Thống đốc ‘mách chiêu’ giúp người dân không phải vay ‘nóng’ bên ngoài để đáo hạn ngân hàng

Mới đây, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre) cho biết, hiện nay có thực trạng khi người dân vay ở các ngân hàng đến kỳ đáo hạn thì phải đi vay “nóng” ở bên ngoài với lãi suất cao để trả vào cho ngân hàng, sau đó làm thủ tục cho vay lại.

Đại biểu chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có biết tình trạng này đang diễn ra rất phổ biến ngoài xã hội hay không và có giải pháp gì để khắc phục trong thời gian tới?

da-o-ha-n-nga-n-ha-ng-jpeg-5352-16607932

Khi có nhu cầu vay vốn, người dân nên tiếp cận từ các kênh chính thức.

Về việc này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành đồng bộ các quy định pháp lý về việc các tổ chức tín dụng cho khách hàng vay vốn.

Trong đó có những quy định về điều kiện vay vốn và đặc biệt khi vay vốn thì khách hàng phải nêu rõ mục đích vay vốn và khả năng trả nợ. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận với nhau về thời hạn trả nợ và khi vay thì khách hàng cũng đã dự liệu được khả năng và thời gian trả nợ.

Trong thời hạn vay vốn có thể vì một lý do nào đó không trả được nợ, khách hàng có thể đề nghị các tổ chức tín dụng cho phép gia hạn nợ cũng như chứng minh được sẽ có khả năng trả nợ theo thời hạn mới.

Trường hợp khách hàng không đề nghị gia hạn nợ, có thể đi vay mượn tiền từ người thân và gia đình, thậm chí khách hàng có thể vay từ nguồn “tín dụng đen” để trả nợ ngân hàng.

“Trên thực tế, các tổ chức tín dụng khó có thể biết được nguồn tiền khách hàng trả nợ. Khi khách hàng đã trả nợ xong mà muốn vay lại thì phải thực hiện theo quy định và tổ chức tín dụng cũng phải thẩm định khoản vay mới đó theo đúng các quy định của pháp luật”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói.

Tuy nhiên, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, hiện nay, hệ thống mạng lưới của các tổ chức tín dụng cũng rất đa dạng và có chi nhánh, các phòng giao dịch, không chỉ các tổ chức tín dụng mà còn các công ty tài chính, các tổ chức tài chính vi mô… đã hiện diện ở hầu khắp toàn quốc. Do đó, khi có nhu cầu vay vốn, người dân nên tiếp cận các kênh chính thức.

Thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước có rất nhiều chương trình truyền thông, phối hợp với đài truyền hình cung cấp nhiều thông tin liên quan đến vấn đề vay vốn. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp để thúc đẩy tín dụng từ kênh chính thức.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang cho biết, gần đây liên tục nhận được nhiều đơn thư tố cáo liên quan đến hoạt động cho vay, mượn tiền để đáo hạn ngân hàng. Qua đó, nhiều người tố cáo đã bị đối tượng xấu lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt số tiền lớn, có trường hợp lên đến hàng chục tỷ đồng.

Đáo hạn ngân hàng phát sinh do người vay tiền ngân hàng đến thời điểm trả nợ nhưng chưa có khả năng chi trả nên buộc phải tìm kiếm nguồn tiền khác trả, để sau đó được ngân hàng tiếp tục cho vay lại, vì vậy mà dịch vụ cho vay đáo hạn ngân hàng xuất hiện. Đáo hạn ngân hàng có lợi ích giải quyết khó khăn tài chính trước mắt, nên tất nhiên số tiền “vay nóng” để thực hiện việc đáo hạn thường đi kèm với “lãi suất” cao, vì vậy số tiền bỏ ra của người cho vay mượn càng nhiều thì cơ hội thu lời càng cao. Tuy vậy, đã có nhiều người phải “ôm hận” khi tham gia hoạt động tưởng như đầy béo bở này. 

T.H