Thẻ nhà báo Việt Nam và Hoa Kỳ khác nhau thế nào?

Nguyễn Quốc Tấn Trung

Tại sao chúng ta lại cần thẻ nhà báo để có thể hành nghề báo chí tại Việt Nam? Và Hoa Kỳ, quốc gia của những tờ báo lớn nhất thế giới, có tồn tại sản phẩm này hay không?

Vụ việc nhà báo Đỗ Văn Hùng, Phó Tổng Thư ký tòa soạn Thanh Niên Online bị tòa soạn cách chức và bị Bộ Thông tin – Truyền thông tước thẻ nhà báo làm dấy lên rất nhiều ý kiến trái chiều của cộng đồng báo chí và pháp lý trong lẫn ngoài nước. Bằng một cách nào đó, không ít ý kiến cho rằng hành xử của chính phủ Việt Nam là hoàn toàn phù hợp khi mà các nhà báo cần phải biết kiểm soát tác phong và thái độ chính trị của mình trên các hệ thống truyền thông xã hội, và rằng bất kỳ quốc gia nào cũng sẽ có những chế tài tương tự, hoặc gần như tương tự.

Nhiều ý kiến khác lại cho rằng, hệ thống mạng xã hội xác lập ranh giới cá nhân của người sử dụng, không mang tính chất chuyên môn nghiệp vụ của nghề báo; thêm vào đó, sẽ là quá tự tiện và lạm quyền khi tịch thu thẻ hành nghề chỉ bởi một câu chuyện trào phúng nho nhỏ bằng thủ thuật âm trắc chắc chắn không thể nào vi phạm những quy tắc đạo đức ứng xử chung của nghề báo tại Việt Nam cũng như trên thế giới.

Việc tham chiếu pháp luật Hoa Kỳ có thể giúp chúng ta mở rộng phạm vi tiếp cận vấn đề.

Ai cũng là nhà báo

Bắt đầu với án lệ Apple v. Does (O’Grady v. Superior Court), một trong những án lệ danh tiếng và cập nhật nhất của Hoa Kỳ vào năm 2006 liên quan đến việc giải quyết câu hỏi liệu các blogger cá nhân có thể được hưởng chế độ bảo vệ với tư cách tương đương một thể chế, cơ quan báo chí, nhà báo hoạt động chuyên nghiệp bởi pháp luật Hoa Kỳ, khi viết về các vấn đề công cộng (public matter) hay không (trong trường hợp này là các đạo luật Shield Law tại mỗi tiểu bang, nhằm bảo vệ nhà báo và nguồn thông tin mật của họ). Theo đó, cá nhân chuyên viết blog có tên Jason O’Gray – người thành lập và quản lý một số trang blog công nghệ như PowerPage và AppleInsider – rò rỉ một số thông tin về sản phẩm sắp được ra mắt của Apple với mã sản phẩm mật “Asteroid”.

Apple, với tiềm lực tài chính dồi dào, như thường lệ, khởi kiện blogger và kể cả các công ty cung cấp dịch vụ email và quản lý website với mục tiêu tìm ra được nguồn cung cấp thông tin cho PowerPage. Jason O’Gray và cố vấn pháp lý của mình theo đó, trên cơ sở hoạt động thu thập và cung cấp tin tức và quy định của Tu chính án thứ nhất, yêu cầu tòa sơ thẩm tiểu bang California cho phép PowerPage được hưởng đặc quyền “shield law” để không phải tiết lộ danh tính của những nguồn này. Bản án của tòa sơ thẩm nghiêng về Apple, cùng nhiều nguyên tắc pháp lý về quyền sở hữu trí tuệ, quyền tài sản…và quan trọng hơn, cho rằng O’Gray không thể được xem là một phần của “phương tiện báo chí truyền thống” và cũng không đưa ra những chứng cứ phù hợp để chứng minh mình là “người thực hiện hoạt động báo chí hợp pháp để được sử dụng đặc quyền của shield law”.

