Thế nào là người già?

Từ một vụ án đăng trên Pháp Luật TP.HCM về chuyện tòa xử sai khi cho một bị cáo 65 tuổi được hưởng tình tiết giảm nhẹ “người phạm tội là người già”, nhiều bạn đọc đã thắc mắc: Theo quan niệm chung của xã hội và theo quy định của pháp luật, người bao nhiêu tuổi là người già?

Chúng tôi đã trao đổi với nhiều chuyên gia để tìm câu trả lời về vấn đề này.

Dân gian: 60 tuổi đã là già?

Theo nhà nhân học PGS-TS Phan An (Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ), quan niệm của dân ta từ xưa đến nay vẫn cho rằng người già là người từ 60 tuổi trở lên. Sở dĩ ở độ tuổi đó được cho là già bởi nhiều yếu tố: Theo phong tục tập quán truyền thống, những người từ 60 tuổi đã hoàn thành một chu kỳ về mặt sinh học. Đồng thời, điều kiện sống trước đây thiếu thốn về mặt vật chất, chế độ dinh dưỡng, y tế… Vì vậy, những người sống được đến 60 tuổi đã được coi là sống lâu. Ngày nay, điều kiện kinh tế phát triển, đời sống được nâng cao hơn nên tuổi thọ con người cũng được tăng lên nhưng quan niệm về người già vẫn không hề thay đổi.

Đồng tình, một luật gia Hội Luật gia TP.HCM cho rằng với thể trạng của người Việt Nam ở độ tuổi 60 thì đa số sức khỏe thể chất đã giảm sút rất nhiều. Mặc dù chúng ta vẫn có thể thấy một số người trên 60 tuổi còn cường tráng nhưng đó chỉ là những trường hợp cá biệt mà thôi. Vì vậy, người ở tuổi 60 trở lên đã có thể coi là người già, được pháp luật bảo đảm các nhu cầu cơ bản về ăn, mặc, ở, đi lại, chăm sóc sức khỏe cũng như được tạo điều kiện tham gia hoạt động văn hóa, giáo dục, thể dục, thể thao…

Thế nào là người già? ảnh 1

Pháp luật: Chưa rõ!

Theo nhiều chuyên gia khác, trong hệ thống pháp luật của nước ta hiện nay chỉ đề cập và giải thích khái niệm về “người cao tuổi”. Cụ thể là Pháp lệnh Người cao tuổi năm 2000, hiện đã được thay thế bằng Luật Người cao tuổi năm 2009. Theo pháp lệnh, “người cao tuổi” là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ 60 tuổi trở lên. Còn theo luật hiện hành, “người cao tuổi” là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên.

Riêng về “người già”, chỉ có BLHS đề cập tới nhưng lại không hề giải thích khái niệm. Theo đó, BLHS quy định tình tiết “người phạm tội là người già” là một tình tiết giảm nhẹ (điểm m khoản 1 Điều 46), tình tiết “phạm tội đối với người già” là một tình tiết tăng nặng (điểm h khoản 1 Điều 48). Ngoài ra, BLHS còn quy định “người đã quá già yếu” có thể được tòa án xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt (Điều 58). Tuy nhiên, như thế nào là “người già”, “người quá già yếu” thì BLHS lại không giải thích.

Chính vì vậy, để vận dụng pháp luật hình sự thống nhất, TAND Tối cao đã ban hành hướng dẫn giải thích hai khái niệm này. Theo Nghị quyết số 01/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, “người già” là “người từ 70 tuổi trở lên”. Còn theo Nghị quyết số 01/2007 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, “người quá già yếu” là “người từ 70 tuổi trở lên hoặc là người từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên đau ốm”.

Cao tuổi có phải là già?

Liên quan đến hai hướng dẫn trên, đã có những ý kiến cho rằng TAND Tối cao nên giải thích lại khái niệm “người già” trong pháp luật hình sự là người từ đủ 60 tuổi trở lên cho phù hợp với quan niệm dân gian cũng như Luật Người cao tuổi. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến phản đối.

