Thông tin chi tiết quy hoạch Đường Vành Đai 1-2-3-4 Tp HCM

Trong bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu thông tin chính về vị trí và chi tiết quy hoạch 4 tuyến đường vành đai tại TP.HCM (vành đai 1, vành đai 2, vành đai 3, vành đai 4). Tuyến đường vành đai giúp ích như thế nào đến cuộc sống người dân hiện nay.
 

1. ĐƯỜNG VÀNH ĐAI LÀ GÌ ?

Đường vành đai (hay còn được gọi là đường bao) là các cung đường bao quanh thành phố hoặc một khu đô thị, giúp các phương tiện lưu thông dễ dàng hơn, tránh đi việc ùn tắc từ khu vực trung tâm nội đô. Đường vành đai có thể là đường cao tốc hoặc xa lộ giúp cho các phương tiện tránh việc phải di chuyển trực tiếp vào các đường nội đô, giảm bớt mật độ xe lưu thông.

Đường vành đai được kết nối với quốc lộ trong đô thị thông qua các nút giao thông trọng điểm. Tùy theo đặc điểm đô thị, thành phố sẽ đưa ra quyết định xây dựng đường phù hợp với địa thế và thông tin quy hoạch của địa phương.

Mục đích chính của đường vành đai là tạo ra một tuyến đường nhanh hơn để các phương tiện xe cơ giới có thể linh hoạt di chuyển từ hướng này tới hướng khác của thành phố, từ tỉnh này tới tỉnh khác mà có thể hạn chế được tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng.

 

2. TP.HCM CÓ BAO NHIÊU ĐƯỜNG VÀNH ĐAI ?

Theo thông tin quy hoạch đã được chính phủ phê duyệt thì hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh có 4 tuyến đường Vành Đai: Vành Đai 1 – Vành Đai 2 – Vành Đai 3 – Vành Đai 4. Trong đó tuyến Đường Vành Đai 1 là tuyến ngắn nhất và nằm trong cùng.

Đường Vành Đai 1 Tp HCM là tuyến đường vành đai nằm gần trung tâm thành phố Hồ Chí Minh nhất và đã được hoàn thiện khép kín. Theo Nghị Định số 34/2010/NĐ-CP của Chính Phủ kí ngày 02/04/2010 thì UBND thành phố Hồ Chí Minh đã chọn tuyến đường Vành Đai 1 là ranh giới để phân biệt nội thành và ngoại thành của thành phố.

Đường Vành Đai 2 Tp HCM là tuyến đường bộ đô thị cấp 1 vòng tròn ở Thành phố Hồ Chí Minh

Đường Vành Đai 3 Tp HCM là dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011 và được điều chỉnh từ năm 2013. Dự án do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản; đơn vị thực hiện dự án là Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long.

Đường Vành Đai 4 Tp HCM có tổng chiều dài 197,6km, đi qua 5 tỉnh, thành là: TP Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Long An. Đây là dự án được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1698/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch chi tiết vào ngày 28-9-2011, quy mô kỹ thuật là cao tốc đô thị, mặt cắt ngang 6-8 làn xe, tốc độ 60-80 km/giờ.

 

3. THÔNG TIN VỀ ĐƯỜNG VÀNH ĐAI 1 TPHCM

Đường Vành đai 1 là tuyến đường chính đô thị cấp I của TP HCM dài 26,4 km; đi qua các quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh gồm: Quận Thủ Đức, Quận Tân Bình, Quận Tân Phú, Quận Bình Tân, Quận 8 và huyện Bình Chánh.

Đường Vành đai 1 bắt đầu từ Ngã tư Linh Xuân (Q. Thủ Đức) theo đường Phạm Văn Đồng đến sân bay Tân Sơn Nhất (Q. Tân Bình), rẽ trái nhập vào đường Trường Sơn – Hoàng Văn Thụ đến ngã tư Bảy Hiền. Tiếp tục đi thẳng nhập vào đường Hồng Lạc – Thoại Ngọc Hầu vượt Ngã 4 Bốn Xã nhập vào Hương lộ 2 (Q. Bình Tân). Rẽ trái cắt qua đường Kinh Dương Vương, Võ Văn Kiệt, An Dương Vương; vượt kênh Lò Gốm, kênh Đôi nối vào đường Nguyễn Văn Linh (Khu dân cư Conic, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh).  