Tuy nhiên, đúng như mong đợi của cộng đồng, Tòa Thượng thẩm California quận 6 (California Court of Appeals, 6th District) đã ra bản án lật ngược tình thế cho Jason O’Gray. Cụ thể về vấn đề tư cách báo chí, Tòa phủ nhận lập luận của Apple khi cho rằng PowerPage không thực hiện hoạt động báo chí hợp pháp (“legitimate journalism”) với ghi nhận nổi tiếng trong phần phán quyết, đánh dấu tiền lệ nguyên tắc pháp lý:

“Chúng tôi không tán đồng với mọi luận cứ của bên nguyên vốn có thể ngầm lôi kéo hội đồng xét xử vào việc xác định những nhân tố nào sẽ cấu thành hoạt động báo chí hợp pháp… Chúng tôi cũng cho rằng, không có cơ sở hoặc nguyên tắc khả thi nào có thể phân biệt thế nào là hoạt động báo chí “hợp pháp” hay “không hợp pháp”. Bất kỳ nỗ lực nào từ phía hệ thống tư pháp nhằm phân biệt hiện tượng trên sẽ là nguy hại nghiêm trọng đến quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận – nguyên tắc trọng yếu của Tu chính án thứ nhất…”

Án lệ, kèm theo tính chất nổi bật của nó bởi sự tham gia của một công ty danh tiếng như Apple nhanh chóng trở thành tâm điểm của giới pháp lý, giúp pháp luật Hoa Kỳ chính thức đánh dấu tư cách tương đồng giữa những công dân phổ biến thông tin và các nhà báo chuyên nghiệp truyền thống. Đồng thời cũng nhắc nhở rằng, theo Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ, tự do báo chí là một quyền phổ quát trong nền dân chủ cấp tiến; và việc định nghĩa lại khái niệm báo chí hay người hành nghề báo chí bằng pháp luật là cực kỳ nguy hiểm. Nhà nước không nên, và không thể có quyền quyết định ai mới được phép trở thành nhà báo.

Nguyên tắc pháp lý này tiếp tục được hoàn thiện bởi một chuỗi các án lệ tại các Tòa Phúc thẩm liên bang khu vực, mà gần đây nhất là Án lệ Obsidian Finance Group, LLC v. Cox bởi Tòa Phúc thẩm liên bang khu vực 9 vào năm 2013. Theo đó, Crystal Cox, một cá nhân tự xưng là “blogger điều tra” chuyên viết về bê bối tài chính và tham nhũng tại Tập đoàn tài chính Obsidian bị thẩm phán tòa sơ thẩm cho rằng không có chứng cứ xác thực nào để chứng minh cô có hoạt động liên kết với bất kỳ “nhà phát hành báo, tạp chí, nhà xuất bản sách, nhà cung cấp dịch vụ tin tức, dịch vụ truyền dẫn, trạm phát sóng hoặc nhà mạng, hoặc hệ thống truyền hình cáp”, và vì vậy không có đủ tư cách pháp lý để được xem là nhà báo và hưởng các đặc quyền của shield law. Tuy nhiên, Tòa Phúc thẩm liên bang nhanh chóng hủy bản án sơ thẩm và ghi nhận rõ:

“Như Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã cảnh báo, cố gắng tách biệt quyền tự do báo chí của cơ quan báo chí truyền thống, thành viên của chúng và quyền tự do báo chí của cá thể độc lập ghi nhận trong Tu chính án thứ nhất là không thể thực hiện: Với sự xuất hiện của internet và sự suy giảm của truyền thông truyền thống, ranh giới giữa báo chí truyền thống và những công dân mong muốn thể hiện quan điểm của mình đối với những vấn đề kinh tế và xã hội ngày càng bị xóa nhòa.”

Bằng cách diễn đạt khác, công dân Hoa Kỳ không cần phải được cho phép để có thể trở thành “nhà báo”, và họ sẽ được hưởng các đặc quyền bảo vệ đặc trưng cho nhà báo, miễn là thông tin họ đưa ra liên quan đến các vấn đề công cộng.

