Thổi hồn vào cây sáo trúc

Nghệ nhân Hồ Bằng là một trong số đó. Nhưng đặc biệt là ông vừa thổi sáo, vừa làm sáo.

Say mê những thanh âm trầm bổng

Ngọn lửa đam mê nhen nhóm từ rất sớm. Nên từ nhỏ, nghệ nhân Hồ Bằng đã bén duyên với sáo trúc. Niềm đam mê ấy đã thôi thúc ông không ngừng học hỏi để duy trì đam mê.

NGUYỄN NHẬT THANH

Nghệ nhân Hồ Bằng hồi tưởng về những ngày tập tễnh học sáo trúc: “Tôi cầm cây sáo từ thời rất nhỏ. Cứ tự mày mò học. Rồi có cơ duyên xem NSND Đinh Thìn biểu diễn. Cuối buổi diễn, tôi nhảy lên sân khấu và đã được ông ấy ‘truyền nghề’. Ông ấy thân thiện lắm, chỉ từng li từng tí một”. Nhờ đó mà tuy không qua trường lớp, nhưng ông có cả một thư viện kiến thức về sáo trúc.

Rồi cứ thế, mỗi ngày tiếng sáo của ông càng bay và càng trong. Khi những ngón sáo đã trở nên điêu luyện, ông bắt đầu tập tành chế tác sáo trúc.

Thời gian đầu, ông cũng sử dụng cây mung (nứa, tép) ở cánh rừng miền Trung. Sau này, nguồn mung không còn nhiều, nên ông phải đổi hướng, làm sáo từ các nguồn nguyên liệu khác. Ông bắt đầu chuyển sang làm sáo gỗ. Nhưng không dễ dàng gì để có được một cây sáo gỗ có âm thanh tương tự sáo trúc. Để thực hiện được, ông đã dày công nghiên cứu và nhiều lần thực nghiệm. Nhưng hiện tại, vẫn có những lần bị trục trặc.

NGUYỄN NHẬT THANH

Ông chia sẻ: “Gia công cây sáo gỗ mất công, rủi ro và kinh phí nhiều gấp mấy lần cây sáo trúc. Vì gỗ phải chọn loại gỗ tốt. Cây trúc, nếu chế tác mà hư thì cũng chỉ mất vài trăm ngàn đồng. Nhưng nếu không may làm cây sáo gỗ bị trục trặc, thì phải mất đến tiền triệu”.

Cuối thập niên 1970, có một nghệ sĩ về Đà Nẵng độc tấu tác phẩm Hẹn hò do sư phụ ông – cố NSND Đinh Thìn – sáng tác. Cây sáo mèo mang âm vang núi rừng đã quyến rũ ông. Nhưng ngày ấy, ở miền Trung chưa ai có loại sáo ấy. Ông cũng chưa từng được lên vùng cao phía bắc Tổ quốc. Nhưng vì quá đam mê, ông đã tự tìm hiểu.

Rồi cơ duyên đến, có một người bạn từ Nha Trang ra. Người bạn ấy khoe với ông cây sáo mèo. Đó cũng chính là lần đầu tiên ông nhìn thấy, được cầm sáo mèo trên tay và thổi thử. Ông biết được cấu trúc, nguyên lý tạo âm… của nó chỉ trong vài ngày. Nhưng cũng phải trải qua 5 năm đằng đẵng ông mới có được cây sáo mèo như ý.

Nói về việc chế tác sáo trúc, nghệ nhân Hồ Bằng tâm sự: “Thực ra tôi làm đây là vì đam mê thôi. Tất cả mọi cây sáo tôi đều tỉ mỉ làm thủ công. Mà ai đặt tôi mới làm, làm cây sáo chất lượng chứ không sản xuất ồ ạt”.

Vì niềm đam mê sáo trúc, nên nhiều năm qua, ông còn mở lớp dạy sáo trúc. Với mong muốn truyền đạt lại những kinh nghiệm đã học được, cũng như tiếp hơi thở cho bộ môn nghệ thuật truyền thống.

Đam mê – dẫn đường đi đến thành công

Cũng chính từ niềm đam mê đó, mà đến nay, nghệ nhân Hồ Bằng đã có kinh nghiệm làm sáo trúc hơn 40 năm. Trở thành “bàn tay vàng” trong làng sáo trúc.

Đặc biệt, ông đã tạo nên thương hiệu “Trúc Bắc”. Đó là khoảng thời gian ông bị tai nạn nghề nghiệp. Lần ấy, ông bị đứt ba ngón tay và đã bán phế liệu tất cả đồ nghề. Rồi cũng người bạn ở Nha Trang đã đưa ông trở lại với nghề. Khi người này nhờ ông làm tiêu để đi biểu diễn ở Mỹ, nghệ nhân Hồ Bằng “ngứa nghề”. Ông đã lặn lội lên Lâm Đồng, lặn lội vào những cánh rừng miền Trung để tìm nguyên liệu. Và sau cùng, ông tìm được loại trúc Gia Bình (Ninh Bình) mang về làm nguyên liệu chính. Và từ đó đã khẳng định được thương hiệu.

NGUYỄN NHẬT THANH

Sản phẩm của ông không chỉ được người mê sáo trúc ưa chuộng. Mà một số nghệ sĩ cũng rất thích sử dụng, trong đó có NSƯT Trịnh Mạnh Hùng. Ông đánh giá rất cao sản phẩm của nghệ nhân Hồ Bằng: “Nghệ nhân Hồ Bằng có nhiều năm nghiên cứu. Tôi nghĩ là một người có đam mê và có bàn tay khéo léo. Để làm được cây sáo bầu không phải dễ. Nhưng cây sáo này đã cùng tôi đi rất nhiều nơi trong nước và thế giới”.

Hơn 40 năm làm sáo trúc, đó cũng là niềm hạnh phúc nhất với ông. “Được một nghệ sĩ chơi nhạc cụ dân tộc rất giỏi sử dụng sáo của mình đem đi biểu diễn khắp nơi, không chỉ trong nước mà cả nước ngoài, là một niềm hạnh phúc lớn của người làm sáo” – nghệ nhân Hồ Bằng bộc bạch.

Đã qua tuổi “cổ lai hy”, nhưng nghệ nhân Hồ Bằng (hiện ở tại Đà Nẵng) vẫn ngày ngày thổi hồn vào cây trúc. Và vẫn ấp ủ hi vọng được cho ra đời cây sáo đôi của Việt Nam bằng cây “Trúc Bắc”.