Thế nào là cơ sở giáo dục khác thuộc hệ thống giáo dục quốc dân?

(GD&TĐ) –  Hỏi: Em Nguyễn Thị Thu Hồng, Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ có hỏi: Em được biết, hệ thống giáo dục Quốc dân Việt Nam Nam gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên. Thời gian gần đây, em và các bạn thường hay tranh luận về vấn đề này vì các bạn ấy cho rằng còn có các cơ sở giáo dục khác thuộc hệ thống giáo dục Quốc dân. Vậy như thế nào được gọi là cơ sở giáo dục khác thuộc hệ thống giáo dục Quốc dân, xin cho biết cụ thể?

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trả lời:

Hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên. Các cấp học và trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm:

– Giáo dục mầm non có nhà trẻ và mẫu giáo;

– Giáo dục phổ thông có tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông;

– Giáo dục nghề nghiệp có trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề;

– Giáo dục đại học và sau đại học (sau đây gọi chung là giáo dục đại học) đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ đại học, trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ.

Theo Nghị định số 31/2011/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục. Tại khoản 2 điều 16 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Cơ sở giáo dục khác thuộc hệ thống giáo dục quốc dân gồm:

a) Nhóm trẻ, nhà trẻ; các lớp độc lập gồm: lớp mẫu giáo, lớp xóa mù chữ, lớp ngoại ngữ, lớp tin học, lớp dành cho trẻ em vì hoàn cảnh khó khăn không được đi học ở nhà trường, lớp dành cho trẻ tàn tật, khuyết tật, lớp dạy nghề và lớp trung cấp chuyên nghiệp được tổ chức tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;

b) Trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp; trung tâm dạy nghề; trung tâm giáo dục thường xuyên; trung tâm học tập cộng đồng; trung tâm ngoại ngữ, tin học;

c) Viện nghiên cứu khoa học được đào tạo trình độ tiến sĩ, phối hợp với trường đại học đào tạo trình độ thạc sĩ”./.

Báo GD&TĐ