Nỗ lực kiểm soát khái niệm nhà báo và báo chí tại Hoa Kỳ

Tuy nhiên, không phải ai tại Hoa Kỳ cũng bị thuyết phục bởi tư tưởng cấp tiến này.

Sau các vụ việc chấn động về Wikileaks hay Edward Snowden, một số thượng nghị sĩ cố gắng soạn thảo và vận động thông qua các đạo luật cụ thể ghi nhận ai sẽ được xem là nhà báo để được hưởng các đặc quyền mà pháp luật Hoa Kỳ cung cấp.

Cụ thể, thông qua một số dự thảo như Shield Law ở cấp độ liêng bang vào năm 2009 hay dự thảo Đạo luật luân chuyển thông tin (Free Flow of Information Acts) vào năm 2013; một số nhà lập pháp đòi hỏi cá nhân chỉ được xem là tham gia vào hoạt động báo chí hay được gọi là nhà báo nếu họ hoạt động vì lợi ích tài chính và sinh sống (“financial gain or livelihood”), trong đó, phải thường xuyên tập hợp, chuẩn bị, thu thập, chụp, ghi âm, viết, biên tập, báo cáo, xuất bản các ấn phẩm của mình đối với các sự kiện địa phương, quốc gia, quốc tế hoặc các vấn đề khác liên quan đến lợi ích công cộng.

Cách tiếp cận này không đến mức nặng nề theo phương thức “tiền kiểm”, tức chỉ những ai được cho phép mới trở thành nhà báo; nhưng cũng loại trừ quyền lợi báo chí của các cá nhân hoạt động độc lập và đương nhiên gặp phải kháng cự quyết liệt từ phía các nhóm vận động và các nhà hoạt động. Ông Ken Bunting, giám đốc điều hành của Liên minh tự do thông tin quốc gia (National Freedom of Information Coalition) tại thời điểm đó nhận xét: “Sẽ là một sai lầm nghiêm trọng nếu chính phủ nghĩ rằng họ cần tham gia vào việc xác định ai mới được coi là nhà báo”.

Tuy nhiên, những dự thảo luật này đã bị rút lại, bác bỏ hoặc tạm hoãn bởi nhị Viện đúng như dự đoán của nhiều chuyên gia, khi mà hệ thống tòa cấp cao và Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đều đã trực tiếp thể hiện thái độ của mình thông qua các án lệ hoặc tuyên bố chính thức viện dẫn Tu chính án thứ nhất như tác giả trình bày ở trên. Có thể nói vẻ đẹp không tuổi của Tu chính án thứ nhất và quyền giải thích của hệ thống tư pháp Hoa Kỳ đã giúp duy trì, khẳng định sự tồn tại của một hệ thống cộng đồng thông tin minh bạch.

Chính quyền không cấp thẻ nhà báo

Theo quy định của Luật Báo chí 1989 của Việt Nam, sửa đổi bổ sung năm 1999, nhà báo là người phải có “quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ thường trú tại Việt Nam, có đủ các tiêu chuẩn chính trị, đạo đức và nghiệp vụ báo chí do Nhà nước quy định, đang hoạt động hoặc công tác thường xuyên với một cơ quan báo chí Việt Nam và được cấp thẻ nhà báo” (Điều 14). Cụ thể hơn, tại Điểm 1, Mục I Thông tư 07/2007/TT-BVHTT, thẻ nhà báo “do Bộ Văn hóa – Thông tin [nay là Bộ Thông tin – Truyền thông – TG] cấp cho những người có đủ tiêu chuẩn theo quy định hiện hành để được hành nghề báo chí”.

