Thể chế nhà nước là gì? Nội dung thể chế hành chính nhà nước?
Thể chế nhà nước là gì? Nội dung thể chế hành chính nhà nước?
Thế chế nhà nước với nhiều người còn là khái niệm khó hiểu, tuy nhiên nếu tìm hiểu rõ chúng ta sẽ thấy thể chế nhà nước được thể hiện thông qua hệ thống các nguyên tắc, quy chế được sử dụng để nhằm vận hành bộ máy nhà nước được hiệu quả.
Tổng đài Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7: 1900.6568
1. Thể chế nhà nước là gì?
Thể chế nói chung là gì?
Thể chế bao hàm tổ chức với hệ thống các quy tắc, quy chế được sử dụng để điều chỉnh sự vận hành của tổ chức nhằm đạt được mục tiêu của tổ chức. Theo cách định nghĩa này, thể chế được hiểu theo nghĩa rộng cho mọi tổ chức, đó là cách định nghĩa rộng nhất của từ “thể chế”.
Cũng có thể hiểu thể chế thiên về Nhà nước hơn là các tổ chức khác. Thể chế được hiểu như là hệ thống các quy định do Nhà nước xác lập trong hệ thống văn bản pháp luật của Nhà nước và được Nhà nước sử dụng để điều chỉnh và tạo ra các hành vi và mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân và các tổ chức nhằm thiết lập trật tự kỷ cương xã hội.
Để hạn chế sự nhầm lẫn của thể chế và hệ thống pháp luật, thể chế được hiểu như sau: “Thể chế bao gồm toàn bộ các cơ quan Nhà nước với hệ thống quy định do Nhà nước xác lập trong hệ thống văn bản pháp luật của Nhà nước và được Nhà nước sử dụng để điều chỉnh và tạo ra các hành vi và mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân, các tổ chức nhằm thiết lập kỷ cương xã hội”.
– Thể chế Nhà nước là toàn bộ các văn kiện pháp luật: Hiến pháp, luật, Bộ luật, văn bản dưới luật để tạo thành khuôn khổ pháp luật để Bộ máy nhà nước thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với toàn xã hội, để cá nhân, tổ chức sống và làm việc theo pháp luật.
– Thể chế hành chính Nhà nước là một hệ thống gồm Luật, các văn bản pháp quy dưới luật tạo khuôn khổ pháp lý cho các cơ quan hành chính nhà nước, một mặt là thực hiện chức năng quản lý, điều hành mọi lĩnh vực của đời sống xã hội cũng như cho mọi tổ chức và cá nhân sống và làm việc theo pháp luật; mặt khác là các quy định các mối quan hệ trong hoạt động kinh tế cũng như các mối quan hệ giữa các cơ quan và nội bộ bên trong các cơ quan hành chính nhà nước. Thể chế hành chính nhà nước là toàn bộ các yếu tố cấu thành hành chính nhà nước để hành chính nhà nước hoạt động quản lý Nhà nước một cách hiệu quả, đạt được mục tiêu của quốc gia.
– Thể chế tư là toàn bộ các quy định mang tính quy phạm của các thực thể ngoài Nhà nước để thực hiện chức năng quản lý trong phạm vi các thực thể được duy trì tính kỷ luật trong tổ chức và hoạt động.
– Thể chế Nhà nước
Chủ thể ban hành: Do Nhà nước ban hành (cơ quan Nhà nước có thẩm quyền), mang tính pháp lý, mức độ cưỡng chế cao được đảm bảo bằng hệ thống cưỡng chế đặc biệt. Khuôn khổ quản lý xã hội nói chung là phức tạp và đa dạng
– Thể chế tư :
Chủ thể ban hành: không phải do Nhà nước ban hành. Mang tính quy phạm, tính cưỡng chế thấp, chủ yếu bằng kỷ luật của tổ chức. Khuôn khổ quản lý một tổ chức số lượng và đơn giản hơn.
