Thầy tát tai trò, cô quăng vở học sinh- ngẫm về cái gốc của giáo dục

Lê Thanh Phong

  –  

Thứ bảy, 23/04/2022 13:49 (GMT+7)

Một clip ghi thầy giáo tát nam học sinh hai cái như “trời giáng”, còn một clip ghi lại cảnh cô giáo lần lượt thả từng cuốn sách, cuốn vở của học sinh xuống đất.

Thầy tát tai trò, cô quăng vở học sinh- ngẫm về cái gốc của giáo dục
Cô giáo thả sách vở học sinh xuống đất. Ảnh cắt từ clip

Hai clip trên gây “sốc” dư luận, có nhiều người lên tiếng phẫn nộ vì hành động phản giáo dục của hai thầy cô này.

“Sốc” vì vừa mới xảy ra vụ ép học sinh học yếu không được thi lớp 10. “Sốc” vì có những vụ học sinh phản ứng tiêu cực vì áp lực học hành. “Sốc” vì thầy giáo bắt học sinh ăn thức ăn trong thùng rác. “Sốc” vì quá nhiều chuyện cho thấy ngành giáo dục đang bị “bệnh thành tích” quá nặng, nhưng không chịu chữa chạy, thuốc thang.

Ông Ngô Đăng Thành – Trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai – xác nhận 2 đoạn clip trên mạng xã hội về việc một thầy giáo và một cô giáo thuộc trường THCS Ngô Thời Nhiệm, huyện Định Quán. Dự kiến, ngày 26.4, hội đồng kỷ luật sẽ họp để quyết định hình thức kỷ luật.

Xét cho công bằng, ngành giáo dục bị bệnh thành tích rất nặng, nhưng trách nhiệm “bệnh tật” có phải chỉ của giáo viên!?

Xét cho công bằng, đa số thầy cô giáo đều tận tâm với nghề, yêu nghề, yêu học trò.

Nhưng chính vì chạy theo những mệnh lệnh về thi đua, thành tích, nên thầy cô cũng bị áp lực. Và đôi khi, áp lực đó đổ xuống đầu của học sinh. “Giận cá, chém thớt”.

Về những trường hợp vừa xảy ra, thầy cô có hành động không đúng cũng đã thấy mình có lỗi. Như trường hợp thầy Đ, Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển (phường 1, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau), nhận thấy cách cư xử đối với học sinh là chưa đúng, nên đã xin lỗi học sinh và phụ huynh.

Thầy giáo đã xin lỗi học trò của mình và phụ huynh, chắc là thầy buồn lòng lắm, không nên nặng lời nữa.

Đối với hai thầy và cô ở trường THCS Ngô Thời Nhiệm, huyện Định Quán, hy vọng sẽ có cách giải quyết phù hợp để phụ huynh học sinh hài lòng, giáo viên cũng rút kinh nghiệm.

Từ những vụ việc trên cho thấy ngành giáo dục đang tồn tại nhiều vấn đề, dẫn đến những bệnh tật về tâm lý trong học sinh, và đương nhiên, giáo viên cũng không tránh khỏi. Những căn bệnh đó là di chứng từ bệnh thành tích.

Cha mẹ dạy con cái mà mắng chửi, thượng cẳng tay, hạ cẳng chân là bất lực trong giáo dục. Thầy cô dạy học trò mà mắng chửi, tát tai là sự bất lực trong cách dạy dỗ của mình.

Nếu ngành giáo dục để xảy ra nhiều trường hợp như vậy, thì đó cũng là sự bất lực trong giáo dục của ngành giáo dục.