Theo luật sư Lê Quang Y, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai, hiện nay sức khỏe cũng như tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng lên nên nếu xác định 60 tuổi là già thì e rằng không còn phù hợp. Vì vậy, ông đồng tình với quan điểm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao khi xác định “người già” là người từ 70 tuổi trở lên.

Luật sư Đoàn Công Thiện (Đoàn Luật sư tỉnh Kiên Giang) thì cho rằng không thể đồng nhất khái niệm “người cao tuổi” với “người già”. Theo ông, người cao tuổi chưa chắc đã già, đã yếu bởi có những người hơn 60 tuổi nhưng “vẫn khỏe như thanh niên”. Luật Người cao tuổi lấy mốc 60 tuổi nhằm giải quyết những vấn đề an sinh xã hội, bảo vệ quyền lợi cho những người đã qua tuổi lao động mà thôi. Xét ở khía cạnh sinh học thì người già là những người đang ở giai đoạn lão hóa mạnh, khi cơ bắp, trí tuệ đã ở vào thời kỳ thấp nhất. Vì vậy, pháp luật hình sự nên quy định người già là người từ 70 tuổi trở lên nhằm tăng mức bảo vệ hoặc giảm nhẹ trách nhiệm nếu họ là chủ thể của tội phạm.

Theo Nho giáo, 50 tuổi đã “biết mệnh trời”

Xã hội phong kiến Việt Nam trước đây chịu ảnh hưởng chặt chẽ của Nho giáo (còn gọi là Khổng giáo). Chương “Vi chính” của sách Luận ngữ ghi lại lời nói của Khổng Tử, nhà tư tưởng – nhà sáng lập Nho giáo, như sau: “Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục, bất du củ”.

Tạm dịch nghĩa: “Mười lăm tuổi, ta đã để hết tâm trí vào sự học. Ba mươi tuổi, ta vững chí mà tiến trên đường đời. Bốn mươi tuổi, tâm trí ta sáng suốt, hiểu rõ việc phải trái đạt được sự lý, chẳng còn nghi hoặc. Năm mươi tuổi, ta biết mệnh trời, tức là lẽ đạo mầu nhiệm lưu hành trong thiên hạ. Sáu mươi tuổi, những lời tiếng lọt vào tai, ta hiểu ngay, không cần tốn công suy nghĩ. Bảy mươi tuổi, trong tâm ta dù có muốn điều gì cũng chẳng hề trái phép”.

Cần dựa trên nghiên cứu khoa học khi luật hóa

BLHS hiện không quy định rõ “người già” là người từ bao nhiêu tuổi nên tòa án khi xét xử phải dựa vào nghị quyết hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Vấn đề là để luật hóa một khái niệm nào đó thì nhà làm luật cần phải dựa trên tiêu chí khoa học. Chẳng hạn, tuổi thọ của người Việt Nam trung bình hiện nay là 69 tuổi mà lại quy định 70 tuổi mới là “người già” thì rõ ràng chưa hợp lý. Để có sự thống nhất trong toàn hệ thống pháp luật thì phải có một công trình nghiên cứu cụ thể làm căn cứ quy định vào luật.

Kiểm sát viên cao cấp VÕ VĂN THÊM,
Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao

Hướng dẫn đã phù hợp

Quy định về người cao tuổi chủ yếu mang tính chất nhân văn, nâng cao truyền thống kính trọng người cao tuổi. Người cao tuổi là những người có thâm niên sống chứ chưa chắc đã già yếu. Riêng trong lĩnh vực pháp luật hình sự, “người già” đồng nghĩa với yếu nên cần được pháp luật bảo vệ hoặc giảm nhẹ hình phạt. Vì vậy, “nghị quyết hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao là hoàn toàn hợp lý” .

Luật sư Nguyễn Thanh Lương, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre

TIẾN HIỂU – HỒNG TÚ

Tin liên quan

Nên thống nhất từ 60 là già