Bản đồ đường vành đai 1 

3.1 LỘ TRÌNH TUYẾN ĐƯỜNG VÀNH ĐAI 1 TPHCM

Lộ trình tuyến Vành đai 1 như sau:

– Đoạn 1: Ngã 4 Linh Đông (nút giao Phạm Văn Đồng – Vành đai 2) – Vòng xoay Nguyễn Thái Sơn dài 8,5 km, 12 làn xe (lộ giới 60m). Đoạn này đã hoàn thành, trùng với đường Phạm Văn Đồng.

– Đoạn 2A: Vòng xoay Nguyễn Thái Sơn – Ngã tư Bảy Hiền dài 4,8 km. Đoạn này đi trùng với các tuyến đường: Bạch Đằng – Hồng Hà (2 tuyến đường 1 chiều song song mỗi tuyến lộ giới 20m), Trường Sơn (lộ giới 60m), Trần Quốc Hoàn (lộ giới 50m), Hoàng Văn Thụ (lộ giới 32m). Đoạn này mới hoàn thiện giai đoạn 1. 

– Đoạn 2B: Ngã tư Bảy Hiền – Hương Lộ 2 dài 4,7 km. Gồm các tuyến đường: phóng mới 1 đoạn nối từ Ngã tư Bảy Hiền đến đường Thoại Ngọc Hầu (lộ giới 32m), đường Thoại Ngọc Hầu (lộ giới 40m), đường Hương lộ 2 (lộ giới 40m). Đoạn này vẫn chưa hoàn thiện.

– Đoạn 3: Hương lộ 2 – Nguyễn Văn Linh dài 8,4 km (lộ giới 60m). Gồm các tuyến đường: Vành đai trong, Vành đai trong nối dài (đoạn 1 từ Hương lộ 2 đến đường số 29; đoạn 2 từ đường Kinh Dương Vương đến đường Nguyễn Văn Linh). Đoạn này chỉ mới hoàn thiện đoạn Vành đai trong thuộc KDC Tên Lửa (Q. Bình Tân).

Như vậy, toàn bộ quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Phú, Tân Bình và một phần quận 2, 7, 12, Thủ Đức, Bình Tân sẽ nằm trong phạm đường Vành Đai 1. Đây là tuyến đường hiện hữu đã được xây dựng hoàn chỉnh 90% và phát huy hiệu quả trong việc giảm tải tình trạng tắc đường cho khu vực nội đô.

3.2 MỤC ĐÍCH TUYẾN ĐƯỜNG VÀNH ĐAI 1 TPHCM

Đường Vành Đai 1 được xây dựng nhằm mục đích tạo ra 1 tuyến đường đi nhanh hơn, thuận tiện hơn khi di chuyển từ vùng ven vào trung tâm thành phố mà không phải đi vào khu vực “lõi” thành phố; tránh được kẹt xe, ùn tắc khi mật độ lưu thông tại trung tâm TP HCM luôn cao. Đặc biệt hiện nay, vành đai 1 đã trở thành đường đô thị vì sự phát triển đô thị hóa quá nhanh.

Bên cạnh đó, tuyến đường Vành Đai 1 còn có ý nghĩa:

– Giúp giảm tình trạng xe quá tải lưu thông trong nội thành TP Hồ Chí Minh.

– Giảm việc lưu thông giữa các tỉnh ven thành phố mà không phụ thuộc các tuyến đường nội thành của thành phố Hồ Chí Minh.

– Giúp đồng bộ cơ sở hạ tầng của các vùng ngoại ô.

– Phù hợp với chính sách giãn dân ra khu vực vùng ven trung tâm thành phố Hồ Chí Minh.

– Làm tăng giá trị bất động sản vùng ven để xứng tầm với tiềm năng và là cơ hội tốt của nhà đầu tư.

– Tăng khả năng kết nối giao thương giữa các tỉnh thành ven TP.HCM. Giúp các tỉnh ven thành phố tăng trưởng kinh tế xứng đáng tiềm năng của địa phương.

