Thể thao Việt Nam trắng tay tại Olympic 2020: Kỳ 2: Những bài học đắt giá
GD&TĐ – SEA Games 31, kế hoạch diễn ra tại Việt Nam từ ngày 21/11 – 2/12, sẽ được lùi sang năm 2022.
Vậy nên, thể thao Việt Nam có cơ hội và thời gian nhìn nhận, đánh giá lại chiến lược phát triển sau thất bại ở Olympic Tokyo 2020.
Đi trước về sau
Taekwondo Việt Nam đi trước nhiều quốc gia rất xa và từng thống trị khu vực Đông Nam Á. Ngay từ những năm cuối 1980, môn đấu đối kháng này trở thành mũi nhọn của thể thao Việt Nam.
Hai năm sau khi Việt Nam hội nhập đấu trường Đông Nam Á, Trần Quang Hạ là người đầu tiên mang vàng SEA Games Taekwondo về cho Việt Nam tại SEA Games 1991. Ba năm sau, cũng Trần Quang Hạ mang chiếc HCV châu Á tại đấu trường ASIAD trong sự ngưỡng mộ của nhiều đối thủ trong khu vực.
Đến Olympic Sydney 2000, Taekwondo được đưa vào chương trình thi đấu, và cơ hội để lần đầu đoạt huy chương Thế vận hội đã mở ra cho thể thao Việt Nam. Trần Hiếu Ngân của Việt Nam thi đấu ấn tượng, đặc biệt là chiến thắng để đời ở bán kết trước Lourenc Virginia (Hà Lan), lúc đó đang là ĐKVĐ châu Âu.
Sau đó, tuy để thua Jung Jae Eun 0-2 (Hàn Quốc) trong trận chung kết, song hình ảnh Trần Hiếu Ngân với Quốc kỳ trên người, cổ đeo tấm HCB lịch sử, hát vang bài Quốc ca trong nước mắt vẫn được coi là một khoảnh khắc kỳ diệu của thể thao Việt Nam.
Ngay sau kỳ tích lịch sử tại Sydney của thể thao Việt Nam, nhiều quốc gia trong khu vực muốn phát triển Taekwondo như Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia… lúc đấy luôn mong muốn được đến Việt Nam tham dự các giải đấu do chúng ta tổ chức để học hỏi và nâng cao trình độ.
Nhưng 2 thập kỷ trôi qua, Việt Nam không có thêm được huy chương Taekwondo tại Thế vận hội, trong khi Thái Lan đã vượt lên với HCV Olympic Tokyo của Panipak Wongpattanakit. Và bây giờ đến lượt Việt Nam phải tìm hiểu cách Thái Lan đưa Taekwondo lên đỉnh Olympic.
Trước khi thể thao Việt Nam tranh tài tại Olympic 2020, lãnh đạo đoàn đặt niềm hy vọng huy chương vào Thạch Kim Tuấn (61 kg nam). Song đô cử Việt Nam đã không thể hiện thực hóa điều đó và cũng là niềm mong ước cá nhân của anh.
Ở lần tham dự Olympic thứ hai liên tiếp, Kim Tuấn thất bại với cùng kịch bản không hoàn thành một trong hai phần thi, thất bại ở cả ba lần cử đẩy với các mức tạ 150 kg, 150 kg và 153 kg, qua đó lực sĩ Việt Nam không được tính thành tích ở phần thi chung kết.
Theo Tổng Thư ký Liên đoàn Cử tạ – Thể hình Việt Nam Đỗ Đình Kháng, Thạch Kim Tuấn bị ảnh hưởng bởi nhiều vấn đề dẫn tới phong độ sa sút. Tâm lý cũng là yếu tố cần nhắc đến.
Ông Nguyễn Trọng Hổ (nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1, Tổng cục TDTT) chia sẻ: Thành tích tốt nhất trước đó của Tuấn nằm trong Top 3 VĐV giành huy chương Olympic. Nhưng đô cử này đã không làm được. Một phần lỗi thuộc về ban huấn luyện khi lên chiến thuật và chưa thể giúp học trò của mình có sự ổn định trong thi đấu.
Ngoài ra, thất bại của Ánh Viên tại Nhật Bản tiếp tục gióng lên hồi chuông về công tác đầu tư vận động viên trọng điểm của ngành thể thao. Cô gái quê Cần Thơ được phát hiện từ năm 16 tuổi.
