Thế nào là quy hoạch đô thị? Hồ sơ quy hoạch chung gồm những gì?
Quy hoạch đô thị hiện nay là một vấn đề được Đảng và Nhà nước ta quan tâm hàng đầu. Vì vậy, đối với hoạt động này, cần có cơ chế để thực hiện và hồ sơ quy hoạch chung gồm những gì? Trước nhu cầu đó Nhà nước đã ban hành một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về Luật quy hoạch đô thị.
Mục Lục
Khái niệm quy hoạch đô thị
Quy hoạch đô thị là một khái niệm hay được dùng để chỉ các hoạt động kiểm soát hay tổ chức môi trường sống đô thị. Các hoạt động này có thể bao gồm: ban hành luật, quy định kiểm soát phát triển; xây dựng và vận hành các bộ máy quản lý đô thị; đề ra các tiêu chí, lập và phê duyệt quy hoạch; thực hiện các chương trình đầu tư phát triển đô thị; nghiên cứu đô thị; đào tạo bộ máy nhân lực; trao đổi tranh luận về các vấn đề đô thị;…
Tại khoản 4, Điều 3, Luật quy hoạch đô thị 2009, sửa đổi bổ sung năm 2015 quy định:
“Quy hoạch đô thị là việc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống trong đô thị, được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch đô thị”.
Quy hoạch chung đô thị
Quy hoạch đô thị bao gồm quy hoạch chung đô thị và quy hoạch chi tiết đô thị. Vậy quy hoạch chung đô thị là gì?
Khái niệm quy hoạch chung đô thị
Tại khoản 7, Điều 3, Luật quy hoạch đô thị còn đưa ra định nghĩa về quy hoạch chung như sau : “Quy hoạch chung là việc tổ chức không gian, hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở cho một đô thị phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội của đô thị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững”.
Nội dung hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị
Nội dung hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị được quy định tại Điều 5, thông tư số 12/2016/TT- BXD như sau:
“Điều 5. Nội dung hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị
Nhiệm vụ quy hoạch chung các đô thị là thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn và đô thị loại V chưa công nhận là thị trấn thực hiện theo quy định tại Điều này:
1. Bản vẽ
Sơ đồ vị trí và liên hệ vùng, bản đồ ranh giới và phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch chung đô thị. Thể hiện trên nền bản đồ địa hình theo tỷ lệ thích hợp.
2. Thuyết minh
a) Lý do, sự cần thiết, căn cứ lập quy hoạch; vị trí, quy mô phạm vi và ranh giới lập quy hoạch chung đô thị.
b) Nêu tóm tắt hiện trạng về đô thị, các quy hoạch và dự án đang triển khai; yêu cầu đối với việc thu thập tài liệu; yêu cầu về định hướng phát triển không gian đô thị, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, di sản, di tích, các công trình đầu mối, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và đánh giá môi trường chiến lược. Đề xuất một số chỉ tiêu cơ bản về kinh tế – xã hội để có thể nghiên cứu ở bước lập đồ án quy hoạch, đáp ứng Mục tiêu, tính chất, định hướng phát triển đô thị.
c) Xác định tính chất, động lực phát triển, vai trò đô thị đối với vùng và cả nước; quan Điểm và Mục tiêu quy hoạch; xác định những vấn đề cần giải quyết trong quy hoạch.
d) Dự báo sơ bộ về phát triển kinh tế – xã hội, dân số, lao động, nghề nghiệp, đất đai phát triển đô thị, nông thôn và hạ tầng kỹ thuật.
đ) Xác định danh Mục bản vẽ, thuyết minh, phụ lục kèm theo; số lượng, quy cách của sản phẩm hồ sơ đồ án; kế hoạch và tiến độ tổ chức lập quy hoạch phù hợp với từng loại đô thị.
3. Dự thảo Tờ trình và dự thảo Quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch
Nội dung hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị được quy định tại Thông tư 12/2016/TT-BXD quy định về hồ sơ của nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù”.
Trên đây là bài viết tổng hợp những điều bạn cần biết về quy hoạch đô thị và những thứ cần thiết của hồ sơ quy hoạch chung. YouHomes mong rằng bạn đã có được thông tin bổ ích và cần thiết qua bài viết trên.