3.3 VÀNH ĐAI 1 LÀ RANH GIỚÍ PHÂN CHIA NỘI – NGOẠI THÀNH ĐỂ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Cuối năm 2017, UBND TPHCM đã chính thức chọn đường vành đai 1 làm ranh giớí phân chia nội – ngoại thành để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Theo đó, nội thành sẽ bao gồm trên đường vành đai 1 và toàn bộ các tuyến đường bên trong vành đai 1, theo cung đường khép kín. Như vậy, toàn bộ quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Phú, Tân Bình và một phần quận 2, 7, 12, Thủ Đức, Bình Tân sẽ nằm trong phạm vi bị xử phạt “tăng nặng”.

Riêng đường Nguyễn Văn Linh do có một đoạn đi qua huyện Bình Chánh và Quốc lộ 1A có một đoạn đi qua tỉnh Bình Dương (đoạn từ trường Đại học Nông Lâm đến cầu vượt Sóng Thần) không thuộc phạm vi xử phạt “tăng nặng” nên người dân chỉ bị phạt với mức bình thường nếu phạm luật.

 

4. THÔNG TIN VỀ ĐƯỜNG VÀNH ĐAI 2 TPHCM

Đường Vành đai 2 được Thành phố Hồ Chí Minh quy hoạch từ năm 2007 với tổng vốn đầu tư toàn tuyến là 12.540 tỉ đồng – được đánh giá là dự án rất quan trọng cho giao thông khu vực ngoại vi bao quanh thành phố. Tuyến đường vành đai 2 đi qua các quận, huyện như: Quận 2, Quận 7, Quận 8, Quận 9, Bình Tân, Bình Chánh và Thủ Đức.

Dự án Vành đai 2 có chiều dài hơn 64 km, quy mô 6-10 làn xe. Dự án kết nối vành đai ngoại thành từ đại lộ Nguyễn Văn Linh qua nút giao Mỹ Thủy (quận 2) qua cầu Phú Hữu (quận 9), kết nối với xa lộ Hà Nội, tuyến Phạm Văn Đồng và quốc lộ 1A (đoạn qua quận Thủ Đức). Hiện đường Vành Đai 2 còn 3 phân đoạn chưa được khép kín, dự đoán năm 2023 sẽ hoàn thành. 

Bản đồ đường vành đai 2

4.1 LỘ TRÌNH TUYẾN ĐƯỜNG VÀNH ĐAI 2 TPHCM

Dự án được chia thành 4 phân đoạn cụ thể như sau:

– Đoạn 1, kết nối từ bờ cầu Rạch Chiếc trên vành đai phía Đông là cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội, bao gồm nút giao thông Bình Thái dài 3,82 km, nằm trên địa bàn quận 9 và quận Thủ Đức.

– Đoạn 2, kết nối từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng dài 1,99 km, nằm trên địa bàn quận Thủ Đức.

– Đoạn 3, kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút Gò Dưa trên quốc lộ 1 dài 2,75 km vẫn thuộc quận Thủ Đức.

– Đoạn 4 dài nhất, kết nối từ nút giao An Lập trên Quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh, dài 5,3 km, đi qua địa bàn các quận 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh.
Hiện nay, Sở GTVT đang tập trung đầu tư dự án khép kín Vành đai 2.

4.2 TIẾN ĐỘ THI CÔNG DỰ ÁN ĐƯỜNG VÀNH ĐAI 2

Tháng 12/2015, UBND TP.HCM tổ chức lễ động thổ xây dựng giai đoạn 1 – tuyến đường dài hơn 2,7km nối đường Phạm Văn Đồng với nút giao thông Gò Dưa (quốc lộ 1). Dự án được thực hiện theo hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao).

Trong giai đoạn này, tổng vốn đầu tư 1.135 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng, được tách thành dự án riêng do quận Thủ Đức tổ chức thực hiện, với hơn 1.800 tỷ đồng.

Đoạn tuyến này hết sức quan trọng, giúp hoàn thiện mạng lưới giao thông thành phố, qua đó, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, tạo điều kiện thu hút, kêu gọi đầu tư xây dựng vào Thủ Đức.

Đường vành đai 2 có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thiện mạng lưới kết nối giao thông cho TP.HCM

Đến nay (tháng 6/2020), dự án đã đầu tư được hơn 54km, bề rộng trung bình 35m. Ngoài tuyến đại lộ Nguyễn Văn Linh được đưa vào sử dụng và quốc lộ 1A đang khai thác thì 11 km (chia làm bốn đoạn) vẫn đang dở dang, chưa được khép kín.

