Thị trường dịch vụ pháp lý và phát triển thị trường dịch vụ pháp lý
Thị trường dịch vụ pháp lý và phát triển thị trường dịch vụ pháp lýPhát triển dịch vụ pháp lý, thúc đẩy sự hình thành và phát triển của thị trường dịch vụ pháp lý là một trong các biện pháp góp phần quản trị rủi ro pháp lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, cũng như góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tuy nhiên, pháp luật hiện nay còn thiếu quy định cụ thể về thị trường dịch vụ pháp lý và thiếu các cơ chế hữu hiệu để thúc đẩy thị trường dịch vụ pháp lý phát triển. Bài viết này sẽ tập trung nhận diện về dịch vụ pháp lý và thị trường dịch vụ pháp lý, cũng như làm rõ các định hướng về chính sách, đề xuất hoàn thiện quy định của pháp luật phát triển thị trường dịch vụ pháp lý trong thời gian tới.1. Một số vấn đề về khái niệm, thuật ngữ
Thuật ngữ “thị trường dịch vụ pháp lý” là một cụm từ ghép giữa “thị trường” và “dịch vụ pháp lý”. Theo đó:
1.1. Về Dịch vụ pháp lý
Theo Từ điển luật học “Dịch vụ pháp lý là loại hình dịch vụ do những tổ chức, cá nhân có hiểu biết, có kiến thức và chuyên môn pháp luật được Nhà nước tổ chức hoặc cho phép hành nghề thực hiện, nhằm đáp ứng nhu cầu được biết, được tư vấn hoặc giúp đỡ về mặt pháp lý của các tổ chức, cá nhân trong xã hội…Người cung cấp dịch vụ pháp lý nhằm mục đích thu lợi và được coi như một nghề. Người được hưởng dịch vụ pháp lý được thoả mãn những yêu cầu hiểu biết hay công việc cụ thể và phải trả phí (giá) dịch vụ cho người cung cấp”[1] Với khái niệm như vậy, chủ thể (tổ chức, cá nhân) cung cấp dịch vụ pháp lý phải bảo đảm các điều kiện cần và đủ sau: (1) Phải là người có hiểu biết, có kiến thức và chuyên môn pháp luật (được đào tạo, bồi dưỡng và có văn bằng, chứng chỉ phù hợp). (2) Phải được Nhà nước tổ chức hoặc cho phép hành nghề (có chứng chỉ/thẻ hoặc giấy phép hành nghề). (3) Phải hoạt động trong một tổ chức hoặc dưới hình thức được pháp luật cho phép. (4) Phải thực hiện hoạt động đáp ứng nhu cầu được biết, được tư vấn hoặc giúp đỡ về mặt pháp lý của các tổ chức, cá nhân trong xã hội. (5) Được thu phí hoặc thù lao theo quy định của pháp luật.
Trong hợp tác quốc tế, theo WTO[2]dịch vụ pháp lý được quy định khái quát “bao gồm các lĩnh vực tư vấn và đại diện đối với pháp luật nước tiếp nhận dịch vụ, pháp luật của nước sở tại, nước thứ ba, luật pháp quốc tế; dịch vụ chứng thực giấy tờ tài liệu; các dịch vụ tư vấn và thông tin khác”. Cụ thể theo WTO, dịch vụ pháp lý (legal services) bao gồm dịch vụ tư vấn, dịch vụ tranh tụng cũng như toàn bộ các hoạt động liên quan đến việc thi hành công lý (như hoạt động của thẩm phán, công tố viên, v.v…). Tuy nhiên, loại hoạt động liên quan đến thi hành công lý bị gạt ra ngoài phạm vi của Hiệp định chung về thương mại dịch vụ của WTO (viết tắt là GATS), bởi vì ở hầu hết các nước, các hoạt động này được coi là “loại dịch vụ được cung cấp để thi hành thẩm quyền của Chính phủ” theo Điều I (3) (c) GATS (dịch vụ được cung cấp không trên cơ sở thương mại cũng như không trên cơ sở cạnh tranh với một hoặc nhiều người cung cấp)[3]
Trong “Danh sách phân loại ngành dịch vụ” của WTO (tài liệu MTN.GNS /W/120), “(a) dịch vụ pháp lý” được liệt kê như một phân ngành của “(1) dịch vụ kinh doanh” và “(A) dịch vụ chuyên nghiệp”. Mục này tương ứng với số CPC 861 trong phân loại của Liên Hợp quốc. Theo đó, “dịch vụ pháp lý” được chia thành “dịch vụ tư vấn pháp lý và đại diện liên quan đến luật hình sự” (86111), “dịch vụ tư vấn pháp lý và đại diện trong các thủ tục tư pháp liên quan đến các lĩnh vực luật khác” (86119), “dịch vụ tư vấn pháp lý và đại diện trong các thủ tục luật định của các tòa án, hội đồng bán tư pháp, v.v. ” (86120), “dịch vụ chứng nhận tài liệu pháp lý” (86130) và “các thông tin tư vấn và pháp lý khác” (8619). Việc sửa đổi CPC của Liên Hợp quốc đã được ủy ban thống kê của Liên Hợp quốc thông qua vào tháng 2 năm 1997 khiến phân loại dịch vụ pháp lý về cơ bản không thay đổi. Tuy nhiên, nó bao gồm như một phân nhóm của dịch vụ pháp lý “Dịch vụ trọng tài và hòa giải”, trước đây là một phần của dịch vụ tư vấn quản lý.
