Thị trường mục tiêu là gì? Cách xác định thị trường mục tiêu

Để có thể phát triển và đứng vững trên thị trường, doanh nghiệp sẽ cần phải định hướng và tổng lực đầu tư cho rất nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, việc xác định thị trường mục tiêu chính là một bước vô cùng quan trọng và là điều không thể thiếu đối với mọi doanh nghiệp kể từ khi bắt đầu kinh doanh. Một doanh nghiệp nếu không thể xác định được thị trường mục tiêu thì rất khó để có thể trụ vững trên thị trường và dễ bị đối thủ của mình vượt mặt, từ đó dẫn đến tình trạng bị thua lỗ, thậm chí là phá sản. Vậy thị trường mục tiêu là gì? Làm cách nào để xác định thị trường mục tiêu một cách chính xác và hiệu quả? Hãy cùng đội ngũ marketing Phương Nam Vina tìm hiểu trong nội dung dưới đây để giải mã chi tiết về thị trường này nhé.
 

Thị trường mục tiêu là gì? Cách xác định thị trường mục tiêu
 

Thị trường mục tiêu là gì?

Khái niệm thị trường mục tiêu

Thị trường mục tiêu là một trong những thuật ngữ rất phổ biến, nhưng khi được hỏi thị trường mục tiêu là gì thì không phải ai cũng có thể trả lời một cách chính xác nhất. Thực chất, đây chính là một khái niệm rất quen thuộc trong giới kinh doanh và bất cứ người làm marketing nào cũng nắm rõ. Trong tiếng Anh, thị trường mục tiêu được gọi là target market và được hiểu là sự phân loại khách hàng hàng vào những nhóm nhất định sao cho phù hợp với hướng đi riêng của từng doanh nghiệp.

Hiểu theo một cách đơn giản, thị trường mục tiêu chính là một nhóm người tiêu dùng có khả năng sẽ mua sắm sản phẩm mà doanh nghiệp hướng đến, đồng thời tập trung tiếp thị với mục tiêu rõ ràng. Khác với nhóm khách hàng thông thường, khách hàng mục tiêu sẽ được xác định dựa trên nhiều yếu tố khác nhau như: nhân khẩu học, đặc điểm lối sống, kiểu hành vi,…. Việc lựa chọn đúng thị trường mục tiêu rất quan trọng, bởi điều này sẽ giúp cho doanh nghiệp hướng nguồn lực của mình một cách chính xác để mang lại hiệu quả như mong đợi. Ngược lại, nếu xác định sai hay chưa đúng hướng với thị trường mục tiêu thì phần trăm lớn doanh nghiệp gặp thất bại và bị loại khỏi cuộc chơi là rất sớm.

Ví dụ về thị trường mục tiêu

Hiện nay, các doanh nghiệp thường xác định thị trường mục tiêu của họ để biết rằng mình sẽ cung cấp sản phẩm / dịch vụ cho những đối tượng nào và làm thế nào để có thể tiếp cận được với những khách hàng đó. Bởi trên thực tế, không có bất kỳ sản phẩm, dịch vụ nào xuất hiện mà không hướng đến một thị trường mục tiêu cụ thể.

Ví dụ, bạn đang kinh doanh mỹ phẩm và có một cửa hàng tại Tp. Hồ Chí Minh. Để công việc kinh doanh mang lại thành công thì việc đầu tiên, bạn cần phải xác định được nhóm khách hàng sẽ sử dụng sản phẩm của mình nhiều nhất. Lúc này, bạn sẽ tiến hành nghiên cứu thị trường mục tiêu thông qua các bước như: khảo sát, tung sản phẩm dùng thử hay thu thập thông tin online,…. Từ đây, chúng ta có thể thấy được những người ưa chuộng sản phẩm mà bạn đang cung cấp sẽ có độ tuổi từ 20 – 30, sở thích của họ là các dòng mỹ phẩm Hàn Quốc, có nguồn gốc tự nhiên,… nghề nghiệp là các bạn học sinh, sinh viên hay nhân viên văn phòng.

