Thiếu giáo viên môn Tin học: Thỏi “nam châm” phải từ chính sách
GD&TĐ – Từ năm học 2022 – 2023, cùng với Tiếng Anh, Tin học là môn học được triển khai dạy trong các trường tiểu học cho học sinh lớp 3. Sắp vào năm học mới nhưng nhiều địa phương vẫn trong tình trạng thiếu giáo viên.
Thiếu giáo viên, thiếu cả thí sinh
Ông Lê Văn Công – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước – cho biết: Chuẩn bị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là việc bắt đầu dạy môn Tiếng Anh và Tin học bắt buộc cho học sinh lớp 3 từ năm học 2022 – 2023, điều ông lo lắng nhất chính là thực trạng thiếu hụt giáo viên. “Với bộ môn Tiếng Anh hiện các trường thiếu hụt khoảng 50% nhu cầu, còn giáo viên bộ môn Tin học đang rất khó tuyển vì thiếu nguồn. Chưa có thống kê đầy đủ nhưng chắc chắn sẽ thiếu hụt nhiều”, ông Công chia sẻ.
Liên quan việc thiếu hụt giáo viên môn Tin học, cô Nguyễn Thị Kim Hương – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thọ, Quận 11, TPHCM – cũng trăn trở: Tuyển giáo viên Tin học còn khó hơn “hái sao trên trời”. “Khó ở đây không hẳn là không có người đáp ứng chuyên môn. Cái khó là theo thông tư hướng dẫn, việc học của học sinh tiểu học không được thu tiền, mà không thu tiền thì không thể có nguồn để đảm bảo chính sách tuyển dụng.
Giáo viên thuộc biên chế do phòng GD&ĐT phân về thì không nói, nhưng giáo viên hợp đồng, trường buộc phải san sẻ nguồn thu từ khối 4 và 5 sang để chi trả lương. Thực tế, với mức lương các trường hiện có thể trả cho giáo viên dạy Tin học theo dạng hợp đồng, rất khó để tuyển được người”, cô Hương nói.
Học sinh tiểu học trong giờ Tin học. Nguồn ảnh: IT
Để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, các trường sư phạm trên cả nước cũng tích cực mở ngành Sư phạm Tin học, tuyển sinh theo chỉ tiêu Bộ GD&ĐT giao cũng như theo nguồn đặt hàng của địa phương. Tuy vậy, việc tuyển sinh không hề thuận lợi. Mùa tuyển sinh 2021 tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM, chỉ tiêu tối đa của ngành này là 85 nhưng trường cũng chỉ tuyển được gần đủ. Trường ĐH Sư phạm Huế số thí sinh trúng tuyển và xác nhận nhập học cũng chỉ đạt trên 50%; Còn Trường ĐH Đà Lạt không thể mở lớp vì quá ít thí sinh.
Để đảm bảo chất lượng nguồn tuyển, từ năm học 2020 – 2021, mức điểm tuyển sinh khối ngành sư phạm, sức khỏe được Bộ GD&ĐT “rào” bằng ngưỡng điểm sàn xét tuyển riêng. Năm 2021, điểm trúng tuyển vào ngành Sư phạm Tin học của ĐH Sư phạm Hà Nội là 21,35 điểm, Trường ĐH Sư phạm TPHCM là 23 điểm, còn ĐH Sư phạm ĐH Đà Nẵng và ĐH Sư phạm Huế dao động từ 19 – 19,85 điểm. Với mức điểm trên, theo nhiều chuyên gia tuyển sinh, thí sinh có thể dễ dàng trúng tuyển vào nhiều ngành, chuyên ngành hot thuộc nhánh công nghệ thông tin, mà thu nhập và cơ hội việc làm tốt hơn nhiều.
Tin học và Tiếng Anh là hai môn đang thiếu giáo viên. Nguồn ảnh: IT
Chính sách đãi ngộ trong tuyển dụng chưa thỏa mãn
Theo quy định, để được đứng lớp dạy môn Tin học, giáo viên phải tốt nghiệp trình độ cử nhân. Trong khi các trường sư phạm chưa thể tuyển sinh và cung cấp đủ nguồn lực giáo viên cho bộ môn này thì “cơ chế mở” cho các trường thực hiện việc hợp đồng với giáo viên vẫn còn nhiều ràng buộc. Đó là chưa kể chính sách đãi ngộ dành cho giáo viên còn quá thấp.
Cô Nguyễn Thị Kim Hương cho hay: Do ràng buộc bởi biên chế, trường phải hợp đồng với giáo viên Tin học. Dù mức lương thỏa thuận nhưng phải đảm bảo được mức sống tối thiểu thì mới tuyển được, nếu chỉ 4 – 5 triệu đồng/tháng rất khó tuyển. Nguồn lực hỗ trợ chưa có, giáo viên không thuộc chuyên ngành sư phạm phải học chuyển đổi hoặc nghiệp vụ sư phạm để đứng lớp… càng khiến công tác tuyển người khó khăn thêm.
Theo ThS Lê Phan Quốc – Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, nguyên nhân cốt lõi của việc chưa nhiều người theo học sư phạm tin học bởi mức thu nhập đầu ra chưa đủ sức hút. Với mức lương giáo viên theo quy định hiện nay thì thật khó để kéo người giỏi theo học sư phạm tin học.
“Người giỏi công nghệ thông tin trong bối cảnh của cuộc cách mạng 4.0 hiện nay có thể làm việc tự do, có nhiều đầu việc khác nhau với mức thu nhập tốt hơn rất nhiều mức lương của giáo viên. Đây là mấu chốt vấn đề chúng ta cần nhìn nhận và tìm giải pháp tháo gỡ. Hiện nay, ngoài chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm (miễn học phí, hỗ trợ chí phí sinh hoạt 3,6 triệu đồng/tháng), người học không còn chính sách thu hút gì khác. Học xong ra trường công tác thì mức lương tương đối thấp nên sức hút với người học không lớn”, ThS Lê Phan Quốc chia sẻ.
Để giải quyết bài toán thiếu hụt giáo viên cho Chương trình giáo dục phổ thông mới, UBND TPHCM đã có văn bản đề xuất Bộ GD&ĐT cho phép ứng viên có bằng cử nhân (cao đẳng hoặc đại học) chuyên ngành phù hợp môn Tin học, chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, chưa tham gia giảng dạy tại cơ sở giáo dục phổ thông được tham gia giảng dạy theo hình thức hợp đồng, thỉnh giảng. Các ứng viên này cam kết bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trong vòng 12 tháng tính từ thời điểm bắt đầu tham gia giảng dạy.
Đây được xem là một trong những hướng mở nhằm gia tăng nguồn tuyển giáo viên. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Kim Hồng – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, đây chỉ là giải pháp tình thế giải quyết các vấn đề đặt ra trước mắt. Còn về lâu về dài cần phải có những chính sách và chiến lược mang tính tổng thể, trong đó yếu tố thu nhập và đảm bảo đời sống cho nhà giáo phải là mục tiêu quan tâm lớn nhất.
Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 11, 12/2021 về chương trình và thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên. Theo đó, với chuyên ngành phù hợp, người có bằng cử nhân, đủ kiến thức chuyên môn sau khi được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm có thể giảng dạy các môn bậc tiểu học gồm: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Công nghệ giáo dục thể chất và ngoại ngữ. Ở bậc THCS và THPT, người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên THCS, sau khi được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm có thể giảng dạy 1 môn học ở trường THCS hoặc THPT.