Thể dục Thể thao học gì? Ra trường làm gì?
Ngành Thể dục Thể thao học gì? Ra trường làm gì?
Ngành Thể dục Thể thao là gì?
Một trong những nhu cầu tất yếu hiện nay là về sức khỏe của con người; không dừng tại đó, con người còn có nhu cầu về chăm sóc sắc đẹp thể hình; đó là về mặt cá nhân. Còn đối với xã hội hiện đại, thể dục thể thao là một trong những thước đo thể hiện tầm phát triển của địa phương – của quốc gia đó.
Nói về thể dục thể thao, các bạn có thể hiểu sơ lược là nhóm ngành mà trong đó người học rèn luyện với cường độ cao về mặt thể chất và các kỹ năng liên quan đến hoạt động thể chất. Trong đó bao gồm rất nhiều phương hướng tập luyện cụ thể khác nhau nhưng đều với điểm chung nhất là mức độ thành thục về kỹ năng – sức khỏe và sự thẩm mỹ.
Ngành Thể dục Thể thao học gì?
Quá trình học của ngành Thể dục Thể thao được định hướng ngay từ thời gian đầu bước vào phòng thi. Ngoài việc thi 2 môn văn hóa là Toán, Sinh theo đề thi THPT QG của Bộ GDĐT thì còn phải dự thi môn Năng khiếu.
Trước khi bước vào môn thi năng khiếu các thí sinh phải qua kiểm tra thể hình. Nếu có chiều cao thấp, thiếu cân nặng hoặc có dị tật, dị hình… thí sinh sẽ bị trừ điểm môn Năng khiếu thể thao khi chưa nhân hệ số 2.
Quy định về thể hình khi dự thi vào trường như sau: Có thể hình cân đối, sức khoẻ và thể lực tốt, không bị dị tật, dị hình; đảm bảo học tập và công tác TDTT lâu dài. Chiều cao tối thiểu đối với nam là 165cm, cân nặng: 45kg; đối với nữ là 155cm, cân nặng: 40kg.
Môn thi năng khiếu gồm 2 phần: Phần thi năng khiếu chung và phần thi năng khiếu chuyên môn. Mỗi phần thi có điểm tối đa là 5. Điểm thi môn năng khiếu là tổng điểm của hai phần thi.
A. Phần thi năng khiếu chung:
Thí sinh bắt buộc phải dự thi 2 nội dung sau:
– Bật xa tại chỗ bằng 2 chân (cm): Thí sinh thực hiện 2 lần, lấy thành tích cao nhất. Thí sinh thực hiện đứng tại chỗ bằng 2 chân trên ván giậm nhảy (không vượt qua mép trên của ván) và bật về phía trước (rơi xuống hố cát bằng 2 chân), xác định thành tích từ điểm rơi gần nhất cho tới mép trên của ván giậm nhảy (thước đo vuông góc với ván).
– Chạy luồn cọc (s) (cự ly 30m cả đi và về ): Thí sinh thực hiện 1 lần. Chạy 15m luồn qua 5 cọc; quay lại chạy thẳng về đích (từ vạch xuất phát đến cọc thứ nhất là 7m, mỗi cọc cách nhau 2m). Phạm quy: Không được tính thành tích khi không luồn cọc. Bị trừ 0,25 điểm nếu: Làm đổ 1 cọc.
B. Phần thi năng khiếu chuyên môn:
Thí sinh tự chọn chỉ 1 trong 14 ngành sau:
1. Điền Kinh:
– Bật xa 3 bước tại chỗ (cm): thực hiện 2 lần, lấy thành tích xa nhất. Thí sinh đứng tại chỗ bằng 2 chân trên ván giậm nhảy (không nhảy qua mép trên của ván) và bật về phía trước tiếp đất bằng 1 chân rồi chuyển bước thứ 2 bằng chân kia bước cuối cùng rơi xuống hố cát bằng 2 chân, xác định thành tích từ điểm rơi gần nhất cho tới mép trên của ván giậm nhảy.(thước đo vuông góc với ván)
– Chạy 100m: Thực hiện 1 lần ở tư thế xuất phát cao theo ô chạy.
2. Thể dục:
– Dẻo gập thân (cm): Đứng trên bục cao 50cm gập thân về trước (chân thẳng) với tay sâu xuống dưới, tính độ sâu với được so với mặt bục.
– Ke bụng thang gióng (lần): Nắm tay treo thân ở thang gióng, nâng chân vuông góc với thân, tính số lần tối đa.
3. Bơi lội:
– Bơi 50m 1 kiểu bơi tự chọn, tính thành tích (s).
– Kiểm tra độ dẻo khớp vai:
Cách thức thực hiện: nắm 2 đầu gậy thể dục quay tay từ sau ra trước và ngược lại càng hẹp càng tốt (cm). Yêu cầu không được co khớp khuỷu.