Trong đó, đoạn 1 (từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội), đoạn 2 (từ xa lộ Hà Nội đến Phạm Văn Đồng) và đoạn 4 (từ đường Nguyễn Văn Linh đến quốc lộ 1A) đang bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư công dự án.

Riêng đoạn 3, từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông cầu vượt Gò Dưa (quận Thủ Đức) được triển khai thi công từ năm 2017 với tổng vốn đầu tư hơn 2.100 tỉ đồng (gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng) nhưng đến nay cũng đang tạm ngưng.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án Đường Vành đai 2, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Lệ cho biết, dự án vành đai 2 thực hiện theo hình thức BT. Theo đó, số vốn nhà đầu tư bỏ ra rất lớn và trên nguyên tắc khi thực hiện dự án BT, chính quyền phải giao đất cho chủ đầu tư. Việc bồi thường, giải phóng mặt bằng khó khăn nên tiến độ dự án kéo dài.

Vì thế, các sở, ngành cần báo cáo UBND Thành phố kịp thời tháo gỡ về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đồng thời, quận Thủ Đức cần tích cực vận động người dân thực hiện việc di dời để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai thi công dự án.

Nhiệm vụ quan trọng trong năm nay là nhanh chóng hoàn thành các công tác giải phóng, hoàn tất các thủ tục thanh toán quỹ đất BT cho nhà đầu tư và đẩy tiến độ, hoàn thiện xây dựng giai đoạn 1.

4.3 KHÉP KÍN ĐƯỜNG VÀNH ĐAI 2 TRONG GIAI ĐOẠN 2022 – 2023

Để khép kín đường vành đai 2, TP.HCM cần đầu tư 3 đoạn còn lại gồm: từ ngã 3 An Lập (quận Bình Tân) đến đường Nguyễn Văn Linh (huyện Nhà Bè), chiều dài khoảng 5,3km.

Đối với 2 đoạn còn lại nằm ở phía Đông Bắc TP, gồm đoạn từ cầu Phú Hữu (quận 9) đến xa lộ Hà Nội, khoảng 3,8km và đoạn từ khu vực nút giao Bình Thái trên xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức), chiều dài khoảng 2km.

Hai đoạn này đang được lập báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng và dự kiến thi công vào năm 2020. Sở GTVT TP cho biết đề xuất dự án đã được thành phố phê duyệt vào cuối năm 2016, hồ sơ thiết kế cơ sở cũng được thẩm định.

Cũng theo Sở GTVT TP, các đoạn tuyến của đường Vành đai 2 nêu trên được UBND TP đưa vào danh mục các dự án mời gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó có các hình thức như BT, BOT…

Đầu tư theo hình thức BOT phù hợp với tuyến đường làm mới nhưng trạm thu phí không được đặt quá gần với trạm thu phí khác và nguồn thu cũng phải phù hợp với chi phí đầu tư.

Đầu tư theo hình thức BT thì cần đủ quỹ đất có giá trị phù hợp với chi phí đầu tư đường để thanh toán, nhưng quỹ đất trên địa bàn TP hiện không có nhiều nên việc cân đối phương án tài chính của dự án là bài toán khó. Khi TPHCM hoàn thiện quy trình thực hiện dự án PPP, để triển khai đảm bảo công khai, minh bạch và hiệu quả, các dự án được đẩy nhanh hơn.

Đối với 2 đoạn ở phía Đông Bắc, Sở GTVT TP tham mưu và kiến nghị UBND TP bố trí nguồn vốn ngân sách để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và được chấp thuận.

Đoạn từ ngã ba An Lập đến đường Nguyễn Văn Linh, thành phố chủ trương dùng ngân sách hơn 4.200 tỷ đồng để bồi thường giải phóng mặt bằng, doanh nghiệp sẽ đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng để làm cầu, đường.

Đường vành đai 2 được hy vọng sẽ khép kín trong giai đoạn 2022-2023, tổng vốn đầu tư của 3 đoạn còn lại khoảng hơn 10.000 tỷ đồng.

