Thị trường phần mềm diệt virus
Có thể thấy, những động thái cạnh tranh mạnh mẽ của thị trường phần mềm diệt virus có nguyên nhân sâu xa từ việc gần đến thời điểm Việt Nam cam kết giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Các doanh nghiệp sản xuất phần mềm diệt virus hàng đầu trên thế giới như: Karpensky, Synmantec, BitDefender… cho đến doanh nghiệp trong nước như: Trung tâm an ninh mạng – Trường đại học Bách khoa Hà Nội (BKIS) đều có những chiến lược riêng để chiếm lấy thị phần đang chuyển động từ việc người tiêu dùng sử dụng phần mềm miễn phí sang sử dụng phần mềm diệt virus có bản quyền.
Khởi đầu cuộc đua giành thị trường này là việc khuyến mãi cho khách hàng dùng thử phần mềm diệt virus có bản quyền.
Nếu so với mặt bằng chung của thị trường công nghệ thông tin viễn thông, lĩnh vực phần mềm diệt virus đang có một cuộc khuyến mãi đặc biệt. “Châm ngòi” cho cuộc đua này chính là chiến dịch quảng bá rầm rộ của Công ty Nam Trường Sơn. Trong giai đoạn một, Nam Trường Sơn đã tặng 200.000 bản quyền phần mềm virus thời hạn 6 tháng cho người dùng – chủ yếu là sinh viên các trường đại học.
Cuộc thâm nhập thị trường phần mềm diệt virus Karpensky đến từ Nga đã gây tiếng vang với người dùng Việt Nam. Hiệu quả thực tế thế nào chưa rõ, nhưng Giám đốc tiếp thị của Công ty Nam Trường Sơn Ngô Trần Vũ cho biết doanh số từng tháng tăng từ hai đến ba lần. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã bán ra thị trường 62 nghìn bản quyền sản phẩm, nhưng tin vui hơn là chúng tôi đã hợp tác được với các doanh nghiệp lớn, trong đó có cả CoopMart. Trong giai đoạn hai từ nay đến cuối năm 2008, Công ty Nam Trường Sơn sẽ tiếp tục tặng 200.000 bản quyền Karpensky cho người dùng.
Không khoanh tay nhìn Karpensky “tung hoành”, Viami Software – nhà phân phối phần mềm Bitdefender (Romania) – cũng đưa ra chiến dịch tặng cả chục nghìn bản quyền phần mềm có thời hạn ba tháng cho người dùng.
Theo Giám đốc Viami Software Lê Ngọc Quang, mục tiêu của Bitdefender là quảng bá thương hiệu chứ chưa cần mang lại hiệu quả ngay. Với động thái mở đường này, có thể thấy Bitdefender đang mong muốn xác lập vị trí trên thị trường. Mặc dù những đối thủ “đáng gờm” này chưa công bố chiến lược để tham gia vào cuộc đua, nhưng theo các chuyên gia sớm muộn gì họ cũng “xuất phát” dù chậm hơn đối thủ trong chiến dịch quảng bá rầm rộ.
Ðã qua thời “chuộng ngoại hơn nội”, phần mềm antivirus Bkav của Trung tâm An ninh mạng BKIS cũng không kém phần nổi trội trong cuộc đua giành thị trường. Không quảng cáo rầm rộ, nhưng BKIS lại biết cách quảng bá riêng thông qua PR (quan hệ cộng đồng) để xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng. BKIS cũng tổ chức được hệ thống phân phối khá rộng để có thể đưa phần mềm diệt virus Bkav đến tay người tiêu dùng dễ dàng. Cách đây hơn hai tháng, trung tâm này cũng đã chính thức “đánh tiếng” để tham gia cuộc đua với các đại gia nước ngoài bằng các sự kiện ra mắt phiên bản Bkav Enterprise dành cho doanh nghiệp và Bkav Pro dành cho người dùng cá nhân.
Giám đốc BKIS Nguyễn Tử Quảng khẳng định: Ðã đến lúc kinh doanh có lãi sau nhiều năm đầu tư nghiên cứu phần mềm antivirus. Có vẻ như lợi thế “nội địa” đang dành cho sản phẩm Bkav trong thời gian gần đây, khi nhiều virus tung hoành tại Việt Nam, thì chỉ có phần mềm Bkav là diệt được triệt để.
Một số nhà phân phối cho rằng: Vì những virus này mà số lượng phần mềm Bkav bán ra tăng đáng kể. Ngoài ra, Bkav còn có lợi thế là dịch vụ hỗ trợ sau bán hàng, với đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật chuyên nghiệp và hướng dẫn tận tình cho khách hàng. Theo ông Quảng, mục tiêu lâu dài của BKIS không những phát triển ở thị trường Việt Nam, mà còn vươn xa ra thị trường thế giới.
Một phần mềm virus “made in Vietnam” gần đây xuất hiện cũng gây xôn xao dư luận, đó là sản phẩm antivirus của Ðại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Sản phẩm này có thể nói là “ẩn số” trong cuộc đua của thị trường bảo mật.
Mặc dù khi được phỏng vấn, các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm bảo mật đều không thừa nhận chuyện “cạnh tranh khốc liệt” giữa các đối thủ trong thời điểm hiện tại, song giới công nghệ thông tin, đặc biệt là người tiêu dùng thì biết rõ điều này, bởi họ đang được hưởng lợi từ cuộc cạnh tranh. Theo các chuyên gia, cuộc đua đang ở giai đoạn tăng tốc, nhưng đích đến thì còn quá xa, và hiện tại cơ hội vẫn đang rộng mở cho những người muốn “giành đất” trong thị trường còn rất nhiều tiềm năng này.