Về quy định của pháp luật, theo Điều 4 Luật Luật sư năm 2006; sửa đổi, bổ sung năm 2012 (sau đây gọi là Luật Luật sư 2006) thì “Dịch vụ pháp lý của luật sư bao gồm tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng và các dịch vụ pháp lý khác[4]”. Theo khoản 1 Điều 30 của Luật thì “Dịch vụ pháp lý khác của luật sư bao gồm giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc liên quan đến thủ tục hành chính; giúp đỡ về pháp luật trong trường hợp giải quyết khiếu nại; dịch thuật, xác nhận giấy tờ, các giao dịch và giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc khác theo quy định của pháp luật”. Luật sư có quyền và nghĩa vụ của theo quy định tại Điều 21 của Luật Luật sư 2006 và hành nghề với tư cách: (1) Là người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc là người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự; (2) Là người đại diện hoặc là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính, việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các vụ, việc khác theo quy định của pháp luật. (3) Thực hiện tư vấn pháp luật. (4) Đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật. (5) Thực hiện dịch vụ pháp lý khác theo quy định của Luật Luật sư 2006 và (6) thực hiện trợ giúp pháp lý.
Theo Điều 2 Luật trợ giúp pháp lý năm 2017 thì “Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Điều 27 Luật Trợ giúp pháp lý quy định rõ: “Trợ giúp pháp lý được thực hiện trong các lĩnh vực pháp luật, trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại” với các hình thức trợ giúp gồm: (a) Tham gia tố tụng; (b) Tư vấn pháp luật; (c) Đại diện ngoài tố tụng.
Theo quy định tại Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16/7/2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật thì để thực hiện tư vấn pháp luật cho thành viên, hội viên, đoàn viên của tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu chuyên ngành luật và cá nhân, tổ chức khác thì “Trung tâm tư vấn pháp luật được thực hiện tư vấn pháp luật; được cử luật sư làm việc theo hợp đồng cho Trung tâm tham gia tố tụng để bào chữa, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức yêu cầu tư vấn pháp luật đối với vụ việc mà Trung tâm thực hiện tư vấn pháp luật; được thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý” (Điều 7 Nghị định). Việc thực hiện tư vấn pháp luật do (1) Tư vấn viên pháp luật; (2) Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động cho Trung tâm tư vấn pháp luật; (3) Cộng tác viên tư vấn pháp luật thực hiện (Điều 18 Nghị định).
Như vậy, từ khái niệm và quy định của pháp luật cho thấy, việc cung cấp dịch vụ pháp lý hiện nay ở Việt Nam chủ yếu là do các luật sư, tư vấn viên pháp luật thực hiện theo quy định của pháp luật. Mặt khác, có thể hiểu rộng hơn như sửa đổi CPC của Liên hợp quốc thì hoạt động của trọng tài, hòa giải thương mại là hoạt động dịch vụ pháp lý.
1.2. Về thị trường dịch vụ pháp lý
“Thị trường”, theo Từ điển luật học là “Nơi thực hiện các giao dịch mua bán, chuyển nhượng, trao đổi các loại hàng hoá, dịch vụ, vốn, sức lao động và các nguồn lực khác trong nền kinh tế[5]. “Nơi” ở đây được hiểu là bất kì khung cảnh nào trong đó diễn ra việc mua bán, trao đổi hàng hoá, dịch vụ mà không nhất thiết gắn với một địa điểm hay thực thể vật chất. Ví dụ: thị trường có thể là mạng lưới viễn thông toàn cầu, thông qua đó việc mua bán hàng hoá được thực hiện. Thị trường được cấu thành bởi các yếu tố căn bản sau:
(1) Chủ thể tham gia thị trường: gồm có người mua, người bán, người môi giới và chủ thể quản lý nhà nước đối với thị trường. Chủ thể quản lí nhà nước đối với thị trường là các cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ giám sát, quản lý thị trường, đảm bảo cho thị trường vận hành an toàn và trôi chảy, chẳng hạn như trong thị trường chứng khoán.
(2) Khách thể thị trường: là đối tượng mà các chủ thể hướng đến trong giao dịch mua bán, trao đổi như hàng hoá, dịch vụ, vốn, sức lao động và các nguồn lực khác. Tài sản giao dịch trên thị trường có thể là tài sản hữu hình hoặc tài sản vô hình, có thể là tài sản đã tồn tại hoặc tài sản được hình thành trong tương lai;
(3) Giá cả trên thị trường: được hình thành trên cơ sở cung cầu.
