Thiếu tướng Lê Mã Lương những điều chưa biết

thieu tuong le ma luong nhung dieu chua biet

Trong gian phòng ấm cúng, tôi đã được nghe ông chia sẻ thật nhiều điều về những năm tháng chiến đấu nơi chiến trường Quảng Trị đầy khốc liệt cùng biết bao niềm mong mỏi, tâm tư…

Bi…

Năm 17 tuổi khi vừa rời ghế nhà trường, chàng trai trẻ Lê Mã Lương đã có quyết định quan trọng nhất của cuộc đời mình. Đó là gác lại bút nghiên, từ bỏ giấc mơ vào đại học và đến với chiến trường bằng tất cả sự hăm hở, nhiệt huyết cùng niềm tin mãnh liệt.

Nhập ngũ cuối năm 1967, trải qua cuộc huấn luyện ngắn, đầu năm 1968 anh đã bắt đầu bước vào cuộc chiến đấu sinh tử trên trục đường 9, cái làn ranh giới chết người giữa Lào và Việt Nam. Không một chút sợ hãi, đắn đo, người lính trẻ ấy gọi sự đối mặt đó là niềm may mắn, may mắn bởi đã nhanh chóng được làm điều mà mình mơ ước, dốc hết sức cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước.

Hồi tưởng lại quá khứ, anh hùng Lê Mã Lương như đang trở về với những ngày tháng chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Ông kể rằng từ năm 1968 đến cuối năm 1973, là chiến sỹ của Sư đoàn 304 hàng ngày giáp mặt với kẻ thù, ông không thể nào quên nổi cuộc đọ sức ác liệt giữa ta và địch cùng biết bao đau thương mất mát trên mảnh đất ấy.

Ở Quảng Trị không một ngày nào không có tiếng súng nổ, không một ngày nào không có người ngã xuống. Mỹ đã điều động vào chiến trường này những đội quân tinh nhuệ nhất, những thiết bị tối tân nhất nhằm đè bẹp ý chí chiến đấu của ta. Cuộc giằng co khốc liệt giữa ta và địch khiến cho mảnh đất cằn giống như một cái “cối xay thịt khổng lồ”. Chính tại nơi đây, hàng vạn cán bộ, chiến sỹ của ta đã hy sinh, nhiều cơ sở cách mạng bị phá vỡ.

Máu đã thấm đen vào đất, sương người rải trắng mọi nẻo đường. Đến Quảng Trị, cầm một nắm đất đặt trong lòng bàn tay, người ta có thể cảm nhận thấy vô vàn mảnh kim khí, bom đạn còn sót lại, lẫn trong đó còn có máu xương của bao đồng đội mãi mãi chẳng trở về. Thế mới hình dung được phần nào sự ác liệt của chiến tranh, sự đau thương mất mát vô bờ bến không gì bù đắp nổi.

và hùng…

Khi nghe thông tin gần đây Ban Cán sự Đảng bộ Bộ Tài chính phát động cán bộ công chức toàn ngành Tài chính quyên góp để “Chung tay, góp sức nâng cấp xây dựng khu hành lễ Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9”, ông đã hồ hởi chia sẻ: “Tôi cho rằng đó là một nghĩa cử rất cao đẹp. Để tôn vinh những con người đã xả thân vì sự nghiệp cách mạng rất cần những hành động thiết thực như thế. Đây là điều đáng làm, đáng hoan nghênh, thể hiện được truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Làm cho những người đã khuất chính là làm cho chúng ta hôm nay và cho những thế hệ mai sau”. Ông cho biết thêm, ông rất hy vọng trong thời gian tới, đặc biệt là gần dịp kỉ niệm 40 năm giải phóng Quảng Trị (1-5-2012), đến với Nghĩa trang Liệt sỹ Đường 9 toàn thể mọi người sẽ thấy được sự trang trọng, đầm ấm hơn.

Trong 6 năm chiến đấu thì bị thương tới ba lần, ngay trong lần đầu tiên vào năm 1968 đã bị hỏng bên mắt trái, vậy mà người lính trẻ ấy vẫn không từ bỏ mục đích của mình. Sau thời gian chữa trị, anh nhanh chóng xin quay trở lại đơn vị chiến đấu nhưng vấp phải sự phản đối của tất cả mọi người.

Không nản lòng, hàng ngày người ta thấy Lê Mã Lương chăm chỉ luyện tập. Anh rèn từ những điều nhỏ nhất như cách nhìn trong khói lửa, rồi rèn mang vác từ 10kg, 15kg rồi đến 20kg. Làm sao để khi trở lại mình không là gánh nặng cho anh em, Lê Mã Lương đã luôn tâm niệm như thế. Và cuối cùng sự quyết tâm, tính kiên định của anh đã chinh phục được toàn thể mọi người, anh trở lại đơn vị để tiếp tục “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.

