Thầy cô có được mắng chửi học sinh?
Giáo viên mắng chửi học sinh bị xử lý như thế nào? Phải làm gì khi bị giáo viên mắng chửi mà mình không có lỗi. Tư vấn pháp luật qua tổng đài điện thoại trực tuyến 19006165
Tôi có sự việc này mà suy nghĩ đọc tài liệu mãi vẫn rất phân vân, nên viết thư nhờ luật sư tư vấn sự việc như sau: Chỉ vì gần 30 em học sinh từ các lớp trong trường THPT (lớp 10,11,12) các em không tham gia bảo hiểm y tế năm học 2015-2016 mà bị thầy Hiệu Trưởng gọi hết 30 học sinh xuống văn phòng nhà trường và có mặt của 4 thầy giáo chủ nhiệm. Thầy hiệu trưởng chỉ thẳng tay vào mặt học sinh và nói: Không nộp bảo hiểm y tế thì gạch tên khỏi danh sách lớp! Không nộp bảo hiểm y tế thì không phải là học sinh! Không nộp bảo hiểm y tế thì từ mai không phải đến trường nữa!… và hỏi học sinh: Các em không đóng bảo hiểm y tế là các em ăn bám các bạn khác đóng bảo hiểm y tế, vậy các em có thấy nhục không? Nhục không? ko có tiền đóng thì về xã xin giấy hộ nghèo để xã đóng cho; Thật sự tất cả các em học sinh và 4 thầy giáo đều rất buồn, sốc…..Một thầy hiệu trưởng mà làm vậy, thì giáo dục gì? Tôi muốn hỏi giờ thầy hiệu trưởng phủ nhận là ko được nói vậy. vì ko ghi âm lại được, nhưng giờ 30 học sinh viết bản tường trình, và thầy giáo nữa thì có xử lý được thầy hiệu trưởng ko? Và có vi phạm điều 121 luật hình sự không? Tôi xin tư vấn của luật sư! Cảm ơn luật sư!
Trả lời
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn về AZLAW, luật sư chúng tôi có ý kiến tư vấn về thắc mắc của bạn như sau
Về việc tham gia bảo hiểm của đối tượng học sinh
Theo quy định của Luật bảo hiểm y tế đã được sửa đổi năm 2014, học sinh là đối tượng bắt buộc phải tham gia bảo hiểm y tế và được nhà nước hỗ trợ đóng. Mức đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở do đối tượng tự đóng và được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng. Riêng đối với người thuộc hộ gia đình nghèo, người thuộc hộ gia đình cận nghèo được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng. Tuy nhiên, việc Hiệu trưởng gọi 30 học sinh và các thầy cô giáo chủ nhiệm để mắng mỏ kèm theo những lời lẽ như trình bày trên đây của Quý bạn là hoàn toàn không phù hợp với các quy tắc đạo đức nhà giáo. Hành vi làm nhục người khác có thể bị truy cứu cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 155 Tội làm nhục người khác. Như vậy trong trường hợp bạn hỏi, cần phải xem xét kỹ mới có thể kết luận rằng Hiệu trưởng vi phạm Điều 155 Bộ luật hình sự hay không? Tuy nhiên thầy hiệu trưởng đã vi phạm Khoản 1, Điều 75 Luật Giáo dục:
Điều 75. Các hành vi nhà giáo không được làm
Nhà giáo không được có các hành vi sau đây:
1. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của người học.
2. Gian lận trong tuyển sinh, thi cử, cố ý đánh giá sai kết quả học tập, rèn luyện của người học.
3. Xuyên tạc nội dung giáo dục.
4. Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền.
Nếu Hiệu trưởng có hành vi vi phạm Điều 75 Luật Giáo dục sẽ bị xử lý theo Nghị định 138/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục cụ thể như sau:
Điều 21. Vi phạm quy định về kỷ luật người học, ngược đãi, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người học
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi kỷ luật buộc người học thôi học không đúng quy định.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ngược đãi, xâm phạm thân thể người học.
3. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ giảng dạy từ 1 tháng đến 6 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy bỏ các quyết định trái pháp luật và khôi phục quyền học tập của người học đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này.
Các học sinh và giáo viên có thể làm bản tường trình về các hành vi của Hiệu trưởng, đây là căn cứ để chứng minh Hiệu trưởng vi phạm quy định tại Điều 75 Luật Giáo dục. Các tài liệu trên gửi về Thanh tra Sở giáo dục để được xử lý theo quy định pháp luật.