Về “Thị trường dịch vụ pháp lý” hiện nay ở Việt Nam chưa có định nghĩa, khái niệm thống nhất về thuật ngữ này. Tham khảo kinh nghiệm nước ngoài thì theo The Business Research Company[6] định nghĩa “Thị trường dịch vụ pháp lý bao gồm các hoạt động cung cấp dịch vụ, hàng hóa liên quan đến pháp luật bởi các tổ chức (bao gồm các tổ chức, các cá nhân kinh doanh và các hợp danh); họ tư vấn cho khách hàng (cá nhân, doanh nghiệp hoặc các tổ chức khác) về các quyền và lợi ích hợp pháp của họ; đồng thời đại diện cho khách hàng trong các vụ việc dân sự và hình sự, giao dịch kinh doanh và các vấn đề khác thông qua tư vấn pháp lý và các hỗ trợ khác. Các nhà cung cấp dịch vụ pháp lý có nguồn lực chính là con người. Họ (các đơn vị cung cấp dịch vụ) thường khai thác các kiến thức và kỹ năng của nhân viên trên cơ sở giao việc cho một cá nhân hay một nhóm [nhân viên] chịu trách nhiệm cung cấp các dịch vụ [pháp lý] cho khách hàng”[7]
Từ những khái niệm về dịch vụ pháp lý, thị trường và từ tham khảo quốc tế về thị trường dịch vụ pháp lý như đã nêu ở trên, chúng ta có thể hiểu Thị trường dịch vụ pháp lýLegal services market) là nơi những tổ chức, cá nhân có hiểu biết, có kiến thức và chuyên môn pháp luật được Nhà nước tổ chức hoặc cho phép hành nghề thực hiện các dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu được biết, được tư vấn hoặc giúp đỡ về mặt pháp lý của các tổ chức, cá nhân trong xã hội”. Hoặc có thể hiểu theo cách khác, “Thị trường dịch vụ pháp lý là nơi cung cấp dịch vụ, hàng hóa liên quan đến pháp luật do những tổ chức, cá nhân có hiểu biết, có kiến thức và chuyên môn pháp luật được Nhà nước tổ chức hoặc cho phép hành nghề. Họ tư vấn cho khách hàng (cá nhân, doanh nghiệp hoặc các tổ chức khác) về các quyền và lợi ích hợp pháp của họ; đồng thời đại diện cho khách hàng trong các vụ việc dân sự và hình sự, giao dịch kinh doanh và các vấn đề khác thông qua tư vấn pháp lý và các hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật”
Thị trường dịch vụ pháp lý, trước hết được xác định là “thị trường dịch vụ”, do vậy, nó mang đầy đủ các đặc điểm, yếu tố của thị trường nói chung như tuân thủ và vận hành theo các quy luật của thị trường (quy luật cung – cầu; quy luật giá trị; quy luật cạnh tranh…) và mang đầy đủ đặc điểm của thị trường dịch vụ, như tính tính vô hình, tính không thể tách rời, tính không thể cất giữ, tính đa dạng và sự tham gia của người tiêu dùng… Tuy nhiên, nó cũng có những đặc điểm riêng biệt như: phụ thuộc vào thể chế chính trị và pháp luật của mỗi quốc gia; chịu sự tác động của định hướng đối ngoại của quốc gia và gắn chặt với sự phát triển kinh tế – xã hội ở từng thời kỳ và vùng miền.
2. Vài nét về thị trường dịch vụ pháp lý và phát triển thị trường dịch vụ pháp lý ở Việt Nam
Ở Việt Nam hiện nay, pháp luật chưa có quy định riêng về thị trường dịch vụ pháp lý, chỉ có các quy định về hình thức, thẩm quyền quản lý, cung cấp/thực hiện một hoặc nhiều hoạt động là dịch vụ pháp lý, như: Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012); Luật Trọng tài thương mại năm 2010; Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017… và các văn bản hướng dẫn thi hành. Nội dung các văn bản này quy định rõ về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; quy định cụ thể về tiêu chuẩn hành nghề, chứng chỉ hành nghề, hình thức hành nghề, quyền và nghĩa vụ của các chức danh; trình tự thủ tục hành nghề và về thù lao, chi phí, nội dung quản lý nhà nước theo phạm vi tương ứng.
Về hợp tác quốc tế, Việt Nam cam kết mở cửa trong Biểu cam kết dịch vụ của WTO, ASEAN (các Nghị định thư của Hiệp định dịch vụ), các Hiệp định thương mại tự do song phương với Nhật Bản, Chi Lê, Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á Âu, các Hiệp định trong khuôn khổ ASEAN (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, Niu Di Lân, Hồng Công), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ CPTPP, Hiệp định EVFTA với EU (đã ký, chưa phê chuẩn). Dịch vụ pháp lý được quy định đầu tiên trong các Biểu cam kết dịch vụ tại các Hiệp định nêu trên, phân loại là dịch vụ chuyên môn (dịch vụ mà không có điều kiện về bằng cấp chuyên môn không thể cung cấp) và Việt Nam bảo lưu quyền quy định về các điều kiện bằng cấp chuyên môn để nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được cung cấp trên cơ sở nguyên tắc đối xử quốc gia và đối xử tối huệ quốc. Cách diễn giải về dịch vụ pháp lý tại các cam kết quốc tế nêu trên phù hợp với giải thích về các dịch vụ liệt kê trong hệ thống phân loại sản phẩm chủ yếu của Liên hợp quốc (CPC 861), cụ thể dịch vụ pháp lý bao gồm: dịch vụ đại diện và tư vấn pháp lý trong các lĩnh vực khác nhau, dịch vụ tư vấn và đại diện trong quá trình xét xử của tòa án, dịch vụ tư vấn và đại diện trong quá trình tố tụng của các cơ quan, ủy ban tương tự tòa án, các dịch vụ thông tin và tư vấn pháp lý khác.