Thông qua ví dụ trên, bạn hoàn toàn có thể xác định thị trường mục tiêu một cách dễ dàng mà các doanh nghiệp hiện nay đang hướng tới, cụ thể:

– Đồ chơi máy bay, xe hơi, siêu nhân,… sẽ hướng đến nhóm khách hàng mục tiêu là bé trai có độ tuổi từ 5 – 12.

– Một đôi giày chạy bộ được tạo ra từ những vật liệu tái chế sẽ nhắm vào các vận động viên, người chơi thể thao có ý thức về môi trường trong độ tuổi từ 24 – 45.

– Một nhà hàng sang trọng sẽ hướng đến nhóm khách mục tiêu là giới thượng lưu, những người có tiền với thu nhập khá ở độ tuổi từ 28 trở lên.
 

Thị trường mục tiêu là gì?
 

Sự khác biệt giữa thị trường và thị trường mục tiêu

Có một sự thật là rất nhiều người thường hay bị nhầm lẫn giữa thị trường và thị trường mục tiêu. Nhưng thực tế thì đây lại là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, cụ thể:

Thị trường

Thị trường (market) là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi, mua bán hàng hoá / dịch vụ. Các bên tham gia thường là người mua và người bán. Thị trường có thể là thực thể vật chất hoặc là ảo như thị trường trực tuyến, nơi không có tiếp xúc vật lý trực tiếp giữa người mua và người bán. Giá trị, chi phí và giá cả của hàng hoá / dịch vụ được xác định dựa trên quy luật cung – cầu trên thị trường. Trong marketing, thị trường bao gồm tất cả những khách hàng hiện có và cả khách hàng tiềm năng có thể tiếp cận với sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp. Một số ví dụ về thị trường như thị trường cà phê, thị trường chứng khoán, thị trường gạo,…. 

Thị trường mục tiêu

Khác với thị trường, thị trường mục tiêu được dùng để chỉ nhóm đối tượng khách hàng nhất định sao cho phù hợp với đường đi nước bước mà doanh nghiệp đã vạch ra sẵn. Hiểu đơn giản hơn thì thị trường mục tiêu chính là phần thị trường có chứa các khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp đó. Lúc này, doanh nghiệp sẽ phải thực hiện rất nhiều chiến lược marketing để có thể thu hút nhóm đối tượng này, từ đó đáp ứng các nhu cầu của họ. Hơn nữa, khách hàng ở thị trường mục tiêu có khả năng rất lớn sẽ trở thành khách hàng trung thành của doanh nghiệp sau này.
 

Thị trường mục tiêu
 

Mục đích của việc xác định thị trường mục tiêu

Nhiều công ty, doanh nghiệp nhỏ khi mới bắt đầu kinh doanh theo hướng truyền thống hoặc kinh doanh online thường cho rằng sản phẩm tốt và chất lượng sẽ được khách hàng yêu thích, lựa chọn. Thế nhưng, sự thật thì thị trường hiện nay là vô cùng rộng lớn, không có doanh nghiệp nào có thể đáp ứng được toàn bộ thị trường, kể cả những doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Điều này có nghĩa là dù sản phẩm hay dịch vụ của bạn có tốt thế nào thì cũng chỉ phù hợp với một nhóm người nhất định. Vậy trong kinh doanh, việc xác định thị trường mục tiêu nhằm hướng đến mục đích gì?

1. Xác định các yếu tố xung quanh sản phẩm

Việc doanh nghiệp xác định thị trường có tác động rất lớn trong việc quyết định các yếu tố quan trọng xung quanh sản phẩm, bao gồm: quy trình thiết kế, đóng gói, bao bì, phân phối, giá cả và khuyến mãi.

Ví dụ, một đôi giày đắt tiền sẽ không bao giờ đi kèm với một bịch nilon thông thường. Thay vào đó, nó sẽ được đựng trong một chiếc túi dây rút vải hàng hiệu và đặt trong hộp đựng giày. Hoặc với một mỹ phẩm xa xỉ, đắt đỏ chắc chắn sẽ không bao giờ được bán ở những cửa hàng tạp hóa hay tiệm thuốc thông thường.

