán sang các nước láng giềng như Trung Quốc, Lào, Thái Lan qua con đường tiểu ngạch cũng mang lại món hời khá lớn cho tiểu thương.

Tác dụng của cây mắc khén

IV. Cách trồng và chăm sóc cây Mắc Khén

1. Cách trồng cây Mắc Khén

  • Nhân giống

Cây mắc khén được nhân giống bằng cách gieo hạt, chiết cành và giâm hom cành nhưng cách này tỷ lệ ra rễ thường thấp nên không áp dụng để nhân giống bằng phương pháp này.

  • Chọn giống

Chọn hạt giống cây mắc khén phải chắc mẩy hạt đen bóng nếu hạt đổi màu nâu bạc là hạt đã bị hỏng mốc không nên dùng.

Nếu có quả tươi nhưng phải đảm bảo quả đã già màu đen rồi phơi khô cho nứt vỏ, sàng sảy chỉ lấy hạt. Ngâm nước khoảng 12 tiếng rồi vớt lên ủ ẩm đợi nứt nanh là đem gieo hạt.

  • Đất gieo

Đất gieo hạt mắc khén cần phải được đập nhỏ, tơi xốp và phải được lên luống nếu đất ẩm thấp hoặc gần nguồn nước.

Lên luống xong, rắc phân chuồng hoai mục lên mặt luống và đảo đều, xoa phẳng luống rồi mới gieo hạt mắc khén.

  • Cách gieo

Có thể gieo vãi hạt giống hoặc đặt từng hạt theo kích cỡ quy định từ 1 – 15cm/1 hạt. Cũng có thể ươm hạt trong bầu, khi cây con đủ kích thước chỉ cần di chuyển bầu đi trồng.

Sau khi gieo dùng vật che chắn lên mặt luống tránh mưa to trôi hạt hoặc tránh nắng gắt làm khô mặt đất, hạt giống sẽ lâu mọc mầm.

Cách trồng và chăm sóc cây - Mắc Khén

  • Cách trồng cây mắc khén

Sau khi cây giống mắc khén có kích thước khoảng 30 – 40cm, thân thẳng, không sâu bệnh, lá to xanh tốt  là đã đủ tiêu chuẩn đem trồng.

  • Đất trồng

Nếu trồng rừng thì cuốc hố sâu với kích thước 30x30x30cm, đất tơi mềm có thể cuốc nhỏ hơn vừa đủ kích thước bầu cây.

Nếu đất đã qua canh tác lâu năm khi trồng nên lót phân chuồng hoai mục hoặc phân vi sinh để giúp làm tơi xốp đất và tạo mùn cho tầng đất phía dưới.

Xé túi bầu nếu ươm hạt mắc khén trong bầu hoặc dùng dao đánh gốc sao cho bộ rễ không bị tổn thương. Đặt cây xuống hố, lấp đất chặt vừa phải, nếu cây cao phải cắm cọc cố định cho cây không bị đổ nghiêng.

  • Cách chăm sóc cây mắc khén

Sau khi trồng việc cần làm trước là phải tưới nước luôn cho cây để giữ ẩm, nếu trồng cây mắc khén vào buổi sáng phải che nắng cho cây, nên trồng vào buổi chiều tối mát sẽ làm tươi lá cây hơn.

Sau khi trồng khoảng chừng 10 – 15 ngày nếu muốn cây mắc khén có bộ rễ khỏe, đâm chồi nảy lộc nhanh hơn thì có thể dùng phân bón kích rễ tưới cho cây. Pha 20 – 30 gam phân bón với 20 lít nước tưới cả gốc và thân cây cho ướt đẫm nhưng phải tưới vào ngày nắng tránh tưới ngày mưa.

Tưới lần 2 hoặc lần 3 cách nhau 15 ngày để rễ cây mắc khén hấp thụ hết lượng dinh dưỡng rồi mới tiếp tục tưới lần sau.

Thường xuyên cào cỏ xới cho tơi đất vừa giúp đất thông thoáng lại vừa tránh cạnh tranh dinh dưỡng với cây trồng. 

Theo dõi vườn cây mắc khén thường xuyên, bắt sâu và phun thuốc phòng ngừa sâu bệnh hại nếu có.

Ngoài phân dạng bột pha tưới có thể dùng thêm phân viên chậm tan bón vùi sâu xuống đất, tưới nước để phân tan dần mà không bị rửa trôi hay bốc hơi.

Cây mắc khén thường dễ trồng và chăm sóc, bản chất là cây mọc hoang nên rất khỏe và kháng sâu bệnh tốt. Đây là loại cây lấy hạt có giá trị kinh tế khá cao nên cần canh tác rộng rãi để tạo nguồn thu nhập cao, hơn nữa cũng là để bảo vệ đất rừng chống xói mòn và sạt lở đất.

5/5 – (2 bình chọn)