Thiếu thiết bị y tế: Sở Y tế và Đại biểu Quốc hội TPHCM đồng loạt kiến nghị
Tại buổi làm việc của Đoàn giám sát Quốc hội với Sở Y tế TPHCM về việc quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, dự phòng, diễn ra ngày 3/3, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM đã nêu những kiến nghị để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế xảy ra thời gian qua.
Theo đó, ngành y tế TPHCM kiến nghị, Chính phủ phân cấp việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và tổ chức mua sắm thuốc đến các cơ sở y tế. Kiến nghị Bộ Tài chính bổ sung quy định về căn cứ giá gói thầu của các gói thầu mua sắm trang thiết bị, dịch vụ phi tư vấn (sửa chữa, bảo trì, bảo hành…) trang thiết bị có tính chất đặc thù, riêng biệt.
Buổi làm việc của Đoàn giám sát Quốc hội với Sở Y tế TPHCM ngày 3/3 (Ảnh: Hoàng Lê).
Kế đến, kiến nghị Bộ Y tế sớm cấp giấy phép nhập khẩu, giấy chứng nhận đăng ký lưu hành của trang thiết bị; cấp tài khoản cho các cơ sở y tế TPHCM để thực hiện đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định.
Sở Y tế TPHCM cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch đầu tư, trong thời gian chờ Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia được hoàn thiện, cho phép các cơ sở y tế được thực hiện đấu thầu không qua mạng đối với các gói thầu mua sắm thuốc có nhiều phần.
“Hiện công tác đấu thầu qua mạng rất khó khăn, vì thuốc rất nhiều. Nếu thực hiện các gói thầu lớn thì dễ nghẽn mạng” – ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM dẫn chứng.
Ông Châu cũng cho biết, Sở đang tiến hành làm kiểm điểm theo báo cáo, kết luận của những đoàn thanh tra, kiểm tra về những sai phạm trong mua sắm trang thiết bị y tế chống dịch của địa phương.
Việc kiểm điểm này khiến nhiều cán bộ y tế địa phương tâm tư, khi việc mua sắm được chỉ đạo thực hiện khẩn cấp trong thời điểm dịch bệnh phức tạp.
Sau khi nghe kiến nghị, ông Vũ Tuấn Anh, Ủy viên thường trực, Ủy ban Tài chính, Ngân sách mong muốn Sở Y tế báo cáo thêm về giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19 trong mùa dịch, TPHCM thu theo mức nào. Kế đến, trong bối cảnh có nhiều khó khăn về đấu thầu, mua sắm, ngành y tế đã thực hiện cụ thể trong thời gian qua như thế nào.
Ông Tuấn Anh cũng đề nghị ngành y tế TPHCM cho biết đã xử lý các bệnh viện dã chiến sau dịch ra sao. Trong mùa dịch, các bệnh viện đã được nhận rất nhiều hiện vật ủng hộ, vậy có vấn đề gì trong việc quy đổi thành tiền không. Ngoài ra, việc chi trả chế độ phụ cấp cho lực lượng chống dịch ngoài công lập đã hoàn thành chưa, ngày công được tính theo 8 giờ hay 24 giờ?
Máy xạ trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy hư hỏng nhiều tháng qua nhưng không thể sửa chữa vì vướng quy định đấu thầu (Ảnh: Hoàng Lê).
Ông Hà Phước Thắng, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM cho biết, sẽ không đặt câu hỏi thêm mà đưa ra các kiến nghị cụ thể để giải quyết khó khăn.
Thứ nhất, kiến nghị Chính phủ sớm triển khai Nghị quyết 80/2023 mà Quốc hội đã thông qua liên quan đến công tác thanh kiểm tra, quyết toán, để tránh tư tưởng hoang mang của đội ngũ y tế.
Thứ hai, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế cập nhật sớm các thông tư liên quan đến việc hướng dẫn thực hiện các Nghị định về việc đặt hàng, đấu thầu, cung cấp sản phẩm dịch vụ công.
Thứ ba, kiến nghị sớm ban hành các nghị định giải quyết khó khăn về công tác mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.
Thứ tư, kiến nghị Chính phủ sớm chỉ đạo ngành có thông tư hướng dẫn việc vận động, tiếp nhận, phân phối sử dụng các nguồn đóng góp chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh, sự cố.
Thứ năm, đề nghị Bộ Y tế cùng cơ quan bảo hiểm xem xét cho phép ngoài việc trả lại các vật phẩm chống dịch còn dư, có thể điều phối các phần thuốc, sinh phẩm này về các đơn vị và bảo hiểm y tế chấp nhận thanh toán cho các bệnh viện.
Thứ sáu, đề nghị Bộ Y tế xem xét nghiên cứu chính sách, để 18 tháng thực hành của nhân viên y tế được kết hợp giữa bệnh viện và các trung tâm y tế, trạm y tế, từ đó giúp đào tạo nguồn bác sĩ có nhiều chuyên môn tốt hơn.
Cả Sở Y tế TPHCM và đại biểu Quốc hội TPHCM đều kiến nghị cần sớm có các chính sách xử lý khó khăn về công tác mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế (Ảnh: Hoàng Lê).
Trả lời các câu hỏi của Đoàn giám sát, bà Hoài Thanh, Trưởng phòng Tài chính, Sở Y tế TPHCM cho biết, giá xét nghiệm trong mùa dịch Covid-19 do UBND TPHCM ban hành. Về chế độ hỗ trợ chống dịch, đại diện Sở Y tế cho biết đã hướng dẫn cách chi trả đến các cơ sở. Tuy nhiên, kinh phí quyết toán phụ thuộc vào các quận huyện, nên Sở Y tế không thể can thiệp sâu việc thực hiện vào các đơn vị ở địa phương.
Năm 2022, nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp tăng 46% so với 2021, nhưng giảm 7% so với trước dịch. Sở Y tế thiết tha mong Quốc hội kiến nghị bảo hiểm y tế sớm thanh toán chi phí khám chữa bệnh vượt trong năm 2022 (327 tỷ đồng). Ngoài ra, cần quay trở lại thanh toán theo thực tế, thay vì thanh toán theo tổng mức đối chiếu của năm trước.
Về y tế tuyến cơ sở, theo ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, hiện nay chỉ 50% số trạm y tế có đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Vẫn còn suy nghĩ các trạm y tế khám chuyên môn thấp nên cho thuốc không nhiều, điều này làm kìm hãm việc phát triển ở y tế cơ sở.
Sở Y tế TPHCM đang đề xuất cho phép mở rộng danh mục đấu thầu thuốc ở trạm y tế. Khi thực hiện được, các trung tâm y tế chỉ cần áp dụng kết quả này để mua thuốc. Tuy nhiên khi áp dụng, vẫn đang vướng tại nội dung cần phải có 3 số đăng ký đấu thầu. Sắp tới, nếu Bộ Y tế có sự tháo gỡ thì việc đấu thầu sẽ thuận lợi.
Sau khi nghe các ý kiến, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Phó trưởng đoàn giám sát Quốc hội cho biết, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có kiến nghị rõ đến Chính phủ bằng Nghị quyết 80 để gỡ vướng về việc mua sắm trang thiết bị y tế, máy móc cần áp dụng theo cơ chế đặc thù trong giai đoạn chống dịch theo Nghị quyết 30 ban hành trước đó.
Bà Thúy Anh hy vọng, sau khi có nghị quyết trên, mọi việc và các tâm tư, vướng mắc của ngành y tế sẽ được giải quyết ổn thỏa.