Cụ thể, Việt Nam cam kết nhất quán trong các cam kết quốc tế về mức độ mở cửa thị trường như sau: (a) Dịch vụ pháp lý (CPC 861) không bao gồm: tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa hay đại diện cho khách hàng của mình trước Tòa án Việt Nam; Dịch vụ giấy tờ pháp lý và công chứng liên quan tới pháp luật Việt Nam). Các phương thức cung cấp dịch vụ pháp lý cụ thể như sau: Phương thức (1)- Cung cấp qua biên giới có mức cam kết không hạn chế. (2)- Tiêu dùng ở nước ngoài có mức cam kết không hạn chế; (3) – Hiện diện thương mại có mức cam kết như sau: Tổ chức luật sư nước ngoài được phép thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam dưới các hình thức sau: Chi nhánh của tổ chức luật sư nước ngoài; Công ty con của tổ chức luật sư nước ngoài; Công ty luật nước ngoài; Công ty hợp danh giữa tổ chức luật sư nước ngoài và công ty luật hợp danh Việt Nam. Hiện diện thương mại của tổ chức luật sư nước ngoài được phép tư vấn luật Việt Nam nếu luật sư tư vấn đã tốt nghiệp đại học luật của Việt Nam và đáp ứng được các yêu cầu áp dụng cho luật sư hành nghề tương tự của Việt Nam (nhấn mạnh); và (4) Hiện diện của thể nhân chưa cam kết trừ các cam kết chung.
Ở trong nước, từ năm 2011, để từng bước xây dựng và vận hành thị trường dịch vụ pháp lý, “Chiến lược phát triển nghề Luật sư đến năm 2020[8] đã được ban hành trong đó đề ra một số quan điểm, định hướng phát triển lớn để phát triển đội ngũ Luật sư đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, vững vàng về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và nhu cầu của xã hội, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XI của Đảng, Chiến lược cải cách tư pháp, góp phần đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát huy dân chủ, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, tạo nền tảng để nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Đồng thời với việc phát triển số lượng và nâng cao chất lượng, Chiến lược cũng đặt ra định hướng phát triển nghề Luật sư theo hướng chuyên nghiệp hóa, đáp ứng nhu cầu dịch vụ pháp lý ngày càng cao của cơ quan, tổ chức, công dân, doanh nghiệp; nâng cao vị trí, vai trò của đội ngũ Luật sư trong việc tham gia hoạch định chính sách, xây dựng, giám sát thực thi pháp luật, thực hiện trách nhiệm xã hội, góp phần bảo đảm thực hiện chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp, bảo vệ công lý, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự “tự do hóa” của nghề Luật sư sau khi Việt Nam gia nhập WTO, để nâng cao và đáp ứng yêu cầu hội nhập, Chiến lược đã đề ra định hướng phát triển hoạt động hành nghề Luật sư trở thành nghề chuyên nghiệp, trong đó chú trọng phát triển tổ chức hành nghề Luật sư hành nghề chuyên sâu trong một số lĩnh vực, có khả năng cạnh tranh cao, từng bước chiếm lĩnh thị trường dịch vụ pháp lý trong khu vực và trên thế giới.
Theo Báo cáo kết quả thực hiện Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 và Đề án phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020 của Bộ Tư pháp (Báo cáo số 05/BC-BTP ngày 08/01/2021), từ thời điểm triển khai Chiến lược đến nay (từ năm 2011 – 2020), đội ngũ luật sư cả nước đã tăng từ 6.250 lên hơn 15.000, đạt mục tiêu Chiến lược đề ra trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015. Số lượng luật sư hành nghề chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài theo Đề án 123 đã có bước phát triển, tăng hơn 50 lần và đạt mục tiêu của Đề án (tăng từ 20 đến 1.000 luật sư, chuyên gia pháp luật)[9]. Đa số luật sư phục vụ hội nhập trưởng thành qua môi trường làm việc thực tế, học hỏi, trao đổi với các đồng nghiệp nước ngoài tại thị trường trong nước.
