Thanh niên xung phong trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ

Thực hiện quyết định của Bác Hồ, các đoàn cán bộ tuyển quân về các tỉnh, chủ yếu là: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Ðược sự chỉ đạo của Liên khu ủy IV và các Tỉnh ủy, 600 cán bộ từ cấp huyện trở lên được điều động lập thành các bộ khung đại đội. Những ngày vận động tuyển quân, không khí trong các làng xã vô cùng sôi động, hàng chục nghìn thanh niên nô nức tình nguyện gia nhập TNXP và ngày lên đường vui như ngày hội.

Tuyển quân đến đâu thành lập đơn vị và đặt phiên hiệu đến đó, cứ 200 người lập thành một đại đội, hành quân đến địa điểm tập kết. Tổ chức học điều lệ, nội quy, các bài viết của Bác về TNXP… Sau khi nhận hàng, quân trang, lương thực, thực phẩm, các đơn vị TNXP lần lượt lên đường theo hướng Tây Bắc, cứ bốn ngày hành quân về ban đêm lại nghỉ một ngày. Suốt chặng đường dài 300 đến 400 km (tính từ Hà Tĩnh khoảng 600 đến 700 km), vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ, qua nhiều đèo cao, suối sâu, vực thẳm. Cùng với đó, lại còn phải đối phó với vắt rừng, thú dữ và máy bay, biệt kích, thổ phỉ… Nhưng với tinh thần yêu nước, căm thù quân xâm lược và “không có việc gì khó”, 8.000 quân (40 đại đội) của hai đội 34 và 40 hành quân đến đích an toàn, đúng hạn định. Trên đường đi, gặp các đoàn dân công, chúng tôi chào và hỏi thăm nhau, cùng nhau “hò lơ, hò lờ”, nhảy điệu “sol la sol”, thật sôi động, vang cả núi rừng.

Các đơn vị khác đi về hướng Việt Bắc, cùng một số đơn vị từ các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên… thành lập hai đội 36 và 38, khoảng 4.000 quân (20 đại đội). Ðội 42 làm nhiệm vụ tuyển quân. Ở khu V cũng lập một đội TNXP với 4.000 quân…

Các đội TNXP có hàng chục loại công việc, từ làm lán trại, kho tàng, đào hầm, đến bốc vác, vận chuyển hàng hóa, cáng thương, tải đạn… Nhưng nhiệm vụ quan trọng, chủ yếu nhất của TNXP là bảo đảm giao thông chiến dịch thông suốt trong mọi tình huống. Với khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến”, “tất cả để chiến thắng”, hai đội 34 và 40 được bố trí quân từ Mộc Châu đến Ðiện Biên Phủ, dài khoảng hơn 200 km, có nhiều cầu, đèo, ngã ba, là nơi địch thường xuyên đánh phá để ngăn chặn sự vận chuyển hàng của ta từ hậu phương lên tiền phương, nơi ít nhất là một đại đội, nơi nhiều nhất từ ba đến sáu đại đội.

Phát hiện có quân ta trên đường 41, ban đầu địch đánh từ xa như: Suối Rút, Chợ Bờ, Mộc Châu, nhưng khi bộ đội ta đánh mạnh vào Ðiện Biên Phủ thì địch tập trung mọi khả năng, phương tiện đánh vào các trọng điểm mà chúng cho rằng ta không thể khắc phục được, như: đèo Chiềng Ðông, đèo Chẹn…, nhất là ngã ba Cò Nòi, ngã ba Tuần Giáo, đèo Pha Ðin. Trong đó, tại ngã ba Cò Nòi, nơi gặp nhau giữa đường 41 (đường 6) từ Thanh Hóa, Hòa Bình lên, đường 13 từ các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Việt Bắc sang, được mệnh danh là “chảo lửa”, “túi bom”, “cửa tử”, có ngày địch dùng đến 69 lượt máy bay các loại, ném tới 300 quả bom; có đợt, chúng đánh phá hai đến ba tuần liên tục, với cường độ rất quyết liệt…

