Thế nào là một giáo viên tốt

Thông điệp được đưa ra khiến cho mỗi giáo viên chúng tôi một lần nữa phải tự soi lại bản thân mình. Theo cách hiểu của tôi thì không phải là học sinh có quyền tìm đến những giáo viên có tiếng là dạy giỏi. Nếu như vậy sẽ dẫn đến hiện tượng loạn lớp – loạn trường. Vấn đề đặt ra ở đây là bản thân mỗi một giáo viên phải không ngừng hoàn thiện bản thân để trở thành một giáo viên tốt. Thông điệp này nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ giáo viên nhằm đảm bảo cho mọi người học đều có cơ hội hưởng quyền giáo dục có chất lượng.

Đã bao giờ chúng ta tự hỏi: Thế nào là một giáo viên tốt? Liệu bạn, tôi, đồng nghiệp của chúng ta đều đã là giáo viên tốt? Trong phạm vi bài viết này, tôi xin nêu bàn về vấn đề Thế nào là  một giáo viên tốt?

          Theo tôi, trước hết giáo viên tốt phải là một giáo viên giỏi về chuyên môn và có tâm với nghề.

Theo các nhà giáo dục thì điều kiện để trở thành một giáo viên giỏi là phải có trình độ kiến thức vững vàng, có kĩ năng sư phạm và phẩm chất cá nhân tốt.

Nếu nói rằng tiểu học là bậc học về phương pháp – Điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng nếu nói kiến thức ở tiểu học thật quá đơn giản, cơ bản, không đáng bận tâm thì hoàn toàn sai lầm. Mỗi giáo viên tiểu học được đào tạo từ các trường sư phạm có khả năng dạy tất cả các môn học.  Nhưng không phải mọi giáo viên đều dạy thành công và có hiểu biết sâu sắc về mọi lĩnh vực Toán học, Tiếng Việt, Khoa học, Lịch sử hay Địa lý ,..ở cấp tiểu học. Trong bài giảng hôm nay của tôi, từ một câu hỏi của học sinh, tôi phát hiện thêm một cách giải khác của bài toán. Đọc bài văn của học sinh cùng miêu tả một cây hoa phượng ở sân trường, tôi nhận thấy rằng mỗi em có một cách quan sát và cảm xúc khác nhau. Đôi lúc kiến thức của giáo viên về Khoa học, Địa lý, Lịch sử chưa thể đáp ứng được nhu cầu hiểu biết và mở mang của học sinh. Giáo viên giỏi là người có khả năng đáp ứng mọi nhu cầu của người học chứ không đơn thuần là dạy theo chương trình. Vậy nên,  dù là bậc học của phương pháp, nhưng với lối cấu trúc chương trình theo hướng đồng tâm và cách dạy theo hướng phát huy tính  tích cực cho học sinh như hiện nay thì kiến thức của giáo viên nếu không tiếp tục được tìm tòi, học hỏi và cập nhật, thì e rằng giáo viên sẽ chỉ là nô lệ của sách giáo khoa mà thôi. Và hơn bao giờ hết, câu nói “Học, học nữa, học mãi” sẽ đúng với mọi người , mọi thời đại. Đối với người dạy, điều đó lại càng đúng hơn.

Một khi giáo viên đã có kiến thức vững vàng thì họ sẽ hoàn toàn chủ động khi ở trên bục giảng. Bên cạnh đó, có kiến thức thì giáo viên sẽ dễ dàng, tự tin và chủ động trong việc ứng xử, giải quyết, xử lí tình huống một cách linh hoạt. Cùng một nội dung dạy học, cùng sử dụng một phương pháp như nhau nhưng không khí của tiết học, hiệu quả của giờ dạy sẽ không giống nhau. Điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố chi phối nhưng trong đó, kĩ năng sư phạm của giáo viên đóng vai trò đáng kể. Khả năng tổ chức các hoạt động dạy học linh hoạt, sáng tạo, việc lựa chọn ngữ liệu và xử lí tình huống sư phạm cùng với sự gần gũi, cởi mở, khả năng hài hước của giáo viên, …những yếu tố đó sẽ góp phần tạo nên một giờ học thân thiện, nhẹ nhàng và hiệu quả.

          Nhân đây tôi muốn bàn đến sự thân thiện trong dạy học. Qua tìm hiểu học sinh cho thấy rằng học sinh không  thích một giáo viên có chuyên môn thấp, giờ dạy  quá lệ thuộc vào sách hướng dẫn. Tuy nhiên, nếu cho học sinh một sự lựa chọn giữa một người có chuyên môn giỏi, lạnh lùng, ít quan tâm đến học sinh và một giáo viên có chuyên môn khá nhưng rất thân thiện, thường xuyên quan tâm đến học sinh thì phương án thứ hai luôn là lựa chọn hàng đầu của các em. Chính vì vậy, để tạo ra một tâm thế học tập tốt, một môi trường học tập thân thiện, mỗi ngày hãy bước vào lớp với một nụ cười. Khi học sinh chào, hãy nhìn vào mắt để hiểu được tâm trạng của các em. Hãy gần gũi với các em nhiều hơn để phát hiện ra mỗi ưu điểm ẩn sâu bên trong mỗi học sinh, giúp học sinh nhận ra, phát triển chúng thêm.

   Tuy nhiên, điều đó không phải ai và ngày nào cũng có thể làm được. Cuộc sống, công việc của chúng ta có bao nỗi lo, bao áp lực và rất nhiều mệt mỏi. Mặt khác, học sinh Tiểu học vốn rất hiếu động, tinh nghịch, luôn tạo ra nhiều tình huống buộc giáo viên phải xử lí.Vì thế kiềm chế, bình tĩnh, kiên trì và mềm mỏng – là những đức tính mà giáo viên cần rèn luyện. Vượt lên trên hết, chúng ta cần hiểu rõ về công việc của mình: Chúng ta đang ươm mầm, gieo hạt. Để làm tốt công việc đó bằng trí tuệ thôi thì chưa đủ, chúng ta cần phải làm bằng cả con tim. Chữ tâm cần cho mọi người, mọi nghề nghiệp và đặc biết cần đối với nghề giáo chúng ta.

          Rõ ràng, để trở thành một giáo viên giỏi đã rất khó, càng khó hơn đối với một giáo viên tốt. Xã hội càng phát triển đòi hỏi người giáo viên phải luôn hoàn thiện mình để phù hợp với những thay đổi của nó. Để đáp ứng với đòi hỏi của xã hội, bên cạnh những kiến thức đã có của bản thân, người giáo viên phải luôn trau dồi cho mình kĩ năng tự học, tự nghiên cứu, kĩ năng ứng dụng công nghệ thông tin, kĩ năng hợp tác trong dạy học,…Nhưng trên hết, ở thời đại nào đi nữa thì chữ tài, chữ tâm là luôn cần với mọi giáo viên tốt.

 

Nguyễn Thu Hà     

                                                                                    Giáo viên Trường Tiểu học Hải Đình