Thành nhà Hồ nay thuộc địa phương nào?
Trong bản đồ du lịch Việt Nam nói chung và xứ Thanh nói riêng, bạn sẽ không thể bỏ qua Thành nhà Hồ – điểm du lịch có giá trị về cả lịch sử, văn hóa và kiến trúc. Trong nội dung bài viết Thành nhà Hồ nay thuộc địa phương nào?, chúng tôi sẽ giúp Quý vị có thêm thông tin về địa điểm du lịch thú vị này.
Thành nhà Hồ thuộc tỉnh nào?
Thành nhà Hồ (hay còn gọi là thành Tây Đô, thành An Tôn, thành Tây Kinh hay thành Tây Giai) là kinh đô nước Đại Ngu (quốc hiệu Việt Nam thời nhà Hồ).
Từ thành phố Thanh Hoá, theo quốc lộ 45 ngược lên phía bắc, qua các huyện Đông Sơn, Thiệu Hoá, đến huyện lỵ Vĩnh Lộc, ngược con đường Thiên Lý xưa kia độ 2 km là chúng ta đã đến Thành Tây Đô hay còn gọi là Thành An Tôn, Thành Tây Giai, thành Nhà Hồ thuộc địa phận hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá ngày nay.
Thành nhà Hồ được xây dựng vào thời gian nào?
Thành Tây Đô được xây vào năm 1397 dưới triều Trần do quyền thần Hồ Quý Ly chỉ huy, người không lâu sau (1400) lập ra nhà Hồ. Theo sử sách, thành bắt đầu xây dựng vào mùa xuân tháng một năm Đinh Sửu niên hiệu Quang Thái thứ 10 đời vua Thuận Tông của vương triều Trần.
Người quyết định chủ trương xây dựng là Hồ Quý Ly, lúc bấy giờ giữ chức Nhập nội Phụ chính Thái sư Bình chương quân quốc trọng sự, tước Tuyên Trung Vệ quốc Đại vương, cương vị Tể tướng, nắm giữ mọi quyền lực của triều đình. Người trực tiếp tổ chức và điều hành công việc kiến tạo là Thượng thư bộ Lại Thái sử lệnh Đỗ Tỉnh (có sách chép Mẫn). Hồ Quý Ly xây thành mới ở động An Tôn (nay thuộc địa phận các xã Vĩnh Long, Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa), làm kinh đô mới với tên Tây Đô, nhằm buộc triều Trần dời đô vào đấy trong mục tiêu chuẩn bị phế bỏ vương triều Trần. Tháng 3 năm Canh Thân (26-3 đến 24-4-1400), vương triều Hồ thành lập (1400- 1407) và Tây Đô là kinh thành của vương triều mới, thành Thăng Long đổi tên là Đông Đô vẫn giữ vai trò quan trọng của đất nước. Vì vậy thành Tây Đô được dân gian quen gọi là Thành nhà Hồ.
Thành đá được xây dựng trong một thời gian kỷ lục, chỉ chừng 3 tháng. Các cấu trúc khác như các cung điện, rồi La Thành phòng vệ bên ngoài, đàn Nam Giao… còn được tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cho đến năm 1402. Hổ Quý Ly từ khi nắm quyền lực của triều Trần cho đến khi sáng lập vương triều mới đã ban hành và thực thi một loạt chính sách cải cách về các mặt chính trị, kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục nhằm khắc phục cuộc khủng hoảng của chế độ quân chủ cuối triều Trần, củng cố chính quyền trung ương và chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Minh.
Trong lịch sử chế độ quân chủ Việt Nam, Hồ Quý Ly là một nhà cải cách lớn với một hệ thống chính sách và biện pháp khá toàn diện, táo bạo. Thành nhà Hồ được xây dựng và tồn tại trong những biến động cuối thế kỷ XIV đầu thê kỷ XV, gắn liền với sự nghiệp của nhà cải cách lớn Hồ Quý Ly và vương triều Hồ.
Theo chính sử, thành được xây dựng rất khẩn trương, chỉ trong 3 tháng. Thành Tây Đô ở vào địa thế khá hiểm trở, có lợi thế về phòng ngự quân sự hơn là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá. Vị trí xây thành đặc biệt hiểm yếu, có sông nước bao quanh, có núi non hiểm trở, vừa có ý nghĩa chiến lược phòng thủ, vừa phát huy được ưu thế giao thông thủy bộ.
Thành nhà Hồ được xây dựng như thế nào?
Thành Tây Đô được xây dựng trên bình đồ kiến trúc gần vuông. Hiện nay, thành có độ cao trung bình 7m đến 8m, các cổng thành còn khá nguyên vẹn, riêng cửa nam cao tới 10m. Thành Tây Đô là bằng chứng về sức lao động và tài năng của nhân dân ta và là công trình mang nhiều giá trị lịch sử văn hoá to lớn. Nét đặc sắc của tường thành này là ở phần xây đá bên ngoài, còn bên trong đắp đất. Mặt ngoài thành được gia cố bằng những tảng đá xanh đẽo vuông vức, công phu ít nhất có từ 4 đến 5 mặt phẳng. Nhiều phiến rất to ở cửa Tây (dài tới 5,1m, rộng 1,59m, cao 1,30m), được xếp chồng lên nhau thành hình chữ công.
Những phiến đá nặng hàng tấn chỉ xếp lên mà không cần chất kết dính vẫn đảm bảo độ bền vững. Qua hơn 600 năm trường tồn cùng những biến cố, thăng trầm của đất nước và tác động của thời tiết, hệ thống tường thành còn khá nguyên vẹn cho đến ngày nay. Tường thành không những được xây bằng đá tảng mà năm Tân Tỵ (1401), Hồ Hán Thương hạ lệnh cho nhân dân nung gạch để xây thêm phần tường thành phía trên. Phần tường gạch ngày nay gần như không còn nữa nhưng những viên gạch vẫn thấy nằm rải rác trong các gia đình gần thành.
Cho đến nay, nơi khai thác và cung cấp đá cho việc xây dựng thành Tây Đô và cả việc chuyên chở vật liệu đang là đề tài bàn bạc. Nhân dân địa phương cho biết, người xưa có thể lấy đá ở nhiều nơi quanh vùng Tây Đô, gần nhất là núi đá xanh Yên Tôn, hiện còn những tảng đá xanh mang tên “An Tôn xã”. Hang Tượng dùng để nhốt voi chuyên chở đá xây thành. Con đường phía Tây được lát đá xanh bằng phẳng từ bờ sông Mã đến cửa Tây còn có tên gọi “Bến Đá”. Gần đây, những hộ dân xung quanh đường còn giữ được những viên bi đá. Đá lấy từ nhiều nơi khác, chuyên chở bằng đường sông, đường bộ, chở bằng cộ (loại xe lớn có một bánh gỗ), chở bằng voi kéo, hoặc người ta dùng những viên bi đá cho khối đá khổng lồ trượt lên trên.
Thành Tây Đô có 4 cửa : Đông, Tây, Nam, Bắc. Mỗi cửa đều được mở ở chính giữa. Các mặt thành kỹ thuật ghép đá đạt đến trình độ cao. Những cổng thành được xếp các phiến đá theo hình múi cam.
Thành Nhà Hồ là hiện tượng có tính đột khởi về kỹ thuật khai thác, chế tác và xây dựng một đại công trình với nguyên liệu cơ bản là các tảng đá lớn. Không phải công trình duy nhất trong nước và khu vực có lối kiến trúc bằng đá, nhưng Thành Nhà Hồ vẫn là minh chứng “vô tiền khoáng hậu” về kỹ thuật xây dựng khác biệt, độc đáo.
Di tích thành nhà Hồ đã được Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích cấp quốc gia, có giá trị đặc biệt quan trọng của dân tộc vào năm 1962.
Tiếp theo đó là 11 năm đệ trình hồ sơ lên Uỷ ban Di sản Thế giới. Đến ngày 27 tháng 6 năm 2011, tổ chức UNESCO đã chính thức công nhận thành nhà Hồ di sản văn hoá thế giới.
Cấu tạo thành nhà Hồ
Thành nhà Hồ được xây dựng chỉ trong vòng 3 tháng, sau đó được tiếp tục hoàn thiện cho đến năm 1402. Nơi này có địa thế khá hiểm trở với núi non dựng đứng, sông nước bao quanh, vừa có ý nghĩa chiến lược trong phòng thủ quân sự, vừa phát huy được ưu thế giao thông đường thuỷ.
Thứ nhất: Thành nội
Thành nội có hình chữ nhật dài 870,5m theo chiều Bắc – Nam và 883,5m chiều Đông – Tây. Bốn cổng thành Nam – Bắc – Tây – Đông gọi là tiền – hậu – tả – hữu. Các cổng của thành nội đều xây kiểu vòm cuốn, đá xếp múi, các phiến đá được xây dựng đặc biệt lớn. Thành nhà Hồ có trình độ kỹ thuật xây vòm đá rất cao. Các phiến đá nặng hàng chục tấn được ráp với nhau một cách tự nhiên, không chất kết dính mà vẫn còn tồn tại sau 600 năm.
Thứ hai: Hào thành
Hào thành rộng khoảng hơn 90m với phần đáy rộng 52m, sâu hơn 6.5m. Để giữ độ chắc chắn cho Hào thành, người xưa đã dùng đá hộc, đá dăm lót ở phía dưới.
Thứ ba: La thành
Phía trước Hào thành là La thành. La thành hiện tại là tòa thành đất cao 6m, bề mặt rộng 9.2m, mặt ngoài dốc đứng, phía trong thoai thoải, mỗi bậc cao 1.5m, một số vị trí có lát thêm sỏi để gia cố. Toàn bộ La thành xây dựng dựa theo địa hình tự nhiên, tạo nên bức tường thiên nhiên hùng vĩ, có chức năng bảo vệ tòa thành và phòng chống lũ lụt.
Thứ tư: Đàn tế Nam giao
Đàn tế Nam giao được xây dựng ở phía Nam thành nhà Hồ, phía bên trong của La thành với diện tích là 35.000 m2. Đàn tế được chia làm nhiều tầng, trong đó tầng đàn trung tâm cao 21.7m. Chân đàn cao khoảng 10.5m. Phần đàn tế trung tâm bao gồm ba vòng tường bao bọc lẫn nhau.
Chắc hẳn qua bài viết Thành nhà Hồ nay thuộc địa phương nào? Quý vị đã có thêm cho mình nhiều thông tin hữu ích về di tích lịch sử thành nhà Hồ. Chúng tôi rất mong nhận được những thông tin chia sẻ, đóng góp từ Quý độc giả!