Về phát triển tổ chức hành nghề luật sư, mục tiêu của Chiến lược là phát triển từ 5 – 10 tổ chức hành nghề luật sư tại các tỉnh khó khăn. Số lượng tổ chức hành nghề luật sư tăng từ 2.928 năm 2011 lên hơn 4.400 tổ chức năm 2020, tập trung chủ yếu tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Ở các tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, số lượng tổ chức hành nghề luật sư cũng đã có sự gia tăng[10]. Việc thành lập nhiều tổ chức hành nghề luật sư đã tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với dịch vụ của luật sư. Công tác quản trị, điều hành của các tổ chức hành nghề tiếp tục được hoàn thiện theo hướng chuyên nghiệp với việc đầu tư nghiêm túc cho hoạt động hành nghề; tập trung vào các lĩnh vực chuyên sâu.
Số lượng tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế đã đạt khoảng 50 tổ chức, vượt mục tiêu cụ thể trong Đề án 123. Một số tổ chức hành nghề luật sư bước đầu phát huy được thế mạnh, xây dựng được thương hiệu của mình, cũng như tạo được sự tín nhiệm trên thị trường dịch vụ pháp lý trong khu vực và quốc tế, trở thành “đối tác” cạnh tranh với các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và được các tạp chí uy tín trong khu vực xếp hạng đang ngày một gia tăng với nhiều gương mặt mới[11]. Các tổ chức hành nghề luật sư này cũng là nơi tập hợp đông đảo đội ngũ luật sư giỏi, thông thạo ngoại ngữ, am hiểu pháp luật, tập quán thương mại quốc tế, có khả năng giúp Chính phủ, các doanh nghiệp, tổ chức giải quyết các vụ việc phức tạp liên quan hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần đào tạo, phát triển đội ngũ luật sư Việt Nam trong lĩnh vực này.
Theo Báo cáo số 09/BC-LĐLSVN ngày 04/5/2020 của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, từ tháng 6/2009 đến hết năm 2019, các luật sư đã tham gia 333.907 vụ, việc về tố tụng[12], 121.744 vụ việc về dân sự và hôn nhân gia đình, 54.170 vụ việc về kinh tế, thương mại, 11.725 vụ việc về hành chính, lao động. Hiện nay, 100% các vụ án theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng đều có luật sư tham gia. Một số vụ án oan sai đã được chỉ ra khi có sự tham gia của luật sư[13]. Hoạt động tham gia tố tụng của luật sư đã góp phần quan trọng trong việc bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, giảm tình trạng oan sai, làm sáng tỏ sự thật khách quan, xét xử đúng người đúng tội, bước đầu thực hiện có hiệu quả nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa. Hoạt động tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, tổ chức trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại quốc tế đã tạo được tín nhiệm trên thị trường dịch vụ pháp lý trong khu vực, trở thành “đối tác” cạnh tranh với các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài[14]. Các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư đã tích cực, chủ động tham gia trợ giúp, hợp tác với các công ty luật nước ngoài trong quá trình giải quyết vụ việc về phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, giải quyết tranh chấp theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO mà một bên tham gia là Chính phủ Việt Nam[15]. Hoạt động đại diện ngoài tố tụng và các dịch vụ pháp lý khác như dịch vụ liên quan đến thành lập doanh nghiệp, chuyển nhượng bất động sản, xuất nhập cảnh… cũng có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây[16]. Báo cáo cũng đã đưa ra đánh giá: Tổ chức, quy mô và chất lượng hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư đã bài bản, chuyên nghiệp hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Một số tổ chức hành nghề luật sư có xu hướng hoạt động chuyên sâu trong các giao dịch đầu tư, mua bán – tái cấu trúc doanh nghiệp, thị trường vốn, thị trường bất động sản, sở hữu trí tuệ, hàng hải, logistics, tham gia tranh tụng và trọng tài thương mại có yếu tố nước ngoài… và có xu hướng “quốc tế hóa”[17], phát triển thị trường ra nước ngoài[18]; tuyển dụng luật sư nước ngoài làm việc; quan tâm đào tạo luật sư thông qua việc thuyên chuyển luật sư tới các văn phòng luật sư tại các nước Châu Á, Châu Mỹ; tổ chức hội thảo về kỹ năng hành nghề trong lĩnh vực thương mại quốc tế với sự tham gia của luật sư trong và ngoài nước. Hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách và công tác xã hội khác được các luật sư quan tâm thực hiện[19]. Hầu hết các Đoàn Luật sư đều phát động phong trào để luật sư tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí, trực tiếp cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người nghèo, người yếu thế bằng các hình thức khác nhau[20]
Khi đánh giá về Thị trường dịch vụ pháp lý và đặc trưng của thị trường pháp lý ở Việt Nam, tại bài viết “Tư vấn về vấn đề cạnh tranh trong thị trường dịch vụ pháp lý ở Việt Nam[21] đã chỉ ra các đặc điểm như: (1) thị trường có rào cản gia nhập thấp, (2) không có lợi thế kinh tế nhờ quy mô… (3) Hình ảnh và nhưng quan hệ tại địa phương là chìa khóa của hoạt động kinh doanh, (4) nhu cầu thị trường đa dạng, và (5) thị trường còn non trẻ.