 

5. THÔNG TIN VỀ ĐƯỜNG VÀNH ĐAI 3 TPHCM

Đường vành đai 3 TPHCM là một dự án giao thông trọng điểm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đi qua 4 địa phương là Đồng Nai, Bình Dương, Tp. Hồ Chí Minh và Long An với chiều dài 89.3km. Hiện tại, chỉ mới xây dựng 16,3km đi qua tỉnh Bình Dương, phải làm mới 73 km còn lại.

Việc đầu tư xây dựng khép kín đường Vành Đai 3 là cấp thiết và quan trọng để kết nối vùng, từ đó sẽ rút ngắn thời gian lưu thông, thúc đẩy các hoạt động thương mại, vận tải, thông thương mua bán trong khu vực để đưa kinh tế – xã hội toàn khu vực phát triển. Đặc biệt là đẩy nhanh tốc độ phát triển các cụm công nghiệp, dịch vụ du lịch, đô thị hóa nông thôn dọc tuyến, két nối các thành phố vệ tinh theo quy hoạch vùng thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai theo hướng đô thị đa trung tâm.

Bản đồ đường vành đai 3

5.1 CHI TIẾT QUY HOẠCH ĐƯỜNG VÀNH ĐAI 3

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, đường Vành đai 3 sẽ được thiết kế 6 làn xe tiêu chuẩn cao tốc loại A cho phương tiện lưu thông với tốc độ 100km/giờ. Toàn dự án sẽ được chia làm 4 đoạn với nhiều dự án thành phần khác nhau. Bao gồm:

– Đoạn 1: Đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch, dài 34,28 km, đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai (đường vành đai 3 Nhơn Trạch) và TPHCM.

– Đoạn 2: Đoạn Bình Chuẩn – Tân Vạn (đường vành đai 3 Bình Dương), dài 16,7 km. (đã hoàn thiện và khai thác).

– Đoạn 3: Đoạn quốc lộ 22 – Bình Chuẩn dài 19,1 km, đi qua địa phận tỉnh Bình Dương và TP.HCM.

– Đoạn 4: Đoạn Bến Lức – quốc lộ 22 dài 28,9 km, đi qua địa phận TP.HCM và tỉnh Long An

5.2 CẬP NHẬT TIẾN ĐỘ TRIỂN KHAI DỰ ÁN ĐƯỜNG VÀNH ĐAI 3

Tuyến đường Vành Đai 3 sau khi đi vào hoạt động, khai thác sẽ giúp giảm ách tắc giao thông cho các tuyền đường trong thành phố Hồ Chí Minh và rút ngắn thời gian, hành trình từ Sài Gòn đến thành phố Nhơn Trạch – Đồng Nai cùng tỉnh Bình Dương. Do đó, tiến đó đường Vành Đai 3 đang được khẩn trường đẩy nhanh để kết nối giao thông các vùng.

Bộ Giao thông vận tải vừa thống nhất với UBND 4 tỉnh gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Long An thúc đẩy nhanh dự án xây dựng đường vành đai 3 – TP.HCM. Trong đó đã đưa ra lộ trình thực hiện trong kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 xây dựng đường vành đai 3 đoạn từ Bình Chuẩn (Bình Dương) – quốc lộ 22 (TP.HCM) và đoạn quốc lộ 22 – Bến Lức (Long An). Cùng với đó, Bộ GTVT đã đề nghị các địa phương thu xếp nguồn vốn nhằm thực hiện công tác giải phóng mặt bằng nhanh chóng để đẩy tiến độ thực hiện dự án.

4 Đoạn đường Vành Đai 3

Về việc này, ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh sẽ sẵn sàng đề xuất HĐND thành phố thông qua việc tạm ứng ngân sách để tiến hành ngay bồi thường giải phóng mặt bằng, chuẩn bị sẵn sàng cho việc triển khai xây dựng, trong khi chờ Bộ GTVT tham mưu cho Chính phủ triển khai thủ tục và phương thức đầu tư dự án.

Chia sẻ về việc này, ông Trần Văn Thi – Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long cho hay, các địa phương cần nhanh chóng triển khai, thực hiện ngay công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2019 – 2020 với kinh phí dự kiến khoảng hơn 5.633 tỷ đồng và trong thời gian giải phóng mặt bằng, sẽ thực hiện ngay công tác thiết kế kỹ thuật dự án. Dự kiến công trình được thi công vào năm 2021 và hoàn thành năm 2024.