2. Thị trường mục tiêu giúp tối đa hóa doanh số bán hàng

Phân tích thị trường mục tiêu chính là một phần không thể thiếu của kế hoạch phát triển sản phẩm bởi nhờ đó mà doanh nghiệp có thể xác định được nơi bán phù hợp, thu hút khách hàng tiềm năng chất lượng cao và mang về doanh thu ấn tượng. Khi doanh số của sản phẩm tăng lên, doanh nghiệp hoàn toàn có thể mở rộng thị trường mục tiêu ra quốc tế. Từ đó cho phép doanh nghiệp có thể tiếp cận thêm một thị trường mục tiêu ở các khu vực khác trên toàn cầu. Khi thị trường mục tiêu của mình được mở rộng, doanh nghiệp không chỉ được tăng doanh thu bán hàng mà còn làm tăng độ nhận diện thương hiệu.

3. Kiểm soát kỳ vọng dễ dàng hơn nhờ thị trường mục tiêu

Lựa chọn thị trường mục tiêu chính xác còn giúp cho doanh nghiệp có thể tạo ra được những sản phẩm, dịch vụ đáp ứng theo đúng yêu cầu, mong đợi của khách hàng. Khi một sản phẩm hay dịch vụ nào đó được giới thiệu với chất lượng cao, tính năng ấn tượng thì hoàn toàn có thể đáp ứng được mong đợi và kỳ vọng của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, cũng nhờ có thị trường mục tiêu mà doanh nghiệp sẽ hạn chế được tối đa tình trạng khách hàng có những kỳ vọng không thực tế với các sản phẩm, dịch vụ mà mình cung cấp. Ngoài ra, bạn cũng có thể chinh phục được nhóm khách hàng yêu thích và hài lòng với sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp một cách đông đảo hơn và sẵn sàng ủng hộ bạn cho những lần sau nữa.

4. Nâng cao hiệu quả các chiến dịch marketing

Việc doanh nghiệp hiểu rõ về khách hàng tiềm năng và đưa họ vào thị trường mục tiêu sẽ hỗ trợ cho chiến dịch marketing mang lại hiệu quả hơn gấp nhiều lần, điều này cũng đồng nghĩa với chi phí dành cho marketing sẽ được tiết kiệm không ít. Khi bạn đã nắm được những thông tin về thị trường mục tiêu thì sẽ hiểu nhiều hơn về hành vi của khách hàng, ví dụ: họ thường sử dụng mạng xã hội nào, đâu là hình thức giải trí mà họ thích, yếu tố nào tác động phần lớn đến hành vi mua hàng của họ. Từ những thông tin đã thu thập được, bạn hãy thống kê và phân tích dữ liệu, qua đó tạo nên các thông điệp, chiến lược quảng cáo sao cho phù hợp, có khả năng tiếp thị cao và dễ ghi nhớ với người xem.
 

Phân tích thị trường mục tiêu
 

Các bước xác định thị trường mục tiêu

Bước 1: Nghiên cứu thị trường

Để có thể xác định thị trường mục tiêu một cách hiệu quả, chính xác nhất, bạn cần phải thực hiện một số nghiên cứu nhất định. Việc thu thập số liệu thống kê và dữ liệu nghiên cứu thị trường sẽ giúp bạn hiểu rõ khách hàng tiềm năng của mình cũng như nhu cầu của họ, từ đó đưa ra quyết định tiếp thị được tốt hơn.

Phân tích sản phẩm, dịch vụ

Hãy tiến hành liệt kê danh sách cho từng tính năng của sản phẩm, dịch vụ và những lợi ích mà nó mang lại. Sau đó, hãy liệt kê ra một bảng những người có nhu cầu mà doanh nghiệp có thể đáp ứng tốt cho họ. Ví dụ, một công ty lập trình web sẽ nhắm đến các đối tượng khách hàng muốn xây dựng website cho cá nhân, doanh nghiệp của mình. Còn đối với cơ sở sản xuất đồ gia dụng sẽ tập trung vào nhóm khách hàng là những bà nội trợ, đầu bếp hay các nhà hàng.