Tác giả Đặng Thái Bình đồng sáng lập iLAW trong tập tài liệu “Các xu hướng thị trường dịch vụ pháp lý Việt Nam năm 2018” đã đã đưa ra nhận định: “Đối với ngành dịch vụ pháp lý, các dự báo đều cho rằng ngành này sẽ bùng nổ tại tất cả các nước thành viên CPTPP[22] khi phần lớn rào cản thương mại và thuế quan bị dỡ bỏ dẫn đến sự tiếp cận và lưu thông dễ dàng của hàng hóa vào các thị trường, các dòng vốn tự do lưu chuyển và các hoạt động đầu tư sẽ bùng nổ ở các nước trong khối .v.v. Lý do là tất cả các hoạt động thương mại và đầu tư này sẽ không thể diễn ra mà thiếu sự hỗ trợ, tư vấn từ ngành dịch vụ pháp lý. Như vậy, ngành dịch vụ pháp lý tại Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển bùng nổ từ năm 2018. Nhưng dĩ nhiên, đi cùng với cơ hội đó là áp lực phải cạnh tranh với các Luật sư đồng nghiệp đến từ nước ngoài khi thị trường dịch vụ pháp lý cũng phải mở cửa theo cam kết WTO và các FTAs[23]. Yêu cầu thông thạo ngoại ngữ, cập nhật được thông tin và kiến thức liên tục để bắt kịp với sự thay đổi của đời sống kinh tế, xã hội cũng là những rào cản mà các Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư phải vượt qua nếu muốn đón nhận thành công cơ hội này”[24]
Từ bức tranh trên cho thấy, các hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư trong thời gian qua là rất sôi động, với hàng trăm nghìn dịch vụ mỗi năm và được thực hiện trên khắp các lĩnh vực kinh tế – xã hội, đã phúc đáp được các nhu cầu sử dụng dịch vụ của tổ chức và công dân. Việc tham gia vào thị trường dịch vụ của các chủ thể, nhất là của các chủ thể quản lý đã thúc đẩy, định hướng hoạt động dịch vụ pháp lý nhằm bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức và công dân. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi Đảng và Nhà nước đang quyết liệt chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo, phát triển.
3. Phương hướng, giải pháp phát triển thị trường dịch vụ pháp lý
Phát triển dịch vụ pháp lý và thúc đẩy sự hình thành và phát triển của thị trường dịch vụ pháp lý là một trong các biện pháp góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân; là vấn đề chính trị – pháp lý đã được Đảng, Nhà nước và toàn thể xã hội rất quan tâm, đặc biệt đối với Việt Nam khi khẳng định mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Từ năm 1991, trong “Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2000” Đảng ta đã xác định một trong các giải pháp đổi mới và hoàn thiện các công cụ quản lý vĩ mô trọng yếu của Nhà nước là “Phát triển các hình thức dịch vụ pháp lý. Mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo các luật gia, nhất là về luật kinh tế”[25]. Thực hiện định hướng này, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định hai trong bốn phương hướng cải cách tư pháp đó là: (1) Tổ chức các cơ quan tư pháp và các chế định bổ trợ tư pháp hợp lý, khoa học và hiện đại về cơ cấu tổ chức và điều kiện, phương tiện làm việc; trong đó, xác định tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm; xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động bổ trợ tư pháp. (2) Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp, theo hướng đề cao quyền hạn, trách nhiệm pháp lý, nâng cao và cụ thể hóa tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất, đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm, kiến thức xã hội đối với từng loại cán bộ; tiến tới thực hiện chế độ thi tuyển đối với một số chức danh
Tiếp đó, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 05/02/2007 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới đã nêu rõ một trong những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước là đào tạo, bồi dưỡng để hình thành và phát triển được đội ngũ chuyên gia pháp luật và luật sư am hiểu luật pháp quốc tế, giỏi ngoại ngữ, có đủ khả năng tham gia tranh tụng quốc tế. Tại Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 30/03/2009 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động luật sư, trong đó đã nêu những chủ trương, giải pháp nhằm nâng cao vị trí, vai trò của luật sư, bảo đảm cơ chế để luật sư thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm, kiện toàn tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư, đổi mới, hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với tổ chức, hoạt động luật sư, một lần nữa khẳng định chủ trương xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Các định hướng này tiếp tục được kế thừa và khẳng định tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Theo đó, trong Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025, khi đánh giá về kết quả thực hiện các đột phá chiến lược đã khẳng định “Hoạt động luật sư, công chứng, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp có bước phát triển mạnh, thị trường dịch vụ pháp lý bước đầu có đóng góp tích cực cho việc quản trị rủi ro pháp lý trong hoạt động đầu tư, kinh doanh và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp”[26] Cũng trong Báo cáo này, một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô là tiếp tục phát triển mạnh thị trường dịch vụ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tăng cường quản trị rủi ro trong hoạt động đầu tư, kinh doanh và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp”[27]Phát triển mạnh thị trường dịch vụ pháp lý cũng là một trong những giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển[28]. Đó là các chủ trương, định hướng quan trọng của Đảng về phát triển dịch vụ pháp lý cũng như định hướng xây dựng và phát triển thị trường dịch vụ pháp lý trong thời gian tới.