Sau đó, Tổng cục TDTT và thể thao Quân đội phối hợp đầu tư để tài năng trẻ, hiếm có của Việt Nam tập huấn dài hạn tại Mỹ, từ năm 2012 đến 2019 với tổng số tiền lên đến xấp xỉ 30 tỷ đồng. Đây là con số kỷ lục dành cho 1 VĐV của thể thao Việt Nam. Đổi lại, Ánh Viên giành đến 25 HCV, lập nhiều kỷ lục nhưng đều đến từ SEA Games – “ao làng” Đông Nam Á.
Những người có trách nhiệm đã lạm dụng Ánh Viên để thỏa mãn căn bệnh thành tích mà quên đi mục đích ban đầu, đưa cô đi Mỹ tập huấn với số tiền khủng để cạnh tranh huy chương ở ASIAD và Olympic. Thêm một vấn đề cũng được đưa ra là việc Ánh Viên gắn bó quá dài với 1 người thầy là huấn luyện viên Đặng Anh Tuấn trong suốt quá trình tập huấn tại Mỹ.
Lãnh đạo ngành thể thao đã bỏ qua những ý kiến đóng góp đến từ giới chuyên môn. Phải đến khi Ánh Viên thi đấu “quá tệ” tại các giải đấu lớn, Tổng cục TDTT mới nhìn lại và thừa nhận “Ánh Viên chạm ngưỡng do tầm vóc con người và nhiều hạn chế khác”.
Phải chăng đó chính là sự thừa nhận thất bại của ngành thể thao trong đầu tư trọng điểm vận động viên. Ánh Viên là trường hợp đặc biệt mà rất lâu nữa thể thao Việt Nam mới có thể sản sinh ra được, nhưng những sai lầm đã khiến cho chúng ta mất mát quá nhiều.
Như chuyên gia Nguyễn Hồng Minh chia sẻ: Ánh Viên đã qua đỉnh cao. Trong nước, có những giải đấu cô phải tham gia tới 25 – 27 nội dung. Còn tại SEA Games, Ánh Viên cũng phải đăng ký hơn 10 nội dung. Như vậy, chúng ta đang bị dàn trải về thành tích chứ không biết cách tập trung cho Olympic.
Nguyễn Thùy Linh tranh tài tại Olympic Tokyo 2020.
Thất bại kép
Thể thao Việt Nam không giành nổi huy chương nào tại Olympic 2020. Đây là bước lùi, nếu so với kỳ tích 1 HCV, 1 HCB ở Thế vận hội 2016 và 3 kỳ Olympic trước đó chúng ta đều có huy chương, hay với các quốc gia láng giềng cùng tới Tokyo 2020 lần này (Thái Lan, Indonesia, Philippines đều có HCV).
Nhưng đằng sau kết quả trắng tay lần này, thể thao Việt Nam còn đối mặt với vấn đề nan giải khi nhóm VĐV tài năng đã lớn tuổi và qua thời đỉnh cao, gần như không còn cơ hội tranh chấp huy chương ở những giải đấu châu lục và thế giới sắp tới.
Hoàng Xuân Vinh đã bước sang tuổi 48, và anh đã chuyển dần sang công tác huấn luyện. Trần Quốc Cường cũng đã gần 50. Và sau Xuân Vinh, Quốc Cường, chưa có gương mặt kế cận nào sáng giá ở đội tuyển bắn súng. Tiến Minh cũng đã 38 tuổi, dễ dàng bị các đối thủ tuổi em, tuổi cháu khai thác, đánh bại.
Trong số các tay vợt Việt Nam hiện có lúc này, không ai đủ tự tin có thể thế chỗ đàn anh, người từng lọt nhóm 4 tay vợt xuất sắc nhất trên bảng xếp hạng thế giới, Huy chương Đồng vô địch thế giới và thiết lập kỷ lục 4 lần tham dự Olympic liên tiếp.
Ánh Viên giúp thể thao Việt Nam thăng hoa ở 3 kỳ SEA Games gần nhất và có thể tại SEA Games 2021, nữ kình ngư 26 tuổi sẽ đoạt thêm nhiều HCV cho đoàn thể thao Việt Nam. Thế nhưng với Olympic Paris 2024, ở tuổi 29, Ánh Viên khó cạnh tranh suất tham dự, chứ không nói tới khả năng giành huy chương.
Và sau Ánh Viên, bơi lội Việt Nam có ai đủ sức giành 8 HCV trong một kỳ SEA Games và mở ra hy vọng huy chương ở ASIAD, Olympic? Ngay cả Thạch Kim Tuấn đến Nhật Bản ở vào tuổi 27, rất khó để đô cử Việt Nam có suất đến Pháp 4 năm nữa.