Nghiên cứu định tính và định lượng

Hãy mở ra các cuộc khảo sát, từ đó lấy ý kiến đánh giá về những nhu cầu của người dùng về một sản phẩm, dịch vụ nào đó bằng cách nghiên cứu định tính hay nghiên cứu định lượng. Trong đó, nghiên cứu định tính sẽ trả lời những câu hỏi tại sao, như thế nào của một hành vi, hiện tượng nào đó. Ví dụ trong trường hợp phỏng vấn một cá nhân, người phỏng vấn sẽ đặt ra những câu hỏi để đáp viên có thể thoải mái đưa ra quan điểm cá nhân của mình. Sau đó, nhiệm vụ của người phỏng vấn sẽ là thu thập và tổng hợp các thông tin, trong đó bao gồm có cả những thông tin mà họ chưa từng nghĩ đến.

Khác biệt với phân tích định tính, việc phân tích định lượng sẽ có vai trò đi thu thập, phân tích thông tin trên cơ sở các số liệu từ thị trường. Mục đích chính là đưa ra các kết luận về thị trường mục tiêu thông qua việc sử dụng những phương pháp thống kê để xử lý các dữ liệu và số liệu. Các kết quả này sẽ được định lượng từ một nhóm mẫu và được tổng quát lên một mẫu lớn hơn.

Trong trường hợp doanh nghiệp muốn xác định chính xác hơn thì nên tiến hành nghiên cứu định lượng cho sản phẩm vì có số liệu cụ thể và chi tiết để phân tích và thiết lập bảng đánh giá. Tuy nhiên, việc lựa chọn phương pháp nghiên cứu nào cho phù hợp sẽ còn tùy thuộc vào quy mô dự án và hoạt động của doanh nghiệp.

Bước 2: Phân khúc thị trường

Phân khúc thị trường chính là bước chia nhỏ thị trường dựa trên một số tiêu chí quan trọng như: tuổi tác, giới tính, đặc điểm, tính cách, nghề nghiệp và thu nhập,…. Bằng cách tạo ra các tập hợp con và phân chia thành các nhóm nhỏ thị trường, bạn sẽ hiểu rõ hơn về các đối tượng có trong thị trường ấy, cụ thể:

Phân khúc nhân khẩu học

Phân khúc nhân khẩu học (demographic segmentation) chính là cách mà bạn xác định khách hàng mục tiêu của mình gồm những ai theo các yếu tố như: giới tính, độ tuổi, tình trạng việc làm, tình trạng hôn nhân, quy mô gia đình, tôn giáo, thu nhập, sắc tộc, dân tộc, tầng lớp xã hội,….

Phân khúc thị trường theo địa lý

Phân khúc thị trường theo địa lý (geographic segmentation) là kiểu phân loại thị trường đơn giản và hiệu quả được nhiều doanh nghiệp áp dụng và lựa chọn nhiều nhất hiện nay. Thông qua việc miêu tả vị trí thực tế của khách hàng mục tiêu sẽ cung cấp cho bạn những thông tin quan trọng như: nơi sinh sống, địa điểm làm việc, đặc điểm địa lý, bán kính quanh một vị trí nhất định,….

Phân khúc tâm lý khách hàng

Trong nhiều trường hợp, việc xác định khách hàng cụ thể sẽ không phụ thuộc vào các đặc điểm bên ngoài. Thay vào đó, doanh nghiệp cần phân tích dựa trên thái độ và giá trị bên trong nhiều hơn, đây là những đặc điểm về tâm lý học rất phổ biến. Theo đó, nhà tâm lý học sẽ mô tả những phẩm chất cá nhân bên trong của nhóm khách hàng mục tiêu mà doanh nghiệp hướng đến, bao gồm: sở thích, nguồn thông tin hay hoạt động giải trí mà họ yêu thích.

Phân khúc hành vi khách hàng

Phân khúc hành vi là phương pháp phân chia thị trường dựa trên cách mà khách hàng phản ứng, nhận biết và sử dụng sản phẩm, dịch vụ. Khi xem xét các kiểu hành vi của khách hàng, bạn hãy tự đặt ra một câu hỏi cho bản thân rằng người tiêu dùng mua sản phẩm, dịch vụ của mình vì lý do gì. Qua đó, doanh nghiệp sẽ xác định được thời điểm và tần suất mà khách mua hàng hay sử dụng dịch vụ của bạn để lên kế hoạch marketing được phù hợp nhất.

