Thông Tin Giới Thiệu – Núi Bà Đen huyền thoại
Núi Bà Tây Ninh ngày nay là một trong những điểm du lịch nổi tiếng của cả nước. Núi Bà Đen có một sức hấp dẫn con người kỳ lạ như vậy bởi ngoài cảnh đẹp thiên nhiên với núi non hùng vĩ, Núi Bà còn chứa đựng nhiều huyền thọai, sự tích.
Còn biết bao nhiêu truyền thuyết chưa khai thác hết ở khu di tích Lịch sử Núi Bà Đen. Động Thanh Long có thể hiểu ngay được cái tên vì những dây thanh long mọc xanh tốt. Hang Gió là nơi khách có thể dừng chân tận hưởng ngọn gió kỳ bí từ đâu đó thổi về làm mát rượi bước chân hành hương. Hang Hổ, nơi người ta truyền tụng rằng ngày xưa là nơi trú ẩn của một vị chúa sơn lâm sống thành tinh, nhưng chưa hại một ai. Trên đỉnh Núi Bà, nơi hiện đang đặt Trạm phát sóng truyền hình Tây Ninh cũng còn là một nơi chưa khai thác hết những chuyện đã xảy ra trong những năm dài kháng chiến, nơi ta và địch giành giật từng ngày. Thời gian rồi sẽ xoá nhoà tất cả. Nếu được tổ chức, thì chuyện đỉnh núi cũng là một kho để khai thác.
Hàng năm, cứ đến ngày 14 tháng giêng âm lịch, Huyện ủy Hòa Thành đều tổ chức trọng thể lễ họp mặt truyền thống Động Kim Quang để tưởng niệm những người đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Những người đến đây, cả thế hệ ngày trước và ngày nay đã dành phút giây tưởng niệm để vẳng nghe tiếng vọng của hồn thiêng sông núi, kính cẩn nghiêng mình trước vong linh của những người đã mất từ Động Kim Quang để quyết tử bảo vệ từng tấc đất quê hương, làm nên huyền thọai lịch sử cho muôn đời sau.
Cứ mỗi độ xuân về, cả triệu du khánh từ mọi miền đất nước lại tụ về đây để tham dự Hội xuân Núi Bà, thong dong bước trên con đường mát rượi bóng cây và tươi những sắc hoa. Được trôi bồng bềnh trên những ca bin cáp treo để lên viếng Chùa Bà, được đắm mình với những huyền thoại phong phú của Núi Bà gắn liền với những cái tên: Động Kim quang, Chùa Hang, Hang Gió, Động Thanh Long…
Nơi đỉnh núi ngày xưa địch dùng làm một căn cứ thông tin, khống chế vùng giải phóng của ta, nay đã khác xưa. Tương lai, rồi sẽ có một con đường lên đỉnh núi này, và rất có thể có thêm đường cáp treo lên đỉnh núi để đưa du khách lên đây, tận hưởng không khí trong lành giữa khoảng không bao la. Nhưng ngay bây giờ đỉnh núi này cũng đã được sử dụng cho một công trình đáp ứng nhu cầu đời sống văn hoá của người Tây Ninh. Tận dụng lợi thế chiều cao Đài Phát thanh truyền hình Tây Ninh đã đưa hệ thống phát hình lên đây. Một ăng ten cao 77 mét, nếu tính cả chiều cao của núi, thì ăng ten phát sóng của Đài Truyền hình Tây Ninh cao hơn 1000 mét. Trước đây công suất phát sóng là 1000KWx2, nay công suất đã được nâng lên 1000 KWx5. Nhờ thế mà Tây Ninh bây giờ không còn vùng lõm của hệ thống phát hình. Khắp nơi trong tỉnh, kể cả một số tỉnh lân cận cũng có thể xem được các chương trình của truyền hình Tây Ninh. Cũng trên đỉnh Núi Bà Đen còn có máy phát sóng phát thanh FM 20 KW – với chương trình phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam phát 24/24 giờ trong ngày. Ngoài ra, còn có thêm hệ thống tiếp sóng Đài Truyền hình Việt Nam kênh VTV1.
Ngày xưa nơi đỉnh núi, kẻ địch lợi dụng để xây dựng hệ thống thông tin nhằm đánh phá cách mạng, còn hôm nay, đỉnh núi trở thành nơi mang đến cho những người dân có được những món ăn tinh thần qua hệ thống Phát thanh truyền hình. Người Tây Ninh bây giờ hướng về núi không chỉ để tự hào về một mảnh đất một thời anh dũng, mà bây giờ còn hướng về núi để đón chờ những Thông tin thời sự, những chương trình ca nhạc, chiếu phim… là những thứ không thể thiếu của mỗi người trong xã hội ngày càng tiến bộ hiện nay.
Ba mươi sáu năm, kể từ ngày giải phóng Núi Bà Đen, hôm nay nhắc lại để nhớ những ngày chiến đấu giữ núi oanh liệt xưa của những dũng sĩ núi. Đứng trên đỉnh núi Bà Đen hôm nay, những người từng một thời chiến đấu ở đây không khỏi bồi hồi nhớ đến ngày xưa, ngày giải phóng Núi Bà Đen 6-1-1975.
Và cũng từ trên đỉnh núi thấy được vóc dáng gấm hoa của Tây Ninh hôm nay trên con đường đổi mới, vươn tới phồn thịnh.