Thể thao đường phố hấp dẫn giới trẻ
Dạo một vòng các quận trung tâm TPHCM, không khó để bắt gặp hình ảnh các bạn trẻ biểu diễn trên những tấm ván trượt hay lướt đi bằng đôi giày patin tại các công viên lớn, vỉa hè rộng. Những môn thể thao đường phố như trượt ván (Skateboard), patin (Roller Sport), xe đạp nghệ thuật, Parkour… đang dần thân thuộc và có sức hút đặc biệt đối với giới trẻ thích chinh phục và thể hiện cá tính.
Lả lướt cùng ván trượt
Cứ vào mỗi buổi chiều tại các công viên Chi Lăng (quận 1), Hoàng Văn Thụ (Tân Bình), Gia Định (Phú Nhuận), Hòa Bình (quận 5), hay vỉa hè lớn trước Dinh Thống Nhất (quận 1), trong khuôn viên của Vinhomes Central Park (quận Bình Thạnh)… rất nhiều bạn trẻ tập trung đến để tập và biểu diễn trượt ván.
Bạn Thiên Long (25 tuổi, quận Phú Nhuận) cho biết: “Trượt ván là môn thể thao vừa mang tính thử thách mà không kém phần nghệ thuật. Người chơi môn này cần có sự đam mê, kiên trì và tính chịu đựng vì việc té ngã trong lúc tập luyện là chuyện hết sức bình thường. Nhưng khi bạn có thể lướt trên tấm ván của mình và biểu diễn những tư thế đẹp mắt thì công sức bỏ ra trong lúc luyện tập vô cùng xứng đáng”.
Theo Thiên Long, trượt ván tự do chẳng có giáo viên nào dạy. Người chơi phải tìm hiểu trên Internet, tự tìm tòi học hỏi, quan trọng nhất là phải luyện tập chăm chỉ. Những người có chung niềm đam mê với môn trượt ván sẽ lập thành nhóm, người đi trước hướng dẫn người mới chơi và luyện tập cùng nhau.
Khi mới bắt đầu, việc giữ cơ thể đứng thăng bằng trên tấm ván và trượt đi bình thường cũng mất cả tuần luyện tập. Với những kỹ thuật cơ bản như đứng trên ván trượt đúng cách, dừng, chuyển hướng, xoay ván… đòi hỏi người chơi phải luyện tập chăm chỉ liên tục trong vài tháng. Còn những kỹ thuật khó hoặc vượt chướng ngại vật phải mất thêm 2-3 năm luyện thuần thục. Đối với giới trẻ, trượt ván là môn chơi thú vị, không bị bó buộc bởi các luật lệ hay quy định. Khi tập luyện môn này, người chơi có thể linh hoạt hơn, phản xạ tốt, rèn luyện sự dẻo dai, tăng sức khỏe và giảm stress sau những giờ học tập hay làm việc mệt mỏi tại văn phòng.
Biểu diễn trượt ván tại Công viên Hòa Bình, quận 5, TPHCM. Ảnh: KHOA TRẦN
Dù mới tham gia bộ trượt ván gần 2 tháng, nhưng anh Đình Huy (23 tuổi, quận 12) đã có thêm nhiều người bạn tốt và cùng trải qua khoảng thời gian rất vui vẻ. “Mình hay đi ngang công viên Gia Định, thấy các bạn luyện tập rất hào hứng, vì thích quá nên xin vào tập cùng. Chủ yếu mình học các kỹ thuật từ Internet hoặc hỏi những bạn nhiều kinh nghiệm trong nhóm. Mới tập nên cả người mình ê ẩm, do té ngã hay bị ván đập vào người. Tấm ván trượt của mình là loại thường, có giá khoảng hơn 1 triệu đồng. Ngoài ra, theo mình biết có loại đến 10 triệu đồng, còn những phụ kiện khác cũng không rẻ”, anh Đình Huy chia sẻ.
Cuốn hút như trượt patin
Từ năm 2018 đến nay, phong trào trượt patin để rèn luyện thể chất bắt đầu phát triển, đặc biệt đối với trẻ em. Hầu như quận huyện nào trên địa bàn TPHCM cũng đều có một hoặc nhiều câu lạc bộ (CLB) patin đang hoạt động. Không chỉ lôi cuốn người chơi bởi những động tác đẹp mắt, mang tính giải trí cao, môn thể thao này còn giúp rèn luyện sức khỏe hiệu quả.
Bé Trần Minh Huy (5 tuổi) cho biết: “Lúc trước, mỗi lần bố chở con đi học ngang qua công viên thấy các anh chị lướt đi trên đôi giày patin vui lắm, nên con xin bố cho tập. Con tập môn này được 5 tháng rồi và thật sự rất thích. Nhiều lúc tập luyện bị té ngã nhưng con không khóc mà tự đứng lên trượt tiếp”.
