Thế nào là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Sửa đổi Luật đầu tư: Định danh doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Tại một cuộc hội thảo vừa được tổ chức tại Hà Nội nhằm tổng hợp ý kiến phục vụ cho công tác sửa đổi Luật Đầu tư trong thời gian tới, khái niệm “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài – FDI” vốn đã quá quen thuộc lại trở thành chủ đề nóng. Các diễn giả đã chỉ ra rằng, thực tế vẫn còn nhiều cách hiểu về doanh nghiệp FDI, dẫn đến những khó khăn trong hoạt động kinh doanh và thủ tục cấp đăng ký kinh doanh.
Khái niệm doanh nghiệp FDI xuất hiện đầu tiên tại Luật Đầu tư nước ngoài năm 1996, theo đó doanh nghiệp FDI “bao gồm doanh nghiệp liên doanh và doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp liên doanh là doanh nghiệp do hai bên hoặc nhiều bên hợp tác thành lập tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng liên doanh hoặc hiệp định ký giữa Chính phủ Việt Nam và chính phủ nước ngoài và phần góp vốn của bên nước ngoài trong doanh nghiệp liên doanh không được thấp hơn 30% tổng số vốn”.
Trong khi đó, theo Luật Đầu tư 2005, được áp dụng từ ngày 1-7-2006 thì doanh nghiệp FDI bao gồm doanh nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) thành lập để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam; doanh nghiệp Việt Nam do NĐTNN mua cổ phần, sáp nhập, mua lại. NĐTNN là tổ chức, cá nhân nước ngoài bỏ vốn để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Doanh nghiệp được áp dụng điều kiện đầu tư trong nước khi các nhà đầu tư Việt Nam sở hữu từ 51% vốn điều lệ của doanh nghiệp trở lên…
Đặc biệt, sự thiếu thống nhất thể hiện rất rõ trong các văn bản dưới luật hướng dẫn về vấn đề này. Quy chế góp vốn, mua cổ phần của NĐTNN trong các doanh nghiệp Việt Nam kèm theo Quyết định số 88/2009/QĐ-TTg ngày 18-6-2009 của Thủ tướng Chính phủ giải thích, doanh nghiệp FDI bao gồm “tổ chức thành lập và hoạt động ở Việt Nam có tỷ lệ tham gia góp vốn của bên nước ngoài trên 49%”.
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được quy định trong các văn bản chuyên ngành như thế nào?
Nghị định 69/2007/NĐ-CP về việc NĐTNN mua cổ phần của ngân hàng thương mại Việt Nam thì quy định “NĐTNN” là “tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài và hoạt động, kinh doanh tại nước ngoài hoặc/và tại Việt Nam”. Quy chế hoạt động của NĐTNN trên thị trường chứng khoán Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 121/2008/QĐ-BTC của Bộ Tài chính lại xác định NĐTNN bao gồm cả “tổ chức thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam có 100% vốn góp nước ngoài và các chi nhánh của tổ chức này”.
Còn theo Quyết định 55/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ tham gia của NĐTNN trên thị trường chứng khoán Việt Nam, NĐTNN bao gồm cả “tổ chức thành lập và hoạt động ở Việt Nam có tỷ lệ tham gia góp vốn của bên nước ngoài trên 49%”…
Sự khác biệt về cách hiểu doanh nghiệp FDI và NĐTNN như trên dẫn đến việc áp dụng thủ tục đầu tư khác nhau trong việc thành lập mới doanh nghiệp của NĐTNN. Cơ quan chức năng không khỏi lúng túng trong việc vận dụng các quy định của pháp luật đối với những trường hợp thay đổi từ doanh nghiệp có vốn FDI thành doanh nghiệp trong nước và ngược lại.
Thực trạng cách hiểu về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở các địa phương
Đơn cử, hầu hết các phòng đăng ký kinh doanh thuộc sở kế hoạch và đầu tư các tỉnh, thành phố từ chối thụ lý hồ sơ thành lập tổ chức mới có sự tham gia góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp có sở hữu của NĐTNN không quá 49% vốn điều lệ và từ chối thụ lý hồ sơ của các doanh nghiệp đã được cấp đăng ký kinh doanh bán cổ phần, vốn góp cho NĐTNN… Điều này hạn chế rất lớn việc thu hút, chuyển đổi dòng vốn ngoại cho phát triển kinh tế, trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư đang rất khan hiếm.
Định danh, chuyện tưởng nhỏ mà không nhỏ là vậy.
Theo Sài Gòn Giải phóng
Anh Thư