Thế nào là bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động?
Bồi dưỡng bằng hiện vật là khái niệm dễ gây hiểu lầm đối với người lao động, người sử dụng lao động. Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về khái niệm bồi dưỡng bằng hiện vật, nguyên tắc bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động.
Mục Lục
1. Khái niệm bồi dưỡng bằng hiện vật
Theo Khoản 1 Điều 24 Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015:
“Điều 24. Bồi dưỡng bằng hiện vật
1. Người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại được người sử dụng lao động bồi dưỡng bằng hiện vật.”
Suy ra, bồi dưỡng bằng hiện vật
– Là cung cấp cho người lao động lợi ích về vật chất, nhưng không bằng tiền: Người sử dụng lao động bồi dưỡng người lao động bằng hiện vật như đồ dùng, đồ ăn, nước uống,… nhưng không bằng tiền, cũng không phát tiền cho người lao động tự mua hiện vật. Có thể nói lợi ích về vật chất này mang tính thiết thực và người lao động được (hoặc phải) sử dụng, hưởng ngay lợi ích vật chất này mà không được sử dụng cho mục đích cá nhân không liên quan đến công việc của người lao động.
– Mục đích của hoạt động bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động nhằm bù đắp cho các khó khăn, ảnh hưởng mà người lao động đã phải hứng chịu khi làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và động viên người lao động tiếp tục thực hiện công việc của mình: Khi người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, sức khỏe của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mà dù người sử dụng lao động có sử dụng bất kỳ biện pháp gì thì cũng không thể triệt tiêu hoàn toàn khả năng suy giảm sức khỏe của người lao động, cũng như nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Hiện vật bồi dưỡng thường là đồ ăn, đồ uống cũng là nhằm tăng cường sức khỏe cho người lao động, hoặc là đồ dùng sử dụng trong lúc làm việc giúp người lao động giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi. Nếu thay các hiện vật này bằng tiền, thì việc bồi dưỡng mất đi ý nghĩa bù đắp. Do đó, người sử dụng lao động không được bồi dưỡng người lao động bằng tiền thay cho hiện vật trong trường hợp này.
2. Nguyên tắc bồi thường bằng hiện vật cho người lao động
Theo Khoản 2 Điều 24 Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015, có 03 nguyên tắc:
a. Giúp tăng cường sức đề kháng và thải độc của cơ thể
Các hiện vật được người sử dụng lựa chọn để bồi dưỡng cho người lao động có tác dụng giúp người lao động tăng cường sức đề kháng nói chung và thải độc của cơ thể trong trường hợp người lao động làm việc trong môi trường độc hại, dễ nhiễm độc. Các hiện vật này nên là thuốc (có kê đơn từ bác sỹ), thực phẩm chức năng hỗ trợ sức khỏe, đồ ăn tốt cho sức khỏe, giúp tăng miễn dịch, cung cấp các chất cần thiết cho cơ thể như hoa quả, đồ uống như nước ép hoa quả, sinh tố, chè, trà giải độc. Người sử dụng lao động tránh bồi dưỡng bằng những đồ ăn có thể gây hại cho sức khỏe như đồ ăn nhanh, đặc biệt đối với người lao động làm việc trong môi trường dễ bị ảnh hưởng đến tim mạch.
b. Bảo đảm thuận tiện, an toàn, vệ sinh thực phẩm
Hầu hết các trường hợp bồi dưỡng bằng hiện vật đều bằng thực phẩm. Người sử dụng lao động tự mình hoặc phân công người có trách nhiệm mua thực phẩm cho người lao động. Do vậy, người sử dụng lao động có trách nhiệm đảm bảo các điều kiện an toàn, vệ sinh thực phẩm, tránh trường hợp người lao động bị ngộ độc thực phẩm, vì làm việc trong điều kiện nguy hiểm, độc hại thì người lao động đã phải chịu ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, nếu bị ngộ độc thì có thể để lại nhiều di chứng khiến người lao động không còn đủ khả năng thực hiện công việc cũng như mức độ ngộ độc có thể tăng cao hơn so với bình thường. Ngược lại, người sử dụng lao động phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu người lao động bị ngộ độc thực phẩm do hiện vật bồi dưỡng.
c. Thực hiện trong ca, ngày làm việc, trừ trường hợp đặc biệt do tổ chức lao động không thể tổ chức bồi dưỡng tập trung tại chỗ
Người sử dụng lao động tổ chức trực tiếp trao hiện vật bồi dưỡng cho người lao động, vì vậy phải tổ chức thực hiện việc bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động vào các ca, ngày làm việc, khi người lao động đang có mặt tại nơi làm việc, tránh trường hợp khi tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật người lao động không có mặt tại nơi làm việc, người sử dụng lao động không thể phát hiện vật cho người lao động hoặc lợi dụng người lao động không có mặt tại nơi làm việc để trốn tránh trách nhiệm bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động.
Tuy nhiên cũng có trường hợp đặc biệt, do các yếu tố khách quan, người sử dụng lao động không thể tổ chức bồi dưỡng tập trung tại chỗ (ví dụ như dịch Covid-19), trường hợp này người sử dụng lao động có thể sử dụng phương thức phát khác so với thông thường như gửi qua đường bưu điện, chuyển phát hoặc thực hiện sau giờ làm việc trong thời gian mà người lao động có thể có mặt tại nơi thực hiện bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động.
Luật Hoàng Anh