Một vài dạng phân khúc khác

Phân khúc doanh nghiệp: được dùng bởi các công ty B2B muốn phân chia các doanh nghiệp trong cùng một thị trường. Những dữ liệu cần xem xét sẽ bao gồm ngành hàng, số lượng nhân viên, vị trí và đặc biệt không thể bỏ qua yếu tố doanh thu, lợi nhuận.

Phân khúc theo thế hệ: phân chia khách hàng theo thế hệ sẽ bao gồm thế hệ Millennials, thế hệ X, thế hệ Z,…. Những đối tượng trong cùng thế hệ được cho là có cùng sở thích, đặc điểm tích cách, hành vi cũng như niềm tin nhất định.

Phân khúc theo mùa: những ngày lễ lớn, ngày đặc biệt trong năm như Tết, Trung Thu, Giáng Sinh, Black Friday, ngày 8 / 3, lễ 20 / 10,… cũng sẽ tác động không nhỏ đến hành vi mua hàng của người tiêu dùng.
 

Lựa chọn thị trường mục tiêu
 

Bước 3: Xác định khách hàng mục tiêu

Công nghệ ngày càng hiện đại, việc xác định khách hàng mục tiêu đối với các doanh nghiệp cũng trở nên đơn giản hơn bao giờ hết nhờ có các công cụ hỗ trợ dưới đây:

Nền tảng xã hội: phần lớn các trang web xã hội hiện nay đều sẽ cung cấp một bảng phân tích nhân khẩu học miễn phí về những người đang theo dõi bạn.

Địa chỉ email: nếu đã có một danh sách email của khách hàng, bạn hoàn toàn có thể sử dụng một số phần mềm email để lấy thông tin nhân khẩu học một cách chi tiết hơn.

Sử dụng dữ liệu bán hàng của riêng bạn: kiểm tra dữ liệu từ lịch sử quảng cáo hoặc bộ xử lý thanh toán để xem khách hàng của mình đã mua gì và mua tại thời điểm nào. Chi phí mua hàng trung bình trong cửa hàng sẽ là bao nhiêu? Đâu là khoảng thời gian bận rộn nhất trong ngày của cửa hàng? Khi nào thì lượng mua hàng sẽ tăng / giảm một cách đột biến?

Trực tiếp hỏi khách hàng hiện tại: bằng cách gọi điện, nhắn tin thông qua mạng xã hội, email để hỏi hoặc khảo sát khách hàng thông qua các biểu mẫu.

– Tìm kiếm những bài báo, blog trên tạp chí phân tích về thị trường mục tiêu.

– Tìm kiếm trên các blog hay diễn đàn, nơi mà mọi người trong thị trường mục tiêu của bạn sẽ chia sẻ, truyền đạt ý kiến của họ.

– Tìm kiếm trực tuyến các nghiên cứu mà những người khác đã từng thực hiện thành công trước đó về thị trường mục tiêu của doanh nghiệp.

– Tìm kiếm những kết quả khảo sát hoặc tiến hành thực hiện một cuộc khảo sát của riêng bạn.

Bước 4: Xây dựng chiến lược thị trường mục tiêu

Chiến lược tiếp thị đại chúng (mass marketing)

Chiến lược tiếp thị đại chúng sẽ hoàn toàn bỏ qua việc phân đoạn thị trường. Thay vào đó, mass marketing cố gắng tập trung quảng cáo đến nhiều người nhất có thể. Không giống như các nỗ lực tiếp thị khác, tiếp thị đại chúng sẽ không tạo ra các chiến dịch khác nhau cho từng phân đoạn thị trường mà chiến lược này sẽ chạy duy nhất một chương trình tiếp thị cho toàn bộ thị trường.

Có thể nói, tiếp thị đại chúng mang đến một sức hút đặc biệt đối với các công ty bán sản phẩm hoặc dịch vụ có sức hấp dẫn với tất cả mọi người. Ví dụ thường gặp nhất đó chính là các công ty viễn thông, khí đốt, nhà sản xuất muối, đường,… sẽ tiến hành chiến dịch tiếp thị đại chúng bởi hầu hết thị trường đều sử dụng những sản phẩm này.

