Thay đổi cách dạy và học khi Lịch sử trở thành môn bắt buộc ở cấp THPT trong chương trình mới
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành kế hoạch xây dựng, điều chỉnh chương trình Lịch sử phần bắt buộc với thời lượng 52 tiết/năm ở bậc THPT để kịp thời triển khai ngay trong năm học 2022-2023. Nhiều ý kiến cho rằng, để tạo hứng thú cho học sinh, cần nâng cao chất lượng dạy và học khi Lịch sử là môn bắt buộc ở bậc THPT trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới.
Chương trình GDPT mới ban hành năm 2018 được chia làm hai giai đoạn gồm giáo dục cơ bản (lớp 1 đến 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (lớp 10 đến 12). Lịch sử là môn bắt buộc trong giai đoạn cơ bản, cung cấp kiến thức phổ thông, cốt lõi về toàn bộ lịch sử thế giới và Việt Nam. Đến giai đoạn định hướng nghề nghiệp (cấp THPT), chương trình chỉ yêu cầu học bảy môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.
Với cách thiết kế này, Lịch sử là môn lựa chọn, học sinh được tùy chọn học hay không theo sở thích và định hướng nghề nghiệp. Mặc dù đã được thông qua từ năm 2018 nhưng khi đưa vào triển khai, bắt đầu với lớp 10 từ năm học 2022-2023, chương trình vấp phải nhiều tranh cãi liên quan đến môn Lịch sử. Các ý kiến phản đối xuất phát từ lo ngại rằng, đưa Lịch sử thành môn tự chọn ở cấp THPT sẽ khiến học sinh quên kiến thức lịch sử, ảnh hưởng đến nhận thức và lòng yêu nước của các thế hệ tiếp theo. Trên một số diễn đàn giáo viên và nhà quản lý giáo dục, nhiều ý kiến băn khoăn, việc đưa Lịch sử vào môn tự chọn sẽ rất ít em lựa chọn bởi lâu nay học sinh vốn đã “sợ” môn Lịch sử…
Cần nâng cao chất lượng dạy học môn Lịch sử khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh minh hoạ
Tại Phiên họp toàn thể ngày 22/5, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thống nhất đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp thu ý kiến các tầng lớp nhân dân, đội ngũ chuyên gia lịch sử, các đại biểu Quốc hội, quy định môn học Lịch sử cấp THPT trong Chương trình GDPT 2018 là môn học bắt buộc. Nghị quyết Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khoá XV về lĩnh vực giáo dục đào tạo ban hành vào tháng 6/2022 cũng yêu cầu, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đại học; triển khai có hiệu quả Chương trình GDPT 2018, trong đó tăng cường công tác tuyên truyền về triển khai chương trình này; đổi mới căn bản và toàn diện phương pháp dạy và học, đặc biệt môn học Lịch sử. Nghiên cứu ý kiến cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội, thiết kế môn Lịch sử trong chương trình giáo dục cấp THPT, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh.
Việc Bộ GD&ĐT ban hành quyết định điều chỉnh chương trình Lịch sử bắt buộc ở bậc THPT với thời lượng 52 tiết là nhằm cụ thể hoá Nghị quyết của Quốc hội. Theo quyết định mới ban hành, Bộ GD&ĐT xây dựng, lựa chọn, điều chỉnh, thẩm định chương trình Lịch sử cấp THPT phần bắt buộc với thời lượng 52 tiết/năm học (lớp 10, lớp 11, lớp 12) để dạy cho tất cả học sinh ở bậc THPT. Cùng đó, biên soạn, thẩm định tài liệu tập huấn thực hiện chương trình Lịch sử bắt buộc; tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán các Sở GD&ĐT về hướng dẫn thực hiện chương trình Lịch sử phần bắt buộc 52 tiết đối với lớp 10, lớp 11, lớp 12. Thời lượng 52 tiết Lịch sử bắt buộc/năm học đối với học sinh lớp 10, 11 và 12 là không ít hơn so với chương trình hiện hành.
Ngoài 52 tiết bắt buộc/năm ở cấp THPT mà tất cả các học sinh đều phải học, Lịch sử cũng nằm trong nhóm môn học lựa chọn (học sinh nào có mong muốn học thêm) ở cụm môn Khoa học xã hội (gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật). Ở phần nội dung tự chọn này, các chuyên đề, chủ đề của môn Lịch sử cấp THPT là những nội dung chuyên sâu, giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn các nội dung cơ bản ở cấp THCS. Như vậy, với sự điều chỉnh này, từ môn học được thiết kế tự chọn, Lịch sử đã trở thành môn học vừa có phần bắt buộc với thời lượng 52 tiết, vừa có phần tự chọn ở bậc THPT trong chương trình GDPT mới.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc Bộ GD&ĐT quyết định chỉnh sửa lại Chương trình GDPT mới, đưa môn Lịch sử về đúng với vị trí, vai trò của nó; xác định Lịch sử là môn học chính khóa, bắt buộc trong chương trình THPT đã tiếp tục làm rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc dạy-học môn Lịch sử.
Tuy nhiên, để học sinh hào hứng với môn học này, theo các chuyên gia, phải thay đổi cách dạy và học. Điều này đòi hỏi đội ngũ giáo viên môn Lịch sử cần phát huy tinh thần sáng tạo, không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng giảng dạy môn Lịch sử, thay đổi cách đánh giá, kiểm tra đối với môn Lịch sử. Bởi lẽ từ trước đến nay, dù Lịch sử luôn là môn học bắt buộc, đóng vai trò quan trọng trong Chương trình GDPT. Tuy nhiên, do khối lượng kiến thức nhiều cùng cách truyền tải chưa hấp dẫn khiến nhiều học sinh chưa thật sự hứng thú với môn học này. Kết quả là trong các kỳ thi, điểm Lịch sử luôn đứng ở vị trí “đội sổ” so với các môn học nói chung, các môn trong tổ hợp Khoa học xã hội nói riêng.