Thể thao điện tử – Lực đẩy mới cho nền công nghiệp thể thao nước nhà
Ông Đỗ Việt Hùng – Tổng thư ký Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam VIRESA
eSports Việt khẳng định vị thế trong khu vực Đông Nam Á
Cách đây vài năm, eSports vẫn còn là một khái niệm khá mơ hồ tại Việt Nam, thậm chí còn phải chịu nhiều định kiến như “vô bổ” và “khác gì nghiện game”. Tuy vậy, sự kiên trì của các bạn trẻ đam mê bộ môn này cùng với sự đầu tư bài bản vào công tác tổ chức, vận hành của Nhà phát hành (NPH) trong nước và sự quan tâm của cơ quan quản lý đã tạo ra động lực để eSports Việt Nam bước đầu chứng minh giá trị của mình.
Kỳ SEA Games 30 tổ chức tại Phillipines là lần đầu tiên eSports được đưa vào danh sách chính thức các bộ môn tranh huy chương với 6 nội dung. Đoàn eSports Việt Nam lúc đó xếp thứ 5 với tổng 3 HCĐ.
Nhưng đến SEA Games 31, eSports Việt đã có sự tiến bộ vượt bậc không chỉ về chất lượng vận động viên tham gia dự thi mà còn ở khả năng tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp ở quy mô quốc tế: xếp nhất toàn đoàn với 4 HCV và 3 HCB. Đây cũng là lần đầu tiên các tuyển thủ nữ được tham gia tranh tài.
“Kết quả thi đấu tại SEA Games 31 lần này đã phản ánh được tiềm năng và năng lực của các VĐV Việt Nam nói riêng và nền thể thao điện tử Việt Nam nói chung. Chúng ta hoàn toàn có đủ điều kiện để khẳng định vị thế trong nhóm dẫn đầu tại Đông Nam Á” – ông Đỗ Việt Hùng – Tổng thư ký Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam VIRESA chia sẻ.
Các vận động viên thi đấu tại SEA Games 31 đều là những gương mặt được tuyển chọn từ các giải đấu trong nước và khu vực. Họ cũng là đoàn VĐV trẻ nhất, khi hầu hết các VĐV đều trong độ tuổi 18 – 21. Kết thúc Đại hội, các VĐV đạt HCV đã được Thủ tướng Chính phủ trao tặng bằng khen và được các NPH “thưởng nóng” cho thành tích xuất sắc.
Tuyển Tốc chiến nhận thưởng tại trụ sở VNG (đơn vị phát hành Tốc chiến tại Việt Nam)
Từ góc độ tổ chức, với hơn 500 VĐV và huấn luyện viên trong khu vực đến Việt Nam, SEA Games 31 vừa là cơ hội và vừa là thách thức không nhỏ đối với Ban tổ chức cũng như các NPH khi eSports sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa hoàn toàn. BTC đã dành gần 1 năm chuẩn bị và huy động lực lượng đển hơn 900 nhân sự để phục vụ cho công tác tổ chức, vận hành thi đấu và sản xuất khi Đại hội diễn ra.
Chia sẻ về quá trình tổ chức, ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc sản phẩm, NPH VNG cho biết: “Công tác chuẩn bị cho SEA Games 31 đã được chúng tôi bắt đầu thực hiện từ giữa năm 2021 bao gồm việc lập kế hoạch tổ chức giải đấu lẫn quá trình tuyển chọn và tập huấn cho đội tuyển quốc gia. Mục tiêu chung được đề ra trong cả kỳ đại hội lần này là đảm bảo tính khách quan trong công tác tổ chức song song với quyết tâm mang lại thành tích tốt nhất của đoàn Thể thao Việt Nam”.
Những giá trị vượt ra khỏi ranh giới “giải trí”
Nhìn lại giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, thể thao điện tử Việt Nam vẫn có những bước tăng trưởng đáng kể: chỉ tính riêng năm 2020, tại Việt Nam có 18 triệu người từng chơi một bộ môn eSports, chưa kể hàng chục triệu người dung sử dụng smartphone để xem livestream thi đấu các bộ môn eSports. Sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng đã tạo cơ hội cho eSports Việt phát triển mạnh mẽ, bằng chứng là sự công nhận của cơ quan ban ngành để eSports được chính thức trở thành bộ môn thi đấu tranh huy chương tại SEA Games.
Với đặc tính là một bộ môn thể thao “trực tuyến”, eSports dễ dàng thích nghi dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Khán giả từ khắp nơi trên thế giới, chỉ cần có kết nối Internet và thiết bị phù hợp (điện thoại, máy tính bảng hay laptop) là đều có thể theo dõi; thậm chí, ngay cả các VĐV cũng có thể thi đấu từ xa với các thiết bị chống gian lận đặc biệt mà không cần hiện diện tại một địa điểm vật lý.
eSports, nhờ đó, đã quảng bá với bạn bè quốc tế về Việt Nam. Khi du lịch hoàn toàn mở cửa và với khả năng tổ chức các giải đấu tầm cỡ quốc tế đã được chứng minh, chúng ta hoàn toàn tự tin có thể thúc đẩy du lịch thông qua thể thao điện tử.
Sự phát triển của eSports cũng “khai sinh” ra nhiều ngành nghề mới: Ngoài các vai trò tuyển thủ, huấn luyện viên, eSports là một hệ sinh thái khổng lồ quy tụ nhân lực của các công ty quản lý, tổ chức sự kiện, streaming… Thậm chí nội dung số, tài trợ và quảng cáo, cung cấp mạng, cung cấp thiết bị công nghệ… cũng có thêm dư địa để phát triển.
Đặc biệt, những ngành nghề thuộc “tảng băng chìm” trong hệ sinh thái của eSports như kỹ sư lập trình game, thiết kế game cũng bắt đầu được chú trọng và đầu tư hơn, tạo tiền đề cho xu hướng đào tạo nguồn nhân lực đặc thù công nghệ cao cho ngành.
“Thể thao điện tử Việt Nam đặt mục tiêu Top 10 khu vực châu Á và thế giới trong giai đoạn tới. Để hiện thực hóa mục tiêu này cần có sự đồng bộ trong nhiều hoạt động, sự ủng hộ của các cơ quan quản lý nhà nước và đặc biệt là sự đồng hành của các doanh nghiệp.
Với kết quả thành công của SEA Games 3, có thể nói Việt Nam đã sẵn sàng trở thành điểm đến hàng đầu cho các hoạt động, sự kiện và giải đấu thể thao điện tử theo tiêu chuẩn quốc tế, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế thể thao nói chung, đóng góp một phần vào sự phát triển của đất nước” – ông Đỗ Việt Hùng nhấn mạnh.