Để “tiếp tục phát triển mạnh thị trường dịch vụ pháp lý” theo định hướng đã được khẳng định tại Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trong thời gian tới cần:
Một là, sớm hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ pháp lý và thị trường dịch vụ pháp lý; cũng như có cơ chế phù hợp để thúc đẩy thị trường dịch vụ pháp lý phát triển nhằm nhằm đề cao hiệu quả phòng ngừa, tính nhân đạo, khắc phục các rủi ro pháp lý trong hoạt động đầu tư, kinh doanh và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, đồng bộ hóa các quy định pháp luật trong nước so với các thông lệ, quy tắc thực hành thương mại thế giới và việc thực hiện công khai minh bạch hóa các thiết chế quản lý theo quy định của WTO.
Hai là, hoàn thiện pháp luật về dân sự, thương mai bảo đảm sự an toàn, thông thoáng, công bằng trong các quan hệ dân sự, thương mại cũng như trong giải quyết vụ việc khi có tranh chấp; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; giải quyết kịp thời những vấn đề mới phát sinh liên quan đến sự phát triển của khoa học, công nghệ, các tranh chấp có yếu tố nước ngoài, tranh chấp phi truyền thống.
Ba là, hoàn thiện pháp luật về tố tụng tư pháp và tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp, bảo đảm tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi và tăng khả năng tiếp cận công lý của người dân, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền của những người tham gia tố tụng; đảm bảo tính độc lập, khách quan, tuân thủ pháp luật của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán trong hoạt động tư pháp. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế bảo đảm quyền hành nghề của luật sư, tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư tham gia đầy đủ và thực chất trong hoạt động tố tụng.
Bốn là, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về bổ trợ tư pháp đồng bộ với pháp luật tố tụng tư pháp; phát huy một cách thực chất vai trò của chế định bổ trợ tư pháp nhất là vai trò của luật sư trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư pháp; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý về luật sư và hành nghề luật sư; nâng cao chế độ tự quản của tổ chức xã hội- nghề nghiệp của luật sư; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực xã hội cho hoạt động bổ trợ tư pháp.
Năm là, tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực, trách nhiệm tự quản của Liên Đoàn luật sư Việt Nam và các Đoàn Luật sư; đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về luật sư; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp. Có cơ chế phù hợp để phát huy hơn nữa trí tuệ tập thể của đội ngũ luật sư Việt Nam trong việc đóng góp vào công cuộc xây dựng kinh tế, xã hội của đất nước; xây dựng, hoàn thiện pháp luật và phản biện chính sách của Đảng và Nhà nước.
Sáu là, tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo nghề luật sư theo hướng gắn kết với đào tạo các chức danh tư pháp khác; có cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn chất lượng đào tạo cử nhân luật, đào tạo nghề luật sư, tập sự hành nghề luật sư. Tăng cường bồi dưỡng, đào tạo hình thành đội ngũ luật sư có khả năng tư vấn, tranh tụng trong lĩnh vực thương mại quốc tế và các vấn đề pháp lý có yếu tố nước ngoài./.>ThS. Dương Bạch Long – Viện Khoa học pháp lý[1] Viện Khoa học pháplý, Bộ Tư pháp “Từ điển luật học”, Nxb Từ điển Bách khoa và Nxb Tư pháp, Hà Nội năm 2006, trang 218[2] WTO có tên đầy đủ là Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization). Tổ chức này được thành lập và hoạt động từ 01/01/1995 với mục tiêu thiết lập và duy trì một nền thương mại toàn cầu tự do, thuận lợi và minh bạch.[3] A broad definition of legal services would include advisory and representation services as well as all the activities relating to the administration of justice (judges, court clerks, public prosecutors, state advocates, etc.). This second aspect, however, is effectively excluded from the scope of the GATS as in most countries it is considered a “service supplied in the exercise of governmental authority” according to Article I(3)(c) of the Agreement. The GATS covers all advisory and representation services in the various field of the law and in statutory procedures See, “Detailed analysis of the modifications brought about by the revision of the central product classification,” Note by the Secretariat – Addendum, S/CSC/W6/Add.10, 27 March 1998.[4] Theo quy định tại Điều 30 Luật Luật sư năm 2006 thì Dịch vụ pháp lý khác của luật sư bao gồm giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc liên quan đến thủ tục hành chính; giúp đỡ về pháp luật trong trường hợp giải quyết khiếu nại; dịch thuật, xác nhận giấy tờ, các giao dịch và giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc khác theo quy định của pháp luật. Chú ý: Khi thực hiện dịch vụ pháp lý khác, luật sư có quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật có liên quan.