– Thể chế hành chính nhà nước và thể chế Nhà nước có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Thể chế hành chính nhà nước là một bộ phận của thể chế Nhà nước. Thể chế Nhà nước bao trùm toàn bộ các loại thể chế hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước. Chính vì vậy thể chế hành chính nhà nước phải mang cái đặc trưng cơ bản của thể chế Nhà nước được xây dựng dựa trên các nguyên tắc cơ bản của thể chế Nhà nước. Tuy có mối liên hệ mật thiết nhưng thể chế hành chính nhà nước có những điểm khác biệt với thể chế Nhà nước.
– Thể chế Nhà nước: giới hạn trong hoạt động chấp hành và điều hành liên quan đến các cơ quan thực thi quyền hành pháp. Số lượng ít hơn, nội dung, kém phức tạp hơn.
– Thể chế hành chính nhà nước: Bao trùm hoạt động quản lý Nhà nước liên quan đến tất cả các cơ quan trong bộ Máy nhà nước . Số lượng lớn, nội dung phức tạp.
Thể chế Nhà nước là gì?
Thể chế Nhà nước là toàn bộ các văn bản pháp luật như Hiến pháp, Bộ luật, Luật, văn bản dưới luật… do cơ quan có thẩm quyền ban hành và tạo thành một khuôn khổ pháp luật để Bộ máy nhà nước thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với toàn thể xã hội.
Từ những thể chế nhà nước đó sẽ bắt buộc các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp phải sống và làm việc theo pháp luật, nếu làm sai những quy định đó sẽ có những biện pháp nhằm răn đe, cảnh cáo, xử lý để không được tiếp tục vi phạm.
Ngoài ra khi nhắc đến thể chế nhà nước thì mọi người cũng hay nhắc đến thể chế chính trị. Hiện nay ở Việt Nam thì chúng ta chỉ theo một thể chế chính trị duy nhất đó là tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong quá trình hoạt động thì Đảng cũng có sự liên kết, tương tác chặt chẽ với nhà nước cùng các tổ chức chính trị xã hội như Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Hội liên hiệp phụ nữ, Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên.
– Thể chế nhà nước trong tiếng anh là State Institutions.
– Khái niệm thể chế nhà nước trong tiếng anh được định nghĩa là:
State institutions are all legal documents such as the Constitution, Laws, Laws, sub-law documents…promulgated by competent agencies and form a legal framework for the State apparatus to perform its functions. State management capacity for the entire society.
– Những thuật ngữ tiếng anh thông dụng về chính trị:
Asylum (n) – /əˈsaɪ.ləm/: tị nạn chính trị
Ballot (n) – /ˈbæl.ət/: bỏ phiếu kín
Bill (n) – /bɪl/: dự thảo luật
Bipartisan (n) – /ˌbaɪˈpɑːr.t̬ə.zən/: hai đảng
Campaign (n) – /kæmˈpeɪn/: chiến dịch tranh cử
Coalition (n) -/koʊ.əˈlɪʃ.ən/: sự liên minh
Constitution (n) – /ˌkɑːn.stəˈtuː.ʃən/:hiến pháp
Coup d’état (n) – /ˌkuˌdeɪˈtɑ, -ˈtɑz/: cuộc đảo chính
Democracy (n) – /-ˈmɑː.krə-/: nền dân chủ, chế độ dân chủ
Dictatorship (n) – /dɪkˈteɪ.t̬ɚ.ʃɪp/: chế độ độc tài, nền chuyên chính
Dissolution (n) – /ˌdɪs.əˈluː.ʃən/: sự giải tán, giải thể
Election (n) – /iˈlek.ʃən/: sự bầu cử, sự lựa chọn
Electorate (n) – /iˈlek.tɚ.ət/: toàn bộ cử tri, khu bầu cử
Gerrymander (n) – /ˈdʒer·iˌmæn·dər/: sự sắp đặt chuyên chế ( gian lận dàn xếp lại kết quả bầu cử để thay đổi kết quả)
Government (n) – /ˈɡʌv.ɚn.mənt/: chính phủ, nội các
Grassroots (n) – /ˈɡræs ˈruts/: người dân thường
Human rights (n) – /ˌhjuː.mən ˈraɪts/: nhân quyền
Xem thêm: Thể chế chính trị là gì? Các thể chế chính trị trong hệ thống chính trị Việt Nam?
