Thành tích và bệnh ngụy thành tích trong giáo dục

GDVN- Thành tích là sự ghi nhận nỗ lực thực chất thì bệnh ngụy thành tích là người ta chỉ xem trọng về lượng mà không có chất, khiến người ta trở nên lừa lọc, dối trá.

Trong lĩnh vực giáo dục, phong trào thi đua, ghi nhận thành tích được xem như một cách để tạo động lực học tập cho học sinh.

Tuy nhiên, điều khiến chúng ta lo lắng là, chính cách thức tổ chức các phong trào thi đua, vinh danh thành tích đã khiến mọi người quên đi giá trị thực của thành tích cũng như mục tiêu cốt yếu của giáo dục.

Chia sẻ vấn đề này với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Ngô Thành Nam – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khai Nguyên (Thành phố Hồ Chí Minh), Cố vấn học tập Microsoft khẳng định: “Ranh giới giữa thành tích và bệnh thành tích là vô cùng mong manh, cần làm rõ hai yếu tố này.

Khi chưa đủ thành tích như mong đợi lại kèm theo một kì vọng nào đó thì người ta như có thêm chất xúc tác để mang trong mình căn bệnh thành tích”.

Bệnh ngụy thành tích khiến con người dễ rơi vào ảo tưởng, lừa lọc, dối trá

Theo quan điểm của thầy Ngô Thành Nam, thành tích là những kết quả mà cá nhân hoặc tổ chức đạt được bằng thực chất và sự nỗ lực hết sức của bản thân.

Ở mỗi giai đoạn, tùy thuộc vào mục tiêu giáo dục mà yêu cầu dành cho thành tích sẽ có sự thay đổi hoặc cập nhật thêm. Với đặc trưng ngành nghề thì ngành giáo dục luôn cần có các phong trào thi đua để động viên tinh thần của các cá nhân, các đơn vị.

Tuy nhiên, nếu cứ chạy đua theo thành tích, con người sẽ dễ quên đi giá trị thực của thành tích cũng như mục tiêu cốt yếu của giáo dục.

Thành tích và bệnh ngụy thành tích trong giáo dục ảnh 1

“Thành tích và bệnh thành tích là hai yếu tố mà chúng ta cần làm rõ. Nếu như thành tích là sự ghi nhận các nỗ lực thực chất thì bệnh thành tích khiến cho người ta chỉ xem trọng về lượng mà không đảm bảo về chất, khiến người ta dễ ảo tưởng, lừa lọc, dối trá.

Tuy vậy, ranh giới giữa thành tích và bệnh thành tích lại vô cùng mong manh”, thầy Ngô Thành Nam phân tích.

Để phân biệt rõ hai yếu tố này trong giáo dục, thầy Nam đã nêu ra những ví dụ minh họa cụ thể.

Khi một đơn vị giáo dục biết tự nâng cao năng lực giảng dạy của giáo viên, cải thiện cơ sở vật chất, …để từ đó nâng cao được chất lượng giáo dục của đơn vị mình tốt hơn so với năm trước thì đó chính là thành tích, thành tích đạt được từ những nỗ lực thực chất.

Tuy nhiên, nếu một trường học chỉ tập trung vào việc làm sao kết quả báo cáo phải vượt trội, đạt được chỉ tiêu cao mà không quan tâm đến biện pháp cải thiện chất lượng, bằng mọi giá đạt thành tích và dẫn đến các hành vị thiếu trung thực, thiếu dân chủ,..thì đó chính là bệnh thành tích.

“Đã là bệnh, không ít thì nhiều đều gây tác hại đến người mang bệnh. Có vô số câu chuyện từ nhỏ đến lớn về bệnh thành tích đã được chia sẻ nhưng bản thân tôi vẫn nhớ mãi sự việc xảy ra trong đợt thi giáo viên giỏi ở một địa phương phía Bắc đầu năm 2019. Những học sinh có học lực yếu phải ở nhà để tránh ảnh hưởng đến tiết dạy đánh giá.

Trong vai trò của một người thầy đã từng đứng trên bục giảng, tôi hiểu rằng các thầy cô trong sự việc trên có những nỗi niềm riêng mà đôi khi không biết ngỏ cùng ai.

Còn nhiều, rất nhiều câu chuyện nữa về bệnh thành tích mà sâu xa hơn là chúng ta đang dạy cho học sinh sự gian dối và người lớn chúng ta đang gian dối lẫn nhau”, thầy Nam chia sẻ.

Thầy Ngô Thành Nam cũng chia sẻ kết quả khảo sát của nhóm Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam về “Bệnh thành tích” trong giáo dục.

Khảo sát đã thực hiện ở 8 trường trên địa bàn 4 tỉnh, thành phố cho ra kết quả 97,7% người khẳng định có “bệnh thành tích” trong giáo dục.

