Thế nào là ảnh chân dung bối cảnh (environmental portrait)? Định nghĩa & ví dụ minh hoạ
Cho tới nay, vẫn nhiều anh em quan niệm ảnh chân dung là phải xoá phông. Điều này đúng khi chúng ta cần làm nổi bật chủ thể, đặc biệt là ngoại hình của người được chụp. Tuy nhiên, để người xem biết thêm thông tin về nhân vật trong ảnh và phần nào nói lên tính cách của người đó, các nhiếp ảnh gia sẽ cân nhắc chụp
chân dung bối cảnh
(
environmental portrait
). Bài viết hôm nay sẽ cung cấp cho mọi người định nghĩa và ví dụ minh hoạ của thể loại ảnh chân dung này để anh em có thể tham khảo, đa dạng hoá hơn kiến thức và kinh nghiệm chụp ảnh.
Định nghĩa
Ảnh chân dung bối cảnh là một bức chân dung chụp chủ thể trong không gian hoạt động hoặc sinh hoạt thông thường của họ, chẳng hạn như ở nhà hoặc nơi người đó làm việc, giúp khắc hoạ, làm nổi bật cuộc sống và môi trường sống của họ.
Khi chụp ảnh chủ thể với bối cảnh sống tự nhiên của họ, bạn sẽ thể hiện được bản chất tính cách của nhân vật tốt hơn, rõ ràng hơn thay vì chỉ mô tả các đặc điểm về ngoại hình của họ. Thêm vào đó, khi chụp mọi người trong môi trường tự nhiên của họ, đối tượng được chụp sẽ cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng hơn, vì thế họ có thể thể hiện bản thân mình một cách tự nhiên nhất; trái với việc khi sắp xếp họ ngồi trong studio, nhân vật có thể cảm thấy bị gò ép, dẫn đến biểu cảm gượng gạo, không thật.
Môi trường hoặc hậu cảnh là yếu tố chủ chốt trong ảnh chân dung bối cảnh và được sử dụng để truyền đạt thêm thông tin về nhân vật trong ảnh. Thông thường, nhiều người thích chụp chân dung xoá phông (DOF mỏng), làm mờ hết bối cảnh xung quanh nhân vật thì đối với ảnh chân dung bối cảnh, background là một phần không thể thiếu của bức hình. Khẩu độ nhỏ và DOF dày là những thiết lập cần có đối với thể loại ảnh này.
Ví dụ minh hoạ
Nhiếp ảnh gia người Mỹ, Arnold Newman, được biết tới như “cha đẻ của ảnh chân dung bối cảnh”. Newman đã chụp Eleanor Roosevelt, Pablo Picasso, Frank Lloyd Wright, Golda Meir, Andy Warhol, Marilyn Monroe, Salvador Dali và cựu tổng thống Bill Clinton theo cách riêng của ông. Không có các loại trang phục quá khổ hay studio cứng nhắc trong những bức ảnh của ông. Nhiếp ảnh gia nói rằng ông không có hứng thú với các chi tiết trong background xung quanh chủ thể, ông chỉ quan tâm tới các biểu tượng mà ông có thể tạo ra với các chi tiết đó.
Igor Stravinsky, nhà soạn nhạc. New York, 1946.
Đây là một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất của ông, chụp cho Harper’s Bazzar. Newman giải thích bức hình này không phải về chiếc piano mà là biểu tượng mà chiếc piano đại diện. Tờ tạp chí đã từ chối lấy tấm ảnh này. “Đây là một trong những việc đầu tiên mà tôi làm cho Harper’s Bazaar. Lúc đó Stravinsky đang ở trong phòng khách sạn. Khách sạn là một phần cuộc sống của ông ấy, đương nhiên rồi vì ông ấy di chuyển nhiều, nhưng theo một cách nào đó, tôi cảm thấy chúng không thể đại diện cho ông ấy. Tôi thấy một chiếc piano trong căn hộ của biên tập viên, vì thế tôi đã chụp ông ấy cùng với nó. Chiếc piano mang tính biểu tượng, bạn thấy đấy, bởi vì Stravinsky sáng tác trong đầu ông ấy, không phải là trên chiếc piano. Tuy nhiên, hình dáng của nó đẹp, trông nó giống một nửa nốt nhạc, như nhạc của ông ấy – mạnh mẽ, có tuyến tính, khắc nghiệt nhưng cũng giàu cảm xúc và đẹp đẽ.” Newman chia sẻ với The Boston Globe.
Willem de Kooning, hoạ sĩ. Springs, New York, 1978.
“Bạn sẽ mất đi sự thoải mái và linh hoạt khi có một chiếc máy ảnh quan sát bạn. Một số người sẽ sử dụng máy ảnh để quan sát và để background trống trơn cùng nhân vật ngồi đó, để họ tự bộc lộ bản thân, hoặc kiểu kiểu như vậy. Cách tiếp cận của Arnold hoàn toàn đối lập. Ông ấy sử dụng máy ảnh quan sát để tạo ra một bố cục phù hợp với nhân vật sẽ ngồi đó.” Howard Greenberg, người đã biết Newman rất lâu trước khi trở thành quản lí gallery có trưng bày ảnh của nhiếp ảnh gia, kể.
W. Eugene Smith, nhiếp ảnh gia. New York, 1977.
Robert Moses, người quy hoạch đô thị. Roosevelt Island, New York, 1959
Glenn Gould, nghệ sĩ piano. New York, 1959.
Ngoài ra, anh em có thể tham khảo ảnh của nhiếp ảnh gia người Pháp, Henri Cartier-Bresson, dù được biết đến nhiều với ảnh đường phố nhưng những bức chân dung nhân vật mà ông chụp cũng rất có hồn. Mình lấy ví dụ những tấm hình chân dung bối cảnh mà ông đã chụp:
Lucien Freud, 1977
Louis Pons, 1999
André Pieyre de Mandiargues, 1991
Paul Valery, 1945
François Mauriac, Paris, 1952
Tham khảo Wikipedia, NYTimes, Soskine, Tinhte.vn