4. Bóng Đá:
– Đá bóng xa trong hành lang 10m (m): Bóng đặt cố định, mỗi thí sinh được đá 2 lần. Thành tích được tính bằng điểm rơi của bóng chạm đất trong hành lang 10m (lấy thành tích tốt nhất trong 2 lần đá). Thí sinh đá bằng bất cứ kỹ thuật nào trừ đá bằng mũi bàn chân.
– Dẫn bóng luồn cọc 30m đi về (s): Trên quãng đường 30m đi về có 2 cọc đặt ở giữa cách nhau 3m. Yêu cầu thí sinh ở 30m đi phải dẫn bóng luồn qua 2 cọc ở giữa, tiếp tục dẫn bóng vòng qua cọc cuối cùng, ở 30m về thì đẩy bóng nhanh về nơi vừa xuất phát (không phải dẫn bóng qua 2 cọc nữa) và chạy nhanh về đích. Bóng phải về đích trước người dẫn. Thực hiện 1 lần, tính thời gian thực hiện.
5. Cầu Lông:
-Phát cầu cao sâu: Thí sinh đứng ở khu vực giữa sân (1,5m vạch phát cầu gần đến giữa sân) thực hiện kỹ thuật phát cầu cao sâu đến đường biên ngang cuối sân đơn bên kia lưới (vào ô chéo). Mỗi thí sinh được phát 03 lần, thành tích tính theo khoảng cách từ điểm rơi của cầu đến đường biên ngang ở lần phát cầu có điểm rơi gần nhất (phía trong sân).
– Đánh cầu cao sâu: Thí sinh đứng ở khu vực cuối sân (1,5m từ đường biên ngang đến giữa sân) tự tung cầu để thực hiện kỹ thuật đánh cầu cao sâu theo đường thẳng đến đường biên ngang cuối sân đơn bên kia lưới. Mỗi người thực hiện đánh cầu 03 lần, thành tích tính theo khoảng cách từ điểm rơi của cầu đến đường biên ngang ở lần cầu rơi gần nhất (phía trong sân). Hành lang đánh cầu được tính bằng ½ sân đơn theo chiều dọc.
6. Bóng Rổ
– Bật với cao có đà (cm): Thí sinh chạy đà thực hiện động tác giậm nhảy lên cao chạm vào bảng có chia các khẩu độ tới cm. Thành tích được tính là độ cao đo được từ mặt đất đến điểm chạm bảng: Thực hiện 02 lần, tính lần bật cao nhất.
– Dẫn bóng 2 bước ném rổ 1 tay trên cao (quả): Thí sinh đứng chếch 45 độ so với bảng rổ, từ ngoài vòng 3 điểm tự dẫn bóng vào thực hiện 2 bước ném rổ 1 tay trên cao. Thực hiện 10 lần tính số quả vào rổ hợp lệ.
7. Bóng Bàn
– Giật bóng thuận tay (Theo đường chéo vào ô 50cm x 50cm ). Thí sinh thực hiện 20 quả giật bóng thuận tay theo đường chéo thuận (có người phục vụ). Thành tích tính theo số quả vào ô (chỉ tính số quả đúng kỹ thuật). Thực hiện 2 lần, lấy lần cao nhất.
– Vụt nhanh trái tay (Theo đường chéo vào ô 40cm x 40cm ): Thí sinh thực hiện 20 quả vụt nhanh trái tay theo đường chéo (có người phục vụ). Thành tích tính theo số quả vào ô (chỉ tính số quả đúng kỹ thuật). Thực hiện 2 lần, lấy lần cao nhất.
8. Bóng Chuyền
– Bật với cao có đà (cm): Thí sinh chạy đà giậm nhảy bằng 2 chân bật với cao chạm tay vào bảng có đánh dấu mức cao thấp khác nhau. Thành tích bật với cao được đo từ mặt đất tới điểm chạm tay cao nhất mà thí sinh đạt được. Mỗi thí sinh được thực hiện 2 lần lấy thành tích lần bật với cao nhất.
– Gõ bóng bật tường (lần): Thí sinh đứng cách tường tối thiểu 2m thực hiện động tác gõ bóng bật tường liên tục 10 lần.Thành tích được tính: số lần gõ bóng đúng kỹ thuật không phạm lỗi, không phạm quy.
Chú ý: Lần gõ bóng không được tính khi: Điểm tiếp xúc gõ bóng thấp hơn trục vai; Phạm lỗi dính bóng hoặc 2 tiếng; Khoảng cách đứng gõ cách tường nhỏ hơn 2m; Thí sinh không gõ bóng liên tục (để rơi bóng không gõ hoặc đang gõ bắt bóng lại coi như đã kết thúc bài thi ).
9. Bóng Ném
– Dẫn bóng tốc độ trên đoạn đường thẳng 30m (s): Được thực hiện 2 lần; Thành tích lấy lần tốt nhất.
– Ném bóng xa có đà trong hành lang 10m (m): Được thực hiện 2 lần; Thành tích lấy lần tốt nhất.