2. Nội dung thể chế hành chính nhà nước:
Thứ nhất, các yếu tố cấu thành nền hành chính nhà nước
Có nhiều cách định nghĩa về nền hành chính nhà nước, nhưng phổ biến hiện nay cho rằng nền hành chính nhà nước là hệ thống các yếu tố hợp thành về tổ chức (Bộ máy, con người, nguồn lực công) và cơ chế hoạt động để thực thi quyền hành pháp của nhà nước theo qui định pháp luật.
Như vậy, muốn có nền hành chính nhà nước tồn tại cần phải hội đủ các yếu tố sau:
– Thứ nhất, hệ thống thể chế hành chính bao gồm Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh và các văn bản qui phạm về tổ chức, hoạt động của hành chính nhà nước và tài phán hành chính ;
– Thứ hai, cơ cấu tổ chức và cơ chế vận hành của bộ máy hành chính nhà nước các cấp, các ngành phù hợp với yêu cầu thực hiện quyền hành pháp;
– Thứ ba, đội ngũ cán bộ, công chức hành chính được đảm bảo về số lượng và chất lượng để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của nền hành chính;
– Thứ tư, nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất kỹ thuật bảo đảm yêu cầu thực thi công vụ của các cơ quan và công chức hành chính.
Giữa các yếu tố của nền hành chính có mối quan hệ hữu cơ và tác động lẫn nhau trong một khuôn khổ thể chế. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả nền hành chính nhà nước cần phải cải cách đồng bộ cả bốn yếu tố trên.
Hoạt động của nền hành chính nhà nước được thực hiện dưới sự điều hành thống nhất của Chính phủ nhằm phát triển hệ thống và đảm bảo sự ổn định và phát triển kinh tế – xã hội theo định hướng. Trong quá trình đó, các chủ thể hành chính cần thực hiện sự phân công, phân cấp cho các cơ quan trong hệ thống nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo và thế mạnh riêng có của từng ngành, từng địa phương vào việc thực hiện mục tiêu chung của nền hành chính.
Thứ hai, những đặc tính chủ yếu của nền hành chính Nhà nước Việt Nam
Để xây dựng một nền hành chính hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả cần phải hiểu rõ những đặc tính chủ yếu của nền hành chính nhà nước. Những đặc tính này vừa thể hiện đầy đủ bản chất của Nhà nước cộng hòa XHCN Việt Nam, vừa kết hợp được những đặc điểm chung của một nền hành chính phát triển theo hướng hiện đại.
Như vậy nền hành chính Nhà nước Việt Nam có những đặc tính chủ yếu sau:
a) Tính lệ thuộc vào chính trị và hệ thống chính trị
Nguồn gốc và bản chất của một nhà nước bắt nguồn từ bản chất chính trị của chế độ xã hội dưới sự lãnh đạo của một chính đảng. Dưới chế độ tư bản, nhà nước sẽ mang bản chất tư sản, còn dưới chế xã hội do Đảng cộng sản lãnh đạo thì nhà nước mang bản chất của giai cấp vô sản. Cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, Đảng nào cầm quyền sẽ đứng ra lập Chính phủ và đưa người của đảng mình vào các vị trí trong Chính phủ. Các thành viên của Chính phủ là các nhà chính trị (chính khách). Nền hành chính lại được tổ chức và vận hành dưới sự lãnh đạo, điều hành của Chính phủ, vì vậy dù muốn hay không, nền hành chính phải lệ thuộc vào hệ thống chính trị, phải phục tùng sự lãnh đạo của đảng cầm quyền.
Mặc dù lệ thuộc vào chính trị, song nền hành chính cũng có tính độc lập tương đối về hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và kỹ thuật hành chính.
