Thể loại Truyện Ngắn – Văn học, Tác phẩm văn học kinh điển
Truyện ngắn là thể loại gần gũi với đời sống hằng ngày, súc tích, dễ đọc, lại thường gắn liền với hoạt động báo chí, do đó có tác dụng, ảnh hưởng kịp thời trong đời sống. Nhiều nhà văn lớn trên thế giới và nước ta đã đạt tới đỉnh cao của sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật chủ yếu bằng những truyện ngắn xuất sắc của mình. Truyện ngắn xuất hiện trên một tạp chí xuất bản đầu thế kỉ XIX, pháttriển lên đến đỉnh cao nhờ những sáng tác xuất sắc của văn hào Nga Chekhov và trở thành một hình thức nghệ thuật lớn của văn học thế kỉ XX.
Theo các sách giáo khoa chính thống hiện nay, Truyện ngắn được định nghĩa là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ. Nội dung thể loại của Truyện ngắn bao trùm hầu hết các phương diện của đời sống: đời tư, thế sự hay sử thi, nhưng cái độc đáo của nó là ngắn gọn. Bởi Truyện ngắn được viết ra để đọc liền một mạch. Tuy nhiên, mức độ dài ngắn chưa phải là đặc điểm chủ yếu phân biệt truyện ngắn với các tác phẩm tự sự loại khác (các loại truyện kể dân gian cũng có độ dài tương đương với truyện ngắn). Hình hài của truyện ngắn hiện đại như ta thấy hiện nay là một kiểu tư duy mới, một cách nhìn cuộc đời, một cách nắm bắt cuộc sống rất riêng, mang tính chất thể loại. trong truyện ngắn thường có ít nhân vật, ít sự kiện phức tạp.
Đặc điểm của thể loại truyện ngắn
Truyện ngắn thường tập trung vào một tình huống, một chủ đề nhất định. Trong khi đó tiểu thuyết chứa đựng nhiều vấn đề, phủ sóng được diện lớn của đời sống. Do đó truyện ngắn thường hạn chế về nhân vật, thời gian và không gian. Đôi khi truyện ngắn chỉ là một khoảnh khắc trong cuộc sống.
Truyện ngắn cho người đọc một cái nút, một khúc mắc cần giải đáp. Cái nút đó càng ngày càng thắt lại đến đỉnh điểm thì đột ngột được tháo ra.
Truyện ngắn phải súc tích và ngắn. Dĩ nhiên đây không phải là chuyện dài ngắn đơn thuần, vì một truyện ngắn mười hai trang có thể chứa đựng nhiều ý nghĩa hơn là một cuốn tiểu thuyết bốn trăm trang. Chúng ta đang nói đến một phạm trù khác của các tác phẩm hư cấu nói chung.
Những tác phẩm truyện ngắn tiêu biểu của văn học Việt Nam
Lịch sử phát triển của nền văn học hiện đại và đương đại Việt Nam gắn liền với truyện ngắn. Thế kỉ XX, truyện ngắn Việt Nam phát triển liên tục và vượt trội lên trên tất cả các thể loại, bắt đầu từ những năm hai mươi với sự đóng góp của Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn, Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam, Nam Cao, Kim Lân, Tô Hoài, Bùi Hiển, Vũ Bằng… Từ sau Cánh mạng tháng Tám truyện ngắn có chững lại nhưng vẫn chảy liên tục với tên tuổi: Trần Đăng, Vũ Tú Nam, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng, Vũ Thị Thường, Lê Minh, Nguyễn Minh Châu… Chiến tranh kết thúc, truyện ngắn vượt lên tỏ rõ sự ưu việt của mình trong sự khám phá nghệ thuật đời sống. Nhât là 1986 trở đi, truyện ngắn gần như đã độc chiếm toàn bộ văn đàn, hằng ngày trên các báo và các tạp chí có trên dưới hai mươi truyện ngắn được in.Thực tế ấy đã kích thích mạnh đến việc sáng tác, phê bình – lí luận về truyện ngắn những năm gần đây. Nhiều cuộc thi sáng tác truyện ngắn được khởi xướng. Nhiều cuộc hội thảo đã được mởra và nhiều ý kiến có khi trái ngược nhau cũng đã được trình bày. Điều này chứng tỏ, truyện ngắn đang là thể loại được các nhà văn quan tâm, nỗ lực cách tân bậc nhất. Nguyễn Huy Thiệp đă từng tạo nên một cơn lốc xoáy văn học.
Gần đây không khí văn chương được nóng lên bởi tên tuổi Đỗ Hoàng Diệu (Bóng đè), Nguyễn Ngọc Tư (Cánh đồng bất tận, Nguyễn Huy Thiệp – Tướng về hưu, Nguyễn Quang Lập (Chuyện sót lại ở thung lũng Chớp ri), Y Ban (Bức thư gửi mẹ Âu Cơ), Tạ Duy Anh (Bước qua lời nguyền), Nguyễn Quang Thiều (Mùa hoa cải bên sông), Bảo Ninh (Gió dại).
Đó là Ngô Phan Lưu (Buổi sáng biến mất), Đỗ Bích Thúy (Ngải đắng trên núi), Nguyễn Ngọc Thuần (Bảo vệ), Trần Nhã Thụy (Băng đầu trọc), Nguyễn Ngọc Tư (Sầu trên đỉnh Puvan), Nguyễn Danh Lam (Mưa tháng mười một).