Thành phố thông minh – đô thị xanh: Tương lai đang đến gần!

(HNM) – Khái niệm thành phố thông minh xuất hiện ở Việt Nam vài năm gần đây, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương… đã bước đầu triển khai. Tuy nhiên, với đại đa số người dân, thành phố thông minh vẫn là một khái niệm mới mẻ. Vậy, thành phố thông minh là gì? Thành phố thông minh có vai trò gì trong tiến trình phát triển của thành phố hơn 1.000 năm tuổi, sẽ vận hành ra sao trong xu thế hội nhập và tác động như thế nào đến nền kinh tế tri thức? Người Hà Nội, chủ thể của thành phố thông minh có trách nhiệm ra sao và sẽ phải làm gì để xây dựng những tiện ích thông minh cho thành phố tương lai?… Rất nhiều vấn đề cần đặt ra cho thành phố thông minh – thành phố xanh – một tương lai đang đến rất gần.

1. Không xa lạ bởi nhiều thành phố lớn tại các quốc gia có nền công nghiệp phát triển đã sử dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân. Họ đã xây dựng nhiều mô hình thành phố thông minh dưới những cái tên thành phố tương lai, thành phố sinh thái. Thế nhưng thành phố thông minh vẫn là một khái niệm hết sức trừu tượng. Mỗi nhà quản lý đô thị, mỗi kỹ sư công nghệ từ lăng kính của mình đều có thể đưa ra các khái niệm khác nhau.

Thành phố thông minh là thành phố có thể sử dụng dữ liệu tiện ích để cải thiện mức độ hài lòng của cư dân; thành phố thông minh là thành phố giàu thông tin, được kết nối trong một mạng lưới hạ tầng đô thị và dịch vụ đầy đủ, năng động và an toàn… Có người so sánh thành phố thông minh với buổi bình minh của chiếc máy tính cá nhân, ban đầu được xem như một công cụ hữu ích thay thế cho máy chữ và rồi khả năng xử lý mạnh dần lên với nhiều tính năng phong phú, trở thành thiết bị quan trọng trong đời sống nhân loại, là cổng thông tin mở ra thế giới internet rộng lớn. Và, có thể hiểu một cách đơn giản, thành phố thông minh là nơi mà công nghệ thông tin và truyền thông được ứng dụng vào mọi hoạt động, đem lại hiệu quả trong quản lý nhà nước, trong phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao chất lượng sống của cộng đồng cư dân.

Mỗi cách tiếp cận sẽ mang đến cái nhìn khác nhau, nhưng tựu trung, một thành phố chỉ thực sự được coi là thông minh khi hội tụ được ba yếu tố: Hạ tầng hiệu quả, phát triển bền vững, môi trường sống thân thiện. Và thành phố thông minh được hình thành trên các tiêu chí: Nền kinh tế thông minh, di chuyển thông minh, cư dân thông minh, môi trường thông minh, quản lý đô thị thông minh và cuộc sống thông minh. Mặt khác, thành phố thông minh không chỉ có các kết nối, mà còn có những công trình xanh, đạt hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng, vật liệu, giảm thiểu tác động đến môi trường.

2. Một số thành phố lớn trên thế giới như New York (Mỹ), Amsterdam (Hà Lan), Tokyo (Nhật Bản), Thượng Hải (Trung Quốc) đã triển khai các dự án thành phố thông minh từ những năm cuối của thế kỷ trước. Bên cạnh việc tích hợp các yếu tố thông minh vào việc quản lý, vận hành đô thị sẵn có, nhiều mô hình thành phố thông minh – thành phố tương lai đã ra đời với mục tiêu khác nhau, nhưng có một điểm chung là đều ăm ắp những ý tưởng thú vị về ứng dụng công nghệ thông tin như: New Songdo City của Hàn Quốc hay Fujisawa Sustainable Smart Town của Nhật Bản.