Chiến lược đa phân khúc (segmented marketing)

Đây là chiến lược mà doanh nghiệp sẽ lựa chọn nhiều phân khúc thị trường. Sau đó, từ mỗi phân khúc thị trường này thì doanh nghiệp sẽ đáp ứng họ bằng một sản phẩm, dịch vụ với chiến lược tiếp thị hoàn toàn riêng biệt. Đối với chiến lược này, doanh nghiệp sẽ cần phải tận dụng cơ hội để quảng bá, tiếp thị một cách phù hợp với thị trường mục tiêu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần phải tự điều chỉnh các nội dung về giá cả, kênh phân phối và cả cách tiếp cận thị trường để mang lại được kết quả tốt nhất.

Mặc dù sở hữu ưu điểm vượt trội trong việc đáp ứng nhu cầu, cũng như mong muốn và thị hiếu đa dạng của khách hàng. Thế nhưng, chiến lược đa phân khúc vẫn còn có điểm hạn chế là doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với chi phí tăng cao trong quá trình sản xuất và tiếp thị. Đó chính là lý do vì sao mà chiến lược này sẽ phù hợp với các doanh nghiệp bán hàng hóa và dịch vụ cho một thị trường mục tiêu, trong đó bao gồm các đối tượng mục tiêu riêng biệt.

Ví dụ, P&G (Procter & Gamble) sẽ nhắm đến thị trường sản phẩm giặt giũ như: bột giặt, nước giặt, nước xả vải,… trên khắp toàn cầu. Thế nhưng ở mỗi quốc gia, sản phẩm của họ sẽ được tùy chỉnh và tối ưu sao cho phù hợp với khách hàng thuộc từng phân khúc khác nhau.

Chiến lược thị trường ngách (niche marketing)

Chiến lược thị trường ngách là việc doanh nghiệp sẽ tập trung vào một phân đoạn nhỏ của thị trường hay một khoảng trống của thị trường với mục tiêu nhắm đến một nhóm khách hàng riêng biệt. Việc doanh nghiệp xác định thị trường ngách tức là họ đang nỗ lực cho phần lớn thị trường nhỏ chứ không cạnh tranh để giành thị phần cho mình trong thị trường lớn.

Trên thực tế, chọn thị trường ngách chính là một việc vô cùng quan trọng đối với mọi doanh nghiệp, nhất là với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, hay các công ty startup mới lập nghiệp. Chọn đúng thị trường ngách sẽ giúp cho các doanh nghiệp có cơ hội khởi động kinh doanh một cách thành công, ngoài ra còn gặp ít sự cạnh tranh cũng như rủi ro hơn so với thị trường không phải ngách. Tuy nhiên, hạn chế của chiến lược này đó là nếu gặp phải các đối thủ cạnh tranh lớn tham gia vào phân khúc đã chọn thì doanh nghiệp của bạn sẽ gặp khá nhiều khó khăn.

Ví dụ, thay vì lựa chọn phục vụ cho nhu cầu di chuyển bằng xe máy của tất cả nhóm khách hàng như hai thương hiệu lớn là Honda, Yamaha,… hãng Kawasaki đã quyết định sẽ chỉ phục vụ riêng cho những đối tượng có nhu cầu tham gia các chuyến “phượt”, đua xe bằng mẫu xe phân khối lớn và được thiết kế chuyên biệt.

Chiến lược thị trường vi mô (micromarketing / local marketing)

Chiến lược thị trường vi mô thường có xu hướng nhắm đến mục tiêu là một nhóm người cụ thể trong một thị trường ngách. Đối với chiến lược này, các sản phẩm hay dịch vụ sẽ được tiếp thị trực tiếp đến một nhóm khách hàng mục tiêu cụ thể. Để sử dụng các kỹ thuật của chiến lược thị trường vi mô, doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp việc xác định đối tượng theo một đặc điểm cụ thể, điển hình như: giới tính, độ tuổi, việc làm, khu vực địa lý. Sau đó sẽ tạo ra các chiến dịch để hướng đến nhóm đối tượng cụ thể đó.