Ðèo Pha Ðin cao 1.600m so với mặt nước biển, dài 32 km quanh co và dốc thẳm, đoạn trên song song với đoạn dưới chồng lên nhau, địch đánh trúng một đoạn là có thể phá hai ba đoạn, ta khó khắc phục. Tại đây, có ngày địch thả 160 quả bom và dùng các thủ đoạn đánh phá như ở ngã ba Cò Nòi. Trên đèo này, có lần 10 xe ô-tô chở đạn của ta được lệnh chạy ban ngày, khi máy bay địch phát hiện được đã quần đảo bắn phá, đồng chí Trịnh Văn Huyền đã dũng cảm nhảy lên xe bốc được chín viên đạn xuống, thì một xe khác bốc cháy. Lợi dụng lúc máy bay lượn vòng ra xa, đồng chí Huyền lên ca-bin xe hướng dẫn từng chiếc vào bìa rừng, ven suối. Khi máy bay địch quay lại, thấy mất mục tiêu đã bay đi. Cứu được bảy xe đạn, cũng là lúc đồng chí Huyền bị thương, được đồng đội đưa về đơn vị cứu chữa. Ðồng chí Huyền đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhì, được Bác Hồ biểu dương và tặng áo lụa.

Với gần 20 nghìn TNXP tham gia chiến dịch, là lực lượng chủ lực sát cánh với bộ đội, có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất, lực lượng TNXP mở hàng trăm km đường, vận chuyển hàng nghìn tấn lương thực, vũ khí, phá hàng nghìn quả bom các loại, san lấp hố bom với hàng chục nghìn m3 đất, đá…, vượt qua mưa bom, bão đạn, bảo đảm giao thông thông suốt. Khi chiến dịch diễn ra quyết liệt, TNXP đã bổ sung cho quân đội 8.000 quân trực tiếp chiến đấu, góp phần làm nên chiến thắng Ðiện Biên Phủ “chấn động địa cầu”. Ngày 8-5-1954, Bác Hồ gửi thư khen: “Cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang”. Còn Ðại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng: Trong chiến dịch, nếu không có TNXP thì bộ đội cũng gặp nhiều khó khăn, tôi luôn coi TNXP như bộ đội. Chúng tôi vui mừng hò reo, múa hát và mừng sẽ được về xuôi để tiếp tục đi học, được về quê…, nhưng nhận được lệnh và được bổ sung 8.000 quân, hai đội 34 và 40 lại hành quân lên biên giới làm đường mới về thị xã Lai Châu dài gần 100 km, trong điều kiện vô vàn khó khăn, thiếu thốn, thời tiết hết sức khắc nghiệt, núi rừng hiểm trở…

Với chiến công và thành tích xuất sắc kể trên, năm 2011, Lực lượng TNXP Ðiện Biên Phủ vinh dự được Ðảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ðây là niềm vinh dự, tự hào của lực lượng TNXP, mà trực tiếp là hai Ðội 34 và 40, trong đó có sự đóng góp của hơn 300 đồng chí TNXP đã anh dũng hy sinh, nằm lại trên các nẻo đường phục vụ chiến dịch Ðiện Biên Phủ và làm đường chiến lược Lai Châu – Ma Lù Thàng. Ðể tôn vinh những người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, tỉnh Sơn La xây dựng tượng đài TNXP Ðiện Biên Phủ ở ngã ba Cò Nòi; tỉnh Lai Châu xây dựng nghĩa trang liệt sĩ TNXP ở Sìn Hồ, trở thành địa chỉ để cựu TNXP, thanh, thiếu nhi và nhân dân đến thăm viếng, hương khói những ngày lễ, ngày Tết, làm ấm lòng hương hồn các liệt sĩ yên nghỉ nơi đây.

NGUYỄN TIẾN NĂNG

Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam, nguyên Ðội phó Ðội 34 TNXP Ðiện Biên Phủ