Các gương mặt trẻ đến Nhật Bản lần này như Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung), Hoàng Thị Duyên (cử tạ), Trương Thị Kim Tuyền (Taekwondo), Nguyễn Thùy Linh (cầu lông) đều chưa đủ sức gánh nhiệm vụ giành huy chương, bởi chênh lệch đẳng cấp với đối thủ là quá lớn.
Trong khi đó, Thái Lan có Panipak – 23 tuổi, võ sĩ Đông Nam Á đầu tiên giành HCV môn Taekwondo. Cầu lông Indonesia dù không bảo vệ thành công HCV đôi nam nữ nhưng cũng xuất sắc có HCV đôi nữ nhờ công của cặp VĐV Rahayu Apriyani và Polii Greysia, trong đó Rahayu Apriyani mới 23 tuổi, lần đầu dự Olympic…
Trong phát biểu với Báo Thanh niên, ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, nói rằng, thể thao Việt Nam muốn tiến lên đạt những thành tích nhất định ở đấu trường khó hơn, mạnh hơn như ASIAD, đặc biệt là Olympic thì cần phải có chiến lược dài hơi, đầu tư mạnh mẽ, đúng người đúng việc.
Chúng ta không phải là không thể tiệm cận thành tích cao Olympic hay không thể giành được huy chương ở Olympic nếu biết đặt ra đích phấn đấu phù hợp, lựa chọn những nội dung phù hợp, cự ly phù hợp với sở trường của chính con người Việt Nam.
Khẩu hiệu và phương châm của Olympic là nhanh hơn, cao hơn và mạnh hơn. VĐV Việt Nam chúng ta khi thể chất chưa mạnh, tốc độ, sức bền, sức nhanh chưa tốt thì rất khó tạo nên đột phá ở Olympic, rất khó trở thành một phần của những tiêu chí mà Olympic luôn hướng tới.
Lộ trình để đưa 1 VĐV đỉnh cao Việt Nam trở thành 1 VĐV có đủ lực, đủ trí, đủ tài đua tranh tại Olympic thực sự gian nan và cần có những kế hoạch chi tiết, kỹ lưỡng, không được bỏ qua bất kỳ một công đoạn nào, một khâu nào, dù là nhỏ nhất hoặc tưởng là nhỏ nhất.
Theo ông Nguyễn Trọng Hổ, Việt Nam có nhiều cái tên tiềm năng, phát lộ sớm nhưng quá trình đào tạo không ổn nên cứ tụt lùi dần. Nguyên nhân do công tác huấn luyện chưa đáp ứng được.
VĐV đỉnh cao cần phương pháp huấn luyện đỉnh cao chứ không thể dùng cách làm với VĐV trẻ. Ở ta, đa phần HLV theo VĐV từ nhỏ tới khi trưởng thành. Nếu thành tích tốt thì không sao nhưng vài ba năm không đột phá thì cần thay HLV.
Để bứt phá, thể thao Việt Nam đầu tư phải nhắm vào bốn trọng điểm gồm: Đấu trường trọng điểm, môn trọng điểm, nội dung trọng điểm và VĐV trọng điểm. Ngoài ra, cần đầu tư mạnh cho những môn có khả năng dự Olympic, chứ không thể làm kiểu nửa vời.
Bên cạnh đó, ông Hổ nêu quan điểm, điền kinh và bơi khả năng giành huy chương Olympic rất thấp nếu không muốn nói bằng không, vì thể chất con người Việt Nam thua xa bạn bè quốc tế.
Nhưng những môn không cần quá nhiều sức mạnh như cử tạ, cầu lông, bắn cung, bắn súng hay các môn võ nếu tập trung đầu tư bài bản thì Việt Nam hoàn toàn đủ sức cạnh tranh huy chương Thế vận hội.
Lý thuyết là thế, còn hiệu quả vẫn cứ phải chờ thời gian trả lời!
Bộ VH-TT&DL và Tổng cục TDTT sẽ có văn bản xin ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, trước khi trình Chính phủ phê duyệt kế hoạch phát triển thể thao Việt Nam trong 5 năm tới. Thể thao Việt Nam sẽ đào tạo khoảng 980 VĐV trẻ của 18 môn… Đặc biệt ngành thể thao sẽ xin cơ chế để được đầu tư mức rất cao cho khoảng 25 – 30 VĐV trọng điểm. Trong đó, đề nghị đầu tư 10 môn trọng điểm số 1, 20 môn trọng điểm số 2 để hướng tới ASIAD 2022 và Olympic 2024. Theo ước tính, số tiền cho chiến lược 5 năm tới dự kiến lên đến 900 tỷ đồng.