Thầy Nam cho biết: “Điều này khẳng định rằng bệnh thành tích không có gì xa lạ và dường như ai cũng biết, cũng thấy nhưng trị căn bệnh này thì chưa được thực hiện dứt điểm.

Biểu hiện của bệnh thành tích trong giáo dục nhiều vô kể và không quá khó để nhận diện căn bệnh này. Đó là sự thiếu trung thực trong học tập, giảng dạy, trong kiểm tra đánh giá; là sự thiếu dân chủ trong việc bình bầu hay là sự che dấu sai phạm, yếu kém,…”.

Cần đánh giá thành tích phù hợp với mục tiêu giáo dục

Thầy Ngô Thành Nam cho rằng, việc ghi nhận thành tích để tạo động lực cho học sinh là phù hợp nhưng không được cổ xúy việc tạo cho học sinh và cả người lớn tư duy phải đạt được thành tích cao bằng mọi giá.

Tạo động lực cho người học là một việc làm cần thiết và đáng được khuyến khích. Tuy nhiên, động lực đó là gì thì cần nghiêm túc nhìn nhận để có cách triển khai phù hợp.

Thành tích và bệnh ngụy thành tích trong giáo dục ảnh 2

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, động lực để học sinh tham gia vào quá trình học tập là học để làm, học để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn, đó là mục tiêu dài hạn. Muốn phát triển bền vững thì mục tiêu của quá trình học tập phải là học để phục vụ cuộc sống và ứng dụng vào thực tế.

Đối với việc thi học sinh giỏi các cấp như hiện nay, hầu hết học sinh, giáo viên, nhà trường đều xuất phát từ động lực học để thi, học để giành giải thưởng, đó là mục tiêu ngắn hạn và không có nhiều ý nghĩa.

Việc công nhận thành thích thường được thực hiện thông qua thi cử, kiểm tra đánh giá. Vì vậy, ngành giáo dục cần thực hiện một cách thực chất các nội dung này để việc đánh giá thành tích phù hợp với mục tiêu giáo dục.

Hiện nay, nội dung giảng dạy tập trung vào việc phát triển phẩm chất, năng lực người học. Chính vì thế, xu hướng đánh giá trong giáo dục cũng cần dựa theo năng lực người học. Đánh giá năng lực nhằm giúp giáo viên có thông tin kết quả học tập của học sinh để điều chỉnh hoạt động giảng dạy, giúp học sinh điều chỉnh hoạt động học tập.

“Theo tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có nhiều quy định mới để việc đánh giá thật sự có ý nghĩa. Điển hình đó là sự ra đời của các thông tư 30/2014/TT-BGDĐT và Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT.

Tinh thần của các thông tư rất rõ ràng và tiến bộ nhưng khi đem vào áp dụng thì nhiều đơn vị, giáo viên lại vô tình tạo ra tiêu cực đáng buồn.

Không ít trường hợp giáo viên chủ nhiệm đi xin điểm đồng nghiệp là các giáo viên bộ môn để học trò của mình được xếp loại cao trong học tập.

Hiện nay, ngành giáo dục vừa tiếp nhận thông tư 27/2020/TT-BGDĐT với một số điểm mới liên quan đến công tác đánh giá. Tôi hy vọng việc đánh giá sẽ được thực hiện một cách chính xác, trung thực”, thầy Nam chia sẻ.

Chia sẻ về mục tiêu và cách đánh giá thành tích tại trường Tiểu học Khai Nguyên, thầy Nam cho biết, thành tích không phải là mục tiêu chính hướng đến cho cả nhà trường lẫn giáo viên và học sinh.

Với triết lý giáo dục Khai phóng, trường Khai Nguyên mong muốn tạo ra một thế hệ học sinh là những con người tự do, dám sáng tạo, chủ động kiến tạo tri thức, để các em tìm thấy niềm vui trong học tập và trở thành những con người hạnh phúc.

Chính vì thế, trong các tiêu chí đánh giá giáo viên, nhà trường không đưa nội dung về thành tích học sinh vào dù tiêu chí này chiếm một tỉ trọng nhỏ nhưng căn bệnh thành tích hoàn toàn có thể xảy ra.

“Để chữa trị được bệnh thành tích là việc không dễ và đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bộ phận liên quan.

Điều quan trọng là thay đổi tư duy của cán bộ quản lý trong việc xây dựng trường học: cần hình thành tư duy nói không với bệnh thành tích, tôn trọng sự phát triển thực chất của học sinh.

Việc đánh giá thành tích của nhà trường, giáo viên thông qua thành tích của học sinh cũng nên được thay bằng việc tạo hứng thú học tập cho học sinh cũng như việc dạy làm học làm người, khả năng thích ứng trong xã hội tương lai.

Thay vì đầu tư tiền của cho các lò luyện, nhà trường hãy nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cải thiện cơ sở vật chất để học sinh có điều kiện trải nghiệm quá trình học tập của mình nhiều hơn”, thầy Nam khẳng định.

Phạm Minh