Ví dụ, vào những năm đầu của thập niên 60, Ford là thương hiệu xe hơi hàng đầu thế giới với mẫu xe Falcon đình đám, đồng thời là đối thủ lớn nhất của hãng xe hơi đình đám Volkswagen đến từ Đức. Tuy nhiên chỉ một thời gian sau đó, lợi nhuận thu được từ những chiếc Sedan này đã không còn được như trước và bắt đầu sụt giảm, thậm chí là bước vào thời kỳ suy thoái.

Lúc này, hãng Ford đã quyết định tiến hành một cuộc nghiên cứu thị trường ở phạm vi rộng và phát hiện ra một sự thật đáng ngạc nhiên. Trong khi doanh số từ những chiếc Falcon liên tục bị sụt giảm, giới trẻ lại có xu hướng yêu thích các mẫu xe mang dáng dấp thể thao như ghế đơn và có thêm một số tiện nghi đặc biệt khác ở bên trong. Nắm bắt được kết quả nghiên cứu này, Lee Iacocca – một kỹ sư trẻ của Ford đã thiết kế và cho ra đời chiếc Ford Mustang hoàn toàn mới vào năm 1965. Với chiếc xe này, doanh số mà Ford thu về lúc bấy giờ đã tạo nên một kỷ lục thật sự.
 

Xác định thị trường mục tiêu
 

Bước 5: Thử nghiệm quảng cáo trên thị trường mục tiêu

Sau khi đã trải qua quy trình nghiên cứu marketing, phân tích và phân khúc thị trường, sau đó xác định được thị trường mục tiêu thì doanh nghiệp sẽ cần phải đưa ra những chiến lược marketing phù hợp. Có như vậy thì các sản phẩm, dịch vụ mới đến tay người dùng một cách nhanh chóng, từ đó giành được thị phần và mang lại doanh thu ấn tượng cho doanh nghiệp.

Điều mà bạn cần chú ý khi tiến hành chạy quảng cáo đó chính là nhắm đến nhóm khách hàng theo đúng phân tích đặt ra ban đầu. Sau đó tiến hành tạo ra các phiên bản quảng cáo khác nhau cho cùng một sản phẩm. Đừng quên kiểm tra xem người dùng sẽ phản hồi như thế nào, bao gồm cả hành động nhấp vào quảng cáo và thậm chí là mua sản phẩm của bạn. Điều này sẽ giúp cho bạn tìm thấy cách marketing phù hợp để mang lại nhiều chuyển đổi nhất.

Casestudy điển hình về thị trường mục tiêu

1. Starbucks

Starbucks vốn nổi tiếng là một thương hiệu cà phê cao cấp với nhóm khách hàng chủ yếu thuộc phân khúc có tài chính dư giả, kinh tế thượng lưu hoặc những tầng lớp trung lưu. Điểm đặc trưng của thương hiệu đó chính là hướng đến những người muốn có một không gian yên bình để uống cà phê và xả stress. Vì vậy mà đây là sẽ là nơi phù hợp cho những chuyên gia có thu nhập cao, chủ công ty, doanh nghiệp hoặc nhóm khách hàng cao cấp ở độ tuổi từ 22 – 50.

Cụ thể, Starbucks đã phân đoạn thị trường theo nhân khẩu học và địa lý và lựa chọn thị trường mục tiêu như sau. 

Nhân khẩu học: nam và nữ trong độ tuổi từ 25 – 44 (chiếm 49% tổng số khách hàng trong hoạt động kinh doanh). Starbuck nhắm mục tiêu đến thị trường này bằng cách cung cấp đồ uống cụ thể để có thể thu hút khách hàng, đồng thời định hình mình là nơi thứ ba giữa nhà ở và văn phòng để mọi người có thể thoải mái nghỉ ngơi, tán gẫu.

Ngoài ra, các thanh thiếu niên từ 18 – 24 cũng là nhóm khách hàng mục tiêu lớn hơn mà Starbucks hướng tới và chiếm đến 40% doanh số bán hàng. Thương hiệu Starbucks sẽ tập trung mục tiêu vào nhóm thị trường này thông qua sự phát triển của công nghệ, cũng như định hình mình là nơi để các bạn học sinh, sinh viên có thể học tập, họp và trao đổi, trò chuyện với nhau.