Ông Thi cũng chia sẻ thêm, trong thời gian tới Tổng công ty Cửu Long sẽ làm thủ tục để tiếp nhận nguồn vốn viện trợ không hoàn lại trị giá khoảng 6 triệu USD (138 tỉ đồng) của Chính phủ Úc để thực hiện thiết kế kỹ thuật đường vành đai 3.

5.3 HIỆU QUẢ ĐẦU TƯ ĐƯỜNG VÀNH ĐAI 3

Tính hiệu quả của việc đầu tư từng đoạn tuyến đường Vài Đai 3 được thể hiện rõ trong báo cáo gửi Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và đầu tư dự án của ông ông Bùi Xuân Cường – giám đốc Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh.

Cụ thể như sau, đoạn 1 Nhơn Trạch – Tân Vạn sẽ làm giảm áp lực cho khu vực cảng Cát Lái, giảm lưu lượng xe trên cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Nhất là đoạn  đường Mai Chí Thọ, xa lộ Hà Nội và nút giao thông An Phú hiện đang trong tình trạng quá tải. Góp phần cải thiện tình hình giao thông ở cửa ngõ phía Đông Sài Gòn.

Đoạn 2 đã được đầu tư với tổng chiều dài 16km đi qua tỉnh Bình Dương nên khi đoạn Nhơn Trạch – Tân Vạn được đưa vào sử dụng sẽ làm tăng hiệu quả cho dự án và đảm bảo phát huy được tiềm năng kết nối từ khu vực phía Đông lên phía Bắc và phía Tây Sài Gòn.

Riêng đoạn 3 được Sở GTVT đánh giá tuyến đường sẽ đóng vai trò kết nối toàn bộ khu vực các tỉnh gồm  Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh và Long An, làm giảm lưu lượng xe trên tuyến quốc lộ 1, nút giao thông An Sương.

Đoạn 4 sẽ đóng vai trò kết nối giao thông với cao tốc TP.HCM – Trung Lươngcao tốc Bến Lức – Long Thành, với Cao tốc TP.HCM – Mộc Bài

5.4 ƯU TIÊN THỰC HIỆN NGAY ĐOẠN 1 CỦA DỰ ÁN ĐƯỜNG VÀNH ĐAI 3

Theo thông tin từ Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất với Bộ GTVT và Bộ Kế hoạch và đầu tư ưu tiên đầu tư thực hiện ngay đoạn 1 của đường vành đai 3 cụ thể là thực hiện từ năm 2018 đến 2022 và kế đến là đầu tư hoàn chỉnh đoạn 3 và đoạn 4.

 

6. THÔNG TIN VỀ ĐƯỜNG VÀNH ĐAI 4 TPHCM

Dự Án Đường Vành Đai 4 TPHCM có tổng chiều dài 197,6km, đi qua 5 tỉnh, thành là: TP Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Long An. Đây là dự án được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1698/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch chi tiết vào ngày 28-9-2011, quy mô kỹ thuật là cao tốc đô thị, mặt cắt ngang 6-8 làn xe, tốc độ 60-80 km/giờ.

Sau khi hình thành, tuyến đường Vành đai 4 tp hcm 2020 có vai trò tiếp nhận và giải tỏa lưu lượng giao thông từ miền Tây Nam bộ, giảm tải và hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường nội đô TP.HCM.

Ngoài ra, tuyến đường cũng tạo điều kiện thuận lợi kết nối các tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, kết nối khu vực đồng bằng sông Cửu Long với khu vực miền Đông nam bộ với khu cảng Hiệp Phước, cảng Long An góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện phát triển dịch vụ cảng.

Bản đồ đường vành đai 4

6.1 CHI TIẾT QUY HOẠCH ĐƯỜNG VÀNH ĐAI 4

Dự án được chia làm 5 đoạn thành phần: bắt đầu từ TX. Phú Mỹ giao với đường Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu tại Km 40 + 000 hướng về sân bay quốc tế Long Thành; cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây; Quốc lộ 1A; Quốc lộ 22; cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương; khu đô thị cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè; Thành phố Hồ Chí Minh.

– Đoạn 1: Đoạn Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (giao với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu) đến Trảng Bom – Đồng Nai (quốc lộ 1A).