Ở nước ta, nền hành chính nhà nước mang đầy đủ bản chất của một Nhà nước dân chủ xã hội chủ nghĩa “của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân” dựa trên nền tảng của liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam nằm trong hệ thống chính trị, có hạt nhân lãnh đạo là Đảng Cộng sản Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội giữ vai trò tham gia và giám sát hoạt động của Nhà nước, mà trọng tâm là nền hành chính.
b) Tính pháp quyền
Với tư cách là công cụ thực hiện quyền lực nhà nước, nền hành chính nhà nước được tổ chức và hoạt động tuân theo những quy định pháp luật, đồng thời yêu cầu mọi công dân và tổ chức trong xã hội phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Đảm bảo tính pháp quyền của nền hành chính là một trong những điều kiện để xây dựng Nhà nước chính quy, hiện đại, trong đó bộ máy hành pháp hoạt động có kỷ luật, kỷ cương.
c)Tính phục vụ nhân dân
Hành chính nhà nước có bổn phận phục vụ sự nghiệp phát triển cộng đồng và nhu cầu thiết yếu của công dân. Muốn vậy, phải xây dựng một nền hành chính công tâm, trong sạch, không theo đuổi mục tiêu lợi nhuận, không đòi hỏi người được phục vụ phải trả thù lao. Đây cũng chính là điểm khác biệt cơ bản giữa mục tiêu hoạt động của hành chính nhà nước với một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
d) Tính hệ thống thứ bậc chặt chẽ
Nền hành chính nhà nước được cấu tạo gồm một hệ thống định chế tổ chức theo thứ bậc chặt chẽ và thông suốt từ Trung ương tới các địa phương, trong đó cấp dưới phục tùng cấp trên, nhận chỉ thị mệnh lệnh và chịu sự kiểm tra, giám sát của cấp trên. Mỗi cấp hành chính, mỗi cơ quan, công chức hoạt động trong phạm vi thẩm quyền được trao để cùng thực hiện tốt chức năng hành chính. Tuy nhiên, để hạn chế việc biến nền hành chính thành hệ thống quan liêu, thì xác lập thứ bậc hành chính cũng tạo ra sự chủ động sáng tạo, linh hoạt của mỗi cấp, mỗi cơ quan, công chức hành chính để đưa pháp luật vào đời sống xã hội một cách hiệu quả.
e) Tính chuyên môn hoá và nghề nghiệp cao
Hoạt động hành chính của các cơ quan thực thi quyền hành pháp là một hoạt động đặc biệt và cũng tạo ra những sản phẩm đặc biệt. Điều đó được thể hiện trên cả phương diện nghệ thuật và khoa học trong quản lý nhà nước. Muốn nâng cao hiệu lực, hiệu quả hành chính nhà nước, yêu cầu những người làm việc trong các cơ quan hành chính cần phải có trình độ chuyên môn nghề nghiệp cao trên các lĩnh vực được phân công quản lý. Tính chuyên môn hoá và nghề nghiệp cao là đòi hỏi bắt buộc đối với hoạt động quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước và là yêu cầu cơ bản đối với nền hành chính phát triển theo hướng hiện đại.
f) Tính liên tục, tương đối ổn định và thích ứng
Trên thực tế, các mối quan hệ xã hội và hành vi công dân cần được pháp luật điều chỉnh diễn ra một cách thường xuyên, liên tục theo các quá trình kinh tế – xã hội. Chính vì vậy nền hành chính Nhà nước phải hoạt động liên tục, ổn định để đảm bảo hoạt động sản xuất, lưu thông không bị gián đoạn trong bất kỳ tình huống nào.
Hoạt động của nền hành chính nhà nước được thực hiện dưới sự điều hành thống nhất của Chính phủ nhằm phát triển hệ thống và đảm bảo sự ổn định và phát triển kinh tế -xã hội theo định hướng. Trong quá trình đó, các chủ thể hành chính cần thực hiện sự phân công, phân cấp cho các cơ quan trong hệ thống nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo và thế mạnh riêng có của từng ngành, từng địa phương vào việc thực hiện mục tiêu chung của nền hành chính.