Và ở khu vực Đông Nam Á, thành phố Putrajaya của Malaysia được giới quy hoạch kiến trúc đánh giá là một công trình đô thị tiêu biểu cho sự kết hợp giữa công nghệ và các yếu tố văn hóa truyền thống – nơi công nghệ thông tin tồn tại song song với những vườn cây, những công trình văn hóa, tín ngưỡng. Dọc đại lộ Putra – trục xương sống của thành phố là những công sở, những tòa nhà khổng lồ phủ bóng cây xanh, ngập tràn hoa lá, những trung tâm thương mại cũng dịu mát một màu xanh của cây. Người Malaysia tự hào với thành phố có tới 40% diện tích dành cho cây xanh và mọi công trình hành chính, trường học, bệnh viện, rạp chiếu phim đều gắn với hai chữ “thông minh”, được quản lý bằng những ứng dụng công nghệ tin học tiên tiến nhất. Và nữa, mỗi cư dân thành phố được cấp một chiếc thẻ từ (lưu trữ các thông tin cá nhân như nhóm máu, thông tin công việc, tài chính…) để sử dụng thay chìa khóa cho mọi cánh cửa ở siêu thị, rạp hát… Trẻ con học hoàn toàn trên máy vi tính. Chuyện làm bài, trả bài của học sinh, thông tin liên lạc giữa nhà trường và các phụ huynh đều qua hệ thống này…

Có thể nói Malaysia và nhiều quốc gia trên thế giới đã rất thành công trong việc xây dựng những thành phố hiện đại, hòa hợp cùng các yếu tố truyền thống; đồng thời đáp ứng xu hướng mới trong phát triển đô thị – những đô thị xanh và nền kinh tế tri thức mà nhân loại đang hướng tới như một tất yếu trong tiến trình phát triển.

3. Hội nhập trong một thế giới phẳng toàn cầu hóa, trong bối cảnh nhân loại đang phải đối mặt với cơn thịnh nộ của bà mẹ thiên nhiên (biến đổi khí hậu, thời tiết bất thường, úng ngập, hạn hán…), Việt Nam không thể đứng ngoài sự vận động của thế giới trong tiến trình phát triển bền vững. Như vậy, với Hà Nội nói riêng cũng như các đô thị trên dải đất hình chữ S nói chung, việc xây dựng các thành phố thông minh – đô thị xanh là lựa chọn tất yếu.

Thực tế, thành phố thông minh – đô thị xanh không phải là câu chuyện mới với Hà Nội. Trong Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 có một nội dung quan trọng là ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển hạ tầng đô thị thông minh. Và một đề án với mục tiêu: Xây dựng Hà Nội thành “thành phố thông minh hơn” với trọng tâm là chính quyền điện tử hiệu quả trong quản lý điều hành; phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, giao thông… hướng tới hình thành và phát triển kinh tế tri thức đã hình thành. Triển khai đề án này, thành phố đã đưa ra hàng loạt giải pháp như: Xây dựng môi trường pháp lý, chính sách tài chính, thu hút đầu tư, hợp tác trong nước và quốc tế…

Có thể hiểu rằng, thành phố thông minh là một bước trên lộ trình hình thành nền kinh tế tri thức. Và để tạo nền tảng cho một thành phố thông minh, Hà Nội đặt trọng tâm vào việc xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới mục tiêu cung cấp dịch vụ công nhanh hơn, hiệu quả hơn; đồng thời thúc đẩy sự tương tác giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước của thành phố. Đương nhiên cùng với đó sẽ phải giải quyết hàng loạt vấn đề như: Xây dựng dữ liệu sử dụng chung, đào tạo tạo nguồn nhân lực…

Ý tưởng về một thành phố thông minh đang từng bước đi vào đời sống. Thành phố đã bắt đầu vận hành hệ thống dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 tại toàn bộ các phường thuộc 10 quận, trong tương lai gần sẽ là toàn bộ các xã, phường; hệ thống giám sát giao thông cũng đang được “thông minh hóa” cùng hàng loạt camera được lắp trên nhiều tuyến phố trong khu vực nội đô…, và trong năm học tới, Hà Nội sẽ quản lý học sinh bằng học bạ điện tử. Đặc biệt, đề án trồng 1 triệu cây phủ xanh thành phố đang được triển khai rộng khắp đã mang lại hiệu quả hết sức tích cực… Rất nhiều việc Hà Nội đã làm và câu chuyện thành phố hơn một nghìn năm tuổi sẽ trở thành một thành phố thông minh – đô thị xanh đang đến rất gần là vì vậy.

Mục tiêu cao nhất của việc tạo dựng thành phố thông minh – đô thị xanh là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trước sức ép đô thị hóa và biến đổi khí hậu. Như vậy, người dân chính là chủ thể thụ hưởng những lợi ích đó. Mặt khác, cũng cần nhận thức rõ: Thành phố chỉ thật sự thông minh khi có những công dân thông minh và chỉ xanh khi mỗi công dân có ý thức tạo dựng và gìn giữ không gian xanh cho thành phố.