Thành lập Cục Quản trị III, Văn phòng Quốc hội
Theo đó, Cục Quản trị III được thành lập trên cơ sở chuyển và nhập Nhà khách Quốc hội tại thành phố Đà Nẵng vào Vụ Công tác miền trung và Tây Nguyên thuộc Văn phòng Quốc hội, trụ sở đóng tại thành phố Đà Nẵng.
Cục Quản trị III có chức năng nghiên cứu, tham mưu, bảo đảm cơ sở vật chất-kỹ thuật, phương tiện, an ninh, an toàn, công tác lễ tân, hậu cần phục vụ các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, đại biểu Quốc hội; quản lý, vận hành các trụ sở làm việc, nhà khách và các công trình hạ tầng, xây dựng khác do Văn phòng Quốc hội quản lý tại thành phố Đà Nẵng;
Cục Quản trị III chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức phục vụ các đoàn khách quốc tế theo chương trình hoạt động đối ngoại của Quốc hội tại các tỉnh, thành phố khu vực miền trung và Tây Nguyên. Đồng chí Nguyễn Văn Định, Vụ trưởng Vụ Công tác miền trung và Tây Nguyên được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Quản trị III, đồng chí Nguyễn Lê Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác miền trung và Tây Nguyên được bổ nhiệm làm Phó Cục trưởng Cục Quản trị III-Văn phòng Quốc hội.
Việc sắp xếp, sát nhập và thành lập mới các đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội được thực hiện Nghị quyết số 18/NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, để đáp ứng yêu cầu đổi mới trong công tác phục vụ các hoạt động của Quốc hội, ngày 12/7/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 22/2022/UBTVQH15 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị Văn phòng Quốc hội là cơ quan hành chính, có chức năng tham mưu tổng hợp, phục vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Nghị quyết nêu rõ, Văn phòng Quốc hội có 21 nhiệm vụ, quyền hạn, trong đó có các nhiệm vụ quyền hạn như tổ chức phục vụ các kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tổ chức thực hiện chương trình công tác và các hoạt động khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nghị quyết quy định cơ cấu bên trong của Văn phòng quốc hội bao gồm: 10 vụ, đơn vị trực tiếp tham mưu, giúp việc Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; 3 vụ, đơn vị tương đương cấp vụ trực tiếp tham mưu, giúp việc các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 14 vụ, cục, đơn vị tương đương cấp vụ tham mưu, giúp việc chung; 2 đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, Văn phòng Quốc hội thành lập mới 1 Vụ (Vụ Thư ký), và thực hiện việc sáp nhập và đổi tên 2 vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội.