Thời điểm thu hoạch ảnh hưởng đến chất lượng gạo của giống lúa nếp Quýt tại huyện Đạ Tẻh

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển lớn mạnh của thương hiệu gạo nếp Quýt Đạ Tẻh, Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Tẻh đã phối hợp với Công ty Cổ phần Phát triển xanh Việt Nam (Green.D) tại TP. Hồ Chí Minh, UBND xã An Nhơn, HTX Quyết Tâm ở xã An Nhơn và thị trấn Đạ Tẻh thực hiện chương trình sản xuất lúa an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ hướng tới hỗ trợ xây dựng các vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao trên địa bàn huyện Đạ Tẻh nhằm nâng cao năng lực trong quản lý, sử dụng giống lúa, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả, hướng đến xây dựng vùng sản xuất lúa an toàn, chất lượng cao gắn thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Việc áp dụng các kỹ thuật đơn giản trước, trong và sau thời điểm thu hoạch lúa để nâng cao chất lượng lúa gạo, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng đang rất được chú trọng. Nếp Quýt là giống lúa địa phương có nhiều đặc tính tốt, có giá trị thương phẩm cao, thích nghi khi sản xuất đại trà tại địa phương, giống cho chất lượng cơm ngon và được trồng chủ yếu trong vụ Mùa và vụ Đông Xuân hàng năm. Lúa sau khi thu hoạch được bán tươi trực tiếp cho Hợp tác xã, doanh nghiệp và các thương lái tại địa phương.

Năng suất giống lúa nếp Quýt thu hoạch đúng thời điểm (đúng độ chín sinh lý) góp phần gia tăng năng suất, chất lượng và giảm tỷ lệ hạt nứt gãy và tăng tỷ lệ thu hồi gạo nguyên. Nếu thu hoạch sớm hơn chín sinh lý, độ ẩm của hạt cao do lúa còn nhiều hạt xanh, chất lượng lúa kém, ảnh hưởng tới quá trình xay xát, tỷ lệ gạo nguyên giảm. Nếu thu hoạch muộn, ngoài việc lúa quá chín dễ rụng, độ ẩm của hạt thấp sẽ làm tăng tỷ lệ gãy của hạt do va đập cơ học khi tuốt lúa. Lâu nay, người nông dân thường xác định thời điểm thu hoạch lúa theo kinh nghiệm, theo biến động của thời tiết hoặc là theo yêu cầu thời điểm của thương lái thu mua lúa. Thời điểm thu hoạch lúa không đồng nhất đã ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng gạo nếp Quýt.

Từ đề tài chọn lọc, phục tráng giống lúa nếp Quýt và tiếp tục phát triển gạo nếp Quýt theo hướng gạo đặc sản và tham gia thị trường gạo chất lượng cao. Xác định, chất lượng thương phẩm là tiêu chuẩn quan trọng liên quan đến lợi nhuận khi sản xuất nông sản. Các chỉ tiêu về chất lượng thương phẩm quyết định nhiều đến giá trị thương mại khi phát triển các giống lúa đặc sản. Để có cơ sở đánh giá chất lượng gạo sau xay xát, phẩm chất cơm của giống lúa nếp Quýt Đạ Tẻh với mật độ sạ đại trà 140kg lúa giống/ha, tại 3 thời điểm thu hoạch: 30 ngày sau trổ, 35 ngày sau trổ và 40 ngày sau trổ được gửi đi phân tích tại Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam để đánh giá các chỉ tiêu chất lượng về chất lượng gạo sau xát như tỷ lệ thu hồi tiềm năng của gạo lật (%), tỷ lệ thu hồi tiềm năng của gạo xát (%), tỷ lệ gạo nguyên (%), trọng lượng 1.000 hạt (g), độ hóa kiềm (cấp), hàm lượng Protein (%) và phẩm chất cơm như mùi thơm, mềm dẻo, độ dính, độ nở, độ trắng, độ bóng, vị ngon. Ở 3 thời điểm thu thoạch số hạt chắc/bông lúa giữ ổn định ở mức trung bình 83 hạt chắc/bông. Năng suất thực tế chênh lệch không lớn, dao động từ 5,43 tấn lúa tươi/ha khi thu hoạch ở thời điểm 30 ngày sau trổ đến 5,6 tấn lúa tươi/ha khi thu hoạch ở thời điểm 40 ngày sau trổ.

Kết quả phân tích, thử nghiệm kết quả sau xay xát, khi được thu hoạch cùng thời điểm 40 ngày sau trổ thì tỷ lệ thu hồi gạo nguyên và trọng lượng 1.000 hạt đạt cao nhất. Cụ thể: Tỷ lệ thu hồi gạo nguyên đạt 50,09% và trọng lượng 1.000 hạt gạo khô đến 26,34g tại ruộng thí nghiệm ở xã An Nhơn; ở thị trấn Đạ Tẻh tỷ lệ thu hồi gạo nguyên đạt 58,71% và trọng lượng 1.000 hạt gạo khô đạt 26,07g. Hai tiêu chí quan trọng nhất ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh tế của các đơn vị tiêu thụ lúa gạo nếp Quýt. Phẩm chất gạo do nhiều yếu tố quyết định như: Giống, môi trường, kỹ thuật canh tác, thời điểm thu hoạch, công nghệ sau thu hoạch… ngoài giống là yếu tố cơ bản quyết định đến chất lượng gạo, thì xác định đúng thời điểm cũng là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng gạo thương phẩm. Gạo nếp Quýt có cơm mềm, hàm lượng protein cao đến 6,9%. Độ mềm dẻo, độ dính, độ nở của cơm phụ thuộc nhiều vào đặc tính di truyền của giống lúa nên cơm ở các công thức thí nghiệm có độ mềm dẻo được đánh giá bằng nhau. Điều này cho thấy thời điểm thu hoạch không ảnh hưởng đến các đặc tính này.

Tất cả các công thức đều cho chất lượng màu cơm như nhau (được đánh giá có màu trắng ngà và rất bóng, điểm tuyệt đối 5/5 theo 10 TCVN 590-2004). Cơm từ giống lúa nếp Quýt được thu hoạch tại thời điểm 40 ngày sau trổ được đánh giá là rất ngon và có vị ngọt nhất nhóm nếp (thang điểm 5/5 theo 10 TCVN 590-2004). Cho thấy sự tương thích giữa giống nếp Quýt với thổ nhưỡng khí hậu địa phương là rất lớn. Đối với hai công thức thu hoạch ở thời điểm 30 và 35 ngày sau trổ, do lúa thu hoạch sớm nên thời gian tích lũy dinh dưỡng trong hạt lúa chưa đủ, vì vậy độ ngon cơm giảm.

Gạo nếp Quýt Đạ Tẻh được trồng tại huyện Đạ Tẻh có chất lượng gạo sau xay xát cao, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Qua kết quả khảo nghiệm và nghiên cứu thì việc khuyến cáo người nông dân nên thu hoạch tại thời điểm 40 ngày sau trổ thì chất lượng lúa gạo nếp Quýt và phẩm chất cơm cao nhất, góp phần cho việc quảng bá và đưa sản phẩm gạo nếp Quýt Đạ Tẻh vào thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Lê Hoàng Thưởng – TTNN huyện Đạ Tẻh