Thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính là gì?
Thời hạn là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác. Thời hạn có thể được xác định bằng phút, giờ, ngày, tuần, tháng, năm hoặc bằng một sự kiện có thể sẽ xảy ra.
Hiện nay, việc áp dụng các quy định của pháp luật về thời hạn và thời hiệu chưa được thống nhất nên đã có rất nhiều trường hợp nhầm lẫn giữa thời hạn và thời hiệu.
Nếu thời hiệu là thuật ngữ pháp lí dùng để biểu thị khoảng thời gian theo quy định của pháp luật mà khoảng thời gian đó xác định hiệu lực pháp lí của quyết định pháp luật hoặc vấn đề pháp lí nào đó thì thời hạn là thuật ngữ pháp lí dùng để chỉ khoảng thời gian theo quy định của pháp luật, xác định quyền và nghĩa vụ mà chủ thể trong quan hệ pháp luật phải thực hiện. Như vậy, cùng là biểu thị khoảng thời gian nhưng khoảng thời gian trong thời hạn không xác định hiệu lực pháp lí của quyết định hoặc vấn đề pháp lí.
Điều 7, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính
1. Thời hạn chưa được coi là xử phạt vi phạm hành chính
Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.
Đối với điều khoản này sẽ tách bạch thành 02 trường hợp như sau:
– Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác mà không tái phạm thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Thời hạn trong hành chính được xem là thuật ngữ pháp lí dùng để chỉ khoảng thời gian theo quy định của pháp luật, xác định quyền và nghĩa vụ mà chủ thể trong quan hệ pháp luật hành chính phải thực hiện. Do đó, khi tổ chức, cá nhân bị ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính sẽ phải thực hiện những gì được ghi rõ trong quyết định
VD: Ngày 01/01/2021, A chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo. Trong vòng 06 tháng, từ ngày 01/01/2021 cho đến 30/06/2021 mà A không tái phạm (chưa thực hiện xong quyết định xử phạt hành chính về cảnh cáo mà đã thực hiện hành vi vi phạm tương tự) thì trong trường hợp này, A được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
– Từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.
Thời hiệu xử lí vi phạm hành chính là khoảng thời gian nhất định theo quy định của pháp luật mà hết khoảng thời gian đó thì cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền không được ban hành quyết định xử phạt hoặc quyết định áp dụng các biện pháp hành chính khác đối với các đối tượng vi phạm.
Thời hiệu xử lí vi phạm hành chính còn được hiểu là khoảng thời gian theo pháp luật quy định xác định hiệu lực pháp lí của các quyết định pháp luật được ban hành đúng thời hiệu. Khi hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì không xử phạt nhưng cá nhân, tổ chức vi phạm vẫn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra
VD: Ngày 01/01/2021, A bị ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm: Kê khai không trung thực trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hợp tác, mức tiền phạt là 7.500.000 đồng. Thời hiệu mà A phải nộp tiền phạt cho Kho bạc nhà nước là 01 năm, từ ngày 01/01/2021 cho đến hết ngày 31/12/2021. Như vậy, khi hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là ngày 31/12/2021 mà A không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.
2. Thời hạn chưa được coi là áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính
Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, nếu trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Đối với điều khoản này, được chia thành 02 trường hợp như sau:
– Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, nếu trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành mà không tái phạm thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
VD: A, cá nhân đủ 13 tuổi, thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự sẽ bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Ngày 01/01/2021, A chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, và nếu như trong thời hạn 02 năm, từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 30/12/2023 mà A không tái phạm thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
– Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính nếu trong thời hạn 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
VD: Ngày 01/01/2021, A cá nhân đủ 13 tuổi bị ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự. Thời hiệu mà A phải thi hành quyết định là 01 năm, từ ngày 01/01/2021 cho đến hết ngày 31/12/2021. Như vậy, khi hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính là ngày 31/12/2021 mà A không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.
Đây là quy định rất có ý nghĩa trong việc xác định vi phạm hành chính nhiều lần hoặc tái phạm vi phạm hành chính. Bởi lẽ, đối với những vi phạm hành chính nhỏ, mang tính thông thường thì rất ít khi hoặc không bao giờ người có thẩm quyền xem xét đến vấn đề vi phạm lần 1, lần 2 hay nhiều lần. Vả lại khi cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không bị ghi vào lí lịch tư pháp thì việc xác định để xem xét vấn đề được coi là chưa bị xử lí vi phạm trên thực tế không được đặt ra và cũng khó thực hiện.
Vấn đề này nên quy định cụ thể ở các nghị định quy định về xử phạt hành chính trong từng lĩnh vực cụ thể trên cơ sở căn cứ vào loại vi phạm đó để xác định khoảng thời gian phù hợp và có tính thực tiễn và giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền có căn cứ để áp dụng tránh trường hợp hiểu sai dẫn đến xử lý sai.
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về pháp luật xử lý vi phạm hành chính
Luật Hoàng Anh