– Đoạn 2: Đoạn từ quốc lộ 1A (Trảng Bom – Đồng Nai) đến quốc lộ 13 (Tân Uyên – Bình Dương) dự kiến hoàn thành trước 2025.

 – Đoạn 3: Đoạn quốc lộ 13 (Tân Uyên – Bình Dương) đến quốc lộ 22 (Củ Chi – TP Hồ Chí Minh) hoàn thành trước 2024.

– Đoạn 4: Từ quốc lộ 22 (Củ Chi – TP Hồ Chí Minh) đến cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương (Bến Lức – Long An) dự kiến hoàn thành trước 2023.

– Đoạn 5: Đoạn Bến Lức – Long An (giao với cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương) đến cuối tuyến trục Bắc – Nam TP Hồ Chí Minh (cảng Hiệp Phước – TP Hồ Chí Minh) hoàn thành trước 2017.

6.2 TIẾN ĐỘ THI CÔNG ĐƯỜNG VÀNH ĐAI 4 TPHCM

Hiện tại, dự án Vành đai 4 mới chỉ có đoạn 5 (Bến Lức – Long An tới cuối tuyến trục Bắc Nam TP.HCM) là được Bộ cho phép lập dự án đầu tư, còn lại bốn đoạn chưa có nguồn vốn nên chưa triển khai các bước tiếp theo.

Tuy nhiên, vừa qua, Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long vừa đề nghị Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án thành phần đoạn Bến Lức – Hiệp Phước thuộc đường vành đai 4, TP.HCM.

Theo đó, tuyến đường được đề xuất đầu tư theo hình thức PPP có chiều dài khoảng 35,8 km đi qua các huyện Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc (Long An); Nhà Bè (Tp.HCM) với điểm đầu (Km0) tại nút giao Bến Lức (giao giữa đường cao tốc Tp.HCM – Trung Lương với đường tỉnh 830) thuộc địa phận thị trấn Bến Lức, tỉnh Long An; điểm cuối (Km 35 + 800) kết nối với đường trục Bắc Nam nằm trong khu quy hoạch cảng – công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM.

Tuyến đường được quy hoạch theo tiêu chuẩn đường cao tốc, quy mô 8 làn xe, rộng 74,5 m. Để đảm bảo hiệu quả đầu tư, tính khả thi tài chính, dự án phân kỳ theo 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 có quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư chưa bao gồm lãi vay là 7.075 tỷ đồng, phần vốn Nhà nước tham gia là 2.600 tỷ đồng. Với mức phí khởi điểm là 2.500 đồng/km/xe tiêu chuẩn. Dự án có thể hoàn vốn trong vòng 19 năm 7 tháng.

Nếu được thông qua chủ trương đầu tư, Dự án sẽ khởi công vào quý III/2020 và hoàn thành vào quý I/2023.

6.3 LỢI ÍCH CỦA DỰ ÁN THÀNH PHẦN ĐOẠN BẾN LỨC – HIỆP PHƯỚC THUỘC ĐƯỜNG VÀNH ĐAI 4, TP.HCM

Với đường vành đai 4 bến lức Bến Lức – Hiệp Phước, theo đơn vị tư vấn, dự án này khi được thực hiện sẽ góp phần hoàn thiện quy hoạch giao thông của Tp.HCM và Long An.

Tuyến đường này còn giúp giảm tải và hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường nội đô của Tp.HCM khi tiếp nhận và giải tỏa lưu lượng giao thông từ miền Tây Nam Bộ; kết nối khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long với miền Đông Nam Bộ cũng như kết nối các tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

 

TỔNG KẾT

Đường vành đai có ý nghĩa rất quan trọng trong việc cải thiện hạ tầng giao thông tại TPHCM, góp phần hạn chế ùn tắc, phát triển kinh tế và kết nối khu vực Đông Nam Bộ với Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ. Bên cạnh đó, đường vành đai là tác nhân chính giúp cơ sở hạ tầng phát triển, kéo theo làm tăng giá trị của bất động sản tại khu vực, khi mà cả hai tỉ lệ thuận với nhau. Tiềm năng kinh tế cũng được cải thiện, các dịch vụ thương mại, nhà cửa mọc lên nhiều hơn tạo thành một dải sầm uất.