Thể thao Việt Nam ở Olympic Tokyo: Hụt hơi trước các đối thủ Đông Nam Á
Lực sĩ Thạch Kim Tuấn không thể “nâng” được mục tiêu giành huy chương cho thể thao VN tại Olympic Tokyo 2020 – Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia đều có huy chương.
Việt Nam đang đứng ở đâu?
Theo bảng tổng sắp huy chương Olympic Tokyo 2020 tính đến chiều 3-8, ở khu vực Đông Nam Á, Indonesia với 28 VĐV đang tạm đứng đầu với 1 HCV, 1 HCB, 3 HCĐ. Các huy chương của Indonesia tập trung ở hai môn cầu lông và cử tạ. Trong đó, HCV đôi nữ môn cầu lông thuộc về Polii Greysial – Rahayu Apriyani, còn HCB do công của VĐV cử tạ Eko Yuli ở hạng cân 61kg.
Đoàn Philippines đến Olympic Tokyo với 19 VĐV và đến ngày 3-8 họ cũng đoạt 1 HCV, 1 HCB. Trong đó, HCV thuộc về VĐV cử tạ Diaz Hidilyn (55kg nữ) và HCB của nữ VĐV boxing Petecio Nesthy (54 – 57kg). Đoàn Thái Lan hiện giành được 1 HCV. Thái Lan đến Olympic Tokyo với lực lượng hùng hậu 41 VĐV và người đoạt HCV là nữ VĐV taekwondo Panipak (49kg).
Đoàn Malaysia đến Olympic Tokyo với 30 VĐV và lúc này họ đã giành được 1 HCĐ của hai VĐV Chia Aaron – Shohwooi Yik (đôi nam môn cầu lông). Trong khi đó, đoàn TT VN đến Olympic Tokyo với 18 VĐV, đặt mục tiêu giành huy chương nhưng cuối cùng ra về tay trắng.
Thước đo phát triển là Asiad, Olympic chứ không phải SEA Games
So với Indonesia, Philippines, Thái Lan và Malaysia, số VĐV Việt Nam giành được vé đến Olympic Tokyo 2020 là thấp nhất. Cụ thể, trong 18 VĐV đến với Olympic Tokyo của đoàn TT VN bao gồm cả VĐV không giành được vé chính thức, mà đến bằng vé mời, trong đó có VĐV điền kinh Quách Thị Lan và xạ thủ Hoàng Xuân Vinh.
Dựa vào thành tích tại Olympic Tokyo 2020 hiện nay và thành tích tại các kỳ SEA Games đã qua, có thể thấy kết quả thi đấu tại SEA Games chưa phản ánh đúng sự phát triển của thể thao VN cũng như các quốc gia trong khu vực.
Cụ thể, bảng tổng sắp huy chương tại SEA Games 30 ở Philippines năm 2019 như sau: chủ nhà Philippines đứng đầu với 149 HCV, Việt Nam đứng thứ 2 với 98 HCV, Thái Lan thứ 3 với 92 HCV, Indonesia thứ 4 với 72 HCV, Malaysia thứ 5 với 55 HCV, Singapore thứ 6 với 53 HCV.
Không tính Philippines là nước chủ nhà SEA Games, bởi theo “thông lệ”, gần như nước nào làm chủ nhà cũng sẽ đứng nhất, nhì bảng tổng sắp huy chương. Chỉ tính riêng các quốc gia trong nhóm tranh chấp thành tích với đoàn TT VN thì Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore đã chuyển hướng đầu tư mạnh mẽ cho Olympic, Asiad chứ không còn quá chú trọng vào thành tích tại SEA Games.
Dù phát triển toàn diện nhưng tại kỳ SEA Games gần nhất năm 2019, Thái Lan còn kém VN đến 6 HCV. Lý do rất đơn giản bởi người Thái không còn quá quan tâm đến thành tích tại SEA Games. Thậm chí ở bóng đá, dù đang trên đà chững lại nhưng những năm gần đây bóng đá Thái Lan cũng chẳng còn mặn mà gì với SEA Games.
Trong khi đó, TT VN dù muốn giành huy chương Olympic nhưng cách làm lại chủ yếu để thực hiện mục tiêu đứng tốp 3 SEA Games. Thiếu nguồn lực đầu tư, trong khi đó lại muốn thực hiện cả nhiệm vụ tốp đầu SEA Games, giành thành tích cao tại Asiad và Olympic đã khiến TT VN… hụt hơi và thất bại toàn diện trước các đối thủ trong khu vực ở đấu trường Olympic.
Thái Lan, Indonesia là cường quốc thể thao ở Đông Nam Á
Theo thống kê của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), Thái Lan là quốc gia có thành tích tham dự các kỳ Olympic tốt nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Chỉ tính thành tích từ Olympic 2016 trở về trước, Thái Lan đã đoạt 33 huy chương Olympic (9 HCV, 8 HCB, 16 HCĐ). Huy chương đầu tiên mà Thái Lan giành được là từ Olympic 1976. Tại Olympic 2004, Thái Lan đoạt đến 3 HCV.
Bên cạnh Thái Lan, Indonesia là đoàn thể thao xuất sắc thứ hai Đông Nam Á. Indonesia từng giành đến 32 huy chương Olympic (7 HCV, 13 HCB, 12 HCĐ). HCB đầu tiên của Indonesia có từ Olympic 1998. Ở Olympic 1992 họ đã giành được 2 HCV.
Trong khi đó, Việt Nam mới giành được 5 huy chương Olympic với 1 HCV, 3 HCB, 1 HCĐ.
Thể thao Việt Nam: ‘Khoảng cách với thế giới còn rất xa’