Thêm một vụ tiêu kém vui
Người trồng hồ tiêu các tỉnh Đông Nam bộ đang bước vào chính vụ thu hoạch tiêu, nhưng năm nay giá tiêu xuống thấp, mùa màng thất bát khiến người nông dân kém vui. Trước tình hình giá tiêu lên xuống thất thường, ngành nông nghiệp các tỉnh đang có nhiều giải pháp để ổn định thị trường, trong đó tập trung nâng cao chất lượng hồ tiêu trên diện tích hiện có, hướng tới phát triển bền vững ngành hồ tiêu.
Thấp thỏm cùng giá tiêu
Tại 2 huyện biên giới Bù Đốp và Lộc Ninh, giáp Vương quốc Campuchia, được coi là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, giá tiêu hiện dao động 62.000-65.000 đồng/kg, giảm khoảng 25% so với cùng kỳ.
Gia đình ông Trần Văn Tuân (ấp Tân Hòa, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp) có 6ha tiêu cho thu hoạch với sản lượng ước đạt hơn 20 tấn tiêu khô. Những ngày gần đây, giá tiêu đã có chiều hướng tăng nhẹ, nên gia đình trữ lại để chờ tăng giá thêm vì trừ chi phí, bán ra vẫn lỗ.
Còn ông Ngô Đức Nhật (ấp Hiệp Thành, xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh) có thâm niên trồng hồ tiêu, chia sẻ, năm nay mưa đến muộn, thời tiết khô nóng, độ ẩm thấp nên hồ tiêu cho năng suất thấp và chỉ mong giá tiêu tăng để thu hồi vốn, trả nợ và đầu tư chăm sóc mùa vụ tới. Ông Nhật thổ lộ: “Sản lượng năm nay ước đạt khoảng 2 tấn/ha, thấp hơn nhiều so với những năm trước, dù vậy tôi vẫn cố gắng bám cây tiêu vì đã gắn bó rất lâu với nó”.
Tại Đồng Nai, các hộ trồng tiêu cũng đang “ngồi trên lửa”, trong đó có ông Trịnh Đình Xuân (xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ). Ông Xuân nói: “Giá tiêu lên xuống thất thường, thời điểm chính vụ năm 2021 và 2022, giá tiêu dao động từ 75.000-80.000 đồng/kg, còn năm nay chưa tới 70.000 đồng/kg, chi phí phân bón, công lao động đều tăng cao, thu không đủ chi, nông dân trồng tiêu đã mất mùa còn đối mặt với thua lỗ vì giá thấp”.
Theo nhiều hộ trồng tiêu ở huyện Cẩm Mỹ, vụ tiêu năm nay, có thời điểm giá hạt tiêu giảm chỉ còn 56.000-57.000 đồng/kg, khiến người trồng tiêu thấp thỏm vì với mức giá này, nông dân đang chịu lỗ hơn 10.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang có hơn 11.000ha hồ tiêu, nhiều nhà vườn lo lắng bởi giá hạt tiêu thấp. Theo người dân, do chất lượng tốt nên giá hạt tiêu của tỉnh luôn cao hơn giá bình quân trong nước và hiện đang được mua ở mức 66.500 đồng/kg, cao hơn 13.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2021, nhưng thấp hơn 15.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2022. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí chăm bón và thuê nhân công, khả năng các hộ trồng tiêu sẽ bị lỗ rất lớn.
Có nên trữ tiêu, đợi giá?
Theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, giá tiêu ở các tỉnh Đông Nam bộ có xu hướng tăng nhẹ những ngày gần đây, chỉ trong vòng nửa tháng, giá tiêu tăng từ 5.000-6.000 đồng/kg. Các nhà vườn nhận định, năm nay sản lượng hồ tiêu giảm mạnh do diện tích thu hẹp, lại mất mùa, giá tiêu có thể tăng nên nhiều người găm hàng chờ tăng giá.
Ông Phan Kiệm (người trồng tiêu ở xã Lâm San huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) cho biết, vụ thu hoạch năm nay, nhà vườn phải trả từ 280.000-300.000 đồng/ngày công thu hoạch, tăng 30% so với năm ngoái và gia đình ông phải bỏ ra cả trăm triệu đồng mua lưới rải trong vườn tiêu hơn 2ha để hứng tiêu chín rụng, do không có nhân công thu hoạch, tỷ lệ hao hụt lớn nên đang trữ tiêu, chờ giá để bù đắp chi phí đầu tư.
Ông Trương Đình Bá, Chủ tịch HTX Lâm San (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) cảnh báo, nhiều hộ trồng tiêu thấy giá thấp đã trữ lại hy vọng năm nay giá tăng, nhưng nếu giá lại hạ sâu thì các hộ càng trữ nhiều càng lỗ.
Còn ông Bùi Quốc Hay, Chủ nhiệm HTX tiêu bền vững Hưng Phước (xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) khẳng định, với giá tiêu hiện nay, nhiều xã viên chưa bán vì các khoản chi phí chưa đủ vốn nên còn chờ tăng giá, có lợi nhuận mới bán.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, tỉnh có hơn 16.000ha tiêu, vượt quy hoạch hơn 2.000ha, do giá bấp bênh nên nhiều hộ thiếu đầu tư, nhiều vườn tiêu còi cọc, cho năng suất thấp. Hiện Bình Phước đang quy hoạch, sản xuất tiêu theo hướng sinh học, hữu cơ bền vững đạt tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nên đã giảm áp lực về giá, thị trường.
Để hỗ trợ các hộ trồng tiêu khi giá xuống thấp, mấy năm gần đây, chính quyền 2 huyện Châu Đức và Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đã vận động các đơn vị quân đội, đoàn thanh niên và các hội đoàn thể chung tay giúp người dân thu hoạch hồ tiêu chín. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp của tỉnh cũng nhân rộng và trợ giúp các mô hình trồng hồ tiêu sạch, chất lượng cao, hướng đến thị trường xuất khẩu để hạn chế tình trạng được mùa mất giá.
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) khuyến cáo người dân, hiện mới bắt đầu thu hoạch rộ, dự kiến cuối tháng 4 mới kết thúc, sản lượng tăng lên cộng thêm tiêu từ Campuchia, giá có thể sẽ không như hiện tại. Người dân cân nhắc bán hàng đúng thời điểm, không vay nóng để trữ hàng, tránh rủi ro khi giá xuống và đầu tư nâng cao chất lượng hồ tiêu trên diện tích hiện có, tránh việc giá tiêu tăng lên lại ồ ạt mở rộng diện tích.