Thế nào là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định mới?
Trẻ phải bỏ học khi chưa tốt nghiệp cấp 2, bị khuyết tật, bị xâm hại tình dục… được coi là hoàn cảnh đặc biệt, theo Luật Trẻ em 2016.
Điều 10 Luật Trẻ em 2016 có hiệu lực từ ngày 1/6 quy định, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt bao gồm 14 nhóm sau đây, tăng 5 nhóm so với Luật Bảo vệ, giáo dục, chăm sóc trẻ em 2004:
– Trẻ em bị mồ côi cả cha và mẹ
– Trẻ em bị bỏ rơi
– Trẻ em không nơi nương tựa
– Trẻ em khuyết tật
– Trẻ em nhiễm HIV/AIDS
– Trẻ em vi phạm pháp luật
– Trẻ em nghiện ma túy
– Trẻ em phải bỏ học kiếm sống chưa hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở
– Trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực
– Trẻ em bị bóc lột
– Trẻ em bị xâm hại tình dục
– Trẻ em bị mua bán
– Trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo
– Trẻ em di cư, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ hoặc không có người chăm sóc.
12 tiếng từ khi nhận tin trẻ bị xâm hại, chính quyền phải can thiệp
Điều 26 Nghị định 56/2017 hướng dẫn thi hành Luật Trẻ em quy định, trẻ em được xác định có nguy cơ hoặc đang bị tổn hại nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm thì trong vòng 12 giờ từ khi nhận thông tin, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải áp dụng các biện pháp can thiệp khẩn cấp hoặc tạm thời cách ly trẻ em khỏi môi trường hoặc người gây tổn hại cho trẻ em.
Thục Linh