Như vậy, cần phải hiểu thẻ nhà báo tại Việt Nam như là một giấy cho phép hành nghề được cấp bởi cơ quan nhà nước cho những ai mà nhà nước Việt Nam cảm thấy phù hợp để được hành nghề báo chí, tương tự như thẻ luật sư hay chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh của bác sĩ. Điểm khác biệt duy nhất nằm ở lý do cần thiết của thẻ luật sư hay chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh thuộc về vấn đề kỹ năng, kinh nghiệm hành nghề và quyền lợi của công dân sử dụng dịch vụ; sự cần thiết của thẻ nhà báo nằm ở nhu cầu quản lý thông tin của nhà nước. Điều này đồng nghĩa với việc một khi bị tịch thu thẻ nhà báo, cá nhân đó sẽ mất danh nghĩa nhà báo và không thể hành nghề báo chí tại cơ quan, tổ chức truyền thông trong nước một cách đầy đủ.

Ngược lại, tại Hoa Kỳ, cơ quan công quyền không có thẩm quyền cấp phép hoạt động báo chí.

Press Pass là một sản phẩm của những hiệp hội nghề nghiệp nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho các nhà báo chuyên nghiệp lẫn bán chuyên nghiệp mong muốn phát triển việc hành nghề. Tại Hoa Kỳ hiện nay, có ba hiệp hội nghề nghiệp báo chí có ảnh hưởng trong nước lẫn quốc tế thường được các nhà báo ưa thích lựa chọn để trở thành hội viên là IAPP (International Association of Press Photographers), UJPA (United Journalist & Photographers Association) or USPA (United States Press Agency).

Khi người nắm giữ trình Press Pass, tùy thuộc vào mức độ quan hệ và tầm ảnh hưởng của Hiệp hội đối với cơ quan, tổ chức mà nhà báo muốn tìm hiểu, nghiên cứu hoặc tham gia sự kiện; họ sẽ có thể có quyền tham gia để tìm hiểu không trói buộc hoặc có giới hạn các vấn đề về kinh tế, chính trị; hoặc có thể được cấp quyền tham quan các khu vực giới hạn tại những sự kiện, hội chợ hoặc tổ chức công cộng.

Mối quan hệ này tuyệt nhiên là mối quan hệ dân sự giữa thành viên với tổ chức mà họ tham gia, như USPA thừa nhận mình là người trung gian giữa các nhà báo thành viên và các chuyên gia truyền thông, cơ quan chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, các hội nghề nghiệp và doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc dù có bất kỳ tranh chấp nào giữa nhà báo thành viên và Hiệp hội nghề nghiệp cấp Press Pass, quyền tự do báo chí và thực hành nghề nghiệp của cá nhân nhà báo đó vẫn không bị ảnh hưởng.

Hiển nhiên, khi mà tư duy, ý thức hệ, quan điểm pháp lý của giữa hai quốc gia còn có nhiều khác biệt; trình độ lập pháp vẫn còn nhiều chênh lệch, câu chuyện pháp luật báo chí tại Việt Nam nên hay không nên học hỏi pháp luật Hoa Kỳ là một vấn đề lớn cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng.  Nhưng trong thời điểm dự thảo Luật báo chí mới vẫn còn đang được xem xét, việc xóa bỏ dần định kiến xem báo chí như công cụ để kiểm soát là rất cần thiết, đặc biệt nếu nhà nước Việt Nam thật sự muốn tăng cường, lấy lại uy tín của hệ thống báo chí Việt Nam đang dần giảm sút cùng với tiếng nói phản biện trong xã hội.

Tài liệu tham khảo:

Toàn văn án lệ Apple v. Does
Toàn văn án lệ Obsidian Finance Group, LLC v. Cox
Toàn văn Luật Báo chí 1989
Thông tư 07/2007/ TT-TVHTT về hướng dẫn cấp, đổi và thu hồi thẻ nhà báo
Sách: We are all journalist now: The transformation of the Press Reshaping of the Law in the Internet Age [Tác giả: Scott Gant]
Congress dangerous attempts define journalist shield law threaten exclude bloggers
We are all journalists now
If we are all journalists, should we all be protected?
On free speech and blogging: The First Amendment applies to everyone, not just journalists
Feinstein wants to limit who can be a journalist