Thỉnh giảng được quy định như thế nào?

Để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo tại các cơ sở giáo dục, thỉnh giảng đã không còn là thuật ngữ xa lạ đối với môi trường sư phạm. Trong bài viết này, Luật Hoàng Anh sẽ trình bày về vấn đề thỉnh giảng theo quy định của pháp luậy.

Thỉnh giảng là gì?

Khoản 1 Điều 71 Luật Giáo dục 2019 quy định khái niệm thỉnh giảng như sau:

1. Thỉnh giảng là việc cơ sở giáo dục mời người đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 67 của Luật này đến giảng dạy. Người được cơ sở giáo dục mời giảng dạy được gọi là giáo viên thỉnh giảng hoặc giảng viên thỉnh giảng.

Như vậy, thỉnh giảng có thể hiểu là hoạt động mà cơ sở giáo dục mời người có đủ tiêu chuẩn giảng dạy theo quy định pháp luật đến giảng dạy. Thỉnh giảng phải đủ những tiêu chuẩn sau:

+ Có phẩm chất, tư tưởng, đạo đức tốt;

+ Đáp ứng chuẩn nghề nghiệp theo vị trí việc làm;

+ Có kỹ năng cập nhật, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ;

+ Bảo đảm sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp.

Nhiệm vụ của giáo viên, giảng viên thỉnh giảng

Giáo viên, giảng viên thỉnh giảng hiểu là cơ sở giáo dục mời nhà giáo hay người có đủ tiêu chuẩn cho một nhà giáo đến và giảng dạy. Là những người có chuyên môn có được đào tạo bài bản học đại học chính quy trở lên.

Khoản 2 Điều 71 Luật Giáo dục 2019 quy định như sau:

2. Giáo viên, giảng viên thỉnh giảng phải thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 69 của Luật này. Giáo viên, giảng viên thỉnh giảng là cán bộ, công chức, viên chức phải bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ nơi mình công tác.

Theo đó, giáo viên, giảng viên thỉnh giảng thực hiện nhiệm vụ sau:

+ Giảng dạy, giáo dục theo mục tiêu, nguyên lý giáo dục, thực hiện đầy đủ và có chất lượng chương trình giáo dục.

+ Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, điều lệ nhà trường, quy tắc ứng xử của nhà giáo.

+ Giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của nhà giáo; tôn trọng, đối xử công bằng với người học; bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học.

+ Học tập, rèn luyện để nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy, nêu gương tốt cho người học.

Khuyến khích việc thỉnh giảng

Khoản 3 Điều 71 Luật Giáo dục 2019 quy định như sau:

3. Khuyến khích việc mời nhà giáo, nhà khoa học trong nước, nhà khoa học là người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài đến giảng dạy tại cơ sở giáo dục theo chế độ thỉnh giảng.

Nhà giáo, nhà khoa học là những người có trình độ chuyên môn cao, có khả năng truyền tải kiến thức sâu, rộng cho người học. Việc khuyến khích nhà khoa học là người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài đến giảng dạy tại cơ sở giáo dục theo chế độ thỉnh giảng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, học hỏi kinh nghiệm từ nước khác, mở rộng tư duy, góp phần hội nhập giáo dục quốc tế.

Ngoài quy định tại Luật Giáo dục nêu trên, thỉnh giảng được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể tại Thông tư số 44/2011/TT-BGDĐT ngày 10 tháng 10 năm 2011 ban hành quy định về chế độ thỉnh giảng trong các cơ sở giáo dục.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Giáo dục

Luật Hoàng Anh