10. Cờ Vua
– Giải bài tập cờ thế chiếu hết sau 2 nước đi: Thời gian thực hiện 2 phút.
Nhiệm vụ: giải bài tập cờ thế chiếu hết trong 2 nước đi, xác định phương án giải đúng (mạnh nhất).
– Ghi nhớ thế cờ: Ghi nhớ 1 thế cờ trong 30 giây. Hết 30 giây, giám thị sẽ đưa ra 1 thế cờ tương tự như thế cờ trước nhưng có 2 quân cờ đã thay đổi vị trí. Yêu cầu trong 30 giây, xác định 2 vị trí đó.
Lưu ý: Nội dung thi được xây dựng dưới dạng trắc nghiệm. Lời giải đúng nhưng với thời gian khác nhau sẽ có mức điểm khác nhau.
11. Võ Thuật
– Đá vòng cầu 20 giây (tính số lần):
*Thí sinh nam: Di chuyển đá vòng cầu hai chân liên tục vào tâm hai đích trong 20 giây. Khoảng cách giữa hai đích đá là 3,4m, chiều cao của đích đá so với mặt thảm là 1,2m.
*Thí sinh nữ: Di chuyển đá vòng cầu hai chân liên tục vào tâm hai đích trong 20 giây. Khoảng cách giữa hai đích đá là 3m, chiều cao của đích đá so với mặt thảm là 1,2m.
Thành tích: Số lần đá vòng cầu hai chân vào hai đích trong 20 giây. (chỉ tính số lần đá vòng cầu đúng kỹ thuật: Đủ lực, trúng đích, không mất thăng bằng hoặc trượt ngã ).
– Phối hợp các kỹ thuật (Tính thời gian): Thí sinh thực hiện kỹ thuật đá vòng cầu, đấm thẳng, đá ngang, đá tống sau, quét trước, lộn xuôi, đá chẻ dọc kết hợp di chuyển theo sơ đồ.
Thành tích: Tính thời gian thực hiện từ lúc có hiệu lệnh thực hiện phối hợp các kỹ thuật di chuyển đến khi trở về chạm đích.
Yêu cầu: Thực hiện các kỹ thuật đá và đấm phải đúng, đủ lực, trúng đích không mất thăng bằng, trượt ngã. Bỏ đích, trượt đích bị trừ điểm.
12. Vật
– Cầu vòng quay 20 giây (vòng): Người thực hiện ở tư thế cầu vòng sấp, đầu tỳ xuống thảm, hai tay chống hai bên hoặc khoá ở phía trước chán. Khi có hiệu lệnh, người thực hiện làm động tác di chuyển chân theo chiều thuận, lật thân thành cầu ngửa sau đó nhanh chóng lật sấp trở về tư thế ban đầu, cứ như vậy thực hiện liên tục trong 20s. Thực hiện với tốc độ tối đa, lưng và gối không được chạm thảm.
Cách tính thành tích: Tính số lần thực hiện đúng yêu cầu trong 20s.
– Thoát bò tại chỗ 20 giây (lần): Người thực hiện ở tư thế bò cao (hai tay chống sấp phía trước). Khi có hiệu lệnh, người thực hiện làm động tác đạp chân phải qua tay trái đồng thời tay trái thu về sát sườn (hông hạ thấp), sau đó trở về tư thế chống sấp và nhanh chóng đổi bên, cứ như vậy thực hiện liên tục trong 20s.Thực hiện với tốc độ tối đa, hông hạ thấp và phải đẩy hết về trước.
Cách tính thành tích: Tính số lần thực hiện đúng theo yêu cầu trong 20s.
13. Bắn Súng
– Bắn súng trường hơi: Quy trình thực hiện: Bắn 10 viên bằng súng trường hơi ở cự ly 10m (tư thế đứng, thời gian 15phút/10viên). Tính tổng số điểm đạt được.
– Giữ súng trên tay 1 phút tính độ ổn định: Quy trình thực hiện: Thí sinh giương súng ở tư thế đứng bắn, điều chỉnh đường ngắm vào bia ở cự ly 10m trong thời gian 1 phút. Dùng máy bắn lasez đo thời gian ổn định súng.
14. Quần Vợt
– Đánh bóng nẩy phải trái (quả): Thí sinh dự thi đứng chuẩn bị ở vị trí trung tâm của đường biên ngang cuối sân đối diện máy bắn bóng ở cuối sân bên kia, di chuyển sang 2 bên theo bóng của máy bắn sang, để thực hiện đánh bóng nẩy phải trái qua sân. (Mỗi thí sinh thực hiện 10 quả liên tục). Thành tích được tính bằng số quả đánh được vào sân.
+ Giao bóng (quả): Thí sinh dự thi đứng ở khu vực giao bóng, giao liên tục 5 quả vào ô bên phải và 5 quả vào ô bên trái. Thành tích được tính bằng số quả giao được vào ô.