[5] Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp “Từ điển luật học”, Nxb Từ điển Bách khoa và Nxb Tư pháp, Hà Nội năm 2006, trang 708-709[6] https://www.thebusinessresearchcompany.com/[7] Theo Báo cáo thị trường dịch vụ pháp lý. Nguồn: https://www.thebusinessresearchcompany.com/report/legal-services-market. Legal Services Market Definition. The legal services market consists of sales of law-related services and related goods by entities (organizations, sole traders and partnerships) that advise clients (individuals, businesses or other entities) about their legal rights and responsibilities, and represent clients in civil or criminal cases, business transactions and other matters, in which legal advice and other assistance is sought. Legal services providers undertake processes where human capital is the major input. They make available the knowledge and skills of their employees, often on an assignment basis, where an individual or a team is responsible for the delivery of services to the client.[8] Ban hành kèm theo Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 05 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ.[9] Mỗi năm, cả nước phát triển từ 800-1000 luật sư và phấn đấu đạt khoảng 1.000 luật sư phục vụ yêu cầu hội nhập quốc tế. Một số tỉnh, thành phố phát triển số lượng luật sư đã đạt mục tiêu của tỉnh đề ra đến năm 2020 (Quảng Ninh, Đắk Lắk, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đồng Tháp).[10] Nếu như thời điểm tháng 12/2009 có 07 địa phương có 01 – 02 Văn phòng luật sư thì đến nay trên toàn quốc chỉ còn 02 tỉnh có 01 – 02 Văn phòng luật sư (Hà Nam và Lai Châu), 02 tỉnh có dưới 05 tổ chức hành nghề luật sư (Yên Bái, Bắc Kạn).[11] Các tạp chí Tạp chí IFLR, Legal 500, Asian Mena Counsel đã xếp hạng công ty luật có uy tín trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại: Công ty luật TNHH Quốc Tế Việt Nam (Vilaf – Hồng Đức), Công ty luật TNHH YKVN, Văn phòng luật sư Phạm và Liên danh, Công ty luật TNHH Leadco… đã được một số tạp chí có uy tín của nước ngoài (Tạp chí IFLR tại Châu Á, Tạp chí Legal 500, Tạp chí Asian Mena Counsel) vinh danh.[12] Trong đó có 146.268 vụ án hình sự (72.028 vụ án do khách hàng mời, 74.240 vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu).[13] Vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn, vụ án Hàn Đức Long..[14] Công ty luật TNHH Quốc Tế ViệtNam (Vilaf – Hồng Đức), YKVN, Tư vấn độc lập, Bizlink, LNT, Rajah&Tan…[15] Vụ Saigon Metropolitan, vụ kiện Trịnh Vĩnh Bình, vụ kiện Dialasie, vụ kiện South Fork, các vụ kiện tôm, cá ba sa…[16] Trong 5 năm 2007-2012 luật sư thực hiện 22.289 việc về dịch vụ pháp lý khác thì trong giai đoạn 2013-2018 luật sư thực hiện 72.629 việc.[17] Công ty luật YKVN, Quốc tế Việt Nam (Vilaf – Hồng Đức), Phạm và Liên danh, Bizlink, Nam Hà Nội… đã tham gia nhiều giao dịch, vụ kiện có yếu tố nước ngoài, tư vấn cho Chính phủ trong các vấn đề liên quan đến hội nhập quốc tế.[18] Một số tổ chức hành nghề luật sư đã cung cấp dịch vụ qua biên giới như Công ty luật TNHH YKVN, Công ty luật TNHH Smic có cơ sở hành nghề tại Singapore, Công ty luật TNHH Đào và Đồng nghiệp có cơ sở hành nghề tại Hà Lan…[19] Từ năm 2009-2018 có 8.245 luật sư tham gia 124.984 vụ việc trợ giúp pháp lý (Báo cáo 237/CTGPL-CS&QLNV ngày 17/6/2019 của Cục trợ giúp pháp lý). Trong 04 năm (từ năm 2015-2019), LĐLSVN đã cử 761 lượt luật sư tham gia trợ giúp pháp lý tại Trụ sở Văn phòng tiếp dân Trung ương (Báo cáo số 09/BC-LĐLSVN ngày 04/5/2020).[20] Tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng; trực tiếp tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật.[21] Nguồn: https://tlklawfirm.vn/tu-van-ve-chien-luoc-canh-tranh-trong-thi-truong-dich-vu-phap-ly-o-viet-nam[22] Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương gọi tắt là Hiệp định CPTPP[23] Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong tiếng Anh gọi là: New-generation free trade agreements – Viết tắt là FTAs[24] Nguồn: http://ilawyers.i-law.vn/cac-xu-huong-thi-truong-dich-vu-phap-ly-viet-nam-nam-2018/[25] Xem cụ thể tại: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-vii/chien-luoc-on-dinh-va-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-den-nam-2000-1559. Truy cập ngày 9/6/2021.[26] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb CTQGST, Hà Nội năm 2021, Tập 2 trang 31, 32.[27] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb CTQGST, Hà Nội năm 2021, Tập 2 trang 98[28] Tại điểm 10 Mục IV nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025 khi xác định các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển đã xác định nhiệm vụ: “Phát triển mạnh thị trường dịch vụ pháp lý, các hoạt động luật sư, tư vấn pháp luật, bổ trợ tư pháp và các thiết chế giải quyết tranh chấp ngoài toà án”. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb CTQGST, Hà Nội năm 2021, Tập 2 trang 149, 150.