Địa lý: vị trí chủ yếu thường thấy của Starbucks là ở các khu vực gần trường học, văn phòng hay cửa hàng.

2. Tập đoàn Vingroup

Vingroup là một trong những tập đoàn lớn nhất hiện nay tại Việt Nam với nhiều thương hiệu sản phẩm phân phối tại đa dạng thị trường khác nhau. Phía sau sự thành công của thương hiệu mang tên Vingroup chính là cả một chiến dịch marketing ấn tượng từ chất lượng sản phẩm cao cấp cho đến sự am hiểu khách hàng. Một trong những sản phẩm nổi bật nhất của thương hiệu này có thể kể tới là bất động sản. Vingroup lựa chọn các thị trường mục tiêu khác nhau cho từng sản phẩm của họ, ví dụ như:

VinPearl: đây là hệ thống nghỉ dưỡng cao cấp 5 sao dành cho các khách hàng thuộc tầng lớp thượng lưu, có điều kiện về kinh tế, dư giả.

VinHome: là mô hình căn hộ dành cho những gia đình có khoản thu nhập từ trung bình trở lên.

VinCity: mô hình căn hộ dành cho những gia đình có thu nhập nằm ở mức trung bình thấp.

Từ đây ta có thể thấy, chính nhờ việc xác định đúng thị trường mục tiêu mà mỗi sản phẩm của Vingroup cũng đều mang lại hiệu quả kinh doanh cao, đồng thời được đông đảo khách hàng đón nhận và sử dụng.
 

Các bước xác định thị trường mục tiêu
 

3. McDonald’s

Thị trường mục tiêu của McDonald’s rất rộng và bao gồm nhiều loại khách hàng khác nhau từ trẻ em, thanh thiếu niên cho đến các gia đình trẻ hiện nay. Tuy nhiên, thương hiệu McDonald’s vẫn chủ yếu tập trung vào hai nhóm thị trường chính, bao gồm:

Người có độ tuổi từ 16 – 29: đây là những thanh thiếu niên trẻ tuổi, họ yêu thích lối sống nhanh gọn, hiện đại. Không chỉ vậy, nhóm khách hàng này cũng là những người có mức thu nhập trung bình nên họ sẽ dễ dàng lựa chọn McDonald’s làm địa điểm ăn uống.

Trẻ em có độ tuổi từ 5 – 14: khi tập trung vào nhóm khách hàng này, thương hiệu thức ăn nhanh McDonald’s đã cho rằng, trẻ em chính là lứa tuổi có đặc tính tò mò, thích những điều mới lạ và đặc biệt là đam mê những món ăn giòn ngon, nhiều dầu mỡ và đậm chất kiểu Tây. Do đó mà việc thường xuyên năn nỉ, vòi vĩnh bố mẹ để được ăn gà rán, khoai tây chiên tại McDonald’s vào mỗi dịp cuối tuần là điều không thể tránh khỏi.

Như vậy, thông qua những phân tích thị trường mục tiêu mà Phương Nam Vina vừa chia sẻ trên đây, hi vọng các bạn sẽ hiểu hơn về thị trường này cũng như tầm quan trọng của nó đối với doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp đã xác định được thị trường và nhóm khách hàng mà mình muốn hướng đến một cách chính xác, bạn có thể nhanh chóng tạo ra được những thông điệp giá trị để tiếp thị một cách tốt nhất. Từ đó giúp cho doanh nghiệp gia tăng lợi nhuận bán hàng và đẩy mạnh mục tiêu kinh doanh một cách hiệu quả. Chúc các bạn thành công!

Tham khảo thêm:

icon thiết kế website 12 bước lập kế hoạch kinh doanh online chi tiết hiệu quả 

icon thiết kế website KPI là gì? Phân loại và xây dựng chiến lược KPI hiệu quả

icon thiết kế website Hướng dẫn cách xây dựng thương hiệu cá nhân dễ dàng thành công