Trượt ván xuất xứ từ phương Tây, đã có mặt ở Việt Nam từ những năm 2000. Đến nay, môn thể thao này đã quen thuộc với các bạn trẻ năng động và ưa thích thử thách. Tại TPHCM, sân chơi dành cho cộng đồng trượt ván vẫn còn hạn chế.
Anh Huỳnh Thanh Trung (Chủ nhiệm CLB patin Gia Định) cho biết: “Để theo môn này, người chơi cần trang bị giày trượt, nón bảo hộ, dụng cụ bảo hộ khuỷu tay và đầu gối. Những kỹ năng đầu tiên sẽ là đứng thăng bằng trên giày, té ngã an toàn, đứng lên, ngồi xuống, chạy và biết cách thắng lại… Theo các nghiên cứu y khoa, patin nằm trong tốp 3 các hoạt động cải thiện và duy trì thể chất rất tốt. Ngày nay, nhiều phụ huynh biết được lợi ích của môn thể thao này mang lại nên cho con em mình tham gia tập luyện rất nhiều”.
Từ 17-21 giờ mỗi ngày trong tuần, các thành viên của CLB patin Gia Định lại say sưa tập luyện ở một góc sân Công viên Gia Định. Tại đây, các em từ 3 tuổi trở lên được những HLV giàu kinh nghiệm đào tạo bài bản, thực hiện trượt thành thạo và có thể tham các giải đấu trong và ngoài thành phố. Để tập được môn patin một cách thành thạo thì đòi hỏi người chơi phải có sự phối hợp đồng đều giữa tay và chân, giữ được thăng bằng trên chính đôi giày của mình trong quá trình di chuyển.
Tập luyện bên ngoài Công viên Gia Định, quận Phú Nhuận, TPHCM. Ảnh: P.NGUYỄN
Trượt patin sẽ giúp người chơi vận động toàn thân, giảm được mức tối đa các bệnh lý về xương khớp, tăng khả năng hoạt động tim mạch, tăng cường khả năng hấp thụ của cơ thể, tránh tình trạng stress… Bước vào thế giới của patin, bạn sẽ cảm nhận được sự năng động, tính dẻo dai, linh hoạt và cảm giác trút bỏ được hết muộn phiền.
“Các bé nhỏ tầm 3-5 tuổi khi mới bắt đầu thường mất khoảng 1 tháng để đứng vững trên đôi giày trượt, tự tin vui chơi thoải mái bằng giày. Còn những bạn lớn hơn thì tùy vào khả năng, có bạn mất khoảng 1 tuần hoặc 10 buổi. Tại CLB, HLV sẽ hướng dẫn các bạn kỹ thuật đi trên giày đúng cách, đúng tư thế, không bị lệch hay lếch chân. Sau đó là các bài tập lượn qua các cốc chướng ngại vật, lên dốc hay xuống dốc”, anh Trung cho biết thêm.
Mạo hiểm cùng Parkour
Du nhập vào Việt Nam từ năm 2007, Parkour (chạy, nhảy, nhào lộn vượt chướng ngại vật…) đã trở thành một trong những môn thể thao đường phố mạo hiểm nhưng cuốn hút giới trẻ TPHCM, Hà Nội. Môn chơi này rèn luyện cho người tham gia tập khả năng vượt qua chướng ngại vật hay khoảng không bằng những chuyển động nhanh nhẹn, khéo léo như chạy, leo trèo, nhảy, nhào lộn… giúp cơ thể linh hoạt, phán đoán tình huống cực nhanh. Các bước chạy nhảy của Parkour thường sử dụng tổng hợp những kỹ thuật đơn giản của võ thuật, điền kinh, thể dục dụng cụ, break dance… nên cho phép người chơi tự sáng tạo kỹ thuật riêng cho mình.
Các bạn trẻ tập luyện môn Parkour ngoài đường phố
Chơi Parkour không tốn kém, chỉ cần sở hữu một đôi giày thể thao nhẹ, bền và có độ bám dính tốt và một tinh thần quyết tâm, kiên trì. Cũng nhờ môn thể thao này tạo cho trí óc và cơ thể người chơi tràn đầy năng lượng trước khi bước vào một tuần làm việc mới.
Tại TPHCM, cộng đồng Parkour Sài Gòn ra đời năm 2013, hiện thu hút gần 100 thành viên tham gia. Trước đây, theo người sáng lập Trần Trung Hiếu (25 tuổi), các thành viên chơi theo nhóm nhỏ. Nhưng khi đã quy tụ lại, cộng đồng chỉ hoạt động thường xuyên vào chiều chủ nhật hàng tuần, ở một hay nhiều địa điểm do chính các thành viên chọn, hoặc tại bến Bạch Đằng (quận 1), sân District 13 (phường 28, quận Bình Thạnh)…
PHÚC NGUYỄN