Là con của một liệt sỹ, lại bị thương nặng trong trận chiến, lẽ ra Lê Mã Lương có thể rời khỏi nơi đầy khói lửa bom đạn để trở về viết tiếp ước mơ vào giảng đường đại học của mình. Không lựa chọn con đường bằng phẳng đó, người lính ấy tâm sự rằng “bị thương nhưng tôi còn khả năng, còn có thể cống hiến thì tôi vẫn muốn tham gia chiến đấu. Trong tôi lúc đó có cái gì luôn thôi thúc, luôn giục giã khiến tôi không thể lùi về tuyến sau. Tôi đã chọn con đường khó khăn hơn để đi và tôi luôn nghĩ rằng mình đã lựa chọn đúng”.

Với tất cả những gì đã cống hiến, những chiến công lập được, ngày 20-9-1971, Lê Mã Lương được tuyên dương Anh hùng khi mới vừa tròn 21 tuổi. Anh là một trong những anh hùng trẻ tuổi nhất cả nước.

Giữa miên man câu chuyện, Thiếu tướng Lê Mã Lương không khỏi xúc động khi nhắc tới kỉ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời binh lửa của mình. Đó là trận đánh ngày 25-2-1971 trên trục đường 9. Trưa hôm đó, đơn vị của ông nhận lệnh chặn một đoàn xe tăng, xe thiết giáp của địch đang từ bản Đông đi về Lao Bảo.

Là người chỉ huy trận đánh, ông đã phân công đội hình chặn đầu và khóa đuôi không để lọt xe của địch. Trận chiến đang diễn ra ác liệt thì ông nhận được báo cáo chiến sỹ Trần Văn Tẩy bị thương nặng. Quê ở Hà Tây, da ngăm đen cao lớn, từng bắn súng B40 giỏi nổi tiếng cả Sư đoàn 304, Trần Văn Tẩy còn gây ấn tượng bởi sự ương ngạnh và khó bảo đến mức ngay cả Trung đoàn trưởng cũng phải ái ngại đôi phần. Ấy thế mà Tẩy lại rất nể phục và lắng nghe chính trị viên Lê Mã Lương.

Vị Thiếu tướng Anh hùng bao năm ngang dọc trên chiến trường bùi ngùi kể lại khi nhìn thấy mảnh đạn xuyên qua một bên trán của Tẩy, máu tràn ra lênh láng, ông lập tức ra lệnh y tá tiêm mũi trợ tim. Vậy mà Tẩy gạt đi và nói trong tiếng thều thào rằng Tẩy biết mình không qua khỏi, hãy dành mũi tiêm đó cho anh em. “Tẩy xin lỗi vì nhiều lúc làm cho tôi phiền lòng.

Tự nhiên nước mắt tôi ứa ra, Tẩy nói rất thật, lời trăn trối xuất phát từ tận đáy lòng trước khi bước vào cõi vĩnh hằng. Trong tiếng đạn nổ rầm vang lúc đó, tôi bỗng nhận ra cái anh hùng của người lính Cụ Hồ là như thế. Nó lóe sáng giữa làn bom đạn, nó bình thường, giản dị mà vô cùng cao quý”.

“Làm cho người đã khuất là làm cho người sống hôm nay”

Chiến tranh đã lùi xa nhưng Anh hùng Lê Mã Lương chưa bao giờ quên những năm tháng chiến đấu, những người đồng đội cùng chia lửa một thời với mình. Đã phải đến mười mấy lần ông trở về Quảng Trị với nhiều lý do khác nhau. Có lần thì đi cùng một vài đồng đội để tìm lại thi thể anh em và quy tập vào những nghĩa trang lớn. Có lần thì trở lại chiến trường xưa để giúp địa phương xác định, lập bia di tích, tôn tạo và bảo tồn những di tích.

Điều đặc biệt là đã về Quảng Trị bao giờ ông cũng ghé thăm Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9. Đó gần như là một nguyên tắc, một cái lệ bất thành văn. Ông nói đi thăm đồng đội nên lúc nào cũng cảm thấy nhẹ nhõm, thanh thản. Dường như bao nhiêu lo toan, mệt nhọc của cuộc sống thường ngày đều tan biến hết.

Tuy nhiên, cũng có lần thắp hương xong ông lại cảm thấy như mình có lỗi, tự lục vấn lương tâm bởi dường như vẫn còn những lời hứa chưa hoàn thành, những tâm nguyện chưa trọn vẹn. Một trong những trăn trở đó là cho tới tận bây giờ ông vẫn chưa làm được gì nhiều để giúp anh em có một chỗ yên nghỉ khang trang, đẹp đẽ hơn.

Những sẻ chia gan ruột, những mong mỏi xuất phát từ tận đáy lòng của vị Anh hùng ấy cũng chính là những điều mà cả xã hội đều quan tâm. Xin chúc cho vị tướng tài luôn có một sức khỏe dồi dào, chúc cho những dự định, mong muốn của ông sớm trở thành hiện thực.

Thanh Nguyễn